Ngày 11/6/2016: Săn Sóc Người Nhà Mình

874

I Ti-mô-thê 5:3-8

“Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời” (I Ti-mô-thê 5:4).


Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô dạy các tín hữu phải đối xử thế nào với các bà góa? Đặc biệt, ông dạy gì về trách nhiệm chăm sóc người nhà của các tín hữu? Điều này liên hệ như thế nào đến đức tin của họ? Bạn đã làm điều này như thế nào?

 

Phục vụ Chúa trước hết là săn sóc người nhà mình. Chúa Giê-xu đã quở trách người Pha-ri-si là giả hình khi họ viện dẫn lý do tôn giáo để không chăm sóc cha mẹ mình (Ma-thi-ơ 15:5-6). Trong thư viết cho Mục sư Ti-mô-thê, Sứ đồ Phao-lô đã chỉ ra mối liên hệ quan trọng giữa cách Cơ Đốc nhân đối xử với người nhà mình và ảnh hưởng của họ trên những người chưa biết Chúa. Đặc biệt ông nhấn mạnh đến sự quan tâm và chăm sóc những bà góa trong Hội Thánh.

 

Hội Thánh đầu tiên đã cử ra bảy người có ơn để lo việc cấp phát cho những người góa bụa (Công Vụ 6:1-7). Họ vâng lời Chúa và tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng “bào chữa công bình cho kẻ mồ côi và người góa bụa, thương người khách lạ, ban đồ ăn và áo xống cho người” (Phục Truyền 10:17-18). Đức Chúa Trời Toàn Năng có năng quyền thực hiện điều này mà không cần đến ai, nhưng Ngài đã cho phép con người dự phần trong công tác cao trọng này. Nói cách khác, sự quan tâm của Ngài bày tỏ qua sự quan tâm của Hội Thánh Ngài, là những người được Chúa đặt để ở một nơi chốn cụ thể trong trần gian này.

 

Sự giúp đỡ của Chúa không mơ hồ vì Ngài dùng những con người cụ thể để làm điều đó. Ví dụ, để đáp ứng nhu cầu thuộc thể hằng ngày, cần phải có người mua, chuẩn bị, và phân phát thức ăn. Sự phục vụ Chúa của chúng ta phải bày tỏ cụ thể qua sự phục vụ người khác. Theo Sứ đồ Phao-lô, “người khác” ở đây trước hết phải là những người trong gia đình. Ông nhấn mạnh, “con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời” (câu 4). Trước hết, họ phải thấy đây là thứ tự ưu tiên. Thứ hai, họ phải “học làm” chứ không phải chỉ “học biết.” Họ cần phải chủ ý thực hành qua cuộc sống hằng ngày. Thứ ba, khi bày tỏ sự tôn kính và hiếu thảo đối với cha mẹ và ông bà, họ đã báo đáp lại những sự chăm sóc mà họ đã nhận được ngày xưa. Trong nguyên ngữ, động từ “báo đáp” chỉ hành động liên tục, chứ không phải chỉ một lần. Thứ tư, đây là điều làm Chúa vui lòng (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12).

 

Chúng ta thường nói rằng “Hội Thánh là gia đình,” nhưng Chúa không cho phép chúng ta bỏ qua gia đình thứ nhất của chúng ta, là nơi chúng ta đã được sinh ra và lớn lên. Bổn phận của chúng ta đối với gia đình này bày tỏ bổn phận của chúng ta đối với Chúa. Thật vậy, chăm sóc và lo lắng đến người nhà mình là dấu hiệu rõ ràng của sự tin kính Chúa, qua đó cho thấy đức tin thật của người đó. Nếu chúng ta “không săn sóc đến bà con mình, nhất là người nhà mình,” thì chúng ta là người “chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (câu 8). Tóm lại, sự mộ đạo của chúng ta trước hết phải được bày tỏ qua sự đối xử của mình đối với những người trong gia đình.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha tội cho con vì có lúc con cũng giả hình như người Pha-ri-si, khi con không lo lắng đến những người trong chính gia đình của con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 41.

Bài trướcNgày 10/6/2016: Tấm Lòng Phục Vụ của Ông Áp-ra-ham
Bài tiếp theoLễ Khởi Công Xây Dựng Nhà Thờ Phước Thiện