“… Sau khi tốt nghiệp khóa 1926-1927 và được tấn phong Mục sư năm 1929, thì suốt qua cả bước đường thánh vụ, Cụ gặp rất nhiều gian nan đau khổ, nhưng Cụ không phàn nàn, oán trách gì Chúa, nhưng luôn luôn tươi vui và bền chịu các sự bắt bớ, lao lý, tù tội vì Chúa, vì Giáo hội trong thời thực dân Pháp.
“Trong hàng giáo phẩm Tin Lành, thì Cụ Mục sư Phan Đình Liệu là người duy nhất bị bắt và bị tù đày nhiều hơn ai hết. Tất cả là sáu lần như sau:
“Trước hết là có sắc lệnh của Hoàng triều công bố khắp cả Trung kỳ, nhất là có dán tại Giảng đường Tin Lành Nha Trang cấm chỉ Gia-tô giáo Tin Lành. Người nào bất tuân quyết định sẽ bị nghiêm trị. Vì theo quyết định của Hoàng triều thì tháng thứ nhất, ngày thứ tư, năm thứ ba Hoàng đế Bảo Đại trị vì: “Nay nhắc lại cho nhân dân nhớ rằng chỉ có người La Mã Công giáo mới có quyền truyền bá tôn giáo tại Trung kỳ… Tất cả các tôn giáo khác tuyệt đối cấm chỉ”.
“Vì vậy, Cụ Mục sư Phan Đình Liệu bị bắt quả tang giảng Tin Lành tại Quảng Nam cho người ngoại chưa biết Chúa vào năm 1925, nhưng không bao lâu (thì) được thả ra. Vào năm 1928 khi Cụ đi Phan Rí giảng Tin Lành thì bị bắt còng tay bởi vị chỉ huy đồn binh Pháp của thành phố này và bị giải đến quan Công sứ tỉnh này tại Phan Thiết. Công sứ trả tự do cho Cụ ngay và cam đoan với Cụ rằng không phải người Pháp bắt Cụ đâu, mà là ông Nguyễn Hữu Bài ở Huế. Trong khi thi hành chức vụ tại Hội Thánh Nha Trang, thì Cụ không tuân lệnh hạ tấm biểu ngữ mang tên Hội Thánh Tin Lành ở trước nhà thờ nên bị bắt giam vào mùa hè năm 1928. Sau khi được thả ra Cụ đi Phan Rang giảng đạo, thì bị dẫn đến trước vị Công sứ Pháp. Ông Công sứ chỉ nhắc Cụ về đạo luật cấm giảng đạo của Hoàng triều do ông Nguyễn Hữu Bài ban hành rồi cho về.
Cụ Mục sư Phan Đình Liệu
“Lần thứ năm Cụ bị bắt giam hai tháng là khi Cụ hướng dẫn một buổi nhóm cầu nguyện tại Thành (Khánh Hòa). Lần này Cụ bị đánh đập và cũng có 6 tín hữu bị bắt chung với cụ. Cụ Mục sư Phan Đình Liệu can đảm nhận trách nhiệm hết, nên 6 tín hữu kia sau khi bị lính đánh đập rồi được tha về. Họ cầm ngục Cụ 2 tháng rồi đày về Quảng Nam. Sau khi bị quản thúc một thời gian ở đây thì Cụ được tha ra. Cụ lại lên đường đi vào Mỹ Tho dự Hội đồng. Cũng như Thánh Phao-lô bị ràng buộc bởi Thánh Linh, nên Cụ không đi thẳng một mạch vào Sài Gòn để xuống Mỹ Tho dự Hội đồng, mà còn ghé Nha Trang thăm bầy chiên của Chúa. Cụ bị đưa ra xét xử và lên án vi lệnh nhà vua nên phạt 6 tháng khổ sai. Cụ vì Danh Chúa, vì tình yêu thương Giáo hội, bầy chiên nên bước vào cửa ngục cách vui mừng. Tại đây Cụ được đại dụng để lập một Hội Thánh trong nhà tù. Cụ đã làm chứng cho các tù nhân và có một số người tin Chúa. Cụ bèn cử ra hai chấp sự, và mỗi Chúa nhật Cụ giảng Lời Chúa cho tù nhân nghe. Mỗi tối đều có hiệp nguyện. Mỗi tối thứ Ba và thứ Năm có dịp dạy Phước âm Yếu chỉ cho họ. Cụ được tha vào đầu tháng 5 năm 1929 và mãi đến năm 1935 lệnh kia mới được bãi bỏ. Cụ được tự do trở về Trung kỳ để đi giảng đạo khắp nơi. Trong lúc ở lao tù Cụ đã làm một bài thơ bất hủ:
Tra xem lịch sử trải nghìn thu,
Mới có trong lao Hội Thánh tù.
Bãi sở lui về ăn dưới đất,
Ngủ vùi thức dậy tiểu trong lu.
Cùm săn chân cứng vừa in khít,
Cơm vắt trời nuôi cũng mập ù.
Cánh cửa lao lung dầu khóa chặt,
Khôn ngăn lòng đến Chúa Giê-xu.”
(Mục sư Phạm Xuân Tín, Đời Tận Tụy 2, trang 22-24)
—
Sự việc Hội Thánh và tôi con Chúa bị bắt bớ thì thời nào cũng có, các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta những tấm gương tuyệt vời về tấm lòng kiên trung với Chúa, dẫu bao gian khó vẫn không nản lòng, bỏ cuộc. Đây cũng chính là nguồn động viên lớn lao đối với chúng ta, những người đang tiếp nối tiền nhân mở mang công việc Chúa trên đất. Ước mong mỗi người con Chúa hôm nay, luôn vững lòng bền chí trên con đường phục sự Ngài, nỗ lực rao truyền Phúc Âm của Chúa Cứu thế Giê-xu cho mọi người.
“Hãy nhớ lời ta đã nói cùng các ngươi: Đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi; bằng họ đã giữ lời ta, ắt cũng giữ lời các ngươi.” (Giăng 15:20)
Vũ Hướng Dương