Nền Tảng Thánh Kinh – Thần Học Của Đức Tin Gắn Kết Với Tâm Trí

4699

I. Giới thiệu

Trong lĩnh vực đức tin và tín ngưỡng tôn giáo, người ta thường cho rằng đức tin không cần đến lý trí, hoặc cần rất ít sự can thiệp của lý trí. Chính vì suy nghĩ như vậy, người chưa tin thường nhận định đức tin phản khoa học, còn người tin thì ít quan tâm đến việc sử dụng tâm trí để giải thích niềm tin của mình. Từ góc nhìn của đức tin Cơ Đốc giáo, bài viết này không có ý muốn nói rằng lý trí có thể giải thích tất cả mọi điều về đức tin bởi vì đức tin Cơ Đốc không chỉ cần đến lý trí mà còn cần nhiều phương diện khác.[1] Nhưng điều bài viết muốn nhấn mạnh là đức tin Cơ Đốc gắn liền và không thể tách rời khỏi lý trí. Thật vậy, nếu nhận biết cuộc đời con người bắt nguồn từ ân sủng của Đức Chúa Trời mà cực điểm của mục đích cuộc đời ấy chính là phản chiếu hình ảnh của Ngài, thì trọn cả đời sống người tôn thờ Đức Chúa Trời luôn có sự vận dụng và tranh đấu với lý trí trong niềm tin của họ.

Nói cách khác, hành trình đời người khởi nguyên và tiếp diễn trong ân sủng của Ba Ngôi Đức Chúa Trời chính là nền tảng cho sự gắn kết liền lạc giữa đức tin và lý trí, tấm lòng và tâm trí,  cảm tính và hành động của người Cơ Đốc. Do vậy, đức tin Cơ Đốc hiển nhiên gắn kết và cần phải gắn kết với tâm trí của người tin khi họ nhìn về Ơn Sáng Tạo, Ơn Cứu Rỗi, và Ơn Kêu Gọi mà Đức Chúa Trời dành cho họ. Nền tảng này được gói gọn trong Ê-phê-sô 2:10,“Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng trong Đấng Christ Jêsus để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo.” Dựa trên nền tảng này, bài viết khẳng định rằng bởi vì chúng ta là công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời khôn ngoan, là tạo vật mới trong Đấng Christ – Con Người khôn ngoan toàn hảo, và được kêu gọi để tiếp nối công tác tốt lành của Đức Chúa Trời trên thế giới, nên đức tin của chúng ta hoàn toàn gắn liền với tâm trí.

II. Đức tin và lý trí

Trước khi đi vào khám phá nền tảng Thánh Kinh về lý trí trong đức tin dựa trên hành trình ân sủng của người Cơ Đốc, chúng ta cần biết sơ lược về khái niệm đức tin, lý trí, và mối liên hệ giữa chúng trong Thần học Thánh Kinh.

  1. Đức tin

Trong truyền thống Cơ Đốc giáo, đức tin là một mỹ đức cùng với hi vọng và tình yêu thương (theo I Cô-rinh-tô 13:13). Theo đó, đức tin là “một thiên hướng ổn định thúc đẩy một người hướng về Đức Chúa Trời nhờ ân điển.”[2] Augustine ở Hippo (354-430) từng nhận định rằng nếu không có đức tin, con người sẽ không có gì để hi vọng; nếu không có hi vọng, con người sẽ tuyệt vọng trong hành trình chạm đến những thực tại mà đức tin hướng đến; và nếu không có tình yêu thương, con người sẽ không khát khao đạt đến sự thiện mỹ mà họ đã tin.[3] Chính vì thế mà Cơ Đốc nhân khá quen thuộc với định nghĩa đức tin của tác giả bức thư gửi người Hê-bơ-rơ rằng “đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1, TTHĐ).

a. Bản chất của đức tin

Kinh Thánh cho biết đức tin là tặng phẩm của Đức Chúa Trời, bởi con người không thể tự mình đạt được sự hiểu biết chắc chắn và đúng đắn về Đức Chúa Trời hay về các thực tại thiêng liêng. Điều này được minh chứng trong các thư tín của các Sứ đồ. Sứ đồ Phi-e-rơ đã nhấn mạnh trong thư của ông rằng Cơ Đốc nhân nhờ sự công chính của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu Christ mà nhận lãnh đức tin (II Phi-e-rơ 1:1). Trong thư Phi-líp, Phao-lô cũng đề cập rằng thông qua Đấng Christ, chúng ta được ban ơn để tin Ngài (Phi-líp 1:29). Trong một bức thư khác, Phao-lô khẳng định rằng sự cứu rỗi dành cho con người là nhờ ân điển và bởi đức tin (Ê-phê-sô 2:8). Cả ân điển, đức tin, và sự cứu rỗi đều là tặng phẩm của Đức Chúa Trời bởi vì đức tin chỉ có thể đến từ tấm lòng được biến đổi, mà tấm lòng được biến đổi là việc làm của Đức Chúa Trời. Càng có đức tin, tấm lòng càng được biến đổi; tấm lòng càng được biến đổi, đức tin càng mạnh mẽ. Nói như vậy không có nghĩa là tấm lòng cứng cỏi, vô tín là “lỗi” của Đức Chúa Trời. Con người vẫn phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về sự đáp ứng của mình đối với ân điển và sự mặc khải của Ngài trong Kinh Thánh (Giăng 5:39-40). Vậy, theo Kinh Thánh, đức tin là món quà của Đức Chúa Trời dành cho con người khi con người đáp ứng với ân điển của Đức Chúa Trời.

Trong phương diện thần học, nói theo cách kinh điển, đức tin bao gồm hai khía cạnh cơ bản: khía cạnh khách quan là niềm tin hay tín lý (beliefs or doctrines) mà người tin nhất trí với, và khía cạnh chủ quan là hành động đặt lòng tin (fiducia) mà qua đó những tín lý được tin là chân lý.[4] Một người có đức tin không chỉ là vì họ đồng ý với những tín lý của Cơ Đốc giáo, mà còn được thôi thúc để đặt lòng tin nơi Chúa và các chân lý đó. Có rất nhiều người nhận định tín lý Cơ Đốc giáo thật hay, thật đúng, nhưng chưa từng đặt lòng tin nơi Chúa hay để cho các tín lý tác động đến đời sống họ. Ngược lại, một số người có thể đặt lòng tin nhưng lại chưa hiểu rõ về những tín lý mà họ đang tin theo. Tuy nhiên, với hai khía cạnh song hành của đức tin – tín lý và hành động đặt lòng tin, người tin sẽ được lớn lên mỗi ngày về cả sự hiểu biết lẫn lòng tin cậy. Hơn thế nữa, bởi vì đức tin không tách rời khỏi hy vọng và tình yêu thương nên càng có đức tin, người tin càng lớn lên về hy vọng về những thực tại thiêng liêng và về lòng yêu mến những giá trị thiêng liêng mà trong hiện tại họ chỉ mới nếm trải được một phần. Do vậy, hai khía cạnh của đức tin được thể hiện hoà hợp trong đời sống của người tin.

b. Đối tượng của đức tin

Hai khía cạnh của đức tin cho thấy đối tượng của đức tin Cơ Đốc bao gồm đối tượng chính thứcđối tượng dữ kiện.[5] Đối tượng chính thức của đức tin Cơ Đốc là chính Đức Chúa Trời Ba Ngôi mà người tin đặt lòng tin vào; đối tượng dữ kiện là những chân lý về Đức Chúa Trời mà người tin nhất trí với. Cả hai loại đối tượng của đức tin được mặc khải qua hai hình thức: mặc khải đặc biệt qua thân vị của Chúa Giê-xu và Kinh Thánh và mặc khải phổ quát qua thiên nhiên. Đối tượng dữ kiện được xác nhận bởi đối tượng chính thức, và đối tượng chính thức là nền tảng để chúng ta đồng ý với các đối tượng dữ kiện. Điều này cho thấy đối tượng chính thức (tức là chính Chúa) là đối tượng tối hậu của đức tin Cơ Đốc. Tin Chúa không chỉ là tin có Chúa, tin những điều được dạy về Chúa và tin điều Chúa dạy, mà còn là tin vào chính Chúa. Do đó, tin Chúa là bước vào trong mối liên hệ với Chúa – đây là một món quà hay sự mặc khải của Đức Chúa Trời dành cho con người. Càng ở trong mối liên hệ với Chúa, chúng ta càng hiểu biết và được thôi thúc để tìm hiểu về Chúa; càng hiểu biết về Chúa, chúng ta được thôi thúc ở trong mối liên hệ với Ngài. Sự liên hệ này được Anselm ở Canterbury (c.1033-1109) của thế kỷ thứ XI gói gọn trong cụm từ Latin fides quaerens intellectum (“faith seeking understanding”), nghĩa là “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết.”[6] 

c. Biểu hiện của đức tin

Chúng ta biết đức tin và đối tượng của đức tin Cơ Đốc, vậy biểu hiện của đức tin là gì? Kinh Thánh cho thấy “đức tin không chỉ là một trạng thái của nội tâm hay nhận thức mà là đặc điểm chi phối toàn bộ lối sống của một người;” do đó, các khía cạnh của biểu hiện đức tin bao gồm “sự trung thành, sự trung tín, và sự vâng phục.”[7] Một số ví dụ đời sống đức tin trong Kinh Thánh là Áp-ra-ham, Gióp, Ru-tơ, và nhiều tấm gương khác. Họ có đối tượng đức tin là chính Đức Chúa Trời, những dữ kiện về Ngài như là Đức Chúa Trời là Đấng công bình, Đấng giàu lòng thương xót, Đấng tốt lành, v.v… Với đức tin nơi Chúa, họ trung thành, trung tín, và vâng phục Chúa ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Ông Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi đi đến nơi mình chưa biết, và tin lời Chúa hứa về một tương lai với dòng dõi đông đúc trong khi ông đã già nua mà chưa có con. Trên hết, Áp-ra-ham “tin Đức Giê-hô-va nên Ngài kể ông là người công chính” (Sáng Thế Ký 15:6). Ông Gióp đã vượt qua cơn thử nghiệm của Sa-tan giữa cảnh thân tàn ma dại và trắng tay, ông vẫn khẳng định rằng “Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống, đến cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất; dù khi da thịt tôi tan nát, với xác thân nầy tôi vẫn thấy Đức Chúa Trời” (Gióp 19:25-26). Cô Ru-tơ là một người thuộc dân ngoại nhưng vì kinh nghiệm được Đức Chúa Trời là ai trong gia đình nhà chồng nên cô đã quả quyết với mẹ chồng là Na-ô-mi rằng “Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con” (Ru-tơ 1:16), để rồi chính qua dòng dõi của cô, Đấng Christ ra đời. Rõ ràng, đức tin của những tấm gương này không chỉ dừng lại ở nhận thức hay tình cảm mà còn cả kinh nghiệm và ý chí vâng phục.

Phần trên đây cho thấy bản chất của đức tin, đối tượng của đức tin, và biểu hiện của đức tin trên nền tảng Kinh Thánh và thần học lịch sử. Nó cho thấy đức tin không chỉ có lý trí đồng thời cũng không bao giờ loại trừ lý trí. Vậy lý trí là gì và có vai trò như thế nào đối với đức tin?

2. Lý trí

Theo Từ Điển Thần Học Thánh Kinh Tin Lành (Evangelical Dictionary of Biblical Theology, Baker Books, 1996), lý trí là phần của con người mà trong đó các suy nghĩ, ý tưởng, sự nhận thức và các quyết định lựa chọn diễn ra.[8]

a. Trong Cựu Ước

Trong tiếng Hê-bơ-rơ của Cựu Ước, lý trí bao gồm toàn bộ các phương diện không thấy được của con người, hay còn gọi là “con người bề trong” (inner person). Do đó, khi Cựu Ước nói đến tâm trí hay lý trí, thì cả tấm lòng (heart), linh hồn (soul) và tâm linh (spirit) đều được kể đến.[9] Khi Cựu Ước nói đến “tấm lòng” (từ leb trong tiếng Hy bá lai) thì có ý nhấn mạnh sự quyết tâm (II Sử Ký 12:14, Nê-hê-mi 4:6), sự hiểu biết và sự lĩnh hội khôn ngoan (I Các Vua 3:12, Châm Ngôn 16:23, Châm Ngôn 18:15), sự hoạch định để hành động (Châm Ngôn 16:1, 9), sự lựa chọn đúng đắn (Sáng Thế Ký 20:5; Gióp 11:13). Tuy nhiên, tấm lòng cũng là chỗ dễ bị lừa gạt, trở nên ngang ngược và không thể hiểu được chân lý (Châm Ngôn 10:20; 11:20; 12:8; 17:16, 20).[10] Vậy, tấm lòng trong Cựu Ước không chỉ mang nghĩa tình cảm, cảm xúc, mà là khả năng suy nghĩ, hiểu biết, lĩnh hội, ra quyết định và biểu hiện ý chí. Từ tâm linh (ruah) trong Cựu Ước chỉ về con người bề trong theo ý nghĩa có kiến thức, kỹ năng, có tài lên kế hoạch và quản lý (như chuyện Đa-vít trao các đồ án xây dựng cho Sa-lô-môn, I Sử Ký 28:12), có suy nghĩ nhận thức (Ê-xê-chi-ên 11:5, 20:32), có lòng quyết tâm (Dân Số Ký 5:20).[11] Từ tâm hồn hay linh hồn (nepes) liên hệ đến khía cạnh tinh thần và trí tuệ của đời sống, mô tả một người biết suy nghĩ, nhận thức, và có ý chí để chọn lựa phục vụ Chúa (I Sử Ký 22:19; 28:9; Phục Truyền 18:6, Truyền Đạo 7:28, I Sa-mu-ên 2:35).[12] Vậy, cách dùng của Cựu Ước cho thấy lý trí đồng nghĩa với toàn bộ con người bề trong, nhấn mạnh suy nghĩ đúng đắn và quyết tâm mạnh mẽ.

b. Trong Tân Ước

Trong Tân Ước, tâm trí hay lý trí có nghĩa rộng là “thế giới quan” của một người và cách mà nó tác động đến sự nhận thức hay sự lĩnh hội của người đó.[13] Nói cách dễ hiểu, tâm trí giống như một chiếc cửa sổ mở ra thế giới bên ngoài để người bên trong căn phòng có thể lĩnh hội thế giới ấy. Nhận thức về thế giới bên ngoài, những diễn biến bên trong và những quyết định hành động của con người đó tùy thuộc hoàn toàn vào lăng kính và hình dáng của chiếc cửa sổ đó. Thế giới quan này trải dài từ những ý tưởng, quan điểm cho đến định hướng nội tâm hoặc khuynh hướng đạo đức (Rô-ma 1:28; Ê-phê-sô 4:17; Cô-lô-se 2:18; I Ti-mô-thê 6:5; Tít 1:15), một cơ quan quyết định phương cách hành động (Rô-ma 7:23) hoặc tình trạng của sự hiểu biết (Lu-ca 24:45; I Cô-rinh-tô 14:14-15, 19). Như vậy, từ lý trí trong Tân Ước mô tả quá trình tư duy, suy nghĩ, nhận biết đúng sai và kết quả của quá trình đó là các ý tưởng, quan điểm hay thế giới quan.[14]

Dựa trên Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta thấy lý trí chỉ đến “hệ thống tư tưởng và cơ quan suy gẫm và lĩnh hội của nhận thức.”[15] Chính bằng lý trí hay tâm trí mà một người đưa ra những quyết định có đạo đức hay phi đạo đức, tiếp nhận Chúa và vâng lời Ngài hay là từ chối Ngài và phản loạn. Chúng ta sẽ nói thêm về sự khác biệt giữa các lựa chọn đối lập này và tiến trình đổi mới tâm trí nhờ Đức Thánh Linh trong các phần sau.

III. Đức tin và hành trình trong ân sủng

“Nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời … Vì chúng ta là công trình [tác phẩm] của tay Ngài, được tạo dựng [tái tạo] trong Đấng Christ Jêsus để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:8-10, TTHĐ).

Đức tin có được là nhờ ân sủng, và cũng nhờ ân sủng mà người đã tin có thể bước đi trong hành trình ân sủng trong tư cách một tác phẩm của Đức Chúa Trời, vốn bị tội lỗi làm hư hỏng, nhưng đã được tái tạo trong Cứu Chúa Giê-xu, để sống với sứ mệnh làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn. Trong tư cách và sứ mệnh đó, đức tin hiển nhiên và cần thiết phải gắn kết với tâm trí, vì bởi ơn sáng tạo, Chúa đã tạo dựng nên chúng ta có tâm trí; bởi ơn cứu rỗi, Chúa đã tái tạo và ban cho chúng ta tâm trí của Đấng Christ; và bởi ơn kêu gọi, Chúa cũng ban cho chúng ta tâm trí hiểu biết ý muốn của Chúa để làm điều mà Chúa đã sắm sẵn.

  1. Ơn sáng tạo: “Chúng ta là công trình của tay Ngài…”

Sáng Thế Ký 1:27 ký thuật rõ rằng “Đức Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài”. Trong lịch sử thần học, giáo lý về sự sáng tạo con người theo hình ảnh của Đức Chúa Trời – imago Dei – có nhiều cách tiếp cận, một trong số đó là phương pháp của các giáo phụ. Theo đó, “hình ảnh của Đức Chúa Trời” được hiểu là cơ quan lý trí của con người phản chiếu sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.[16] Augustine lý giải rằng cơ quan này phân biệt con người với loài vật. Ông nói: “Do đó chúng ta phải trau dồi trong chúng ta cơ quan khiến chúng ta vượt trội hơn loài vật, và uốn nắn nó theo một cách nào đó. […] Vậy chúng ta hãy sử dụng trí khôn […] để phán xét hành vi của chúng ta.”[17] Ở đây, Augustine nhấn mạnh rằng điểm khác biệt của loài người chính là lý trí, là khả năng liên hệ với Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo nên họ. Mặc dù sau sự sa ngã, lý trí của con người đã bị hư hoại, nhưng nó có thể được phục hồi bởi ân điển của Chúa khi họ nhận biết Ngài.[18]

Thật vậy, sự khôn ngoan là một thuộc tính của Đức Chúa Trời, có mặt trong công tác sáng tạo của Ngài. Trong Châm ngôn 8:22-23, sự khôn ngoan được nhân cách hoá, nói rằng: “Đức Giê-hô-va đã có ta [sự khôn ngoan] từ buổi ban đầu theo cách của Ngài. Từ thuở xa xưa, trước mọi công trình của Ngài. Ta đã được lập nên từ trước vô cùng, từ ban đầu, trước khi có địa cầu.” Là tạo vật duy nhất trong cõi thiên nhiên được dựng nên theo imago Dei, con người có tâm trí vượt trội trên muôn loài. Tâm trí đó được ban cho bởi chính Đấng sáng tạo nên con người. Trong I Các Vua 3:9-10, Chúa khen vua Sa-lô-môn đã chọn lựa sự khôn ngoan hơn là giàu có. Cũng chính vua ấy phát biểu rằng: Kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan; nhìn biết Đấng Thánh là khởi đầu sự thông sáng (Châm Ngôn 1:7, 9:10). Sự khôn ngoan không những có trong con người ngay từ khi họ được Đức Chúa Trời sáng tạo, mà trong mối liên hệ với Ngài, họ cũng có thể xin Ngài ban cho. Ông Gia-cơ khuyến khích rằng “nếu người nào trong anh em thiếu sự khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho” (Gia-cơ 1:5). Vậy, sự khôn ngoan hay sự hiểu biết đến từ sự kính sợ Đức Chúa Trời, tùy thuộc Ngài và tìm kiếm chân lý. Đức tin Cơ Đốc là đức tin có suy xét và tìm kiếm sự hợp lý dựa trên tâm trí Chúa đã ban cho bởi ơn sáng tạo của Ngài; mặt khác, Chúa là nguồn của sự khôn ngoan, nên không gì hợp lý hơn là tập trung vào chính Chúa, là đặt lòng tin nơi Chúa.

Vậy, trên cơ sở của sự sáng thế, chúng ta thấy đức tin không thể thiếu sự hiểu biết và khôn ngoan, bởi vì chính Đấng sáng tạo con người là Đấng Khôn Ngoan, và con người là tạo vật theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, có sự khôn ngoan vượt trội các tạo vật khác. Tuy nhiên, sự sa ngã và tội lỗi đã làm hình ảnh của Đức Chúa Trời trong con người, bao gồm cả tâm trí, bị hoen ố. “Tâm trí họ [con người sa ngã] tối tăm, xa lạ với sự sống của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 4:18).  Chỉ nhờ ơn cứu rỗi, hình ảnh Đức Chúa Trời mới được phục hồi con người trong con người mới và có tâm trí được đổi mới.

2. Ơn cứu rỗi: “…được tạo dựng trong Đấng Christ Jêsus…”

Bởi ơn sáng tạo, chúng ta được tạo dựng trong Đấng Christ: “Trong Ngài [Đấng Christ] mọi vật trên trời, dưới đất, vật thấy được hoặc vật không thấy được đều được tạo dựng.” (Cô-lô-se 1:16). Bởi ơn cứu rỗi, chúng ta được tái tạo cũng trong Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:17). Ơn cứu rỗi không chỉ cứu “linh hồn”chúng ta lên thiên đàng sau khi qua đời, mà cứu cả con người chúng ta, biến đổi nó trở nên con người mới trong Đấng Christ, theo hình ảnh Đấng Christ – Đức Chúa Trời nhập thể, Con Người khôn ngoan toàn hảo.

a. Đổi mới tâm trí

Con người mới trong Đấng Christ là con người có tâm trí được đổi mới bởi quyền năng Thánh Linh (Ê-phê-sô 4:23). Sự đổi mới tâm trí này có khởi điểm từ sự tái sinh bởi Đức Thánh Linh (Tít 3:4-7) và tiếp diễn trong đời sống người tin khi người ấy tiếp tục bước đi trong Thánh Linh, “được đổi mới trong nhận thức, theo hình ảnh Đấng tạo dựng người ấy” (Cô-lô-se 3:10). Do vậy, sứ đồ Phao-lô từng khuyên rằng đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:1-2). Đổi mới tâm trí không có nghĩa là loại bỏ tâm trí, mà để cho Chúa bắt phục và biến hoá tâm trí. Nhờ đó, người được đổi mới tâm trí gắn kết đức tin và tâm trí dưới sự điều khiển của Thánh Linh, để hiểu biết Chúa và ý muốn của Chúa cho mình.Vậy, một đời sống được tái sinh không thể bỏ qua sự đổi mới của tâm trí hay coi thường những nhận thức lý trí về Chúa và về ý muốn Ngài. Nói cách khác, tâm trí và tâm linh đi liền với nhau và đều được tái tạo và nuôi dưỡng bởi quyền năng của Đức Thánh Linh và Lời Chúa.

Công tác của Đức Thánh Linh

Nhận thức lý trí và nhận thức tâm linh không tách rời nhau nên chúng tùy thuộc vào nhau. Trong sự hữu hạn của con người, khuynh hướng của nhận thức lý trí chi phối khuynh hướng của nhận thức tâm linh. Dưới sự tác động của Thánh Linh của Đức Chúa Trời, nhận thức tâm linh sẽ chi phối khuynh hướng của nhận thức lý trí. Chẳng hạn, nếu một người đặt ra giới hạn nhận thức tâm linh của mình bằng một khuôn khổ của nhận thức lý trí (của tình trạng sa ngã) rằng “chẳng có Chúa nào cả, cuộc sống của con người là do nỗ lực của người đó,” thì họ sẽ không có nhận thức tâm linh đủ nhạy bén để nhận thấy ân sủng của Đức Chúa Trời trên cuộc đời của họ và nhận biết tình trạng tội lỗi của mình. Ngược lại, một người có nhận thức tâm linh dưới sự tác động của Thánh Linh Đức Chúa Trời thì tâm trí sẽ được khai mở để tiếp nhận lấy chân lý về bản thân, về loài người, về thế giới,về chính Chúa và về mọi điều (Giăng 16:13). Ví dụ, Phao-lô trước khi gặp Chúa có tên là Sau-lơ và với kiến thức về tôn giáo và luật pháp của mình, ông bắt bớ những người theo Chúa Giê-xu. Nhưng khi gặp Chúa, với cùng lý trí và sự hiểu biết ấy giờ đây được đổi mới bởi Đức Thánh Linh, ông đã trở thành một Sứ đồ vĩ đại và nhà truyền giáo lừng danh cho các dân ngoại và hàng vua chúa. Câu chuyện hai môn đồ Em-ma-út cho thấy Lời Chúa có thể được hiểu nhờ tâm trí, nhưng tâm trí con người thiên nhiên chưa đủ, mà cần sự “khai mở” của Chúa để sự hiểu biết đó có thể diễn ra (Lu-ca 24:45).[19] Thật vậy, học thức và sự nỗ lực của con người không làm tâm trí họ đổi mới nếu không có quyền năng và sự mặc khải của Thánh Linh tác động lên người đó.

Mặt khác, nhận thức tâm linh của một người thông đồng với tà linh cũng chi phối nhận thức lý trí của người ấy. Lý trí của họ sẽ được khống chế và dẫn dắt để tin những gì mà tà linh (tinh thần thế gian, ma quỉ, và xác thịt) mong muốn. Chẳng hạn, vua Sau-lơ bị ác thần nhập khi để sự kiêu ngạo và tham lam cai trị (I Sa-mu-ên 15-16); Phi-e-rơ bị Chúa Giê-xu khiển trách và gọi là “ma quỉ” khi nhìn sự hy sinh của Ngài theo mắt xác thịt (Ma-thi-ơ 16:23).

Như vậy, một người được đem vào mối liên hệ với Đức Chúa Trời thông qua Đức Thánh Linh thì cũng bởi Đức Thánh Linh mà có tâm trí đổi mới để hiểu được sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Vì vậy, tâm trí của một người chỉ có thể được đổi mới để nhận lấy sự mặc khải của Đức Chúa Trời chân thần thông qua tác động của Đức Thánh Linh và tiếp tục được đổi mới khi người đó ở trong mối thông công với Đức Chúa Trời. Đó là lý do mà Phao-lô nhắc nhở rằng chúng ta cần “nhờ Thánh Linh đổi mới tâm trí” (Ê-phê-sô 4:23).

Công tác của Lời Chúa

Công tác đổi mới của Đức Thánh Linh là công tác siêu nhiên mà con người không hể hiểu hết được mà chỉ có thể đón nhận với lòng biết ơn và tùy thuộc vào ân sủng Chúa. Tuy vậy, tính siêu nhiên này không bỏ qua sự dự phần của con người trong việc tiếp nhận Lời Ngài. Nếu như bởi đức tin đến từ việc lắng nghe Lời Chúa, chúng ta được cứu và được tái sinh (Rô-ma 10:17), thì cũng bởi đức tin đâm rễ trong Lời Chúa, tâm trí chúng ta được đổi mới. Do đó, để tâm trí luôn ở trong tình trạng được đổi mới mỗi ngày, người được tái sinh cần nuôi mình bằng Lời Chúa. Ông Gia-cơ, trong bức thư nhấn mạnh đức tin và hành động, đã khuyên tín hữu “lấy lòng nhu mì tiếp nhận Lời đã trồng trong anh em, là lời có thể cứu chuộc linh hồn anh em” (Gia-cơ 1:21). Trong Giăng 17, Chúa Giê-xu cầu xin “Cha lấy Lẽ Thật khiến họ nên thánh – Lời Cha tức là Lẽ Thật.” Ông Phao-lô cho biết, vì “anh em đã nghe về Ngài và được dạy dỗ trong Ngài đúng như chân lý trong Đức Chúa Jêsus” (Ê-phê-sô 4:21), nên anh em phải “lột bỏ người cũ thuộc về lối sống ngày trước” và “mặc lấy người mới, là người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong chân lý công chính và thánh khiết” (Ê-phê-sô 4:22, 24). Lời dạy Thánh Kinh cho thấy rõ ràng rằng tâm trí không thể đổi mới nếu tâm trí đó không được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và trong Lời Chúa. Một tâm trí được chiếm hữu với những mối bận tâm của xác thịt và thế gian, không có chỗ để Lời Chúa sinh sôi nảy nở nhưng bị làm cho nghẹt ngòi thì không thể được đổi mới, như Chúa Giê-xu đã dạy qua ẩn dụ về người gieo giống: “Hạt giống rơi giữa bụi gai là người nghe đạo, nhưng sự lo lắng về đời nầy, sự quyến rũ của giàu sang làm cho đạo bị nghẹt ngòi nên không kết quả” (Ma-thi-ơ 13:22).

Như vậy, khi nhận lấy sự cứu rỗi từ nơi Đức Chúa Trời thông qua Đức Chúa Giê-xu Christ nhờ ân điển, bởi đức tin, một người được Đức Thánh Linh biến đổi và thánh hóa toàn diện con người bề trong, tức là tâm trí theo nghĩa Thánh Kinh. Tâm trí này không bị giới hạn bởi (nhưng cũng không tách rời khỏi) lý trí của con người tự nhiên mà được khai mở nhờ sự mặc khải của Thánh Linh trong mối thông công của người đó với Đức Chúa Trời.

b. Imago Dei được khôi phục

Khi một người bước vào mối liên hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời thì được sống động về tâm linh và đổi mới về tâm trí. Vậy, tâm trí này được đổi mới theo chiều hướng nào? Trong nguyên bản sáng thế, con người là hình ảnh của Đức Chúa Trời. Vậy nên sự cứu thuộc của Đức Chúa Trời cho nhân loại thông qua Đấng Christ là sự phục hồi con người sa ngã trở lại nguyên bản này. Do đó, tâm trí con người được đổi mới để trở về với bản chất là hình ảnh của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh ký thuật rõ rằng sau khi tạo dựng nên vũ trụ và vạn vật, Đức Chúa Trời sáng tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài (Sáng Thế Ký 1:26-27). Thuật ngữ thần học mô tả tín lý này là Imago Dei, in the image of God. Một số người giải thích Imago Dei rằng con người phản chiếu tâm trí và phẩm chất của Đức Chúa Trời, như sự khôn ngoan, thiện mỹ, đức hạnh, v.v… Tuy nhiên, theo ngữ cảnh của Sáng thế ký, thì Imago Dei còn hơn như thế, nó nhấn mạnh sự quản trị muôn vật: “Chúng ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh của Chúng Ta và giống như Chúng ta, để quản trị…” (c.26). Nói cách khác, trước hết, Đức Chúa Trời trao ban thẩm quyền cho con người trên thế giới tạo vật, bao gồm cả thế giới nhìn thấy được (khoa học tự nhiên) và không nhìn thấy được (khoa học xã hội – nhân văn), không phải để lạm dụng nó nhưng để quản trị, bảo tồn và phát huy sự tốt lành của nó. Thứ hai, giống như Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Imago Dei đặt con người trong cộng đồng yêu thương và hiệp nhất với nhau. Thông qua sự chết đền tội của Chúa Giê-xu Christ, con người được Đức Thánh Linh tháp vào thân thể của Đấng Christ và làm một với Đấng Christ qua thân thể ấy, như lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong Giăng 17:22 rằng “để họ trở nên một như chúng ta là một.” Thứ ba, chúng ta phản chiếu Đức Chúa Trời bằng cách trở nên giống như Đấng Christ trong sự chịu khổ, sự chết và sự sống lại của Ngài, tức là, chúng ta “mặc lấy Đấng Christ” và có “đồng một tâm trí như Đấng Christ” (Ga-la-ti 3:27; Rô-ma 13:14; Phi-líp 2:5).[20] Ba kết quả đồng thời này của sự cứu rỗi hướng dẫn người tin Chúa nhận biết sự biến đổi của tâm trí mình.

Imago Dei qua chức vụ quản trị

Sự Sa Ngã đã khiến tâm trí con người bị suy thoái. Họ không còn dùng sự khôn ngoan của mình để quản trị muôn loài như ý muốn của Đức Chúa Trời. Thay vào đó, họ dùng hết năng lực, sự giáo dục, trí khôn của mình để kiếm lợi và trở nên giàu có. Thay vì quản trị và phát huy, họ bóc lột, hưởng thụ và tôn thờ thế giới vật chất. Thần học gia người Mỹ Cornelius Plantinga (1946 – ) chỉ ra cách thú vị rằng “chúng ta thường nghĩ đến một kỹ nữ như là một người đem thân thể mình cho vay. Nhưng một người cũng có thể đem tâm trí cho vay khi làm việc cật lực để tỏ ra sống đẳng cấp hơn những người đi chợ và lái xe cho mình.”[21] Mặc dù Imago Dei vẫn còn phảng phất trong con người khi họ nỗ lực để sống nhân đức, cải tạo và xây dựng xã hội và tự nhiên, nhưng bản chất sa ngã đã khiến con người không nhận ra chân lý hay tri thức đích thực. Nói cách khác, họ “áp chế chân lý” (Rô-ma 1:18). Cơ Đốc nhân cũng không bị miễn trừ nếu như dựa vào đức tin mà áp chế tri thức đích thực từ nghiên cứu khoa học và lịch sử của thế giới Chúa sáng tạo nên.[22] Như vậy, sự sa ngã làm cho tâm trí chúng ta bị bẻ cong, như Abraham Kuyper, một hậu duệ của nhà cải chánh John Calvin đã quan sát: khi chúng ta học một điều gì đó, không những chúng ta mang vào những “phần cứng” như năng lực lĩnh hội, suy ngẫm, trí tuệ và lý luận, mà còn mang vào cả những “phần mềm” như những niềm tin, giả định, và cam kết.[23] Không ai nghiên cứu một điều gì một cách khách quan; tất cả mọi việc học đều mang tính dựa trên niềm tin, vấn đề là niềm tin vào ai và điều gì. Plantinga dẫn chứng lời khẳng định của nhà sinh vật học Harvard, Richard Lewontin, như sau: mặc dù có những điều siêu nhiên không thể giải thích được bằng khoa học, nhưng chúng tôi chọn đứng về phía khoa học và chấp nhận những khiếm khuyết của nó, bởi vì “chúng tôi có một cam kết ưu tiên, một cam kết với chủ nghĩa duy vật” và xem “chủ nghĩa duy vật là tuyệt đối bởi vì chúng tôi không cho phép một dấu chân Thần Thánh nào xen vào cả.”[24] Với lăng kính duy vật đó, con người dù khôn ngoan tột đỉnh cũng không thể nhìn biết Đức Chúa Trời hay nhận ra danh tính thật của họ. Tin tức tốt lành là chính Đức Chúa Trời đã khởi xướng can thiệp vào thế giới tâm trí con người từ bên ngoài hệ thống của con người để đem cho chúng ta hi vọng được biến đổi.

Thật vậy, sự cứu rỗi của Con Đức Chúa Trời biến đổi tâm trí chúng ta, định hướng sự nghiên cứu về học thuật và đạo đức để chúng ta trở lại làm người quản trị trung tín của Đức Chúa Trời đối với thế giới tạo vật, cả những vật thấy được và vật không thấy được (NiceneCreed). Sứ mệnh này chỉ có thể được thực hiện khi chúng ta cho phép tri thức loài người được định hình trong câu chuyện ân sủng của Chúa (narrative movement of grace), trong Thần học Cứu thục.[25]

Imago Dei qua tinh thần cộng đồng

Tâm trí đổi mới diễn ra đối với mỗi cá nhân trong bối cảnh cộng đồng. Người Cơ Đốc có hai kiểu cộng đồng mà họ thuộc về. Thứ nhất, họ thuộc về thân thể của Đấng Christ, là Hội Thánh. Thứ hai, họ thuộc về nhân loại, là tập thể tạo vật của Đức Chúa Trời. Vì vậy, tâm trí đổi mới xuất phát từ sự gắn kết với Đấng Christ để gây dựng thân thể Chúa trước hết và thông qua thân thể này, giúp ích cho nhân loại. Khía cạnh cộng đồng của Imago Dei không cho phép người Cơ Đốc tách rời khỏi bất kỳ cộng đồng nào. Mặc dù Chúa đến vì mỗi cá nhân, nhưng cá nhân đó được đem vào mối liên hệ với những người được cứu khác. Đức tin của một cá nhân được xác quyết và lớn lên trong bối cảnh cộng đồng. Cộng đồng đức tin cũng là nơi mà mỗi cá nhân có trách nhiệm giải trình với nhau về hành trình bước đi với Chúa của họ. Một sự hiểu biết về Chúa, một sự kêu gọi sống cho Chúa hay một ân tứ phục vụ thân thể Chúa, v.v… đều diễn ra và xác nhận bởi cộng đồng đức tin, Hội Thánh. Calvin từng nhấn mạnh rằng Hội Thánh là “mẹ của chúng ta,” “nuôi dưỡng chúng ta từ bầu sữa của người.”[26] Chính thông qua Hội Thánh, nhờ “năng lượng huyền nhiệm của Thánh Linh,”mà một cá nhân được hiệp nhất với Đấng Christ.[27] Do đó, việc tiếp nhận những phương tiện của ân sủng, tức Lời Chúa và các Thánh Lễ trong Hội Thánh, là điều cần yếu cho sự sinh trưởng thuộc linh của mỗi cá nhân tín hữu lẫn của toàn bộ Thân Thể Chúa.

Mặt khác, như Đức Chúa Trời đã kêu gọi Áp-ra-ham để từ đó trở nên một dân tộc biệt riêng cho Chúa, Hội Thánh được kêu gọi với tư cách là một tập thể để thi hành sứ mạng với thế giới tạo vật: đem nó trở lại với mối thông công với Đấng Tạo Hoá và quản trị nó theo ý định của Ngài. Vậy, một tâm trí đổi mới không nhận lấy sự mặc khải một cách độc lập và làm việc độc lập khỏi thân thể Chúa. Một tâm trí đáp ứng với sự kêu gọi không phải là một tâm trí hoạt động với sứ mạng lẻ loi vì ích lợi của một cá nhân hay một tập thể nhỏ, kể cả tập thể giáo hội, mà vì lợi ích của toàn nhân loại trong bức tranh cứu chuộc của Đức Chúa Trời.

Imago Dei qua lối sống “mặc lấy Đấng Christ”

Tâm trí đổi mới có một hình mẫu cụ thể là chính Chúa Cứu Thế Giê-xu. Lời dạy Thánh Kinh luôn nhấn mạnh rằng người thuộc về Chúa trở nên giống như Chúa, mặc lấy Chúa, có đồng tâm tình như Chúa. Điều này không nhằm lừa dối chúng ta rằng chúng ta tốt hơn những người không có Chúa, nhưng để nhắc chúng ta về danh tính của mình: hình ảnh của Đức Chúa Trời, hiệp nhất với Đấng Christ và là môn đệ của Đấng Christ.

“Đồng tâm tình với Đấng Christ” (Phi-lip 2:5) thường được hiểu trong văn cảnh sự khiêm nhường, hạ mình của Chúa, vốn rất cần thiết để tránh sự kiêu căng tự phụ. Nhưng điều đó không có nghĩa là xem nhẹ lý trí. Gương mẫu của Chúa ở trần gian cho thấy Ngài chú trọng học hỏi và gắn kết tâm trí với mọi đối tượng trong xã hội. Ngài tranh luận với các thầy thông giáo khi mới lên mười hai tuổi. Ngài dùng ẩn dụ để dạy người đơn sơ, Ngài cũng dùng lý luận sắc bén để đối đáp với giới lãnh đạo tôn giáo, v.v… Mặt khác, đặt nền tảng trong Đấng Christ, tâm trí con người sẽ tránh khỏi tội tự mãn và kiêu căng về học thuật. Người có học thức cao không dùng nó để đe doạ hay bóc lột người bình dân, hay xem ân tứ trong lĩnh vực tri thức của mình là quan trọng hơn các ân tứ khác. Mặc lấy Đấng Christ, tín hữu nhận biết mình luôn cần học hỏi trong tinh thần khiêm nhường và không thể biết hết mọi điều cho đến khi mặt đối mặt với chính Chúa (I Cô-rinh-tô 13). Trên hết, người có đức tin có tâm trí của Đấng Christ trong đời sống hướng dẫn họ hiểu biết đúng về những sự việc và chương trình của Chúa và có thế giới quan nhất quán với cái nhìn của Chúa.

3. Ơn kêu gọi: “…để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo.”

Chúng ta đã thấy việc gắn kết đức tin với tâm trí trên nền tảng của sự sáng tạo và sự cứu rỗi trong hành trình ân sủng mà Đức Chúa Trời dành cho con người. Đích đến của hành trình này trong hiện tại lẫn tương lai chính là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Ê-sai 43:7) và sự khôi phục trật tự ban đầu của muôn loài trở về dưới sự tể trị của Đấng Tạo Hoá, trong vương quốc của Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 1:26-28). Mặc dù sự đến lần thứ nhất của Chúa Cứu Thế đã thực tại hóa Nước Thiên Đàng trên đất, nhưng nó chưa được thành toàn cho đến khi Ngài trở lại. Là những con người nhận được sự cứu rỗi và sống giữa hai lần đến của Chúa Cứu Thế, người tin Chúa được kêu gọi để trở nên công dân vương quốc, tiếp tục công tác của Chúa Cứu Thế nhờ ân sủng và năng lực của Ngài. Nói cách khác, chúng ta sử dụng tâm trí bởi vì sứ mệnh cuộc đời chúng ta là làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo, trong bất kỳ lĩnh vực nào của sự nghiệp.

Sứ mệnh để trở nên công dân Nước Thiên Đàng và đem muôn vật vào trong vương quốc ấy được thực hiện thông qua Hội thánh, nhưng cũng thông qua những chính quyền con người, tất cả những ngành nghề trong xã hội, và cả gia đình. Plantinga đề xuất rằng người tin Chúa trước hết cần tích cực gia nhập một Hội thánh năng động, một hiện thân của dân giao ước của Chúa.[28] Thông qua các phương tiện của ân sủng (Lời và Thánh Lễ), Nước Thiên Đàng và quyền cai trị của Chúa Giê-xu Christ được công bố.

Tuy nhiên, bên cạnh Hội thánh, Chúa cũng dùng các tổ chức và đoàn thể của cả người chưa tin như chính quyền dân sự và các tổ chức vì cộng đồng, để phản chiếu hình ảnh quản trị và yêu thương của Ngài. Calvin đã từng mạnh dạn mong ước rằng “thẩm quyền dân sự là một sự kêu gọi, không chỉ thánh khiết và hợp lẽ trước mặt Đức Chúa Trời, mà còn là sự kêu gọi thiêng liêng và vinh dự nhất trong tất cả các sự kêu gọi trong toàn bộ cuộc sống của con người phàm tục.”[29] Vậy, sự cầu thay cho và dự phần vào chính phủ cũng là một sự kêu gọi dành cho công dân vương quốc Thiên Đàng để quản trị trái đất Chúa dựng nên.

Ngoài ra, các ngành nghề trong xã hội cần đến trí tuệ, năng lực, sự sáng tạo – mà nguồn của chúng là chính Đức Chúa Trời – cũng góp phần xây dựng vương quốc Chúa. Theo đó, có sự nghiệp không chỉ là có một công việc, một công cụ kiếm sống để ổn định tài chánh, hay xem việc đi học đại học là cơ hội để được đào tạo ra nghề để sống tốt. Trong cái nhìn của Nước Thiên Đàng, việc học tập ở đại học là sự trang bị để chúng ta tìm kiếm và nhận diện được sự kêu gọi của mình. Nói cách khác, học là để trang bị chúng ta trở nên công dân của vương quốc. Do đó, sự lựa chọn nghề nghiệp và sự học lên sau đại học được đặt trong thế giới quan của vương quốc, không phải để tranh tài hay có thêm lợi nhuận về sau, nhưng là để phục vụ thế giới Chúa đặt để mình. Frederick Buechner từng nói: “Nơi mà Đức Chúa Trời kêu gọi bạn là nơi mà niềm hạnh phúc sâu xa của bạn và nhu cầu lớn lao của thế giới gặp gỡ nhau.”[30] Đây chính là cách mà chúng ta vâng theo điều răn Chúa Giê-xu dạy các môn đệ của Ngài: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” và “yêu người lân cận như chính mình” (Ma-thi-ơ 22:37-38; c.f Mác 12:30-31; Lu-ca 10:27-28).

Một tấm gương công dân vương quốc trong Kinh Thánh mà chúng ta kính trọng là Sứ đồ Phao-lô. Sự cải đạo, sự trưởng thành và sự vâng phục của Phao-lô đã cho thấy ân sủng của Chúa trên và qua tâm trí của ông. Ở A-then, ông Phao-lô đã đối thoại và tranh luận với nhiều thành phần xã hội: người Do Thái, doanh nhân và đặc biệt là các nhà triết học hàng đầu của thời đó. Trong thư Ê-phê-sô, ông khuyên tín hữu hãy đọc thì sẽ hiểu được huyền nhiệm của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 3:4). Trong lời khuyên Mục sư trẻ tuổi Ti-mô-thê, ông bảo “Hãy chăm chỉ đọc sách” (I Ti-mô-thê 4:13) và hãy “suy nghĩ kỹ điều ta nói” (II Ti-mô-thê 2:7). Ông cho Ti-mô-thê thấy mối liên hệ giữa tâm trí và sự hiểu biết thuộc linh, cũng như ông đã từng viết cho tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô rằng ông ưu tiên nói bằng ngôn ngữ thông thường để gây dựng lẫn nhau thông qua sự gắn kết với tâm trí hơn là nói tiếng lạ, vốn là một ân tứ chỉ nhằm gây dựng chính mình (I Cô-rinh-tô 14:19).

Một trong những hậu quả của phong trào Khai sáng (Enlightenment, thế kỷ XVIII) là làm cho đức tin và phương diện siêu nhiên của đức tin trở nên đối lập với lý trí, gây ra một quan niệm hời hợt và sai lầm rằng đức tin và học thuật không thể hài hoà với nhau. Ngay cả trong một số truyền thống Cơ Đốc trong lịch sử Giáo hội, đã có quan niệm cho rằng thuộc linh và học thuật không nên và không thể đồng hành cùng nhau. Câu chuyện bác sĩ Tống Thượng Tiết vứt hết bằng cấp xuống biển khi trở về Trung Hoa hầu việc Chúa đôi khi được khen ngợi như là một tấm gương dứt bỏ học thuật để theo đòi việc thuộc linh. Dù người chưa tin Chúa có thể hiểu sai rằng học thuật đối lập đức tin, người tin Chúa phải thấy rằng công việc siêu nhiên của Đức Chúa Trời trong thiên nhiên và trong tấm lòng con người chưa bao giờ loại trừ tâm trí. Đức tin nơi Đấng Toàn Tri và Toàn Năng có thể làm mọi việc, mọi cách, bao trùm mọi phương diện của con người, cũng là đức tin nơi sự hướng dẫn của Đấng ấy trong việc gắn kết tâm trí với tạo vật của Ngài.

Chúng ta sẽ kết lại thảo luận này bằng lời tâm tình của một giáo sư Khoa Kinh tế trường Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS):

Dù thế nào đi nữa, mối bận tâm của tôi với tư cách là một học giả và một giảng viên chính là khuyến giục sinh viên và đồng nghiệp của tôi gắn kết mọi tư tưởng với Đấng Christ. Điều này nói thì dễ hơn là thực hiện, bởi vì nhiều hoạt động của tâm trí vẫn chưa thuận phục sự tể trị của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cơ Đốc nhân phải tìm hiểu để thấy tâm trí Cơ Đốc có thể được sử dụng như thế nào trong việc học. Không có môn nào gọi là môn Kinh Tế Học Cơ Đốc, nhưng có Kinh Tế Học được soạn thảo bởi người Cơ Đốc. Chính con người Cơ Đốc mới là vấn đề quan trọng, chứ không phải ngành Kinh Tế. Con người Cơ Đốc có thể viết về tri thức kinh tế tuôn chảy từ chính đời sống chứng nhân của người ấy. Có nhiều môn kinh tế khác nhau cũng như có nhiều Cơ Đốc nhân khác nhau viết về kinh tế. Con người mới là quan trọng, chứ không phải ngành học.[31]

IV. Kết luận

Thật vậy, nếu trái đất và muôn vật thuộc về Chúa (Thi Thiên 24:1), nếu Imago Dei trong con người chính là sự quản trị muôn vật, và nếu Nước Thiên Đàng đã được khai mở bởi Đấng Christ, thì người theo Christ không thể xem mình đối lập với thế giới họ đang sống. Họ càng không thể là một công dân vương quốc có trách nhiệm nếu tách rời tâm trí khỏi đời sống thuộc linh. Gắn kết đức tin với tâm trí là tiếng gọi cao cả, là phương cách sống còn để người tin Chúa bày tỏ lòng biết ơn đối với ân sủng sáng tạo, cứu chuộc và kêu gọi của Chúa, để thi hành sứ mạng quản trị muôn loài và môn đệ hoá muôn dân cho Chúa.

Tác giả: Karis Đỗ

Nguồn Tham Khảo

Ann, Lee Soo. “The Christian Mind,”ETHOS Institute for Public Christianity. June 2016 Feature Article.

Buechner, Frederick. Wishful Thinking: A Seeker’s ABC, rev. and expanded. San Francisco: HarperSanFrancisco, 1993.

Calvin, John. Institutes.Vol. 2.

Lewontin, Richard. “Billions and Billions of Demons.” The New York Review of Books, January 7, 1997, 31.

Nguyễn Luật Khoa. OFM, biên dịch. Đức Tin Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết. HCMC, Vietnam: NXB Phương Đông, 2008.

McGrath, Alister. Christian Theology: An Introduction, 6th ed. West Sussex, UK: Wiley Blackwell, 2017.

McIntosh, MarkA. “Faith,” trongThe Cambridge Dictionary of Christian Theology, ed. Ian A. McFarland, David A. S. Fergusson, Karen Kilby, Ianin R. Torrance. Cambridge: CUP, 2011.

Noll, Mark A.Jesus Christ and the Life of the Mind. Grand Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans, 2011.

Plantinga Jr., Cornelius. Engaging God’s World: A Christian Vision of Faith, Learning, and Living. Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans, 2002.

Towner, Philip H. “Mind/Reason,” trongEvangelical Dictionary of Biblical Theology, ed. Walter A. Elwell (Baker Books, 1996), 527.

Thorsen, Don. The Wesleyan Quadrilateral: Scripture, Tradition, Reason, and Experience as a Model of Evangelical Theology. Grand Rapids: Zondervan, 1990; rpt. Lexington, KY: Emeth Press, 2005.

Wolterstorff, Nicholas. “Abraham Kuyper on Christian learning.” Unpublished ms., New Haven, 1997.

Chú thích:

[1] Sự mặc khải trong đức tin Cơ đốc được thể hiện qua Kinh Thánh, truyền thống, lý tríkinh nghiệm, theo quan điểm tứ diện mặc khải của John Wesley trong Don Thorsen, The Wesleyan Quadrilateral: Scripture, Tradition, Reason, and Experience as a Model of Evangelical Theology (Grand Rapids: Zondervan, 1990; rpt. Lexington, KY: Emeth Press, 2005).

[2] MarkA. McIntosh, “Faith,” trongThe Cambridge Dictionary of Christian Theology, ed. Ian A. McFarland, David A. S. Fergusson, Karen Kilby, Ianin R. Torrance(Cambridge: CUP, 2011), 180.

[3] Ibid, dẫn Augustine, Sol. 6.12.

[4] Ibid.

[5] Nguyễn Luật Khoa. OFM, trans, Đức Tin Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết (HCMC, Vietnam: NXB Phương Đông, 2008), 259.

[6] Alister McGrath, Christian Theology: An Introduction, 6th ed. (West Sussex, UK: Wiley Blackwell, 2017), 84.

[7] McIntosh, “Faith,” 180 (nguyênbản Anh ngữ: “adherence, fidelity, obedience”).

[8] Philip H. Towner, “Mind/Reason,” in Evangelical Dictionary of Biblical Theology, ed. Walter A. Elwell (Baker Books, 1996), 527.

[9] Ibid.

[10] Ibid., 528.

[11] Ibid.

[12] Ibid.

[13] Ibid.

[14] Ibid.

[15] Ibid., 529.

[16] McGrath, Christian Theology, 328.

[17] Ibid.

[18] Ibid.

[19] Towner, “Mind/Reason,” 529.

[20] Cornelius Plantinga Jr., Engaging God’s World: A Christian Vision of Faith, Learning, and Living (Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans, 2002), 30-34.

[21] Ibid., 54.

[22] Ibid., 61.

[23] Nicholas Wolterstorff, “Abraham Kuyper on Christian learning” (unpublished ms., New Haven, 1997), 15-17, trích dẫn bởi Plantinga, Engaging, 67.

[24] Richard Lewontin, “Billions and Billions of Demons,” The New York Review of Books, January 7, 1997, 31, trích dẫn bởi Plantinga, Engaging, 68.

[25] Mark A. Noll, Jesus Christ and the Life of the Mind (Grand Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans, 2011), 70.

[26] John Calvin, Institutes, 2:2016 (4.1.4).

[27] Ibid.

[28] Plantinga, Engaging God’s World, 108.

[29] Calvin, Institutes, 2:1490 (4.20.4).

[30] Frederick Buechner, Wishful Thinking: A Seeker’s ABC, rev. and expanded (San Francisco: Harper SanFrancisco, 1993), 119.

[31] Lee Soo Ann, “The Christian Mind,” ETHOS Institute for Public Christianity, June 2016 Feature Article. 1333

Bài trướcĐồng Nai: Lễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Lộ 25
Bài tiếp theoSự Sáng Thuộc Linh – 14/5/2021