Đa-ni-ên 2:1-18
“Vì Chúa là rất lớn, làm những sự lạ lùng: Chỉ một mình Chúa là Đức Chúa Trời mà thôi” (Thi Thiên 86:10).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã tìm đến ai để được giúp đỡ? Ông yêu cầu gì ở họ? Vì sao ông lại yêu cầu như thế? Họ đáp lại thế nào? Ông Đa-ni-ên phản ứng thế nào trước đòi hỏi của vua? Bạn làm gì khi đối diện với nan đề trong cuộc sống?
Mới lên ngôi được hai năm (câu 1), hẳn Vua Nê-bu-cát-nết-sa vẫn còn nhiều dự định và toan tính cho triều đại mình. Vì thế, giấc mơ lặp lại nhiều lần (chữ “chiêm bao” trong câu 1 ở dạng số nhiều) làm ông bối rối, mất ngủ. Ai có thể xoa dịu nỗi bất an và giải nghĩa giấc mơ đang ám ảnh ông? Như thường lệ, ông tìm đến với đội ngũ cố vấn của mình: các đồng bóng, thuật sĩ, thầy bói và người Canh-đê (câu 2). Có lẽ vua cảm nhận giấc mơ này có ý nghĩa quan trọng và cũng vì ông không có lòng tin vào những cố vấn này, nên ông nói: “vì các ngươi đã điều đình với nhau đem những lời giả dối bậy bạ nói cùng ta, cho đến ngày giờ sẽ thay đổi” (câu 9b), vì vậy vua đưa ra một đòi hỏi kỳ quặc với họ, không chỉ giải nghĩa giấc mơ, mà trước hết họ phải kể cho ông biết ông đã mơ thấy gì (câu 9c).
Một đòi hỏi phi lý và điên rồ! Với sự hiểu biết khoa học, chiêm tinh và bói toán, các “đồng bóng, thuật sĩ” là các nhà thông thái hoàn toàn bất lực (câu 10-11). Kiến thức và cả tôn giáo của người Canh-đê giờ đây bộc lộ bản chất giới hạn, bất năng, thậm chí là phỉnh gạt của nó. Chúng không thể xoa dịu bất an trong lòng vua. Chúng cũng không cứu được những cố vấn của mình khỏi tội chết.
Cũng nằm trong số những người sắp bị xử tử theo lệnh vua, khi nghe thuật lại sự tình, “tức thì Đa-ni-ên vào, xin vua cho mình một hạn nữa, hầu có thể giải nghĩa điềm chiêm bao đó cho vua” (câu 16). Rồi ông trở về “tỏ sự ấy cho các bạn mình”, “xin họ cầu Đức Chúa Trời dủ lòng thương xót” (câu 17-18). Không hề do dự, ông Đa-ni-ên nhận thức Chúa mà ông thờ phượng thật vĩ đại; không thấp kém và bất năng như các thần của các thầy bói, thuật sĩ Ba-by-lôn. Tri thức của Ngài cũng không giới hạn như sự khôn ngoan của người Canh-đê. Ông tin Chúa của mình có lời giải đáp cho vấn đề của vị vua ngoại giáo này.
Được đào tạo học thức, khôn ngoan của người Canh-đê, nhưng ông Đa-ni-ên nhận biết giới hạn của kiến thức ấy và sự vô hạn của Đức Chúa Trời mà ông thờ phượng. Ông không ngồi đó chịu trận, nhưng tích cực tìm lời giải đáp từ Chúa cho vấn đề khó mà thế giới học thuật, tôn giáo bất năng. Khi chúng ta và người thân đối diện với nan đề, hãy vững lòng tìm đến với Chúa như ông Đa-ni-ên để “cầu Đức Chúa Trời ở trên trời dủ lòng thương xót.”
Bạn có thật sự tin Chúa có câu trả lời cho mọi vấn đề không?
Lạy Cha của con, lắm khi con cứ tưởng Cha chỉ quan tâm đến những vấn đề tâm linh, để rồi con loay hoay trong vô vọng với những nan đề trong cuộc sống. Xin giúp con tin Ngài quan tâm đến toàn thế giới và Ngài có lời giải đáp cho mọi nan đề.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 21:43-22:20
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org
Kênh Youtube BHKTHN: