Ngày 31/8/2015: Đấng Chịu Xức Dầu

1320

Ê-sai 61:1-11

“Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên Ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho Ta, đặng giảng tin lành cho người khiêm nhường. Ngài đã sai Ta đến đặng rịt những người vỡ lòng, đặng rao cho người phu tù được tự do, người bị cầm tù được ra khỏi ngục” (câu 1).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Người mà Đức Chúa Trời xức dầu ở đây là ai? Người này sẽ làm gì cho dân tộc Israel và cho chúng ta? Bạn có thể nói gì về sự tự do mà Chúa Giê-xu ban cho bạn?

 

Các câu 1-7 mô tả một nhân vật được xức dầu bởi Chúa Thánh Linh để đem một sứ điệp khích lệ đến cho người Israel. Cụm từ “Đấng chịu xức dầu” trong tiếng Hê-bơ-rơ là “Mết-si-a”; trong tiếng Hy Lạp là “Đấng Cơ Đốc”. Dù Tiên tri Ê-sai là người được xức dầu để trở thành một tiên tri, nhưng trong câu 1, ông đang nói đến Đấng chịu xức dầu trong tương lai, Đấng mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở cùng.

 

Trong sứ điệp Tiên tri Ê-sai vừa nói về sự giải cứu người Giu-đa ra khỏi xiềng xích của người Ba-by-lôn, vừa nói về Chúa Cứu Thế sẽ giải cứu nhân loại ra khỏi xiềng xích của tội lỗi. Ông đã đem lại sự an ủi và niềm hy vọng lớn lao cho những người trong thời Cựu Ước cũng như hiện nay. Những người bị thương tổn trong tâm hồn được chữa lành, những người bị tù đày được tự do (câu 1, 2). Thay vì buồn rầu, người ta được xức dầu bằng sự vui mừng với lòng nhẹ nhàng (câu 3). Đây là sự cứu chuộc mà Đức Chúa Trời hứa với dân Ngài trong năm ban ơn của Ngài (câu 2). Ở đây, Đức Chúa Trời phán như thể xác nhận những gì mà Tiên tri Ê-sai đã nói trước đó. Đặc biệt Ngài hứa lập giao ước đời đời với dân Ngài (câu 8). Ngài nói đến “giao ước mới” mà Tiên tri Ê-sai đã đề cập trước đó. Với giao ước mới, dân Ngài sẽ được ban phước mãi mãi (câu 9).

 

Tiên tri Ê-sai tiếp tục nói đến sự phục hồi của Giê-ru-sa-lem sau thời kỳ lưu đày (câu 10-11). Bằng ngôn ngữ tượng hình, ông mô tả Giê-ru-sa-lem sẽ mặc lấy sự cứu rỗi và sự công chính. Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc dân Ngài, khiến cho họ phát triển vững mạnh như cây trong vườn đâm chồi, nứt lộc, và vươn cao nhờ bàn tay chăm sóc, vun bón của chủ vườn. Muôn dân sẽ nhận thấy điều này và ca ngợi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu hai câu cuối trong ý nghĩa rộng lớn hơn nói về sự phục hồi của dân Đức Chúa Trời bởi Chúa Cứu Thế là Đấng Mết-si-a. Ở đây, tiếng nói của Đấng chịu xức dầu lại vang lên. Sự vui mừng, sự cứu rỗi, và sự công chính thuộc về Ngài và cũng thuộc về chúng ta.

 

Bạn sẽ làm gì khi nhận thức rằng sự vui mừng, sự cứu rỗi, và sự công chính thuộc về Chúa và cũng thuộc về bạn?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con hết lòng tạ ơn và tôn ngợi Ngài vì bởi Ngài con được cứu chuộc, được xưng công chính và sống vui mừng.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Phục Truyền 34.

 

Bài trướcLễ Công Bố Quyết Định Thành Lập, Lễ Cung Hiến Nhà Thờ Tây Thạnh và Lễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm.
Bài tiếp theoTruyền Giảng Tại Chi Hội Phước An – Đăk Lăk