Sự Khôn Ngoan Đến Từ Đâu? – 14/10/2018

3930

 

Gióp 28:20-28

   20 Vậy thì sự khôn ngoan ở đâu đến?
Sự thông sáng ở tại nơi nào?
21 Nó vẫn giấu khuất mắt các loài sống,
Và tránh ẩn các chim trời.
22 Chốn trầm luân và sự chết nói rằng:
Lỗ tai chúng tôi có nghe tiếng đồn về nó.
23 Đức Chúa Trời thông hiểu con đường nó,
Và rõ biết chỗ ở của nó.
24 Vì Ngài nhìn thấu tận các đầu thế gian,
Và thấy rõ khắp thiên hạ.
25 Khi Ngài định sức nặng cho gió,
Độ lượng cho các nước,
26 Định luật lệ cho mưa,
Và lập đường lối cho chớp và sấm.
27 Bấy giờ Ngài thấy sự khôn ngoan, và bày tỏ nó ra,
Ngài lập nó và dò xét nó nữa;
28 Đoạn, phán với loài người rằng: Kính sợ Chúa, ấy là sự khôn ngoan;
Tránh khỏi điều ác, ấy là sự thông sáng.

Câu gốc: “Kính sợ Chúa, ấy là sự khôn ngoan; Tránh khỏi điều ác, ấy là sự thông sáng” (Gióp 28:28).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong câu 20, ông Gióp đặt câu hỏi với mục đích gì? Ông Gióp bày tỏ sự hiểu biết hạn chế của con người về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời ra sao? Ông kết luận sự khôn ngoan đến từ đâu? Làm thế nào chúng ta nhận được sự khôn ngoan?

Ông Gióp đặt câu hỏi: “Sự khôn ngoan ở đâu đến? Sự thông sáng ở tại nơi nào” (câu 20) với mục đích hướng các bạn của ông đến với Đức Chúa Trời là nguồn của sự khôn ngoan. Con người có thể thấy một chút ít về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời qua sự thiết lập và vận hành vũ trụ, thiên nhiên một cách có trật tự, quy củ. Đức Chúa Trời nhìn thấy thấu tận cùng trái đất và mọi vật khắp thiên hạ; Ngài định những quy luật cho mưa, gió, chớp, và sấm (câu 24-26). Khi con người càng học hỏi về vũ trụ, nghiên cứu về khoa học tự nhiên, họ càng hiểu biết được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời càng hơn. Nhưng dù nghiên cứu, học hỏi bao lâu đi nữa, thì con người cũng chỉ biết được một phần rất nhỏ của vũ trụ, hay nói cách khác, kiến thức của con người về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là vô cùng sơ sài. Duy chỉ có Đức Chúa Trời hiểu trọn vẹn về sự khôn ngoan vì Ngài là Đấng Tạo Hóa “thông hiểu con đường nó, và rõ biết chỗ ở của nó. Vì Ngài nhìn thấu tận các đầu thế gian, và thấy rõ khắp thiên hạ” (câu 23-24).

Ông Gióp kết luận rằng con đường duy nhất đưa con người đến sự khôn ngoan là “Kính sợ Chúa” (câu 28), vì Chúa là Đấng bày tỏ sự khôn ngoan cho con người. Kính sợ Chúa nghĩa là tôn thờ, kính yêu Đức Chúa Trời vì bản chất của Ngài, vì điều Ngài phán, việc Ngài làm, vì Ngài là Đấng sáng tạo nên vũ trụ và con người chúng ta. Kính sợ Chúa là vâng giữ điều răn Ngài (Truyền Đạo 12:13); bước đi trong đường lối Ngài (Phục Truyền 8:6); và hết lòng phục vụ Ngài (Giô-suê 24:14).

Kinh Thánh Tân Ước hé mở cho chúng ta thấy sự khôn ngoan không trừu tượng, nhưng rất thực tế; không chỉ có trong quá khứ, nhưng hiện hữu trong hiện tại và cả tương lai. Sứ đồ Phao-lô dạy con dân Chúa phải tập trung vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, vì Ngài là Sự Khôn Ngoan của chúng ta (I Cô-rinh-tô 1:24) và vì “trong Ngài ẩn chứa mọi kho tàng của sự khôn ngoan và tri thức” (Cô-lô-se 2:3 BTTHĐ). Khi chúng ta cầu xin sự khôn ngoan từ Chúa, Ngài sẽ bày tỏ cho chúng ta. Khi chúng ta tin cậy nơi Chúa, Ngài sẽ mở mắt tâm linh cho chúng ta để chúng ta nhận được sự hiểu biết từ nhiều phương diện. Chúa Thánh Linh sẽ tỏ cho chúng ta con đường tránh khỏi điều ác và đến với sự sống đời đời.

Bạn có kính sợ Chúa và cầu xin Ngài cho mình có sự khôn ngoan chưa?

Kính lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì “trong Ngài giấu kín mọi sự quý báu về khôn ngoan thông sáng”. Xin cho con luôn kính sợ Chúa, tìm cầu sự khôn ngoan của Chúa mỗi ngày để con tránh khỏi điều ác và bước đi trong ánh sáng của Chúa.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 24.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcKiên Giang: Bổ Nhiệm MS Lê Thanh Bạch Làm Quản Nhiệm Hội Thánh Hòn Đất
Bài tiếp theoĐồng Tháp: Huấn Luyện Cơ Đốc Giáo Dục 2018