Nê-hê-mi 9:9-15
9 Chúa có thấy sự khốn khổ của tổ phụ chúng tôi tại Ê-díp-tô, có nghe tiếng kêu la của chúng tại bên Biển Đỏ, 10 làm những dấu kỳ phép lạ nơi Pha-ra-ôn, nơi đầy tớ người và nơi toàn dân sự nước người; vì Chúa biết rằng họ có đối đãi tổ phụ chúng tôi cách kiêu căng, và Chúa có làm nổi danh Chúa như thể ngày nay. 11 Chúa có phân rẽ biển trước mặt chúng nó, để chúng nó đi ngang qua giữa biển trên đất khô; còn những kẻ đuổi theo, Chúa bèn ném họ dưới vực sâu, như ném đá trong nước lớn. 12 Ban ngày, Chúa dẫn dắt chúng bằng một trụ mây, và ban đêm bằng một trụ lửa, để chiếu sáng cho chúng trong con đường phải đi theo. 13 Chúa cũng giáng lâm tại trên núi Si-na-i, phán với chúng từ trên trời, ban cho chúng những luật lệ ngay thẳng, pháp độ chân thật, và những qui tắc cùng điều răn tốt lành. 14 Chúa khiến cho chúng biết ngày sa-bát thánh của Chúa, cậy Môi-se, tôi tớ của Chúa, truyền cho chúng những điều răn, qui tắc, và luật pháp. 15 Từ các từng trời, Chúa ban cho chúng bánh đặng ăn đói, khiến hòn đá chảy ra nước cho chúng uống khát, phán biểu chúng vào nhận lấy xứ mà Chúa đã thề ban cho chúng
Câu gốc: “Chúa có thấy sự khốn khổ của tổ phụ chúng tôi tại Ê-díp-tô, có nghe tiếng kêu la của chúng tại bên Biển Đỏ” (câu 9).
Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn này kể về giai đoạn lịch sử nào của dân Y-sơ-ra-ên? Những phép lạ mầu nhiệm nào Chúa đã làm cho họ trong giai đoạn này? Dân Y-sơ-ra-ên nhìn thấy Chúa là Đấng như thế nào qua những phước hạnh Ngài ban cho tổ phụ họ? Điều lớn lao nào Chúa đã làm mà bạn muốn kể cho gia đình mình nghe hôm nay?
Nếu như từ câu 5-8 nhắc về đức tin của ông Áp-ra-ham, về giao ước giữa Chúa và ông, thì trong phân đoạn này lại đề cập đến đức tin của một dân tộc, về giao ước giữa Chúa và dân tộc đó tại chân núi Si-na-i. Từ đó, dân tộc này chính thức trở thành tuyển dân của Chúa, tuyển dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6). Qua đó, chúng ta thấy được từ hành trình đức tin của một người đến hành trình đức tin của cả một dân tộc. Đó là lý do mà dân Y-sơ-ra-ên chứng thực rằng Chúa đã làm thành Lời Ngài hứa với ông Áp-ra-ham. Trong hành trình đức tin của tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên, có những sự kiện mang dấu ấn lịch sử mà bất kỳ người dân Y-sơ-ra-ên nào cũng phải ghi khắc trong lòng. Mỗi người dân Y-sơ-ra-ên đều không được phép quên sự kiện tổ phụ họ từng bị người Ai Cập ức hiếp và đày ải, nhưng bởi lòng thương xót lớn và quyền năng vĩ đại mà Chúa đã đoái hoài và giải thoát họ ra khỏi vùng đất ấy cách diệu kỳ. Người dân Y-sơ-ra-ên cũng không được phép lãng quên cách Chúa đã dẫn dắt và chu cấp cho tổ phụ họ trong sa mạc. Đôi khi chúng ta cảm thấy khó hiểu tại sao dân Y-sơ-ra-ên cứ phải nhắc đi nhắc lại những điều cũ kỹ như vậy trong suốt cả Kinh Thánh. Nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi, nếu không có sự kiện vượt Biển Đỏ, nếu không có trụ mây và trụ lửa trong suốt những tháng ngày rong ruổi trên sa mạc, thì đó còn có phải là dân tộc Y-sơ-ra-ên nữa không? Chính vì thế, mà người Y-sơ-ra-ên luôn kể cho con cháu mình nghe những câu chuyện vượt thời gian ấy. Đây là cách người Y-sơ-ra-ên thể hiện lòng biết ơn Chúa và giúp đỡ hậu tự mình luôn đi trong đường lối của Đấng đã giải cứu dân tộc họ.
Trên hành trình theo Chúa của mỗi người, chúng ta luôn nhận được ơn thương xót lớn lao và quyền năng cứu giúp vô biên từ Chúa. Mỗi người, mỗi gia đình sẽ có mỗi câu chuyện khác nhau về việc Chúa đã làm những điều tuyệt diệu dành cho mình. Và chúng ta nên học theo cách của người Y-sơ-ra-ên, là hãy ghi lại những câu chuyện ấy, hãy kể và làm chứng lại cho gia đình mình, cho con cháu mình. Những câu chuyện sống động ấy sẽ là sự khích lệ lớn cho con cháu, nhằm giúp hậu tự của chúng ta luôn đi trong đường lối của Chúa và tiếp tục kinh nghiệm Chúa nhiều hơn.
Bạn có thường kể lại những việc Chúa làm cho con cháu của mình nghe không?
Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì cớ những điều tốt lành mà Ngài đã làm cho cuộc đời con. Xin dạy con luôn khắc ghi ơn Chúa, luôn nói về ơn Chúa cho gia đình và những người chung quanh con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Xuất Ê-díp-tô Ký 18.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.