Khi con nhìn xem các tầng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã tạo dựng; loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi mà Chúa thăm viếng nó?
Chúa dựng nên loài người kém Đức Chúa Trời một chút, đội cho người mão miện vinh quang và tôn trọng. Chúa ban cho con người quyền cai trị công việc của tay Chúa; khiến muôn vật phục dưới chân người, tất cả loài chiên và gia súc cũng như các thú đồng, chim trời và cá biển cùng sinh vật bơi lội dưới biển.
Lạy Đức Giê-hô-va là Chúa chúng con, danh Chúa vang lừng trên khắp đất biết bao!
Thi-thiên 8:3-9
“Ta là ai?” một thời đã là câu hỏi của thanh niên thế giới, nhất là vào giai đoạn thuyết hiện sinh lôi cuốn tuổi trẻ. Nhưng hỏi như vậy để rồi buông mình vào những triết lý phủ nhận Thượng Đế và kết thúc cuộc đời trong tuyệt vọng thì thật là cuồng dại.
Tác giả bài thơ này không hỏi: Loài người là gì? rồi cố đi tìm câu trả lời trong tuyệt vọng. Câu hỏi không phải chỉ ngắn gọn như vậy. Câu hỏi đầy đủ là: Loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Trước khi đặt một câu hỏi như vậy, tác giả đã kinh hoàng trước vinh quang của Chúa qua những công trình vĩ đại không sao hiểu nổi của Ngài, và không biết tại sao một Đấng vĩ đại như vậy lại bằng lòng đếm xỉa đến một sinh vật nhỏ nhoi vô nghĩa như con người?
Đây không phải câu hỏi tìm sự kiện mà câu hỏi tìm ý nghĩa của một mối giao tiếp giữa một Đấng vô cùng vĩ đại với một sinh vật vô cùng vô nghĩa.
Mọi người đều nhìn vào thiên nhiên và tấm tắc khen ngợi công trình của Tạo Hóa, nhưng người tin Chúa nhìn vào thiên nhiên để nhận biết Chúa rõ hơn và tôn thờ Chúa. Đó là cái nhìn của niềm tin. Nếu không có cái nhìn này, con người chỉ là một tạo vật trong thiên nhiên không hơn không kém.
Bạn biết mối quan hệ của mình với Chúa chưa? Hay là bạn vẫn sống bên cạnh Chúa mà chưa hề giao ngộ với Ngài?
Trong toàn vũ trụ vĩ đại vô cùng, chỉ có con người nhìn và đặt câu hỏi, nhưng không phải nghi ngờ mà là để xác nhận câu trả lời vốn đã biết. Con người là tạo vật duy nhất trao đổi, đối thoại với Tạo Hóa như với một cá nhân.
Từng trời cao kia với các hành tinh và thiên thể hàng triệu triệu không phải ngẫu nhiên xuất hiện mà chính là công việc của một trí khôn, một bàn tay đã tạo dựng đã lập ra các quỹ đạo và những định luật mà con người vẫn tìm nhưng hàng nghìn đời nối tiếp vẫn chưa biết đến đâu cả.
Nhưng điều mà con người có thể biết, không phải là thực thể thiên nhiên hữu hình hay vô hình, hay các định luật phức tạp vô số, nhưng chính là Đấng Sáng Tạo. Con người có thể biết Đấng Sáng Tạo vì trong kinh nghiệm, tác giả biết Chúa đã “nhớ đến” và đã “thăm viếng” (hay “săn sóc”) con người.
Hai động từ “nhớ đến” và “săn sóc” xác định rõ Thượng Đế cá biệt, có thân vị và giao ngộ hay trao đổi được. Dĩ nhiên về phía con người không có cách nào với đến trời cao, nhưng Thượng Đế đã bằng lòng tiếp xúc với con người.
Thượng Đế đã làm bốn điều cho con người:
a. Chúa tạo dựng con người với tất cả khả năng, trừ ra một điểm, con người không phải là thần linh, vì thuộc về tạo vật hữu hình. “Kém Đức Chúa Trời một chút” hay là “kém các đấng bậc trên trời” xác nhận chỗ đứng trên mặt đất của con người. Chính vì điểm này dù nhân loại có nhiều bậc vĩ nhân nhưng không ai đáng cho con người phải tôn thờ, vì đều là tạo vật hư hoại cả, không ai là thần linh. Thờ phượng loài thọ tạo vì thế hoàn toàn sai lầm và mê tín.
b. Chúa đội cho người vinh hiển và sang trọng. Con người được tạo ra theo “hình ảnh Đức Chúa Trời” vì vậy phản ánh vinh quang của ngài. Chữ “đội” mang ý nghĩa “đặt mão triều thiên lên đầu” nghĩa là ban cho người quyền uy làm chủ. Chính vì vậy mà con người có tướng mạo, nhân cách, uy tín, danh vọng và đáng tôn trọng. Nhưng xin nhắc lại là không đáng tôn thờ!
c. Chúa ban cho người quyền cai quản công việc tạy Chúa làm. Đừng ai vội cho rằng loài người chinh phục không gian, vũ trụ. Chính Chúa đã ban cho người cái quyền đó hay là cái khôn ngoan để chế ngự vũ trụ. Đây không phải một quan niệm mà các nhà thần học mới tìm ra, hằng nghìn năm xưa nhà thơ Đa-vít đã xác nhận như vậy.
d. Chúa khiến muôn vật phục dưới chân người hay là Chúa đặt muôn vật dưới chân người. Khi Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng là lúc loài người kiêu hãnh về thành công chinh phục không gian của mình, không biết rằng Chúa bắt thiên nhiên phải phục con người. Con người có uy dũng mà loài vật phải khiếp sợ và vâng phục, đó là điều tự nhiên có thể nhận ra được.
Lý do nào khiến con người đáng tôn vinh ca ngợi Chúa không ngừng? Bạn hãy đọc lại Thi-thiên 8, bạn sẽ thấy dường như mình chưa bao giờ ca ngợi Chúa đầy đủ cả. Hãy đến với Chúa, ca ngợi Ngài như tác giả Thi-thiên 8.