Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (Phần 1)

3432

GIỚI THIỆU

NẾU PHẢI CHỌN một bài hát làm bài khẩu hiệu cho thời đại của chúng ta, có lẽ bạn sẽ không chọn ”Happy Days are Here Again” (Tạm dịch: “Những Ngày Hạnh Phúc Đã Trở Lại.” Nhưng tôi tin rằng nhiều người sẽ chọn bài ”Nobody Knows The Troubles I’ve Seen” (Tạm dịch: “Không Ai Hiểu Những Phiền Muộn Tôi Từng Trải.” Những phiền muộn này có thể mang tầm quốc gia hay địa phương. Những điều ấy có thể liên quan đến sức khỏe hoặc vấn đề kinh tế. Chúng có thể là vấn đề mang tính riêng tư hay trong mối liên hệ giữa các cá nhân.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi không nằm trong những điều này. Khi bước vào những giai đoạn tối tăm của cá nhân như sự mất mát, thất vọng, thậm chí là những tai ương, chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề gây đau khổ – những vấn đề tưởng chừng như đang chôn vùi chúng ta dưới áp lực của chúng.

Vậy, chúng ta phải tìm sự giúp đỡ ở đâu?

Con người tìm đến với bất kỳ giải pháp nào – hoặc để đối mặt hoặc để tránh né nan đề. Nhưng trong những giai đoạn tối tăm đó, điều cần thiết nhất là sự khôn ngoan. Và vì lý do đó, việc tốt nhất chúng ta có thể làm là tra xem Kinh Thánh, nơi có rất nhiều ví dụ về các cá nhân đã chạy đến với Đức Chúa Trời là Đấng chăm sóc, và tìm được sức mạnh để chịu đựng khi từng trải những khó khăn trong cuộc sống.

Tiên tri Ê-li, được ký thuật lại trong Cựu Ước, là một nhân vật điển hình trong số những người đó. Khi đối diện với những thách thức cực kỳ khó khăn, Ê-li hướng lòng về Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-sác, và của Gia-cốp. Ông đã nhận ra thực tế mà một bài thánh ca cổ cũng đã mô tả, “Giờ Đây Trong Lúc Này, Chúng Ta Cần Cứu Chúa” (In Times Like These, We Need A Savior). Và ông nhận biết rằng Đức Chúa Trời của ông – Đức Chúa Trời chân thật duy nhất, không như các thần giả dối trong thời của ông – đầy quyền năng trong mọi lúc – trong thời đại ông đã sống và chiến đấu.

Chúng ta muốn cùng tiến bước với Ê-li trên hành trình đức tin của ông. Trong đó, chúng ta sẽ thấy những việc làm đúng và sai của ông. Chúng ta sẽ nhìn thấy hành động khôn ngoan và hành động dại dột của ông. Chúng ta sẽ thấy đức tin tuyệt vời, cũng như nỗi tuyệt vọng rất lớn của ông được bày tỏ. Và trong tất cả những điều ấy, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời không bao giờ xa rời hay lìa bỏ ông.

“Giờ này trong lúc này” chúng ta có thể học biết nhiều điều từ tiên tri Ê-li. Nguyện tấm lòng của chúng ta mở ra với ân điển và sự khôn ngoan của Chúa khi chúng ta học biết yên nghỉ trong sự thành tín của Ngài.

-BILL CROWDER

Phần 1:

BÌNH THƯỜNG TRONG SỰ VĨ ĐẠI

JOHN WAYNE là một siêu sao điện ảnh. Thực tế, các hãng phim thường đánh giá các dự án hàng năm của họ trên sự nổi tiếng của ông. Trong những thập niên 40, 50 và 60 của thế kỷ XX, ông đã hái ra quá nhiều tiền đến nỗi các bộ phim của ông liên tục thu hút một lượng khán giả rất lớn đến các rạp chiếu phim – nhiều người trong số đó là những chàng trai mơ mộng hão huyền như tôi. Tôi và những người bạn đã hồi hộp theo dõi những cuộc thám hiểm của Duke, suốt ngày tưởng tượng rằng chúng tôi đang phiêu lưu cùng ông ấy. Đối với tôi, John Wayne là một anh hùng Mỹ.

Nhưng có những điều về Duke mà mãi về sau này tôi mới biết. Wayne đã không được những nhà phê bình phim, những người xem phim ông đóng trên màn ảnh rộng, đánh giá là nam diễn viên vĩ đại. Lý do là vì John Wayne cứ mãi là John Wayne, không giống như nam diễn viên Gregory Peck, người rất nhập vai trong bất kỳ nhân vật nào ông đóng. Dù trong vai một quận trưởng cảnh sát tại Miền Tây Cổ của Mỹ, một thủy quân lục chiến trong Chiến Tranh Thế Giới II, hay một thám tử thời hiện đại, thì ông vẫn luôn là chính mình – không phải là nhân vật.

Khám phá đầy thất vọng này cho tôi biết điều tôi đã không muốn biết. Dù Wayne, một anh hùng trong phim ảnh là một người xuất chúng nhưng trong tư cách một diễn viên, ông chỉ thuộc hạng trung. Thực tế, ông đã không thắng giải Oscar, mãi cho đến năm ông 63 tuổi, sau 40 năm trong nghề. Sự thật về John Wayne chỉ là một nam diễn viên bình thường trong vẻ ngoài của sự vĩ đại là một khái niệm khó hiểu đối với tôi. Thực tế này giúp tôi đánh giá lại những giả định khác trong cuộc sống.

Một Người giống như John Wayne?

Một áp lực tương tự đã đến với tôi vài năm cách đây khi tôi nghiên cứu về đời sống của một tiên tri vĩ đại của Y-sơ-ra-ên cổ đại. Tôi đã lớn lên cùng với việc nghe kể chuyện về Ê-li trong lớp học Trường Chúa Nhật. Ông cũng đã thu hút trí tưởng tượng của tôi. Là một siêu anh hùng trong Cựu Ước, dường như Ê-li có thể làm được mọi điều trừ phi nhảy qua các tòa nhà cao tầng chỉ với một bước nhảy.

Tổng quát về cuộc đời của tiên tri Ê-li gợi lên trong tâm trí tôi một số hình ảnh khá ấn tượng:

Can đảm từ chối vua
Khiến một bé trai đã chết sống lại
Gọi lửa từ trời xuống
Được cất lên trời bằng ngựa lửa.

Và việc Kinh Thánh mô tả lại một người như thế cũng khiến ông trở thành một nhân vật xuất chúng. Đối với tôi, hình dung Ê-li là một người bình thường, cũng đợi xe buýt hay mua thức ăn nhanh ở tiệm bánh McDonald là điều khó khăn. Nhưng Tân Ước cho chúng ta biết rằng Ê-li cũng là một con người rất bình thường.

Một Người Như Chúng Ta

Tân Ước cho biết Ê-li ông cũng có những cảm xúc và tâm trạng như tất cả chúng ta. Mặc dù cuộc đời của ông được chú ý bởi những phép lạ, nhưng có tám từ mô tả cho thấy chúng ta cũng giống như ông, như Sứ đồ Gia-cơ đã nói về ông “vốn là người yếu đuối như chúng ta.” (Gia-cơ 5:17).

Đây là một nét độc đáo quan trọng mà Gia-cơ đã nhắc nhở độc giả trong thời đại của mình. Trong số các nhân vật Cựu Ước được đề cập đến trong Tân Ước, có lẽ Ê-li cũng được xếp vào nhóm hàng đầu cùng với Môi-se, Áp-ra-ham, và Đa-vít. Một học giả đã nói về Ê-li rằng: “Không một nhân vật Kinh Thánh nào thực hành cách suy nghĩ mang đậm tính tôn giáo của Do Thái thời kỳ hậu Kinh Thánh nhiều [như ông].”

Các Cơ Đố nhân thời Tân Ước chắc hẳn đã xem Ê-li là một người đặc biệt vì nhiều lý do. Một trong số đó là họ biết rằng ông đã hiện ra với Chúa Jêsus trong sự hóa hình. Khi Chúa Jêsus đem các môn đồ đến các khu vực xa phía bắc Y-sơ-ra-ên, Ngài cho Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng cùng trải nghiệm với Ngài một sự thăm viếng tuyệt vời trên “núi cao” (Ma-thi-ơ 17:1). Khi Chúa Jêsus hóa hình trước sự chứng kiến của họ, Môi-se và Ê-li đã hiện đến trước mặt họ. Trong cuộc gặp gỡ đó, Chúa Jêsus, Môi-se, và Ê-li đã nói về việc không bao lâu nữa Ngài sẽ rời khỏi thế gian. Sự hiện diện của Ê-li trong sự kiện khải hoàn này chắc chắn đã khiến những môn đồ của Chúa Jêsus có sự đánh giá cao về ông. Nhưng Gia-cơ, người sống trong kỷ nguyên đó, đã nhắc các độc giả của ông rằng Ê-li vốn là “người yếu đuối như chúng ta.”

Lẽ thật này rất quan trọng đối với sự giảng dạy mà Gia-cơ đã cung ứng – Đức Chúa Trời ban sự cầu nguyện để giúp chúng ta trong sự yếu đuối của mình. Lời công bố này về Ê-li đã nhắc nhở các Cơ Đốc nhân đầu tiên rằng Ê-li cũng có sự yếu đuối và thất bại như chúng ta. Và nếu sự cầu nguyện hiệu quả cho đời sống ông, thì cũng hiệu quả cho đời sống họ.

Một lý do khác mà người ta xem Ê-li là một người đặc biệt trong suốt thời Tân ước là nhiều người trong thời của Chúa Jêsus nghĩ Ê-li sẽ nhanh chóng trở lại để dẫn dắt mọi người. Ma-la-chi 4:5-6 dường như ngụ ý về tình huống có thể xảy ra này. Lời Chúa chép: “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy.”

Đó là lý do mà nhiều người nghĩ rằng Giăng Báp-tít là Ê-li. Sau đó, khi Chúa Jêsus hỏi các môn đồ Ngài dân chúng nói Ngài là ai (điều này đã xảy ra không lâu trước sự kiện hóa hình), họ trả lời rằng, “Người nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là Ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên tri nào đó.” (Ma-thi-ơ 16:14). Rõ ràng rằng, Ê-li đã được mọi người trong thế kỷ đầu tiên xem là một người đặc biệt của Đức Chúa Trời.

Dầu vậy tiên tri này, người được nhiều người trong thời Chúa Jêsus biết đến, người đã dự phần trong rất nhiều sự kiện lạ lùng trong thời đại của ông, không phải là Siêu Nhân. Về một phương diện, ông cũng giống như tất cả mọi người. Ông từng trải sự chán nản, sợ hãi, và nghi ngờ như tất cả chúng ta từng trải từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ê-li cho cho chúng ta thấy sự yếu đuối của con người, sự phụ thuộc tâm linh, và nhu cầu rất lớn trong sự cầu nguyện khi chúng ta bước đi với Chúa.

Một Người Huyền Bí

Ê-li xuất hiện cách đột ngột trong phần ký thuật của Cựu Ước về các vua Y-sơ-ra-ên, xuất hiện trong Kinh Thánh với phần giới thiệu rất ít ỏi – không dòng dõi, không phả hệ, và không lý lịch. I Các Vua 17:1 chỉ chép đơn giản rằng:

“Ê-li ở Thi-sê-be, là một người trong bọn đã sang ngụ Ga-la-át…”

Chúng ta thậm chí không thể biết chắc ý định của tác giả khi khi đề cập ông với từ “Thi-sê-be.” Một vài học giả nghĩ điều này chỉ về Tishbe, một thành phố bên kia sông Giô-đanh, trong chi phái Gát. Tuy nhiên, từ tishbe cũng có thể được chuyển ngữ là “người hành hương hay người tạm trú”. Từ này đơn giản có nghĩa là ông không có nhà và đang lang thang tại Ga-la-át trước khi Kinh Thánh khiến chúng ta chú ý đến ông.

Điều mà chúng ta có thể chắc chắn nhất là Ê-li là người “cư ngụ tại Ga-la-át.” Ga-la-át nằm ở phía đông Sông Giô-đanh, có các chi phái của Y-sơ-ra-ên sinh sống (Ru-bên, Gát, và nửa chi phái Ma-na-se), là những chi phái trong thời của Giô-suê đã không vào Đất Hứa.

Sự giới thiệu thiếu lai lịch này trong tường thuật của Kinh Thánh làm tăng thêm tính huyền bí về “Ê-li ở Thi-sê-be.” Bởi vì ông đến với chúng ta trong tình trạng không rõ ràng về tên tuổi, nên một vài tác giả đã cố điền vào các khoảng trống, suy đoán về nguồn gốc tổ tiên, sự sinh ra kỳ lạ, và sự giáo dục trong trường tiên tri của ông.

Tuy nhiên, điều dường như rõ ràng nhất là Kinh Thánh dùng sự không rõ ràng về danh tánh của Ê-li để nhấn mạnh rằng giá trị của ông tuỳ thuộc vào Đức Chúa Trời, không dựa vào bản thân ông hay những thành tựu của cá nhân ông. Tên Hê-bơ-rơ của ông là Eliyahu (theo nghĩa đen, Gia-vê [Yah] là Đức Chúa Trời [El]), có nghĩa là Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Khi câu chuyện của ông bày tỏ, chúng ta thấy tầm quan trọng của tên ông- Ê-li được sai đến để chứng minh cho dân Y-sơ-ra-ên rằng Gia-vê (Đức Giê-hô-va), không phải là Ba-anh, nhưng là một Đức Chúa Trời chân thật.

Một Con Người Cho Thời Điểm Đặc Biệt

Nhà văn và nhà triết học Mỹ Ralph Waldo Emerson đã nói về thời kỳ mà ông đang đề cập: “Thời kỳ này, giống như mọi thời kỳ, là một thời điểm rất tốt nhưng chỉ khi chúng ta biết phải làm gì với nó.” Emerson, người đã viết những lời đó trong giữa những năm 1800, nhắc nhở chúng ta rằng cách chúng ta đáp ứng với hoàn cảnh sống của mình quan trọng hơn bản chất của hoàn cảnh.

Ê-li là một điển hình về sự thể hiện khôn ngoan đó trong thời kỳ cổ đại. Chúng ta chỉ nhìn thấy một làn sóng “các dấu kỳ phép lạ” trong một số giai đoạn trong Kinh Thánh. Trong hầu hết các giai đoạn lịch sử, các tôi tớ của Chúa không đi ra để chữa lành cho người bệnh, khiến kẻ chết sống lại, và gọi lửa từ trời xuống.

Nhưng thời kỳ mà Ê-li và người tiếp nối ông là Ê-li-sê đã sống là một trong những thời kỳ khác thường đó. Các phép lạ là dấu hiệu đặc trưng cho đời sống hiển hiện của họ trong xã hội song hành với sự bày tỏ quyền năng siêu nhiên đã đánh dấu hai giai đoạn khác của lịch sử. Trước đó rất lâu, trong suốt cuộc xuất hành siêu nhiên ra khỏi Ai Cập của người Y-sơ-ra-ên, các phép lạ của Môi-se đã bày tỏ rằng Đức Chúa Trời đã giải cứu Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ tại Ai Cập. Nhiều năm sau đó, các phép lạ của Đấng Christ và các sứ đồ của Ngài cho thấy rõ rằng cùng một Đức Chúa Trời đã giải cứu mọi người của mọi quốc gia và của mọi thời đại ra khỏi án phạt tâm linh và gông cùm của tội lỗi.

Vậy thì điều gì đang diễn ra trong thời của Ê-li lại cần có sự bày tỏ siêu nhiên như thế?

Vương quốc phía bắc của Y-sơ-ra-ên đã bắt đầu sa vào bóng tối của sự thờ lạy hình tượng. Sự liên tiếp kế vị của các vua không tin kính Chúa đã đưa vương quốc đến sự suy tàn này. Hết vị vua này đến vị vua khác được Kinh Thánh mô tả là làm “điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va”. Từ Giê-rô-bô-am đến Na-đáp, vàBa-a-sa, tất cả bảy vua đều quay lưng lại với Chúa và cai trị dân sự theo những cách làm buồn lòng Đức Chúa Trời.

Cực điểm là sự cai trị của A-háp. Về điều này, Kinh Thánh cho biết ông “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va hơn hết thảy các người tiền bối mình.” (I Các Vua 16:30). Một số những điều ác mà A-háp đã làm là cưới Giê-sa-bên, một người ngoại ở Phê-ni-xi (Si-đôn), và lập lên sự thờ lạy Ba-anh trong khắp vương quốc.

Thực tế, tình trạng tâm linh đã trở nên tệ hại đến mức đến nỗi Ê-li đã tưởng rằng ông là người duy nhấtcòn tin cậy Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (I Các Vua 19:10). Trong thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Y-sơ-ra-ên như thế, Đức Chúa Trời đã dùng Ê-li để bày tỏ chính mình Ngài là Chúa của các Chúa và Đức Chúa Trời của các thần. Trong khi các vua đã sai lầm cho rằng họ là những người có thẩm quyền và khả năng để định hình đời sống của những con người dưới quyền của họ, Đức Chúa Trời đã cất lấy sự trị vì của họ để nhắc họ rằng chính Ngài là Đấng kiểm soát mọi điều. Vào thời điểm vô cùng đặc biệt này trong lịch sử của người Do Thái, người mà Đức Chúa Trời dùng để hoàn thành sự can thiệp đó của Ngài là một người bình thường đến từ Ga-la-át: Ê-li.

(Còn tiếp)

Bài trướcNgày 8/3/2017: Giàu Mà Dại
Bài tiếp theoUB.CĐGD – Giới thiệu TKHN Quý 2-2017