CHÚA GIÊ-XU – VỊ THẦY VĨ ĐẠI[1]
Người xưa có nói “nhân phi sinh tri thùy năng vô sư” (Người ta không ai sinh ra đã biết thì ai mà không cần có thầy). Thật vậy, người ta sinh ra trước hết là mang ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục và sau đó là mang ơn những người thầy của mình. Người Việt Nam chúng ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo nên hình ảnh nhà giáo, người thầy được yêu mến, ca ngợi. Trong những ngày qua, tôi cùng các bạn học cùng lớp Việt Hán Đại học Sư phạm Sài Gòn tốt nghiệp năm 1972 đã xúc động khi nghe tin Giáo sư Lê Hữu Mục vừa qua đời tại Ca-na-đa và gửi lời chia buồn cùng bày tỏ lòng biết ơn thầy sâu sắc. Ông là người thầy khả kính đã dạy chúng tôi học chữ Nôm và tập đọc nguyên tác Truyện kiều của Nguyễn Du. Ký ức về những ngày đi học bổng trở về khiến tôi nhớ đến hình ảnh các vị thầy khả kính khác như học giả Giản Chi, Nguyễn Duy Cần, Giáo sư Trương Văn Chình, Phạm Văn Diêu, Nguyễn Văn Trung, Lưu Khôn, cô Khưu Thị Huệ, Linh mục Thanh Lãng… đã dạy cho tôi chữ Hán, văn chương Việt Hán và triết học Đông Tây… Đặc biệt sau năm 1975, tôi nhớ đến hình ảnh cố Mục sư – Giáo sư Phạm Xuân Tín, vị thầy đầu tiên đã dạy tôi và nhà tôi về Thần học, Thánh Kinh và là người đã khích lệ chúng tôi vâng theo tiếng gọi đi vào chức vụ phục vụ Chúa. Nhân Ngày Nhà giáo, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành của một học trò đối với các vị thầy quá cố của mình.
Tôi vốn cũng là giáo viên cấp 3 có 20 năm phục vụ trong ngành giáo dục trước khi trở thành mục sư. Tôi cảm thấy vui vì mình cũng đã góp phần phục vụ xã hội, dạy dỗ thế hệ trẻ.
Nói đến vị thầy vĩ đại trong văn hóa Đông phương, chúng ta thường nghĩ đến Khổng Tử được người đời tôn là “Vạn thế sư biểu”. Ông có đến ba nghìn học học trò và trở thành vị thầy lý tưởng, cũng là người sáng lập ra Nho giáo. Tuy nhiên, hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu với quí vị, đặc biệt là các nhà giáo, một vị Thầy rất đặc biệt, là vị Thầy của các vị thầy, vị Thầy không phải của một nền văn hóa, một dân tộc mà là vị thầy của mọi nền văn hóa, của mọi dân tộc, vị thầy thiên thượng được Kinh Thánh gọi “Giáo sư đến từ Đức Chúa Trời”, đó là Chúa Giê-xu.
CHÚA GIÊ-XU LÀ VỊ THẦY VĨ ĐẠI
- Giáo sư đến từ Đức Chúa Trời
Chúa Giê-xu khác biệt với tất các các vị thầy ở trần gian này là vì Ngài đến từ trời (thiên đàng), được gọi là Giáo sư từ trời. Trong Phúc âm Giăng chương 3 có ghi lại một câu chuyện thú vị về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-xu với một vị giáo sư Do Thái tên là Ni-cô-đem. Ông đã nghe về Chúa Giê-xu và các phép lạ của Chúa và trở thành môn đồ kín giấu của Ngài (vì sợ người Do Thái). Một đêm nọ, ông tìm đến với Chúa Giê-xu và trò chuyên với Ngài. Giáo sư Ni-cô-đem đã thưa với Chúa Giê-xu rằng “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được.” (Giăng 3:2b). Có lẽ ông đã từng nghe Ngài giảng dạy, và thấy những phép lạ kỳ diệu mà Ngài đã làm và bày tỏ lòng ngưỡng mộ, khâm phục gọi Ngài là “Giáo sư từ trời” dù ông không dám công khai tuyên bố mình là môn đệ của Ngài.
Thật vậy, Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời trở nên con người, đến trần gian cách đây hơn 2000 năm để dạy cho nhân loại về chân lý cứu rỗi và Ngài thật là “Giáo sư từ trời”. Đến năm 30 tuổi, Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ và Ngài tuyển chọn 12 môn đệ thân cận gọi là 12 sứ đồ; sau đó tăng lên 120 môn đệ và khi Chúa về trời tại núi Ô-li-ve thì có 500 môn đệ chứng kiến.
- Ngài giảng dạy đầy quyền năng, biến đổi nhiều cuộc đời
Kinh Thánh cho biết “Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các Nhà hội và giảng Tin lành về Nước Đức Chúa Trời và chữa lành mọi thứ bệnh tật.” (Mat. 9:35) Hàng nghìn người đã đi theo Ngài để nghe Ngài dạy về Phúc âm, Nước trời. Ngài dạy đầy thẩm quyền của một giáo sư từ trời chứ không như các thầy Thông giáo (chuyên gia về kinh luật) của người Do Thái.
- Ngài làm nhiều phép lạ kỳ diệu
Trong khi đi đây đó giảng dạy, Ngài cũng dùng quyền năng xua đuổi tà ma, chữa lành người bị bệnh tật, khiến kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, kẻ mù được sáng mắt, kẻ chết được sống lại. Ngài cũng làm những phép lạ kỳ diệu như hóa bánh cho hơn 5.000 người rồi sau đó cho 4.000 người ăn. Thật đúng như giáo sư Ni-cô-đem đã nói “vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được.”. Ngài không chỉ vị thầy vĩ đại mà con là vị lương y đại tài nữa.
- Tấm gương mẫu toàn hảo: thánh khiết, yêu thương, công chính
Chúa Giê-xu là vị thầy toàn hảo tuyệt đối để chúng ta noi theo. Ngài là Đấng thánh khiết, yêu thương, công chính. Kinh Thánh mô tả “Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chỉ dối trá. Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình…” (1 Phi 2:21-23). Không vị thầy nào dám nói như Chúa Giê-xu “trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng?” Ngược lại, Khổng Tử nói “nhân vô thập toàn.” (là con người, không ai hoàn hảo cả) vì ông biết mình cũng chỉ con người mà thôi và đều bất toàn.
- Hạ mình phục vụ như đầy tớ
Một trong những đức tính nổi bật của Chúa Giê-xu là đức nhu mì, khiêm nhường. Ngài đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho các môn đệ khi rửa chân cho họ để dạy họ bài về sự khiêm nhường, hạ mình phục vụ như một đầy tớ.
Chúa phán: “Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Mat.20:28)
Thật không có một vị thầy nào khiêm nhu, hạ mình như thế!
CHÚA GIÊ-XU LÀ HIỆN THÂN CỦA THIÊN CHÚA
Chúa Giê-xu là ai? Ngài là vị Thầy vĩ đại của người Do Thái? Đúng vậy, nhưng còn hơn thế nữa! Ngài là vị giáo chủ sáng lập ra Cơ Đốc giáo, một tôn giáo lớn nhất thế giới? Đúng vậy, nhưng còn hơn thế nữa! Xin thưa: Chúa Giê-xu còn là hiện thân của Thiên Chúa. Ngài chẳng những là giáo sư từ trời mà chính Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài đến để bày tỏ về Đức Chúa Trời cho nhân loại và kêu gọi con người quay về thờ phượng Ngài.
- Kinh Thánh đã xác nhận Ngài là Thiên Chúa trở nên con người
Trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh 700 năm, tiên tri Ê-sai đã dự báo rằng “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an.” (Ê-sai 9:5). Trong Phúc âm Giăng 1:1-4 cũng khẳng định Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời: “ Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. 2 Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. 3 Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.”
- Chính Chúa Giê-xu tự xác nhận
Kinh Thánh cũng ghi lại những lời xác nhận mạnh mẽ của Chúa về chính mình: “Ta với Cha (Thiên Chúa) là một” (Giăng 10:30). “Ai thấy Ta tức thấy Cha (Thiên Chúa)”(Giăng 14:9b) . “Ta là đường đi, chân lý và sự sống, chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha (Thiên Chúa) (Giăng 14:6) .
Một người tuyên bố như thế chỉ có thể rơi vào một trong ba trường hợp: đó là người mất trí, điên cuồng; thứ hai là người nói ba hoa khoác lác không đáng tin và thứ ba là sự thật. Chắc chắn Chúa Giê-xu không phải người mất trí; Ngài cũng không phải là người khoác lác, kiêu ngạo. Vậy thì Ngài thật sự như Ngài đã tuyên bố.
Học giả kiêm nhà văn nổi tiếng Lâm Ngữ Đường trước đây không tin Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và tìm cách phủ nhận sự xác nhận đó. Nhưng khi trở lại với Cơ Đốc giáo, ông đã mạnh mẽ khẳng định:“Tôi khám phá ra rằng, từ xưa đến giờ chưa ai dám nói những lời như Chúa Giê-xu đã nói.” “Không có một bậc thầy nào ở đời này hiểu biết và có mối quan hệ đặc biệt như thế với Đức Chúa Trời. Chính vì sự hiểu biết và có mối quan hệ mật thiết đó mà Chúa Giê-xu đã dám tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng “Ai thấy ta là đã thấy Cha.” Và khi đọc lại Kinh Thánh, ông tuyên bố: “Trở về với Thánh Kinh, tôi thấy Thánh Kinh không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng cũng ghi lại sự mặc khải chính xác, qua Chúa Giê-xu; chính sự mặc khải đó đã đem Đức Chúa Trời xuống ngang tầm mắt của tôi, để tôi có thể biết Ngài.”. [2]
CHÚA GIÊ-XU LÀ CỨU CHÚA CỦA NHÂN LOẠI
- Nhân loại tuyệt vọng cần một Đấng Cứu Thế
Chúa Giê-xu không chỉ là vị giáo sư vĩ đại từ trời mà điều quan trọng hơn, Ngài còn là Đấng Cứu Thế của cả nhân loại. Nếu Chúa Giê-xu đến thế giới này để giảng dạy những điều cao siêu, vĩ đại rồi cuối cùng cũng chết nằm yên trong mộ như bao giáo chủ, giáo sư ở đời thì Ngài cũng không hơn gì các vị ấy. Không, Chúa Giê-xu đến thế giới này với một sứ mệnh của một Đấng Cứu Thế . Ngài đến để thi hành kế hoạch cứu rỗi nhân loại. Vì thế, Ngài mang tên là Giê-xu nghĩa là Đấng Cứu Thế.
Và Christ hay Cơ Đốc có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu.
Chúa Giê-xu đem sự cứu rỗi đến cho nhân loại qua sự chết đền tội trên thập tự giá
Nhân loại đang bất lực trước nan đề tội lỗi, đau khổ, sự chết do con người đã phạm tội, xa cách Ngài. Vì thế Chúa Giê-xu đã chịu chết trên cây thập tự, đổ huyết ra bôi xóa tội lỗi chúng ta và Ngài đã sống lại để ban niềm hy vọng cho chúng ta. Kinh Thánh quả quyết “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” Con người cần đức tin đến Chúa Giê-xu là Đấng vô tội chuộc tội để được tha thứ và trở về với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, là Nguồn sống.
Tóm lại, Chúa Giê-xu là vị Thầy vĩ đại bởi vì Ngài là giáo sư từ trời, là hiện thân của Đức Chúa Trời đã đến với nhân loại để chịu chết chuộc tội để ban ơn cứu rỗi cho mọi người. Hãy bày tỏ lòng biết ơn vị Thầy vĩ đại Giê-xu bằng cách tiếp nhận Ngài vào lòng, tôn Ngài làm Cứu Chúa và Chủ của cuộc đời mình và noi dấu chân Ngài!
Trịnh Phan
20.11.2017
————–
[1] Bài chia sẻ truyền giảng cho các giáo viên nhân ngày Nhà giáo
[2] Lâm Ngữ Đường, 2017 . Hành trình tâm linh- Từ người ngoại đạo trở thành Cơ Đốc nhân (NXB Phương Đông, ),tr. 277-278.