Đừng Khóc và Hãy Khóc

3225

Kinh Thánh: Lu-ca 23:26-31
Câu gốc: Lu-ca 23:28b

Lời Chúa dạy trong thư Rô-ma 12:15 rằng: “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc”. Khóc hay cười đều là những cách biểu lộ tình cảm của con người. Buồn quá sẽ bật lên tiếng khóc, vui quá cũng khóc, những giọt nước mắt trào ra sẽ làm vơi đi những cảm xúc thái quá trong con người.

Trên đoạn đường từ tòa Phi-lát đến đồi Gô-gô-tha, Chúa Giê-xu bị đoàn dân mắng nhiếc, lên án, sỉ vả cùng với những ngọn roi quất vào thân thể. Hơn thế nữa, Ngài sẽ bị đóng đinh treo trên cây thập tự. Nỗi đau thể xác không bằng nỗi đau tâm linh khi Chúa thấy đoàn người vô tín đã từng ăn bánh Ngài ban, nay phản bội. Những môn đồ Chúa yêu cũng xa lìa và chối bỏ. Chỉ còn những phụ nữ đã từng được Chúa quan tâm, yêu thương, biến đổi họ… là tiếp tục theo Ngài. Họ khóc về Ngài, nhưng Chúa phán với họ: “Đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi”.

1. Lời phán của Chúa Giê-xu nói lên tinh thần quên mình

Con người thường chỉ quan tâm đến chính mình, nên thường than vãn, khóc than về chính mình trước khó khăn, hoạn nạn, thử thách. Khi những người phụ nữ khóc về Chúa thì Ngài phán: “Đừng khóc về ta”, bằng một trực giác chúng ta thấy được tinh thần quên mình của Chúa Giê-xu. Ngài không dành lấy sự thương cảm cho riêng mình, mà quan tâm đến người khác: “Hãy khóc về chính mình các ngươi và con cái các ngươi”. Trong suốt cuộc đời của Chúa Giê-xu trên đất, Ngài luôn sống quên mình vì người khác. Tại vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa chiến đấu cầu nguyện trong sự cô đơn. Sau đó Chúa Giê-xu đã bảo vệ các sứ đồ khi phán rằng: “Hãy bắt ta và để cho họ đi”. Khi Chúa bị treo trên thập tự giá, Ngài lo nghĩ đến người mẹ về phần xác và gởi gắm cho Sứ đồ Giăng phụng dưỡng. Lúc sắp trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ, hành hình mình rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc mình làm”.

Chúa Giê-xu phục vụ quên mình, còn chúng ta thì sao? Con người thường muốn người khác phục vụ mình hay quen đòi hỏi người khác lo cho mình, nhưng tinh thần của Chúa Giê-xu là phục vụ quên mình, Chúa phán trong trong Ma-thi-ơ 20:28 rằng: “Con người đến không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”.

Theo gương Chúa phục vụ quên mình, ngày nay chúng ta cần phục vụ với tinh thần dấn thân không hề đòi hỏi công giá hay báo đền ơn nghĩa!

2. Lời phán của Chúa Giê-xu nói lên tinh thần yêu dân tộc

Khi thấy những giọt lệ trên khuôn mặt của những người đàn bà Giê-ru-sa-lem khóc về Ngài, gợi lên trong tâm trí Chúa hình ảnh sự chết đang đe dọa kinh thành của họ, cho nên lời phán: “Đừng khóc về ta, song khóc về chính các ngươi” đây là một lời tiên tri về sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem.

Trước đó vài ngày, Đức Chúa Giê-xu dừng chân trên đồi Ô-li-ve và nhìn xuống kinh thành, Ngài đã tuôn tràn giọt lệ với lời kêu than thảm thương. Trong Phúc Âm Lu-ca 19:41-44 có chép: “Khi Đức Chúa Giê-xu đến gần thành thấy thì khóc về thành và phán rằng: Ước gì ít nữa là ngày nay, mày đã hiểu sự làm cho mày được bình an. Song hiện những sự ấy kín giấu nơi mắt mày, vì sẽ có ngày xảy đến cho mày, khi quân nghịch đào hố xung quanh mày, vây mày chặt bốn bề họ sẽ hủy hết thảy, mày và con cái ở giữa mày nữa, không để cho mày hòn đá này trên hòn đá kia, vì mày không biết mình đã được thăm viếng”.

Dầu Giê-ru-sa-lem đã cứng lòng đối với Chúa, nhưng với tình yêu thương dân tộc, Ngài đã khóc về Giê-ru-sa-lem. Khi nhìn thấy hình ảnh sụp đổ, tang tóc, đau thương… khiến Chúa Giê-xu phán: “Hỡi con gái thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi”.

Ngày nay, với lòng yêu đồng bào, yêu dân tộc, chúng ta có nhìn thấy những linh hồn đang tiến đến sự chết đời đời vì chối bỏ Chúa không? Chúng ta có nhìn thấy sự tối tăm của quyền lực bóng tối đang bao trùm đất nước, quê hương chúng ta không? Con người không đang sống quên mình như Chúa Giê-xu nhưng sống trong tinh thần vị kỷ, chỉ nghĩ đến lợi nhuận cá nhân mà pha trộn những chất độc hại trong thực phẩm, đồ gia dụng! Họ đang hủy diệt sự sống bằng những hành động độc ác. Con cái chúng ta, hậu tự chúng ta đang sống trong những nỗi lo sợ kẻ ác đang rình mò để cướp, hủy diệt sự sống thể xác lẫn tâm linh. Chúng ta hãy khóc với Chúa và tỉnh thức cầu nguyện thiết tha với Chúa để quê hương chúng ta, dân tộc chúng ta được thắng hơn những điều ác. Mỗi ngày xin Chúa cứu thêm nhiều người vào Hội Thánh, xin Chúa dùng đời sống của mỗi chúng ta đầy ơn, quyền của Chúa để đem ảnh hưởng của Tin Lành ra khắp chốn.

3. Lời phán của Chúa Giê-xu nói lên tinh thần quan tâm đến phụ nữ và trẻ em

Khi Chúa Giê-xu thi hành chức vụ trên đất, có nhiều phụ nữ liên quan đến cuộc đời Ngài. Ví dụ như: tin tức giáng sinh của Chúa được loan báo cho trinh nữ Ma-ri. Sự thương khó và sự chết của Chúa Giê-xu được các người đàn bà chứng kiến và than khóc. Tin mừng về sự phục sinh của Chúa được rao báo trước tiên cho Ma-ri Ma-đơ-len là người đàn bà trước kia bị quỷ ám được Chúa chữa lành…

Ngoài ra trong chức vụ Chúa Giê-xu, Ngài tiếp chuyện và cứu người đàn bà Sa-ma-ri (Giăng 4). Chúa tuyên bố tha tội cho người đàn bà phạm tội tà dâm (Giăng 8). Chúa kêu gọi con trai người đàn bà góa tại Na-in sống lại (Lu-ca 7:11-17). Chúa Giê-xu yêu thương Ma-ri và Ma-thê ở Bê-tha-ni (Giăng12:1-11).

Tại sao ở đây lời phán Chúa Giê-xu nói lên sự quan tâm đến những phụ nữ và trẻ con? Vì theo lịch sử cho thấy, phụ nữ và trẻ em chịu hoạn nạn nhiều nhất khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy. Sử gia Josephus đã ghi nhận cảnh tượng tướng Titus của La Mã đã triệt hạ Giê-ru-sa-lem năm 70 SC rằng: “Trước khi bị san bằng, thành Giê-ru-sa-lem đã bị bao vây cấm vận, đến nỗi dân trong thành bị chết đói, chết khát lên đến một triệu người. Thảm cảnh chồng trên thảm cảnh, nạn đói kém nuốt chửng nhà này đến nhà khác, các phòng đầy xác đàn bà và trẻ con chết đói, thậm chí những bà mẹ chứng kiến cảnh người ta ăn thịt con mình!”

Trên chặng đường thương khó của Chúa Giê-xu, những giọt lệ của những người đàn bà đã nói lên lòng tôn kính và thiện cảm đối với Ngài. Ngài thật xứng đáng nhận những điều đó nhưng Chúa thấu hiểu và cảm thông cho họ về số phận đau đớn nặng nề nhất sẽ đổ trên phái nữ là các bà mẹ, họ sẽ bị tổn thương vì con cái mình, nên Chúa phán: “Đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi”.

Ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục cảm thông cho những hoàn cảnh bi thương của con cái Ngài và Chúa cũng muốn chúng ta cảm thông trước những hoàn cảnh bi thương của những người khác như nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em, nạn mua bán phụ nữ và trẻ em hay nạn đối xử tệ hại đối với phụ nữ và trẻ em… vì chúng ta là môn đồ của Chúa Giê-xu.

4. Lời phán của Chúa Giê-xu bao hàm lời khuyên ăn năn tội

Câu 31 của Lu-ca 23 diễn tả hình ảnh đất nước Do Thái giống như “cây xanh” trong những năm Chúa Giê-xu hiện diện trên đất, chính lúc có cơ hội và ân phước, cây xanh phải kết quả. Nhưng dân tộc Do Thái đã chối bỏ Chúa Cứu Thế và trở nên “cây khô” chỉ xứng đáng cho lửa. Đã bao lần Chúa muốn nhóm dân Ngài lại nhưng họ không muốn. Khi kết án Chúa, chính họ đã tự kết tội mình.

Khi Đức Chúa Giê-xu phán: “Hỡi con gái thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi”, Chúa muốn nói rằng: “Đừng khóc về cảm xúc các ngươi dành cho ta, nhưng hãy khóc về chính tội lỗi các ngươi, hãy khóc về sự vô tín của dân thành các ngươi”. Chúa khao khát nơi họ những giọt lệ ăn năn, nhưng thật đáng tiếc, lịch sử ghi nhận dân Do Thái không chịu ăn năn. Lời thề của họ khi Phi-lát xử Đức Chúa Giê-xu vô tội thì họ lại xin “huyết của người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi” (Ma-thi-ơ 27:25). Lời thề độc đó đã được ứng nghiệm khi kinh thành Giê-ru-sa-lem bị triệt hạ năm 70 SC. Quân La Mã đã tàn sát dân thành, cả đàn bà, trẻ con cũng bị giết. Sử gia Josephus chép “máu trên đường phố người ta lội đến mắt cá chân”. Thật khủng khiếp! Vì lòng vô tín của họ không ăn năn, nên phải nhận lấy hậu quả.

Chúa muốn chúng ta khóc về tội lỗi của mình và ăn năn, đồng thời Chúa cũng muốn chúng ta khóc về sự vô tín của những người chối bỏ, chống nghịch Chúa. Chúng ta vui mừng cảm tạ Chúa về tình yêu thương của Ngài đã dành cho chúng ta. Ngài chết để cứu chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi để chúng ta được trở về cùng Đức Chúa Trời. Chúa không muốn chúng ta khóc về Chúa, nhưng hãy khóc cho chính mình, gia đình mình và cho những người vô tín đang bị đùa đến sự chết. Hãy khóc! Mang một ý nghĩa sâu đậm trong tinh thần thương cảm lẫn trách nhiệm truyền giáo. Vì Đại Mạng Lệnh của Chúa là: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:19,20).

Đầy Tớ Gái

Bài trướcỦy ban MTTQ Việt Nam Tp HCM chúc mừng Tổng Liên Hội nhân dịp Lễ Phục sinh
Bài tiếp theoUBKT – Thư ngỏ của HT Hải An (tỉnh Cà Mau)