Kỷ Luật – 10/11/2017

3432

 

Ê-phê-sô 6:1-4

1 Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. 2 Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), 3 hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất. 4 Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.

Câu gốc: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (câu 4).

Câu hỏi suy ngẫm: Người cha Cơ Đốc cần phải bày tỏ thẩm quyền của mình trên con cái như thế nào? Những sai lầm nào người cha có thể mắc phải? Bài học này áp dụng trong lĩnh vực lãnh đạo thuộc linh như thế nào? Bạn áp dụng thế nào với “bầy chiên” mà Chúa giao cho bạn?

Câu 1-3 nói đến bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Tại đây con cái được khuyên dạy phải vâng phục và tôn kính cha mẹ mình, nghĩa là con cái phải nhận biết, thừa nhận, và thuận phục thẩm quyền Chúa đặt để trên mình trong gia đình. Tuy nhiên, để một mối quan hệ tốt đẹp, luôn luôn có trách nhiệm của cả hai phía. Người cha Cơ Đốc luôn nhận biết mình có hai trách nhiệm quan trọng trên con cái, đó là dạy dỗ và nuôi nấng chúng. Sự dạy dỗ bao gồm cả “sự sửa phạt,” vì chính “sự sửa phạt” đem lại ích lợi cho con và bày tỏ tình yêu đối với con (Châm Ngôn 13:24). Nhưng cha mẹ nên nhớ kỷ luật mà mình sử dụng phải là kỷ luật “của Chúa”, kỷ luật của tình yêu và sự gây dựng (Hê-bơ-rơ 12:6-7).

Một người lãnh đạo thuộc linh phải nhận ra trách nhiệm của mình trong sự “khuyên bảo” bầy chiên, bao gồm cả kỷ luật. Rất nhiều người lãnh đạo trong Hội Thánh ngày nay đã hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai về tình yêu thương. Có nhiều người cho rằng trong Hội Thánh cần bày tỏ tình yêu, phải chấp nhận nhau, do đó không cần có kỷ luật. Cũng có những người nhận biết vai trò cần yếu của kỷ luật nhưng vì áp lực của số đông, hoặc sợ làm mích lòng người khác, hoặc sợ người khác nói mình “ác”, nên bỏ qua kỷ luật. Tuy nhiên, “sự sửa phạt khuyên bảo” là vì yêu thương và để gây dựng bầy chiên. Việc áp dụng kỷ luật không phải là một phương cách để bày tỏ uy quyền lãnh đạo của mình, vì điều đó chỉ “chọc cho con cái mình giận dữ”. Đừng quên rằng khi một người lãnh đạo càng lạm dụng thẩm quyền của tổ chức nhiều chừng nào, chứng tỏ rằng người đó đang mất dần thẩm quyền thuộc linh chừng ấy.

Bên cạnh đó, như người cha phải “nuôi nấng” con mình, thì người lãnh đạo thuộc linh cũng phải quan tâm đến mọi nhu cầu của bầy chiên. Một người lãnh đạo thuộc linh yêu thương bầy chiên sẽ không xem việc hoàn thành công việc được giao là xong trách nhiệm của mình. Một giáo viên Trường Chúa Nhật không chỉ có việc hướng dẫn bài học và cũng không chấm dứt sau giờ học. Người lãnh đạo thuộc linh cần phải làm việc với tinh thần “chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy” (I Phi-e-rơ 5:3).

Bạn đang lạm dụng thẩm quyền hay áp dụng thẩm quyền Chúa ban cho theo ý Chúa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sử dụng thẩm quyền Chúa ban cho theo ý muốn Ngài, nhất là trong khi khuyên bảo, kỷ luật bầy chiên Chúa giao cho con, để bầy chiên đó được trưởng thành và được nuôi dưỡng theo ý muốn Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 40.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Bài trướcBài 88: Lòng Thương Xót 
Bài tiếp theoUBKT – Thư Ngỏ Từ HTTL Ea Sô (HT người Dao) – Đăk Lăk