HTTLVN.ORG – Trải qua gần 2 năm cả thế giới đã và đang gồng mình chiến đấu với Covid-19, dịch bệnh lây lan, cái chết cận kề, thất nghiệp tràn lan, kinh tế suy giảm…, ít nhiều cũng khiến chúng ta bật lên tiếng kêu than oán trách. Thế nhưng là Cơ Đốc nhân, chúng ta có suy nghĩ gì khi Chúa cho phép nan đề, khốn khổ, tổn thương… xảy đến trong cuộc sống này? Dù chúng ta có những biểu cảm tiêu cực hay tích cực gì đi chăng nữa thì tôi cũng muốn nhắn nhủ rằng hoạn nạn mà chúng ta đối diện được xem như “thước đo đức tin” chúng ta trên bước đường theo Chúa.
Bản thân tôi nhận được những sự dạy dỗ quý báu từ Lời Chúa để đối diện với những thử thách của đức tin khi đến với Kinh Thánh, cụ thể là câu chuyện trong Xuất Ê-díp-tô Ký 15:22-27,
Đoạn, Môi-se đem dân Y-sơ-ra-ên đi khỏi Biển Đỏ, đến nơi đồng vắng Su-rơ; trọn ba ngày đi trong đồng vắng, kiếm chẳng được nước đâu cả. Kế đến đất Ma-ra, nhưng vì nước tại đó đắng, uống chẳng được, nên chi chỗ nầy gọi là Ma-ra. Dân sự bèn oán trách Môi-se rằng: Chúng tôi lấy chi uống? Môi-se kêu van Đức Giê-hô-va; Ngài bèn chỉ cho người một cây gỗ, người lấy liệng xuống nước, nước bèn hóa ra ngọt.
Ấy tại đó, Đức Giê-hô-va định luật lệ cùng lập pháp độ cho dân sự, và tại đó Ngài thử họ. Ngài phán rằng: Nếu ngươi chăm chỉ nghe lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, làm sự ngay thẳng trước mặt Ngài, lắng tai nghe các điều răn và giữ mọi luật lệ Ngài, thì ta chẳng giáng cho ngươi một trong các bịnh nào mà ta đã giáng cho xứ Ê-díp-tô; vì ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bịnh cho ngươi.
Đoạn, dân sự đến đất Ê-lim; nơi đó có mười hai suối nước, và bảy mươi cây chà là; dân sự đóng trại tại đó, gần bên suối nước.
Hoạn nạn tại Ma-ra
Sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải cứu ra khỏi Ai Cập, họ đã phải đối diện thách thức phía trước là Biển Đỏ, phía sau là quân Ai Cập đuổi theo. Bàn tay Chúa giơ ra, họ đã nhìn thấy được việc giải cứu kỳ diệu của Chúa, họ vui mừng hát ngợi khen chúc tụng quyền năng Chúa. Thế nhưng khi họ vào đồng vắng Su-rơ, trong suốt 3 ngày họ không tìm được nước uống và khi đến đất Ma-ra, họ tưởng sẽ được khỏa lấp sự thiếu khát, thế nhưng nước ở đây rất đắng và họ không uống được. Họ bắt đầu oán trách Chúa, oán trách Môi-se. Họ thật sự quên rằng chính Chúa đã dẫn họ ra khỏi Ai cập và vẫn luôn ở với họ, chỉ mới 3 ngày thôi mà họ đã quên rồi. Họ đã quên để lòng trông cậy Ngài.
Nước là nhu cầu cơ bản của sự sống, thiếu nước thì cả con người, động vật, thực vật khó mà sống được. Khi Chúa đụng đến nhu cầu sự sống của chính họ và sử dụng việc “thiếu nước” và “nước đắng” để rèn thử đức tin thì chúng ta có thể thấy khoảng cách từ lòng biết ơn đến sự vô ơn của dân Y-sơ-ra-ên chỉ một bước rất ngắn. Trong Gia-cơ 3:10 có chép “Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự ngợi khen và rủa sả! Hỡi anh em, không nên như vậy”. Chúng ta cũng nhiều lúc cũng ở trong tình trạng như vậy, lắm lúc chúng ta cũng thường xen lẫn ngợi khen và oán trách Chúa.
Thiếu nước dĩ nhiên là đáng lo sợ, nhưng thiếu đức tin lại càng nguy hiểm hơn. Thiếu đức tin, con người sống trong vô vọng, không phương hướng, không có sự trông cậy và hi vọng… khi không có đức tin hoặc đức tin đặt sai đối tượng thì họ luôn bất an, lo lắng, sợ hãi mọi điều. Nhân vật Gióp trong Kinh Thánh đã để lại cho chúng ta một gương mẫu đức tin, dẫu nhiều lần Gióp uống nước đắng, nước đắng của hoạn nạn, bệnh tật, khinh bỉ, chê cười và mất mát… nhưng ông vẫn thốt lên rằng: “Dẫu Chúa giết tôi, tôi vẫn nhờ cậy Ngài” (Gióp 13:15).
Tại Ma-ra, Môi se cùng chịu chung hoàn cảnh thiếu nước, chắc chắn ông cũng cảm nhận cái khát. Nhưng còn hơn cái đắng của nước tại Ma-ra, ông còn phải cam chịu cái đắng từ sự càm ràm của dân sự. Thái độ của Môi se không hòa chung cùng dân sự, ông ngước nhìn lên Chúa, ông kêu cầu Chúa, ông thưa với Chúa thực trạng của dân sự đang đối diện và Chúa chỉ cho ông giải pháp. Chúa chỉ cho ông lấy một cây gỗ, ông cầm lấy và liệng xuống nước, nước hoá ra ngọt (câu 25).
“Cây gỗ” nhắc tôi nhớ đến biểu tượng hình bóng về thập tự giá của Đấng Christ. Đây chính là phương pháp mà Đức Chúa Trời dùng để cứu loài người ra khỏi tội. Thập tự là hình cụ ghê tởm để dành cho tử tội trong thời Đế quốc La mã. Dẫu Chúa Giê-xu vô tội, nhưng Ngài bằng lòng chết thay tội lỗi nhân loại trên thập tự giá. Ngài là Đức Chúa Trời trọn vẹn trong bản tính, nhưng Ngài cũng là con người hoàn toàn, không có chút tội lỗi nào, để dâng chính mình làm sinh tế chuộc tội cho loài người. Ngài đã biến thập giá ghê tởm trở nên thập tự của biểu tượng yêu thương. Tại thập tự giá Ngài đã biến đổi biết bao linh hồn đáng bị chết mất trong tội lỗi, mà nay nhận được sự sống bình an, vui thỏa và phước hạnh. Chỉ có thập tự giá quyền năng sẽ khiến tấm lòng cay đắng của chúng ta trở nên ngọt ngào để giúp ích cho chính mình và ảnh hưởng cho những người đang khát và tìm nước sống.
Phước hạnh tại Ê-lim
Sau khi dân sự trải nghiệm thử thách tại Ma-ra, Chúa dẫn họ đến Ê-lim là một nơi phước hạnh. Trần gian chính là Ma-ra nơi toàn là nước đắng, còn Ê-lim có thể tượng trưng cho thiên đàng là nơi phước hạnh, là đích đến cuối cùng của con người. Tại Ê-lim, có những cây xanh tốt quanh năm, nơi có 12 suối nước, có 70 cây chà là… một quang cảnh màu mỡ, tươi mát, chắc chắn đây là nơi nghỉ ngơi lý tưởng của đoàn người đang đi trong sa mạc. Thế nhưng khi vào được Ê-lim họ lại thiếu lời cảm tạ Chúa. Khi gặp nước đắng tại Ma-ra thì họ oán trách Chúa, nhưng giờ đây tại Ê-lim có đầy đủ mọi nhu cầu, họ nhận được phước hạnh với mọi điều Chúa ban cho nhưng chẳng một lời tạ ơn. Suy nghĩ về nhân loại ngày nay cũng ở trong tình trạng vô ơn như thế, hưởng mọi điều Chúa ban nhưng không biết ơn, không thờ phượng Chúa. Khi hoạn nạn, khi đau ốm, khi thiếu thốn luôn oán trách “Ông Trời sao để tôi khổ thế này?”
Cơ Đốc nhân cần nhận biết rằng phải qua Ma-ra thì mới đến được Ê-lim, phải chịu đựng uống nước đắng, trải qua những khó khăn, hoạn nạn thì mới nhận mão triều thiên của Đức Chúa Trời. Như Công Vụ Các Sứ Đồ 14:22 có chép “phải trải qua nhiều nỗi khó khăn, mới vào được nước Đức Chúa Trời”. Ngài đặt để chúng ta tại Ma-ra đầy nước đắng này để chúng ta trải nghiệm sự rèn luyện, sự dạy dỗ và nhận biết Chúa rõ hơn. Chúng ta sẽ kinh nghiệm được Chúa Giê-xu chúng ta là Đức Chúa Trời quyền năng, Ngài tể trị dòng lịch sử nhân loại và tể trị từng đời sống cá nhân chúng ta. Ngài không để chúng ta quá sức trong hoạn nạn, Ngài sẽ mở đàng, Ngài giải cứu khi chúng ta ngước nhìn lên Chúa kêu cầu Ngài “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho, ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa chưa từng biết” ( Giê-rê-mi 33: 3). Chúa toàn năng, Ngài biết nan đề chúng ta hơn chúng ta biết về chính mình, nên hãy phó thác, tin cậy, trông đợi Chúa chẳng thôi. Hãy nhận biết Chúa, đừng oán trách, kêu than vì mọi sự chúng ta đang trải qua đều nằm trong chương trình của Ngài và Chúa vẫn luôn đồng hành cùng chúng ta luôn. Dẫu chúng ta đang ở trong trũng bóng chết của cuộc đời thì cây trượng và cây gậy Chúa sẽ gìn giữ, an ủi, bảo vệ chúng ta. Lời Ngài luôn phán với chúng ta “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi, chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi…” ( Ê-sai 41:14).
Khác với những người chưa tin Chúa, chúng ta dầu trong hoạn nạn thử thách của bóng đêm đe doạ, hãy học theo gương của Phao-lô và Si-la cất cao tiếng hát ngợi ca Chúa, trông đợi Chúa trong vui mừng, tin cậy… Chính lời ngợi khen Chúa, lòng vui mừng đã đem đến những ảnh hưởng tốt cho những người chung quanh. Chúa đã thực hiện phép lạ giải cứu họ khỏi xiềng xích của ngục tù và xiềng xích của tội lỗi. Lời ngợi khen tôn cao Chúa đã cứu nhiều linh hồn. Phao-lô kinh nghiệm điều vui mừng trong hoạn nạn, nên ông luôn khuyên con dân Chúa hãy luôn vui mừng, bày tỏ lòng tin cậy bởi sự ngợi khen, cầu nguyện và không quên cảm tạ. Vì ý muốn Chúa luôn tốt lành cho đời sống chúng ta.
“Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa, vì ý muốn Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê xu Christ đối với anh em là như vậy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18)
Đầy tớ gái