Của Lễ Cảm Tạ

3835

 

“Người nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh ta”

(Thi Thiên 50:23)

 

Dâng của lễ cho Chúa là một mệnh lệnh phải làm trong thời Cựu Ước.  Của lễ phải được dâng thường xuyên và dâng bất thường theo quy định của luật pháp.  Chẳng hạn như khi một người phạm tội, phải dâng một của lễ chuộc tội; khi biết ơn phải dâng một của lễ thù ân; sau khi được sạch vì bị ô uế, phải dâng một của lễ trước khi được thầy tế lễ tuyên bố tinh sạch; còn nhiều của lễ khác như của lễ chay, của lễ chuộc lầm lỡ, của lễ thiêu v.v…

 

Ngày nay, khi nói đến của lễ, người ta thường nghĩ đến một lễ vật như heo, gà, chuối, ngũ quả…  là những thứ con người thường dâng cho thần của mình.  Dân Việt ta thường thờ bàn thiên trước ngõ, và trên bàn ông thiên đó luôn có những lễ vật như chuối, nước, gạo, muối…  Rồi trên bàn thờ thần tài ông địa cũng có những lễ vật như bánh, ly cà phê, điếu thuốc.  Đến mùa đi núi, hành hương, ai cũng cố gắng mua một mâm lễ vật để dâng lên cho vị thần của những nơi đó.


Tác giả A-sáp được Đức Thánh Linh soi dẫn, đã viết trong Thi Thiên của ông về lễ vật Đức Chúa Trời ưa thích như sau: “Người nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh Ta.”  Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá, Ngài dựng nên cả vũ trụ, trái đất và mọi vật trên trái đất nầy.  Tất cả những của lễ bằng vật chất người ta tưởng là rất có giá trị để dâng cho thần của họ, dù đó là heo, bò mập béo, hay trái cây ngon nhất, quý nhất chăng nữa, thì những thứ đó chẳng qua cũng chỉ là tạo vật của Đức Chúa Trời mà thôi, nên Đấng tạo dựng cả vũ trụ không cần những lễ vật như vậy.  Điều Chúa cần chính là tấm lòng của chúng ta dâng lên cho Ngài.  Vì vậy Lời Chúa cho biết cảm tạ Chúa, biết ơn Chúa là một của lễ tốt nhất và quý nhất để dâng lên Đức Chúa Trời và mục đích của sự cảm tạ chính là Danh Chúa được tôn vinh. 

 

Người ta thường nói lời cám ơn nhau khi nhận được một điều gì từ người khác.  Cha mẹ cũng dạy con cái phải nói cám ơn khi ai cho một món gì.  Chúng ta cũng thường cám ơn nhau khi ai làm ơn cho mình, và cũng thường tôn vinh, cảm tạ và nhắc đến những anh hùng dân tộc, những vị cứu tinh của đất nước, hoặc những người có công lao đóng góp đặc biệt cho một sự nghiệp nào đó. 

 

Với loài người là vậy, còn với Chúa thì sao? Khi nhìn lại cuộc đời theo Chúa của mình, ai cũng phải thừa nhận những gì Chúa ban cho mình quá lớn lao, đến nỗi sứ đồ Phao-lô đã nói lên trong 2 Cô-rinh-tô 9:15 rằng: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!”.  Có ai dám nói cuộc đời theo Chúa của tôi chưa hề nhận lãnh một ơn phước gì từ nơi Chúa chăng?  Có ai nói rằng Chúa chưa hề nhậm lời cầu xin của tôi bao giờ chăng?  Chỉ riêng việc chúng ta được cứu bởi sự hy sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu trên cây thập tự thay cho tội lỗi của mình, cũng đủ để chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa suốt cuộc đời rồi.  Mỗi ngày, dù thức hay ngủ, chúng ta cũng đang hít thở không ngừng, có nghĩa là chúng ta đang nhận lãnh không khí từ Chúa ban cho cách liên tục và miễn phí, chúng ta chẳng biết ơn sao? Ngày xưa, ông cha ta cũng thấy được mọi sự từ Đức Chúa Trời ban xuống để con người có thể duy trì cuộc sống trên đất, bài ca dao sau đây nói lên điều đó: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm…”  Nếu Đức Chúa Trời không ban cho mưa nắng thuận hoà thì làm sao chúng ta có đủ cơm ăn áo mặc.  Ngày nay, mặc dù khoa học có thể tạo nên những cơn mưa nhân tạo, có thể lai tạo những giống lúa kháng sâu rầy, có thể sản xuất những loại phân bón tốt nhất, nhưng thời tiết vẫn luôn là yếu tố quyết định trong nông nghiệp.   Năm nào có hạn hán hoặc thiên tai bão lụt là năm ấy bị mất mùa, dân tình đói khổ.

 

Vì vậy, cảm tạ Chúa là việc nên làm, cần làm, phải làm và làm thường xuyên của người theo Chúa chẳng khác nào việc dâng của lễ trong thời Cựu Ước vậy.


Các Cơ Đốc nhân ở Hàn Quốc có một thói quen dâng hiến đặc biệt, ngoài việc dâng phần mười hoặc vượt phần mười, thì khi Chúa ban ơn cho họ, chẳng những họ cảm tạ Chúa bằng lời nhưng còn dâng hiến thêm một số tiền vào một quỹ nào đó nữa như quỹ chứng đạo, xây dựng, thăm viếng chăm sóc chẳng hạn, đó là của lễ cảm tạ của họ dâng lên để tôn vinh Chúa.  Họ quan niệm rằng, trong cuộc sống với nhau giữa xã hội,  khi một người đã giúp đỡ hay làm ơn cho mình một vấn đề nào đó, chúng ta thường tìm cách bày tỏ lòng biết ơn bằng cách tặng một món quà cho người ấy, vậy khi biết ơn Chúa đã ban cho mình một phước hạnh đặc biệt, chẳng lẽ lại chỉ nói lời cảm tạ suông hay sao.

 

Khi cảm tạ Chúa, chính là lúc chúng ta dâng tấm lòng biết ơn của mình lên Đức Chúa Trời.  Và khi chúng ta dâng sự cảm tạ làm của lễ, chính là lúc chúng ta đang tôn vinh Chúa với lòng biết ơn về những điều Chúa ban cho mình.  Cuộc đời không cảm tạ Chúa là một cuộc đời không tôn vinh Chúa.  Cuộc đời nghèo nàn trong sự cảm tạ Chúa là cuộc đời vô ơn với Đấng đã cứu chuộc mình. 


Có ai không nhận sự ban cho từ Đức Chúa Trời?  Thế nhưng nhiều khi con người tôn vinh nhau nhiều hơn tôn vinh Chúa!  Riêng bạn thì sao?

Chúa nhắc nhở: “Người nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh Ta”

 

Nguyễn Lê

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.