Ghê-đê-ôn Được Chúa Dùng

15174

Được Chúa dùng là đặc ân mà Đức Chúa Trời dành cho những ai thuộc về Ngài và sẵn sàng để Ngài sử dụng. Khác với những địa vị trong xã hội, người được Chúa dùng không thể tự cất nhắc mình lên bằng tiền bạc, quyền lực, nhưng bởi ân sủng và sự kêu gọi của Ngài. Chúa chọn và dùng ai thì Ngài cũng ban cho ơn và những phước hạnh đặc biệt. Đây là điều kỳ diệu và cũng là sự khích lệ cho những ai đã, đang và sẽ được Chúa dùng không nản lòng, bỏ cuộc, khi đối diện với những nghịch cảnh và nan đề trong chức vụ. Bởi lẽ, người được Chúa dùng không phải lúc nào cũng được hanh thông, được mọi người khen ngợi,… vì nhiều khi phải đối diện với những mối nguy hại trước mắt, có lúc nguy hại đến cả tính mạng. Nhưng người được Chúa dùng thì Ngài cũng có những phương cách đặc biệt dành cho người ấy.

1/ CHÚA BIẾT KHẢ NĂNG CỦA GHÊ-ĐÊ-ÔN: (Các Quan Xét 6:12)

Ghê-đê-ôn, con trai Giô-ách, người A-bi-ê-xê-rít, thuộc chi phái Ma-na-se (Các Quan Xét 6:11,15) cũng đồng chung số phận với dân tộc Y-sơ-ra-ên dưới ách thống trị của người Ma-đi-an trong bảy năm. Đây là hậu quả của việc dân Y-sơ-ra-ên thờ thần tượng, làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va (Các Quan Xét 6:1).

Dù bảy năm, nhưng đây là giai đoạn dân Y-sơ-ra-ên phải đối diện với sự nghèo khó cùng cực: “Vậy, vì cớ dân Ma-đi-an, Y-sơ-ra-ên bị nghèo khổ bẩn chật, nên họ kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va” (Các Quan Xét 6:6). Nên Chúa đã kêu gọi Ghê-đê-ôn và dùng ông làm quan xét để cứu dân sự khỏi tay người Ma-đi-an. Lúc bấy giờ, Ghê-đê-ôn cũng giống như mọi người, ông đang đập lúa mạch trong bàn ép để tránh khỏi sự truy đuổi và cướp bóc của dân Ma-đi-an. Ông cũng chỉ là một người dân Y-sơ-ra-ên bình thường, có thể ông cũng chưa biết chiến đấu, đánh trận là như thế nào. Nhưng khi gặp ông, thiên sứ của Chúa đã gọi ông là “dõng sĩ” vì Ngài biết được thực trạng của ông (Các Quan Xét 6:12). Khi giao cho trọng trách giải cứu dân tộc, “người thưa rằng: Than ôi! Hỡi Chúa, tôi sẽ lấy chi giải cứu Y-sơ-ra-ên? Kìa, trong chi phái Ma-na-se, họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi”. Tinh thần khiêm nhường là điều đáng quý và nên trân trọng đối với người được Chúa dùng. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để thoái thác trọng trách Đức Giê-hô-va giao phó. Ngài phán bảo Ghê-đê-ôn: “Hãy dùng sức của ngươi vẫn có mà đi giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ma-đi-an” (6:14), Ngài cũng phán bảo chúng ta hãy dùng sức mà chúng ta đang có để phục vụ Ngài.

Chúa biết chúng ta là ai, chúng ta được nắn nên bởi giống chi, Ngài biết khả năng và sức lực của mỗi chúng ta. Bởi vậy, thay vì chỉ sống cho riêng mình, quanh quẩn bên những câu hỏi “hôm nay ăn gì mặc gì?” thì hãy phó thác đời sống mình cho Ngài, sẵn sàng để Ngài sử dụng trong mọi công tác mà Chúa và Hội Thánh giao phó. Nếu có ai đó mặc cảm, “tôi không đủ khả năng, đủ ân tứ, tôi không biết nói chi,…” thì cần nhớ rằng, chính Đức Giê-hô-va biết chúng ta là ai, Ngài biết khả năng mỗi người. Ngài giao việc tùy vào thái độ và khả năng, thay vì chúng ta thắc mắc, “tôi sẽ làm được gì, tôi sẽ làm thế nào” thì hãy nhớ rằng, “tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13).

Nếu Ghê-đê-ôn tự ý thức mình là ai, và mình có khả năng giải cứu dân tộc, hay có ai đó cho ông biết thực trạng của ông và khuyến khích ông đứng lên làm quan xét. Thì chắc chắn ông không thể đạt những thành công suốt cuộc đời, có thành công đi nữa cũng không trọn vẹn. Nhưng Kinh Thánh cho biết, chính Đức Giê-hô-va là Đấng đã sai đi và ở cùng ông, “Đức Giê-hô-va xây lại cùng người mà phán rằng: Hãy dùng sức của ngươi vẫn có mà đi giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ma-đi-an. Ta há chẳng sai ngươi đi sao?” “Ta sẽ ở cùng ngươi, và ngươi sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy” (Các Quan Xét 6:14,16).

2/ CHÚA SAI ĐI VÀ Ở CÙNG GHÊ-ĐÊ-ÔN: (Các Quan Xét 6:14)

“…Ta há chẳng sai ngươi đi sao?,… Ta sẽ ở cùng ngươi” đây chính là điểm tựa vững chắc khiến Ghê-đê-ôn sẵn sàng phó dâng cho Đức Giê-hô-va sử dụng. Đây cũng là sự khích lệ dành cho chúng ta là những người đang và sẽ được Chúa dùng. Nhưng là điều đáng suy nghĩ cho những ai mang danh nghĩa là người phục vụ Chúa mà thực chất là kiếm lợi riêng cho bản thân, không thực sự được Chúa dùng.

Giống như Môi-se khi được Chúa kêu gọi để Ngài sử dụng, Ghê-đê-ôn cũng nhận thấy mình không đủ khả năng và mặc cảm: “Người thưa rằng: Than ôi! Hỡi Chúa, tôi sẽ lấy chi giải cứu Y-sơ-ra-ên? Kìa, trong chi phái Ma-na-se, họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi” (6:15). Nhưng Chúa sử dụng Ghê-đê-ôn và chúng ta không phải vì ông và chúng ta xứng đáng, mà đó là đặc ân Chúa dành cho người Ngài chọn. Chúa có thể sử dụng bất kỳ ai và bất cứ cách gì để giải cứu dân sự khỏi người Ma-đi-an, nhưng Ngài muốn ông Ghê-đê-ôn và chúng ta phải là người làm việc đó bằng chính sức chúng ta đang có. Chúa cũng khẳng định trọng trách giải cứu dân tộc là do Ngài sai Ghê-đê-ôn chứ không phải bởi ý riêng của một người nào. Mạng lệnh thường đi đôi với lời hứa: “Đức Giê-hô-va phán rằng: Ta sẽ ở cùng ngươi, và ngươi sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy” (6:16). Khi Chúa kêu gọi và sử dụng Môi-se, “Môi-se bèn thưa rằng: Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô? 12 Đức Chúa Trời phán rằng: Ta sẽ ở cùng ngươi, …” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:11-12). Ngài cũng đã từng hứa với Giô-suê, “trót đời ngươi sống, sẽ chẳng ai chống cự được trước mặt ngươi. Ta sẽ ở cùng ngươi như ta đã ở cùng Môi-se; ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu” (Giô-suê 1:5).

Ban đầu, khi thiên sứ của Chúa phán rằng: “Hỡi người dõng sĩ! Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi” (6:12), Ghê-đê-ôn đã trách Chúa: “Ôi! Chúa, nếu Đức Giê-hô-va ở cùng chúng tôi, sao các điều nầy xảy đến cho chúng tôi? Các phép lạ kia ở đâu mà tổ phụ chúng tôi đã thuật lại rằng: Đức Giê-hô-va há chẳng có đem chúng ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô sao? Vì bây giờ Đức Giê-hô-va từ bỏ chúng tôi, và phó chúng tôi vào tay dân Ma-đi-an” (6:13). Chúa bảo Ngài vẫn ở cùng ông, nhưng hoạn nạn trong bảy năm vừa qua mà dân sự phải chịu chính là hậu quả của việc họ lìa bỏ Chúa quay sang thờ thần tượng, chứ không phải là Chúa lìa bỏ họ. Điều đó khẳng định chỉ có việc chúng ta lìa bỏ Ngài, chứ Ngài vẫn luôn ở cùng chúng ta, nếu chúng ta cứ trung tín để Ngài sử dụng.

Ai trong chúng ta là người được Chúa sử dụng vào những công tác lớn, hay được góp phần trong các công việc nhỏ và thầm lặng, hãy yên tâm, vững lòng, bền chí vì chính Đức Giê-hô-va đã gọi và sử dụng thì Ngài cũng sẽ ở cùng chúng ta trong mọi việc. Đừng nhìn vào hoàn cảnh, nhưng hãy nhớ rằng chúng ta không cô đơn, dù có khi phục vụ Chúa thật lòng nhưng không một ai ủng hộ, thì Đức Giê-hô-va là Đấng vẫn ở cùng và bênh vực chúng ta đúng thời điểm. Hơn thế nữa, để được Chúa sử dụng, Ghê-đê-ôn còn làm một việc gây chấn động cả gia đình và bà con hàng xóm. Đó là việc ông sẵn sàng dẹp bỏ thần tượng trong gia đình.

3/ GHÊ-ĐÊ-ÔN SẴN SÀNG DẸP BỎ THẦN TƯỢNG: (Các Quan Xét 6:16)

Trong cũng một đêm ấy, Đức Giê-hô-va phán cùng Ghê-đê-ôn rằng: Hãy bắt con bò đực tơ của cha ngươi, và một con bò đực thứ nhì bảy tuổi, rồi phá dỡ bàn thờ thần Ba-anh tại nhà cha ngươi, và đánh hạ hình tượng A-sê-ra ở trên đó” (6:25). Trước khi được Đức Giê-hô-va sử dụng, Ngài muốn Ghê-đê-ôn phải dẹp bỏ, đánh đổ những thần tượng trong gia đình. Người được Chúa sử dụng phải dẹp bỏ mọi thần tượng còn vương vấn trong đời sống. Thần tượng trong đời sống của người được Chúa sử dụng có khi chính là tiền bạc, địa vị, những điều đó đã khiến nhiều người đánh mất chức vụ, nên khi sai phái mười hai sứ đồ ra đi Chúa Giê-xu đã phán dặn: “Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ. Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không. Đừng đem vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong lưng các ngươi; cũng đừng đem cái bao đi đường, hoặc hai áo, hoặc giày, hoặc gậy; vì người làm việc đáng được đồ ăn” (Ma-thi-ơ 10:8-10).

Ghê-đê-ôn đã sẵn sàng dẹp bỏ thần tượng trong gia đình mình, “Ghê-đê-ôn chọn lấy mười người trong bọn đầy tớ mình, và làm theo điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn” (6:27), dù biết rằng sẽ phải đối diện với sự bắt bớ của gia đình và bà con hàng xóm, “người sợ nhà cha mình cùng kẻ trong thành, nên không dám làm theo lịnh ấy ban ngày, bèn làm ban đêm” . Việc gì đến cũng phải đến: “Sớm mai, khi dân trong thành thức dậy, thấy bàn thờ của thần Ba-anh đã bị phá dỡ, hình tượng A-sê-ra ở trên bị đánh hạ, và con bò đực thứ nhì đã dâng làm của lễ thiêu trên bàn thờ mới lập đó. Chúng hỏi nhau rằng: Ai làm điều đó? Đoạn, hỏi thăm và tra xét. Có người nói cùng chúng nó rằng: Ấy là Ghê-đê-ôn, con trai Giô-ách, đã làm điều đó” (6:28-29).

Hoàn cảnh trước mắt, Ghê-đê-ôn phải đương đầu với tất cả dân trong thành. Thậm chí có thể chính gia đình của ông nữa, “dân trong thành bèn nói cùng Giô-ách rằng: Hãy biểu con ngươi ra, nó phải chết, vì nó đã phá dỡ bàn thờ thần Ba-anh, và đánh hạ hình tượng A-sê-ra ở trên” (6:31). Nhưng người Đức Giê-hô-va đã chọn để dùng thì Ngài có phương cách để giải cứu kịp lúc, đúng thời điểm. Người giải cứu cho Ghê-đê-ôn ngay lúc “ngàn cân treo sợi tóc” ấy chính là Giô-ách, cha của ông. Dù đang thờ thần tượng, dù Ghê-đê-ôn đã dẹp thần tượng trong nhà, nhưng khi quyết định chọn giữa thần tượng và mạng sống của con trai mình, Giô-ách đã không ngần ngại bảo vệ Ghê-đê-ôn. Đây không phải là việc do con người làm, nhưng là bởi sự hướng dẫn từ Đức Chúa Trời. Chính lúc ấy, Giô-ách cũng nhận ra sự vô tri vô giác của thần tượng: “Nếu hắn là chúa, thì chính hắn hãy tranh luận lấy chớ, bởi vì người ta đã phá dỡ bàn thờ của hắn!” (6:31b).

Chính việc dứt khoát dẹp bỏ thần tượng của Ghê-đê-ôn không chỉ là hành động vâng lời Đức Giê-hô-va mà việc làm đó còn giúp Giô-ách thấy rõ sự hư không của thần tượng, để trở về cùng Đức Giê-hô-va hằng sống và chân thật. Sự vâng lời của Ghê-đê-ôn là hành động của người được Chúa dùng, nên dù trước mắt kẻ thù có đông và mạnh như được mô tả: “Hết thảy dân Ma-đi-an, dân A-ma-léc, và người phương Đông đều hiệp lại, đi ngang qua sông Giô-đanh, và đóng trại tại trũng Gít-rê-ên” (6:33) thì đối với Ghê-đê-ôn cũng chỉ “như đánh một người” vì “Thần của Đức Giê-hô-va cảm hóa Ghê-đê-ôn” hay còn có nghĩa “Thánh Linh mặc lấy cho”. Điều này chỉ được nhắc đến 3 lần trong Kinh Thánh (I Sử Ký 2:18; II Sử Ký 24:20). Đây chính là yếu tố cần và đủ để Ghê-đê-ôn dành được thắng lợi liên tiếp trước dân Ma-đi-an khiến “dân Ma-đi-an bị phục trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, chẳng cất đầu lên được nữa; nên trong đời Ghê-đê-ôn, xứ được hòa bình trọn bốn mươi năm” (Các Quan Xét 8:28).

Chúa kêu gọi và sử dụng mỗi chúng ta vào những công tác khác nhau trong nhà Ngài: “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư” (Ê-phê-sô 4:11) không phải là việc ngẫu nhiên, nhưng vì Chúa biết khả năng của mỗi người. Ngài đã sai ai đi để Ngài sử dụng thì Ngài cũng ở cùng người ấy, nhưng điều Ngài cần ở người được Chúa sử dụng, đó chính là sẵn sàng dẹp bỏ mọi thần tượng ngăn trở trong đời sống, đứng hoàn toàn về phía Đức Giê-hô-va, không đi giẹo hai bên.

MSNC. Tạ Quang Vinh

Bài trướcĐN Vĩnh Trạch Đông: Xa Mà Gần
Bài tiếp theoUBKT – Thư Ngỏ Từ Chi Hội Bình An