UB.TTN – Gô-Gô-Tha “Đồi Xưa, Suy Niệm Mới”

4756

 GÔ-GÔ-THA “ĐỒI XƯA, SUY NIỆM MỚI”

             Kìa, Gô-gô-tha tối tăm vô hồi! Là nơi Giê-xu huyết tuôn vì tôi. Kìa, Gô-gô-tha nơi hạnh phước bấy!Nơi Ngài treo mình chết thế tôi đây”. Hai câu ngắn ngủi của bài Thánh Ca 195 nhắc đến một địa danh mà hầu hết các Cơ Đốc Nhân đều biết đó là “Gô-gô-tha”. Nhưng thật thiếu xót nếu chỉ nhắc đến Gô-gô-tha, vì hai câu của bài Thánh ca trên còn nhắc đến tên của một nhân vật, mà sự kiện liên qua đến nhân vật này xảy ra tại Gô-gô-tha đã khiến cho địa danh này được nhắc nhớ như là nguồn phước hạnh cho nhiều người.  Bởi vậy, nhiều câu hỏi được đặt ra cho hai câu của bài Thánh ca trên: Địa danh Gô-gô-tha ở đâu? Tại sao người La-mã chọn nơi ấy làm nơi hành quyết (nơi tối tăm)? Tại sao Chúa Giê-xu hy sinh nơi ấy, lại gọi đó là nơi hạnh phước? Chúng ta nhận được suy niệm mới gì khi nghĩ về đồi Gô-gô-tha?

 

            1/Địa danh Gô-gô-tha:

            Tên gọi: Calvary (La-tinh), cũng gọi là Gagulta hay Gô-gô-tha (Golgotha): Tiếng Hê-bơ-rơ (Giăng 19:17b), Kinh Thánh gọi Gô-gô-tha nghĩa là “cái Sọ” (Ma-thi-ơ 27:13; Mác 15:22; Lu-ca 23:33; Giăng 19:17).

 

            2/Vị trí địa lý:

            Gô-gô-tha là vùng đồi nằm ngoài thành Giê-ru-sa-lem (xứ Giu-đê: bản đồ số 2 “Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-xu”) thuộc đất nước Israel (Do Thái) ngày nay. Nơi đây là Gorden’s Calvary: Ngôi mộ vườn (Nơi Chúa bị đóng đinh)[1] Kinh Thánh không tiết lộ chính xác vị trí của Gô-gô-tha, chỉ đơn giản ký thuật lại sự kiện đóng đinh Chúa Giê-xu đã xảy ra bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem hoặc gần đó. Vì theo luật Do Thái, nghiêm cấm việc hành quyết và chôn cất bên trong thành phố (Giăng 19:20; Hê-bơ-rơ 13:12).

 

            Theo nhà sử học Eusebius, vào năm 326 (SC), bà Helena (mẹ của Hoàng Đế La-mã Constantine) đã hành hương đến Giê-ru-sa-lem. Lúc ấy, các Cơ Đốc Nhân tại đây đã chỉ ra vị trí của Calvary (Gô-gô-tha) và ngôi mộ của Chúa Giê-xu nằm ngay vị trí đền thờ thần Venus. Đây là đền thờ thần ngoại giáo đã được hoàng đế La-Mã Hadrian xây dựng khoảng 100 năm sau khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên Thập tự giá. Bà Helena ra lệnh phá hủy đền thờ này, khám phá ra mộ của Chúa Giê-xu và một khối đá lớn được xác định là ngọn đồi Calvary. Một ngôi Nhà Thờ được xây dựng tại vị trí này, là tiền thân của Nhà Thờ Holy Sepulchre ngày nay.[2] Vị trí này được các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem tin quyết, bởi nếu không chắc chắn họ không mạnh dạn thuyết phục bà Helena quyết định một việc đầy khó khăn và tốn kém là phá hủy đền thờ thần Venus, và xây dựng ngôi Nhà Thờ Cơ Đốc Giáo.

 

            Nhưng vào thế kỷ 19 (SC), các nhà khoa học lại tiếp tục đặt câu hỏi: “Gô-gô-tha ở đâu?”. Vì vị trí ngôi Nhà Thờ Holy Sepulchre trước đây được xác định là đồi Gô-gô-tha lại nằm bên trong các bức tường của thành phố Giê-ru-sa-lem. Điều này trái ngược với ký thuật của Phúc âm Giăng 19:17 “Đức Chúa Jêsus vác thập tự giá mình, đi đến ngoài thành…”  Dù những bức tường của thành phố hiện nay có thể không phải là những bức tường từ thời Chúa Giê-xu. 

            Vậy, đồi Gô-gô-tha ngày nay là ở vị trí nào tại Israel? Đây là một câu hỏi được đặt ra qua nhiều năm nhưng vẫn chưa có câu trả lời thích đáng.

 

            Một số thông tin về vị trí đồi Gô-gô-tha:

            Thứ nhất: Đường đi đến Gô-gô-tha là tuyến đường chính, vì đã có nhiều người đi ngang qua chế báng Ngài (Mác 15:29).

 

            Thứ hai: Đồi Gô-gô-tha, nơi gọi là “Đồi Sọ”, người ta cho rằng cái tên “Đồi Sọ” (Skull Hill) xuất phát từ hình dạng của ngọn đồi trông giống như một cái sọ người khổng lồ.

 

            Thứ ba: Giăng 19:41 đã ký thuật “Vả, tại nơi Ngài bị đóng đinh, có một cái vườn, trong vườn đó có một cái huyệt mới, chưa chôn ai”. Cái huyệt trong khu vườn chính là chi tiết thứ ba để xác định vị trí của đồi Gô-gô-tha ngày nay.

 

Năm 1884, tướng Charles G.Gordon đã dành một năm tại Đất Thánh. Ông lập luận rằng: có một cái chóp đồi giống hình cái sọ và một ngôi mộ gần đó với tên gọi là “Garden Tomb” nằm bên ngoài cảng Đa-mách. Ông xác định đây là địa điểm Chúa Giê-xu bị đóng đinh và được chôn cất. Là một người hùng của Anh Quốc, nên những khám phá của Gardon mau chóng được chấp nhận, thay thế cho vị trí được xác định là ngôi nhà thờ Holy Sepulchre.[3] Tuy nhiên, một số nhà khảo cổ lại cho biết Garden Tomb đã được xây dựng vào thời kỳ đồ sắt (8-7 TC). Điều này khiến cho ngôi mộ không phù hợp với sự miêu tả trong Kinh Thánh là ngôi mộ mới chưa chôn ai, thuộc thế kỷ thứ nhất thời Chúa Giê-xu.[4]

 

3/Tại sao người La-mã chọn Gô -gô-tha làm nơi tử hình?

            Người La-mã và người DoThái đều gọi địa danh này với cùng một

tên gọi. Theo một số nhà khoa học cho rằng người La-mã chọn ngọn đồi này nằm ngoài thành phố, nơi mọi người có thể nhìn thấy, để làm nơi tử hình như một dấu hiệu cho những người đến thăm thành phố biết họ không chấp nhận tội ác. Nói cách khác, đây là một lựa chọn, một hình thức để ngăn chặn tội phạm. Thông thường những người bị đóng đinh trên Thập tự giá nhiều ngày sẽ trở thành những cái xác thối rửa làm thức ăn cho một số loài ăn thịt, hài cốt sẽ được đưa vào trong ruộng của một thợ gốm. Chỉ riêng những tử tội là người Do Thái thì được đưa xuống

 

trước khi bắt đầu một ngày mới (Phục Truyền 21:23), hoặc có người được phép mới xin lấy xác để đặt vào mộ, như sự kiện Nghị viên tòa công luận Giô-sép (A-ri-ma-thê) đã xin Phi-lát được nhận xác Chúa Giê-xu đặt vào trong huyệt của mình (Ma-thi-ơ 27:57-60).

 

            Một lý do khác để chọn nơi đóng đinh tội phạm tại đồi Gô-gô-tha bên ngoài thành phố là vì theo luật Do Thái: nghiêm cấm dân sự đến gần hoặc đụng chạm xác chết vì sẽ bị ô uế (Dân Số Ký 19:11-22). Ngoài ra, ai bị treo trên cây gỗ nghĩa là bị rủa sả (Ga-la-ti 3:13).[5]

            4/Suy niệm mới:

            Mãi đến ngày hôm nay, câu hỏi Đồi Gô-gô-tha ở đâu vẫn còn là một ẩn số. Nhiều nhà khảo cổ, lý luận, văn chương…đã và đang cố công tìm đến vị trí chính xác nơi đã xảy ra sự kiện đóng đinh Chúa Giê-xu trên Thập tự giá. Tuy nhiên, việc có tìm ra vị trí chính xác của đồi Gô-gô-tha hay không cũng không phải là điều quan trọng. Bởi lẽ, nếu đồi Gô-gô-tha chỉ là địa danh bình thường như các nơi khác hoặc vả chăng là nơi diễn ra hàng nghìn vụ tử hình các tử tội thì khi nhắc đến nếu có cũng chỉ là một chút cảm xúc tiếc thương, sợ hãi hay rùng rợn. Nhưng lời bài Thánh ca 195 “Kìa, Gô-gô-tha tối tăm vô hồi! Là nơi Giê-xu huyết tuôn vì tôi. Kìa, Gô-gô-tha nơi hạnh phước bấy!Nơi Ngài treo mình chết thế tôi đây” một lần nữa nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Đồi Gô-gô-tha nơi đau thương, nơi của những cây Thập tự và những xác chết, đã trở nên nơi hạnh phước vì ấy là nơi Chúa Giê-xu đã hy sinh cho tội lỗi của toàn thể nhân loại. Đồi Gô-gô-tha cũng chỉ là một địa danh, một ngọn đồi, bản thân không thể đem lại nguồn phước cho thế nhân. Nhưng sự chết và sống lại của Đấng Cứu Thế mới là nguồn hạnh phước quý thay cho chúng ta.

 

            Đồi Gô-gô-tha nơi Đấng Cứu Thế vâng phục tuyệt đối để “Ý Cha được nên, mà không theo ý con”. Nơi Chúa chịu rủa sả để chúng ta thoát khỏi sự rủa sả. Nơi huyết Chúa tuôn tràn để chúng ta được đời sống mới.

 

            Mùa Thương Khó-Phục Sinh 2017 lại đến, những bài Thánh ca được vang lên trong những ngôi Thánh đường, những địa danh được nhắc đến: Gô-gô-tha, Ghết-sê-ma-nê…sẽ thật vô nghĩa nếu mỗi Cơ Đốc Nhân không dành ít phút suy niệm về tình yêu, sự hy sinh của Đấng Christ dành cho mỗi chúng ta. Có thể những suy niệm này đã được nhắc nhở nhiều lần qua những mùa Thương Khó-Phục Sinh, đối với nhiều người đây là những điều đã cũ, nhưng vẫn thật mới mẻ cho những ai bằng lòng để Chúa biến đổi mỗi ngày. Hãy hiệp một thầm nguyện xin Chúa làm mới lại trong mỗi chúng ta một thần linh ngay thẳng. Cùng hứa nguyện sống đời thánh khiết xứng đáng với sự hy sinh của Chúa nơi Gô-gô-tha đồi xưa, và cùng nhau rao truyền Phúc Âm cứu rỗi cho đến ngày Đấng Christ lai hồi./.    

 

Ti-mô-thê Tạ

 

Nguồn tài liệu tham khảo:

Kinh Thánh Cựu Tân Ước (Bản Truyền Thống)

Kinh Thánh Tân Ước (Song ngữ, Nxb Tôn giáo 2011) 

Vietbible 2.0

www.gci.org/Jesus/golgotha

www.biblicalarchaeology.org/daily/biblical-sites-places/jerusalem/where-is-golgotha-where-jesus-was-crucified/

https://www.blueletterbible.org/faq/don_stewart/don_stewart_1323.cfm

https://en.wikipedia.org/wiki/Calvary

http://www.allaboutjesuschrist.org/where-was-jesus-crucified-faq.htm

http://catholicbridge.com/catholic/where_is_golgotha.php

http://www.vision.org/visionmedia/Bible.history/Golgotha.where.is.it/31293.aspx.

http://www.allaboutjesuschrist.org/where-was-jesus-crucified-faq.htm.


[1] Kinh Thánh Tân Ước (Song ngữ), Bản đồ (NXB Tôn giáo, 2011).

[2] https://www.gci.org/Jesus/golgotha

[3] http://www.vision.org/visionmedia/Bible.history/Golgotha.where.is.it/31293.aspx.

[4] https://www.gci.org/Jesus/golgotha.

[5] http://www.allaboutjesuschrist.org/where-was-jesus-crucified-faq.htm.

Bài trướcUBKT – Thư ngỏ của HT Hải An (tỉnh Cà Mau)
Bài tiếp theoBồi Linh Các Hội Thánh Khu Vực Xã Đạ Nhim, Huyện Lạc Dương, Tỉnh Lâm Đồng