Ngày 28/8/2015: Tội Lỗi, Sự Xưng Tội, và Sự Cứu Chuộc

882

Ê-sai 59:1-21

“Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa” (câu 2).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Tình trạng của người Giu-đa ra sao? Tiên tri Ê-sai đã làm gì khi nhìn thấy những tác hại khủng khiếp của tội lỗi trên dân tộc ông? Bạn có thể làm gì cho xã hội ngày càng băng hoại mà bạn đang sống?

 

Trong hai phân đoạn trước Đức Chúa Trời buộc người Israel về nhiều tội mà họ đã phạm, trong đó có tội thờ hình tượng và giả hình. Trong phân đoạn này, Tiên tri Ê-sai tiếp tục kết tội họ, bằng cách nhấn mạnh đến sự bất công xã hội mà họ đã tạo ra. Ông nói rằng: “Sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời” (câu 2). Tội mà họ phạm ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống, khiến cho tay, môi miệng trở nên xấu xa (câu 3), làm xói mòn các giá trị đạo đức (câu 4a), khiến cho đường lối con người trở nên quanh quẹo và đầy nguy hiểm (câu 8).

 

Không chỉ phạm tội, mà dân Đức Chúa Trời còn than phiền Ngài về những khó khăn họ gặp phải, bằng cách nói rằng Ngài không đủ năng quyền để cứu họ, Ngài nặng tai nên không thể nghe họ (câu 1). Nhưng nói như thế là sai, dại dột, và thiếu hiểu biết. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy dường như Đức Chúa Trời ở quá xa không cứu giúp, chúng ta nên nhìn lại mình để tìm hiểu nguyên nhân. Chính tội lỗi đã khiến chúng ta xa cách Ngài, khiến cho lời cầu nguyện của chúng ta không được Ngài nhậm. Trong tình trạng như thế, điều chúng ta cần làm là cầu nguyện, xưng tội và ăn năn để Ngài tha thứ và phục hồi chúng ta.

 

Vì ưa thích bóng tối hơn là ánh sáng (câu 9), nên người Israel trở nên mù lòa, yếu đuối (câu 10). Tội họ phạm với Đức Chúa Trời bao gồm tội chống nghịch và dối trá (câu 13). Người ta không thể tìm thấy sự công chính và chân lý ở nơi họ (câu 14). Trong xã hội đầy sự tối tăm, những người cố tránh làm điều dữ trở thành nạn nhân của người dữ; người ác bức hại, mưu hại những người sống công chính, vu cáo những người không đồng mưu ác với họ, cô lập hoặc gài bẫy những người từ chối đi theo đường lối gian tà.

 

Nhận biết rằng tội của người Giu-đa dẫn đến hậu quả khủng khiếp, Tiên tri Ê-sai tự xét mình cũng là người phạm tội giữa vòng dân tộc Giu-đa và dùng từ “chúng tôi” để thay mặt cho người Israel công khai xưng nhận tội lỗi với Đức Chúa Trời. Để đáp lời của Tiên tri Ê-sai, Đức Chúa Trời sẽ ban sự bình an cho những người có lòng ăn năn, thống hối. Ngài sẽ từ Si-ôn đến với tư cách Đấng Cứu Chuộc, chứ không phải là Quan Án. Ngài đến với những người có lòng ăn năn. Ngài đến với ân sủng và tình yêu thương của người cha chứ không phải với sự thịnh nộ (câu 20, 21).

 

Sau khi suy ngẫm phân đoạn này, bạn sẽ làm gì và cầu nguyện như thế nào cho chính bạn và dân tộc bạn?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bởi lòng đại từ Ngài, xin giải cứu dân tộc con. Xin khiến cho nhiều người tìm cầu Ngài và bày tỏ lòng ăn năn thống hối về tội lỗi của họ.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Phục Truyền 31.

Bài trướcỦy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ Thăm Thường Trực Tổng Liên Hội.
Bài tiếp theoNgày 29/8/2015: Thành của Đức Giê-hô-va