Bước Đầu Thực Hiện Mục Vụ Thanh Thiếu Niên

4368

Nhà thờ là nơi để cho các con cái Chúa đến để thờ phượng Chúa, đến để tìm một điểm chung, một sự quan tâm chung với nhau giữa vòng các con cái Chúa. Và có thể nói Hội Thánh là một “Gia đình của mọi gia đình”, vì tại nơi đây không chỉ có những người đã tin Chúa mà còn có những người chưa tin cũng đến được, dành cho người lớn và cho các bạn trẻ. Nếu như tôi con Chúa quan tâm đến giới trẻ thì nên có những chương trình thu hút các bạn trẻ thường xuyên đến với Nhà Chúa hơn là để các bạn đi đến những nơi gây nên tội lỗi. Công tác mà các tôi con Chúa quan tâm đến giới trẻ ấy chính là Mục vụ thanh thiếu niên, mục vụ này như là “sự nhận nuôi”. Đây là một tiến trình chứ không chỉ đơn thuần là một công tác xã hội, từ việc nhận ra những tổn thương của thanh thiếu niên, đề ra kế hoạch tiếp cận, tâm tình, chia sẻ và dạy Kinh Thánh, giúp các em biết và tin nhận Chúa cách cá nhân. Từ đó, tiếp tục hướng dẫn các em học và làm theo Lời Chúa, trở thành những tín hữu chính thức và sẵn sàng phục vụ Chúa. Tất cả các công tác này phải bắt đầu với Chúa Giê-xu là trọng tâm. Nhưng khởi đầu như thế nào là đúng đắn?

I. XÁC ĐỊNH 4 THỎA THUẬN:

Điều đầu tiên người làm Mục vụ cần thực hiện là xác quyết 4 thỏa thuận, sẽ giúp chúng ta có thêm nghị lực và mục tiêu để tiến hành công tác khó khăn này:

+ Tôi thành thật thừa nhận rằng trong mỗi Hội Thánh đều có những người làm việc và những người không. Đây là một hiện thực khách quan cần phải thừa nhận để không phải thất vọng khi đối diện với sự cô đơn trong mục vụ này. Có thể chúng ta bị chống đối từ những người không làm việc, nhưng hay thích chỉ trích, vì thế người làm công tác này cần cầu nguyện, và lên kế hoạch để tìm kiếm nhân sự có tâm tình trong lĩnh vực thanh thiếu niên để cùng làm việc với mình.

+ Tôi khiêm tốn thừa nhận rằng tôi đã được nhận vào “gia đình” của Đức Chúa Trời. Nếu bản thân người làm Mục vụ thanh thiếu niên không phải là thành viên trong “gia đình” của Chúa, mà Ngài là Cha và chưa thật sự kinh nghiệm đời sống được đổi mới, thì thật ra chúng ta đang cố gắng thực hiện một công tác không có mục đích.

+ Tôi vinh dự khi được Chúa giao cho công tác này, vì Ngài tin tưởng tôi, chú ý đến tôi, để giúp cho những người dễ bị tổn thương. Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng: Không phải người khỏe mạnh cần thầy thuốc, song là người đau ốm” (Lu-ca 5:31). Hiện nay, đa phần các thanh thiếu niên không ít thì nhiều đều đang đối diện với những sự tổn thương từ gia đình, bạn bè, trường học, xã hội, … Bởi vậy, người làm Mục vụ thanh thiếu niên cần có những kiến thức căn bản cả về tri thức xã hội và Kinh Thánh về việc làm sao để hiểu và xoa dịu những tấm lòng tan vỡ. Đây không phải là một công tác xã hội có tính bao quát, nhưng là một công tác thuộc linh, và có tính từng cá nhân. Cho nên, người làm Mục vụ thanh thiếu niên phải được học qua các khóa huấn luyện tập trung và bản thân cũng phải tự trau dồi qua sách vở. Đầu tiên đó là Kinh Thánh, có thể tìm đọc bộ sách Khởi đầu đúng đắn, Lãnh đạo bằng tình yêu, Lãnh đạo thuộc linh cùng một số sách về tâm lý. Và tất nhiên sự cầu nguyện ngọt ngào với Chúa là việc không thể thiếu.

+ Tôi hi vọng “sự nhận nuôi” không bị giới hạn chỉ cho những người được tập hợp, mà còn bao gồm những người ngoài nữa. Có quan niệm cho rằng, khi làm công tác gì trước hết cũng vì những người trong Hội Thánh, điều đó khiến Hội Thánh bị giới hạn gồm những người trong khuôn viên nhà thờ. Bởi vậy, quan niệm đó cần được thay đổi từ suy nghĩ của người lãnh đạo trong Hội Thánh. Nếu người thực hiện Mục vụ thanh thiếu niên là người lãnh đạo, thì cần từng bước giúp cho các nhân sự hiểu được việc làm công tác Mục vụ cho người ngoài Hội Thánh, là công tác sống còn để đưa thêm người đến với Chúa Giê-xu và gia nhập Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

* Bốn thỏa thuận này giúp chúng ta chuẩn bị nền tảng của Mục vụ về: nhân sự, chính mình, thực trạng của đối tượng, phạm vi của Mục vụ.

II. TIẾN TRÌNH THỰC HIỆN MỤC VỤ:

1/ Câu chủ đề “tuyên bố sứ mệnh”:

Điều thiếu sót đầu tiên mà theo nhận xét khách quan đều nhận thấy, là khi thực hiện Mục vụ thanh thiếu niên, bản thân chúng ta thường làm theo cảm tính từ việc nhìn thấy nhu cầu của thiếu niên bên ngoài Hội Thánh. Cho nên nghĩ ra những phương cách làm sao đáp ứng các nhu cầu đó của các em, nhằm đưa các em vào nhà thờ. Sau đó, mới dạy Kinh Thánh cho các em. Việc nhận ra nhu cầu của thanh thiếu niên là bước thứ hai, nghĩa là đã thiếu bước đầu tiên vô cùng quan trọng: Cần có câu chủ đề “tuyên bố sứ mệnh”. Sự thiếu sót này đã đưa đến những khó khăn thực tế:

Thiếu nhân sự, vì quá ít tín hữu biết mục đích và tiến trình Mục vụ mình đang thực hiện, nên không mấy người đồng lòng hiệp tác.

Thiếu tài chánh, vì không có nhiều người biết và quan tâm đến Mục vụ. Một phần là tự phát, nên ân nhân không dám hy vọng Mục vụ sẽ tồn tại lâu bền.

Những công việc được thực hiện không theo tiến trình, nhưng có phần cảm tính và không liên tục.

Chưa có sự kết nối mật thiết với các Hội Thánh lân cận trong Mục vụ mà mình đang thực hiện, … Bởi vậy, cần khắc phục những khó khăn trên bằng cách:

Người lãnh đạo Mục vụ thiếu niên (Mục sư, Truyền đạo, …) cần cho Ban chấp sự, và toàn thể Hội Thánh biết câu chủ đề “tuyên bố sứ mệnh”. Đó là mục tiêu và tiến trình cần đạt được của toàn thể Hội Thánh đối với Mục vụ thiếu niên. Có thể đưa ra câu chủ đề hay tuyên bố sứ điệp khi bắt đầu một năm mới, như một mục tiêu để toàn thể Hội Thánh cùng tiến tới. Ví dụ như: “Tiếp nhận – Được cứu – dạy dỗ – Phục vụ”; “Tìm kiếm – Nuôi nấng – Tin nhận”; … Có thể xem đó là khẩu hiệu, mục tiêu của một quý, một năm, hai năm, bốn năm, …Chúng ta có thể chọn câu khác, phù hợp với khải tượng mà Chúa kêu gọi mỗi người trong công tác Mục vụ thanh thiếu niên.

Câu chủ đề này có thể được in trong tờ chương trình hàng tuần của Hội Thánh, có thể đặt ở nhiều nơi trong khuôn viên nhà thờ, có những bài học tập trung vào các mục tiêu này, để tạo sự ý chú và giúp quý tín hữu biết được trách nhiệm của mình đối với công tác cứu người đặc biệt là giới trẻ, qua Mục vụ thanh thiếu niên.

2/ Các nhu cầu của thanh thiếu niên:

Muốn biết nhu cầu của thanh thiếu niên, hãy là một người trẻ của văn hóa và cộng đồng, nghĩa là ngoài việc cập nhật thông tin, kiến thức xã hội, cũng cần phải tiếp xúc với thanh thiếu niên trong nhà thờ, và không thể thiếu công tác đi ra cộng đồng. Từ đó chúng ta sẽ biết các em thanh thiếu niên bên ngoài thường nghĩ gì khi bước vào nhà thờ:

Thứ nhất: Nơi đây có trò chơi gì hấp dẫn?
Thứ hai: Những người nơi đây nghĩ gì về mình? Họ có sẵn sàng tiếp đón mình không?
Thứ ba: Nơi đây có dụ mình theo đạo không?

Nhu cầu của các em thanh thiếu niên trong Hội Thánh:

Thứ nhất: Tôi có được quan tâm, được chia sẻ, được hiểu, ai là người đáng tin cậy để tư vấn mọi nan đề?
Thứ hai: Tôi có giá trị gì trong Hội Thánh? Hay chỉ là một đứa trẻ trong cách nhìn của người lớn?

Ngoài những nhu cầu mà người làm Mục vụ nhận thấy qua hiện thực cuộc sống, cũng cần có nhận định đúng đắn về tư duy, tình cảm, cá tính một cách cơ bản và tổng quát của từng đối tượng thanh thiếu niên:

            Đầu tuổi vị thành niên (10-13/14 tuổi).

            Giữa tuổi vị thành niên (13-19 tuổi).

            Cuối tuổi vị thành niên (từ 18 tuổi trở lên)

Những kiến thức này có thể tìm thấy từ nhiều nguồn thông tin: internet, sách về tâm lý trẻ vị thành niên, tâm lý học, … Ngoài ra, những nhu cầu và cá tính còn tùy thuộc vào cộng đồng, tập quán, đời sống kinh tế, văn hóa từng địa phương. Bởi thế, chúng ta cần phải “nhập thế”, nghĩa là cần sống và sinh hoạt như mọi người, nơi mình thực hiện Mục vụ, (nhưng không hòa tan) cũng  như chính Chúa Giê-xu đã giáng thế làm người, chịu mọi thử thách, cám dỗ nên mới có thể hiểu được nỗi khổ sở và sự thất bại của con người. “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15).

3/ Tiếp cận thanh thiếu niên trong và ngoài Hội Thánh:

Để công tác hòa nhập và sống giữa cộng đồng được thành công, chúng ta cần kết nối thanh thiếu niên bên trong và ngoài Hội Thánh với nhau, kết nối thanh thiếu niên với các tín hữu khác trong Hội Thánh,

Ngoài sự cầu nguyện, cần trau dồi chính mình những kiến thức căn bản về tâm lý của từng độ tuổi thiếu niên từ sách vở và thực nghiệm qua việc thường xuyên tiếp cận, trò chuyện với thiếu niên.

Sau đây là một số phương cách điển hình đã và đang được thực hiện nhiều nơi mang lại kết quả đáng khích lệ:

Mở lớp dạy ngoại ngữ, dạy kèm (vùng nông thôn, nhu cầu học tập cao nhưng không có điều kiện). Khi đáp ứng được nhu cầu về tri thức thì sẽ có nhiều em dễ dàng bước vào Hội Thánh.

Tập hợp các em thành đội bóng đá. Mục đích là dùng thể thao để gắn kết các em bên ngoài với thanh thiếu niên trong Hội Thánh, là điều kiện đầu tiên để chúng ta tiếp cận với các em.

Mở lớp dạy võ thuật hay bất kỳ một môn thể thao nào đó, qua Mục vụ thể thao (có thể liên hệ với nhân sự Mục vụ thể thao của khối thanh thiếu niên Tổng Liên Hội).

 Dạy các kỹ năng sống và có những giờ sinh hoạt ngoài trời với những mini-game (có bài học kèm theo) … Điều này có thể thực hiện thường xuyên, hoặc vào những dịp hè. Đây là nhu cầu cấp thiết của tất cả thanh thiếu niên trong một xã hội hiện đại. Nhưng với công tác này, ngươi làm Mục vụ cần được huấn luyện một cách cơ bản và phải nắm vững những kiến thức phổ thông (học qua sách vở, internet, qua các khóa huấn luyện kỹ năng sống, …)

            * Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ phải đối diện với một số điều khó khăn:

Nhân sự góp phần không có sự cam kết lâu dài. Sự cô đơn trong công tác này là điều không tránh khỏi.

Các em đến Nhà Thờ trong một thời gian ngắn thì ra đi, các em khác lại vào. Số lượng các em còn đứng vững trong đức tin chiếm khoảng 30%.

Các em giữ đức tin đến tuổi thanh niên (dù đã đi xa) 5-10%

Vì đây là một công tác đầy khó khăn và nhiều thử thách. Điều quan trọng là chúng ta kiên trì thực hiện Mục vụ đến khi nào. Cần khiêm nhường, thành công không kiêu, thất bại không nản. Muốn tiếp cận và hiểu thanh thiếu niên, thì hãy sống như một em thanh thiếu niên để đưa các em đến với Chúa Giê-xu, như lời Ngài phán “Song Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở;…” (Ma-thi-ơ 19:14a)./.

                                                                                                            (Ti-mô-thê Tạ)

Bài trướcLợi Ích Của Kinh Thánh – 3/3/2020 
Bài tiếp theoTriển Khai Dự Án Chăm Sóc Cộng Đồng Tại Đam Rông