Hãy Đến Gần Chúa

3905

 Chúng ta đang bước vào trong mùa Thương khó Phục sinh. Thiết tưởng cũng cần nhắc lại rằng trong lịch sử Hội Thánh Cơ Đốc, lễ kỷ niệm sự thương khó, sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế đã được con dân Chúa coi trọng và gìn giữ từ xưa cho đến nay gọi là mùa Chay (có lẽ đối với chúng ta nên gọi là mùa tĩnh tâm thì phù hợp hơn). Đặc biệt các giáo hội Tin Lành chính thống như Luther, Anh giáo, Giám lý… vẫn còn tuân giữ nghiêm túc tinh thần này: Mùa Chay (Lent) kéo dài 40 ngày trước lễ Phục sinh, từ Thứ tư lễ Tro cho đến Thứ bảy tuần thánh trước Chúa nhật Phục sinh. Đây là mùa tinh tâm, kiêng ăn, xét mình và làm các việc từ thiện. Lễ Tro (Ash), Ngày khởi đầu mùa Chay. Tro chỉ về sự ăn năn, buồn rầu về tội lỗi của mình. Thứ sáu Tốt lành (Good Friday) là thứ sáu trước lễ Phục sinh để kỷ niệm sự chết của Chúa Giê-xu để chúng ta được sống. Giáo hội Công giáo dành thời gian đặc biệt để dự Lễ Mình Thánh Chúa kéo dài 3 tiếng đồng hồ, từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều ngày Thứ sáu.

 

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chúng ta hiện nay rút lại còn 2 lễ: Thương khó và Phục sinh. Mặc dù cách giữ lễ có khác nhau tùy theo truyền thống và tín lý của mỗi giáo hội, nhưng tất cả đều muốn nói lên tầm quan trọng của sự kiện Thương khó Phục sinh của Chúa Cứu Thế, trung tâm điểm của chương trình cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho nhân loại.

 

Có lẽ một trong những nhân vật đáng nhớ nhất, đáng yêu nhất và cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học thuộc linh sâu sắc nhất trong mùa Thương khó Phục sinh là thánh Phi-e-rơ. Ông là con người sôi nổi, sốt sắng, gan dạ nhưng cũng là con người yếu đuối, sợ hãi, theo Chúa xa xa và phạm tội chối Chúa ba lần. Nhưng sau khi trở lại với Chúa và trở nên một tôi tớ trung thành với Ngài, chính ông trong thư 1 Phi-e-rơ đã kêu gọi chúng ta “Hãy đến gần Chúa” (1 Phi-e-rơ 2:4).

 

Mùa Thương khó là mùa kéo chúng ta đến gần Chúa, yêu Chúa và sống  đẹp lòng Chúa hơn. Trong tinh thần đó, chúng ta cùng nhau học hỏi về kinh nghiệm của Phi-e-rơ dựa theo Tin Lành Lu-ca 22:54-62.

 

 

PHI-E-RƠ THEO CHÚA XA XA (c54-60)

 

Phi-e-rơ vốn rất gần Chúa

 

Phi-e-rơ là một trong ba môn đệ thân tín và, gần gũi Chúa nhất. Có thể nói nơi nào có Chúa Giê-xu thì nơi đó có ba môn đệ này. Chúa đã đem Phi-e-rơ cùng với Gia-cơ, Giăng lên núi hóa hình; Ngài đem ông và các môn đệ khác vào vườn Ghết-sê-ma-nê để thông công trong sự thương khó với Chúa. Dường như ông không rời xa Chúa một bước. Thế nhưng vị môn đồ gần Chúa nhất đã có lúc xa Chúa, theo Chúa xa xa. Đáng lẽ hơn lúc nào hết, khi Chúa bị bắt là lúc ông phải gần Chúa để bảo vệ, bênh vực thầy của mình, nhưng tiếc thay! Tại sao?

 

Nguyên nhân khiến Phi-e-rơ xa Chúa

Cả ba sách Tin Lành đều ghi lại gần giống nhau “Phi-e-rơ theo Chúa xa xa”. Đây không là tình cờ nhưng Đức Thánh Linh đã dẫn dắt các trước giả Kinh Thánh ghi lại để dạy dỗ chúng ta.

 

Có phải ông là người thiếu vững vàng, không sâu nhiệm thuộc linh không? Chắc chắn là không. Trước đó Chúa đã từng khen ngợi ông là có phước vì Đức Chúa Cha đã bày tỏ cho ông điều mầu nhiệm khi ông xưng “Chúa là Đấng Christ Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:16-18). Đây là điều mà chúng ta cần lưu ý để giữ mình.

 

Có lẽ ông sợ con đường thập tự, sợ khổ, sợ chết. Ông đã suy nghĩ theo sự khôn ngoan con người và không hiểu đường lối Chúa khi ông nói “Đức Chúa Trời nào nỡ vậy” (Ma-thi-ơ 16:22-23). Ít ra có ba lý do khiến Phi-e-rơ xa Chúa trong giờ thử thách này:

 

Phi-e-rơ thiếu cảnh giác trước sự tấn công của ma quỷ

Trước đó, Chúa đã cảnh báo ông về sự tấn công của ma quỷ nhưng ông xem thường: “Hỡi Si-môn, Si-môn, này quỷ Sa-tan đòi sàng sảy ngươi (Nguyên tác: số nhiều “các ngươi”, xin xem bản Truyền Thống Hiệu Đính) như lúa mì, song Ta cầu nguyện cho ngươi (số ít) hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy khi ngươi đã hối cải hãy làm vững chí anh em mình.” (Lu-ca 22:31-34).

 

Có lẽ ông quá tự tin chăng? Lời Chúa nhắc nhở: “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.” (1 Cô-rinh-tô 10:12)

 

Sau này Phi-e-rơ ý thức được điều đó nên trong thư 1 Phi-e-rơ ông nhắc nhở tín hữu: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch của anh em là ma quỷ như sư tử rống, đi rình mò chung quanh em anh em tìm kiếm người nào có thể nuốt được.” (1 Phi-e-rơ 5:8)

 

Phi-e-rơ thiếu tỉnh thức và cầu nguyện

Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Phi-e-rơ và các môn đồ đã ngủ thay vì tỉnh thức cầu nguyện với Chúa và Chúa đã nhắc nhở họ: “Hãy thức canh và nguyện kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm mà xác thịt thì yếu đuối đuối” (Ma-thi-ơ 26:41)

 

Phi-e-rơ sợ hãi, từ chối thập tự giá

Có thể nói Phi-e-rơ có một nỗi ám ảnh, sợ hãi về thập tự giá. Ma quỷ đã bắn mũi tên sợ hãi vào Phi-e-rơ khiến ông đã ngã quỵ. Phi-e-rơ sợ đám đông, khó khăn, bắt bớ, tù đày, chết chóc. “Khi đức tin vì sợ hóa sờn”.

 

Nói đến đây, chúng ta nhớ lại truyền thoại về Phi-e-rơ trong cơn bách hại của hoàng đế La Mã Nê-rô. Chuyện kể rằng trong cơn bách hại đạo Chúa một cách dữ dội tại thành La Mã, thánh Phi-e-rơ đã chạy trốn ra khỏi thành. Nhưng khi ra đến cổng thành thì ông lại thấy Chúa Giê-xu đi vào. Ông hỏi: “Chúa đi đâu vậy?” Chúa đáp: “Ta vào để chịu đóng đinh lần thứ hai.” Thánh Phi-e-rơ giật mình tỉnh thức và quay vào thành chịu tuận đạo. Ông xin được đóng đinh quay đầu ngược xuống vì ông cảm thấy mình không xứng đáng bị đóng đinh giống như Chúa. Nhà văn người Ba Lan là Henryk Sienkiewicz sau này đã viết cuốn tiểu thuyết lịch sử lấy nhan đề “Quo vadis” (dựa theo câu hỏi bằng tiếng La Tinh “Quo vadis, Domine?” Lạy Chúa, Chúa đi đâu vậy?). Tiểu thuyết này đã được dịch sang tiếng Việt cách đây nhiều năm.

 

Chúng ta hãy xem xét lại tình trạng thuộc linh của mình. Có phải chúng ta đang ở trong tình trạng như Phi-e-rơ “theo Chúa xa xa” không? Có phải chúng ta đang ở trong tình trạng “hâm hẩm” thuộc linh như Hội Thánh Lao-đi-xê chăng? Điều gì khiến chúng ta theo Chúa xa xa? Quyền lợi, địa vị, công việc làm ăn… “Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? Có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát trần truồng, nguy hiểm hay là gươm giáo chăng…” (Rô-ma 8:35)

 

PHI-E-RƠ ÐẾN GẦN CHÚA (c61-62)

Cảm ơn Chúa mặc dù Phi-e-rơ có yếu đuối vấp ngã nhưng Chúa vẫn cảm thông, yêu thương và giúp đỡ ông trỗi dậy. Ông đã té nhưng không nằm sải dài nhờ ân điển lạ lùng của Chúa. Hai câu cuối của phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 22:61-62 đã ghi lại Phi-e-rơ đến gần Chúa. Ít nhất có ba điều kéo ông đến gần Chúa:

 

Nhạy bén trước sự tỉnh thức của Chúa

Chúa yêu thương cảm thông với sự yếu đuối của Phi-e-rơ nên Ngài dùng nhiều cách để tỉnh thức ông trong giờ thử thách.

 

Hoàn cảnh “tiếng gà gáy”. Kinh Thánh ghi lại “đang lúc Phi-e-rơ còn nói thì gà liền gáy” khiến Phi-e-rơ được tỉnh thức. Chúa thường dùng dấu hiệu của hoàn cảnh để giúp chúng ta tỉnh thức và kéo chúng ta ra khỏi tình trạng sa sút thuộc linh. Đối với Phi-e-rơ tiếng gà gáy có giá trị tỉnh thức mạnh mẽ. Có lẽ vì vậy mà chúng ta thấy có vài nhà thờ ở châu Âu có gắn hình con gà; ở Việt Nam cũng có nhà thờ Con Gà ở Đà Lạt với mục đích nhắc nhở con dân Chúa. Hãy nhạy bén với những tín hiệu của hoàn cảnh mà Chúa dùng để nhắc nhở mỗi khi chúng ta có nguy cơ rơi vào cạm bẫy, cám dỗ của ma quỷ hoặc đi sai trật ý Chúa để kịp thời dừng lại.

 

Tình yêu thương “Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ”. Cái nhìn của Chúa ở đây là cái nhìn yêu thương, cảm thông với sự yếu đuối của Phi-e-rơ chứ không phải cái nhìn giận dữ, trách móc. Chính cái nhìn đó khiến ông nhớ lại tình yêu Chúa dành cho ông, một tình yêu thủy chung vì “Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian thì cứ yêu cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1). Chính tình yêu đó có sức mạnh tỉnh thức khiến Phi-e-rơ ăn năn, khóc lóc đắng cay.

 

Lời Chúa và Đức Thánh Linh “nhớ lại lời Chúa phán”. Đức Thánh Linh dùng lời của Ngài để nhắc nhở, tỉnh thức, cáo trách lương tâm chúng ta. Nói điều này, có lẽ chúng ta không thể quên được câu chuyện về thánh Augustine quy đạo. Augustine vốn sinh trưởng trong một gia đình tin kính Chúa, nhưng khi còn thanh niên ông trở nên hư hỏng, ăn chơi trác táng và mẹ ông là bà Monica ngày đêm hằng cầu nguyện cho ông. Rồi một hôm, khi đi vào một khu vườn lúc ấy có một nhóm học Kinh Thánh ở đó; tình cờ ông thấy một cuốn Kinh Thánh mở ra để trên bàn. Thình lình ông nghe tiếng nói bên tai ông “Hãy cầm lên và đọc!” Ông vâng theo cầm lên và đọc, gặp phân đoạn Kinh Thánh trong Rô-ma 13:12-14 chép rằng: “Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng. Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó.” Ông bị cáo trách mạnh mẽ và ăn năn. Sau đó ông được giám mục Ambrose dẫn dắt, dạy dỗ và sau này trở thành một nhà thần học lừng danh, đã có công hệ thống hóa thần học Cơ Đốc.

 

Ăn năn, tan vỡ

Kinh Thánh chép “rồi người đi ra ngoài”. Đây là hành động quan trọng. Phi-e-rơ quyết định đi ra khỏi tình trạng sa sút của mình. Quyết định là một bước quan trọng đưa đến sự ăn năn thật và thay đổi cuộc đời. Trong câu chuyện về “Người con trai hoang đàng”, anh ta đã quyết định quay trở về nhà cha và được cha yêu thương tha thứ và phục hồi.

 

“Khóc lóc thảm thiết” hay “khóc lóc đắng cay” (theo Ma-thi-ơ) nói lên sự ăn năn, tan vỡ của Phi-e-rơ. Ăn năn tan vỡ là khởi điểm của một đời được biến đổi. Mùa Thương khó là mùa ăn năn sám hối. “Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu.” (Thi Thiên 51:17) “Hãy nhớ lại ngươi sa sút từ đâu và ăn năn và làm lại công việc ban đầu của mình.”( Khải huyền 2:5)

 

Phi-e-rơ đã ăn năn thật chứ không ăn năn một nửa như Sau-lơ nên được Chúa tha thứ và phục hồi cho ông. Ông đã thực sự “xé lòng” chứ không phải “xé áo” (Giô-ên 2:13)

 

Đến gần Chúa (1 Phi-e-rơ 2:4)

Sau nhiều kinh nghiệm đau đớn, thất bại, Phi-e-rơ thấm thía bài học mà Chúa dạy cho cuộc đời mình. Bây giờ, với tất cả kinh nghiệm đau thương, Phi-e-rơ tha thiết khuyên chúng ta “Hãy đến gần Chúa…” là “Hòn Đá Sống bị người ta loại ra…”. Chúng ta cần hiểu tại sao Phi-e-rơ nói như vậy. Ông nhắc đến Chúa là Hòn Ðá Sống bị người ta loại ra chỉ về Đấng Christ chịu thương khó, phục sinh. Ngài là Đấng đã trải qua những chặng đường thương khó bị sỉ nhục, vu oan nên Ngài cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta. Tác giả thư Hê-bơ-rơ cũng nhắc nhở chúng ta: “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.” (Hê-bơ-rơ 4:15-16)

 

KẾT LUẬN

Phi-e-rơ vốn rất gần Chúa, nhưng rồi lại xa Chúa, theo Chúa xa xa, và phạm tội chối Chúa. Những kinh nghiệm đau đớn của Phi-e-rơ là những bài học thuộc linh quý báu cho tất cả chúng ta hôm nay. Mùa Thương khó là cơ hội đem chúng ta đến gần Chúa hơn. Đó là mùa ăn năn, sám hối về tội lỗi, sự yếu đuối, những lỗi lầm của mình để xin Chúa tha thứ. Hãy dành thì giờ tìm kiếm Chúa, đến gần Chúa hơn trong mùa Thương khó Phục sinh chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sức mới từ Chúa để sống, phục vụ và làm vinh hiển danh Chúa “Hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rữa bằng nước trong mà đến gần Chúa.” (Hê-bơ-rơ 10:22). “Hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỷ thì nó sẽ lánh xa anh em. Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em…” (Gia-cơ 4:7-8). Amen!

 

 

MSNC Trịnh Chiến

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.