Chúa Bình An

5845

 

 

     Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an, bất ổn. Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 được đánh dấu bằng vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào tòa Tháp Đôi ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở nước Mỹ làm hơn 4.000 người chết, khiến nhân loại bị ám ảnh về hiểm họa khủng bố ở khắp mọi nơi, làm cho con người cảm thấy lo sợ, bất an nhiều hơn.  Tiếp theo đó là cuộc chiến gọi là “chống khủng bố” nổ ra và những hệ lụy của nó càng đưa thế giới vào tình trạng bất an, bất ổn hơn bao giờ hết.  Những tin tức hằng ngày về bạo hành, xung đột, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, nhân họa, ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet… khiến nhiều người lo âu tự hỏi không biết thế giới chúng ta đang sống sẽ đi về đâu.

 

     Về phương diện nội tâm, lòng người vốn bất an nên sinh ra bất hòa, bất mãn, bất bình, bất nhân, bất nghĩa, bất cần đời….bao nhiêu là chữ “bất” thậm chí đưa đến những cái chết “bất đắc kỳ tử”.  Cách đây nhiều năm, siêu sao điện ảnh Mỹ là Marylin Monroe đã tự tử, để lại bức thư tuyệt mạng với dòng chữ ngắn “Tôi không tìm thấy sự bình an”.  Thật vậy, con người trong xã hội hiện đại ngày càng bất an, bất hòa, bất đồng nên tình yêu, hôn nhân, gia đình đổ vỡ; tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng ngay ở những nước mới thoát khỏi nghèo đói như Việt Nam.  Tỷ lệ ly dị ở Việt Nam đang gia tăng đến mức báo động, khoảng 30%.  Đáng lo ngại là hiện tượng mà các nhà tâm lý gọi là “ly hôn xanh”, tức là những vụ ly hôn xảy ra ở những cặp vợ chồng mới kết hôn vài ba năm, con còn quá nhỏ, mà đã kéo nhau ra tòa ly dị với những lý do chưa đáng để ly hôn như thường thấy.

 

     Vì thế, một câu hỏi cần đặt ra là tại sao con người từ xưa đến nay không tìm thấy sự bình an thật? Mặc dù có nhiều triết lý, tôn giáo xưa nay đã bàn luận nhiều đến nan đề nầy, tuy nhiên, có thể nói con người không thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng nếu không trở về với Kinh Thánh là Lời hằng sống của Thiên Chúa.

 

CON NGƯỜI ĐÃ ĐÁNH MẤT NGUỒN BÌNH AN

     

     Tội lỗi làm cho con người bất an

 

     Kinh Thánh cho biết tội lỗi là nguyên nhân sâu xa khiến tâm hồn con người bất an.  Sách Sáng Thế Ký chương 3 ghi lại bi kịch trong vườn Ê-đen khi tổ phụ loài người phạm tội bất tuân lệnh Chúa mà ăn trái cấm.  Sau khi phạm tội, A-đam nghe tiếng Chúa gọi trong vườn thì sợ hãi và đi trốn vì biết mình lõa lồ.  Tôi lỗi đã khiến con người bối rối, sợ hãi, đúng như Kinh Thánh nói “những kẻ ác chẳng hưởng sự bình an bao giờ” (Ê-sai 48:22)

 

     Dòng dõi loài người do A-đam sa ngã sinh ra lại tiếp tục ghen ghét, chém giết nhau. Sáng Thế Ký chương 4 ghi lại bi kịch trong gia đình đầu tiên của nhân loại: Ca-in đã giết em ruột mình là A-bên vì ganh tị. 

 

     Lịch sử nhân loại cũng từ đó trở thành lịch sử của chiến tranh. Hòa bình chỉ là sự ngưng nghỉ của chiến tranh mà thôi.  Các sử gia cho biết, trong khoảng 3.400 năm của lịch nhân loại chỉ có 268 năm hòa bình, có 8.000 hòa ước đã ký.  Kinh Thánh cho biết thế giới trong thời kỳ cuối cùng sẽ hỗn loạn, đầy bất an “Sẽ có các điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao; còn dưới đất, các dân sầu não rối loạn trước biển cả ba đào gầm thét.” (Lu-ca 21:25)

 

     Con người không tìm được sự bình an thật

Nhân loại luôn khao khát sự bình an, hòa bình và đã nỗ lực tìm kiếm nhưng xem ra thất bại.  Con người tưởng rằng vật chất, tiền bạc, tiện nghi khoa học, kỹ thuật sẽ đem lại hạnh phúc, bình an nhưng con người đã nhầm.  Từ khi con người phạm tội và loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống mình, con người có một khoảng trống không có gì có thể lấp đầy nên cứ cảm thấy bất an, không thỏa mãn.  Nhịp sống của xã hội hiện đại làm cho người bị áp lực, căng thẳng nhiều hơn.  Tỉ lệ người dùng thuốc an thần ở Âu Mỹ ngày càng gia tăng.  Một tờ báo đã tổng kết thế kỷ 20 bằng một câu ngắn gọn rất đáng cho chúng ta suy nghĩ “Giàu hơn, mập hơn, nhưng không hạnh phúc hơn”.

 

 

CHÚA GIÊ-XU LÀ NGUỒN BÌNH AN CHO CON NGƯỜI

 

     Chúa Giê-xu là ai?

 

     Tội lỗi đã làm cho con người mất sự bình an và rơi vào tình trạng tuyệt vọng.  Nhưng Thiên Chúa yêu thương con người, không muốn con người đau khổ bất an mãi như thế nên Ngài đã có một phương cách để giải cứu con người.  Cách đây hơn hai nghìm năm, Ngài đã sai Con Ngài là Chúa Giê-xu đến trần gian để giải quyết nan đề cho nhân loại.  Chúa Giê-xu đã phán: “Ta để lại cho các con sự bình an trong tâm hồn.  Ta ban cho các con sự bình an, chẳng phải thứ bình an mong manh của trần gian.  Lòng các con đừng bối rối, sợ hãi.” (Giăng 14:27-Bản HĐ)

     

     Chúa Giê-xu là “Chúa Bình An” “Vua Hòa Bình”

 

     Chúa Giê-xu được tôn xưng là “Chúa Bình An” hay “Vua Hòa Bình” (Ê-sai 9:5).  Hậu quả của tội lỗi khiến cho con người bất an.  Cho nên sứ mệnh mà Đức Chúa Cha giao cho Chúa Cứu Thế Ngài là đem sự bình an đến cho nhân loại.  Vì thế, trong đêm Chúa giáng sinh, các thiên thần tôn vinh Thiên Chúa vào đời với khúc hát:

 

     “Sáng danh Thiên Chúa trên cao, Bình an dưới thế ơn trao cho người”.

 

     Chúa Giê-xu trước khi trở về trời đã phán, “Ta để sự bình an cho các ngươi”, điều nầy có nghĩa là sự bình an là di sản quí báu Chúa để lại cho những ai tin Ngài sẽ được thừa hưởng. 

 

     Sự bình an không phải như thế gian cho

 

     Sự bình an mà Chúa ban cho con người là sự bình an thiên thượng, siêu nhiên vượt lên trên sự hiếu biết của con người, là sự bình an trường tồn bất diệt chứ không phải thứ bình an mong manh tạm bợ mà trần gian mang đến.

 

     Từ bình an trong tiếng Do Thái là “sha-lôm” có một ý nghĩa toàn diện và sâu sắc hơn chúng ta thường nghĩ.  Người Do Thái gặp nhau thường chào nhau “sha-lôm”như là lời chúc lành, có ý nghĩa tương tự như thành ngữ “an khang thịnh vượng” trong tiếng Việt.  Đó sự bình an cho cả thân, hồn, linh.  Đó cũng là ý nghĩa lời cầu nguyện của thánh Giăng “Thưa anh quí mến, tôi cầu nguyện cho anh được thịnh vượng mọi mặt, được khỏe mạnh phần xác, cũng như được thịnh vượng về phần hồn.” (III Giăng 2 – HĐTT).

 

     Bình an tâm linh

 

     Sự bình an trước tiên mà con người cần có là sự bình an trong tâm linh khi con người đã Chúa tha thứ mọi tội lỗi, không bị kết án.  Khi con người phạm tội, con người trở thành kẻ thù địch với Thiên Chúa và chọc giận Ngài.  Tôi lỗi cũng đem đến sự thù nghịch, bất an cho nhân loại.  Vì thế, để ban sự bình an cho nhân loại, Chúa Giê-xu phải giải quyết nan đề tội lỗi bằng cách hiến thân chịu chết chuộc tội trên thập tự giá để đem sự giải hòa giữa con người với Đức Chúa Trời.  Sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá đã bắt một nhịp cầu bình an, yêu thương để con người có thể hòa thuận lại với Thiên Chúa, được làm con cái Ngài.

 

     Bình an tâm lý

     

     Khi một người tiếp nhận Chúa Giê-xu là nguồn bình an, người đó kinh nghiệm sự bình an tâm linh và tiếp đến là sự bình an tâm lý, sự bình an trong tâm hồn.  Đó là sự bình an, vui mừng tràn ngập trong tâm hồn vì Chúa bình an ngự trong lòng.  Sự bình an nầy không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài; nó có thể ví sánh với hình ảnh con chim đứng nơi hốc đá cất tiếng hót vang giữa cảnh trời phong ba bão tố vậy.

 

     Bình an tâm giao

 

     Thập tự giá của Chúa Giê-xu có hai chiều: chiều đứng tượng trưng cho mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa; còn chiều ngang tượng trưng cho mối quan hệ giữa con người với nhau.  Khi con người được bình an với Chúa thì con người cũng dễ sống hòa thuận với mọi người chung quanh.  Sự chết của Chúa Giê-xu trên thập giá kéo con người đến với Chúa và cũng kéo con người gần lại với nhau, phá đổ bức tường ngăn cách giữa các dân tộc.

Bình an cho quá khứ

 

     Sự bình an của Chúa ban cho có giá trị vĩnh cửu, đời đời.  Một người tin Chúa Giê-xu sẽ kinh nghiệm một đời sống mới, như Kinh Thánh chép “Ai ở trong Chúa Cứu Thế là con người mới: cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn đổi mới.  (2 Cor. 5:17- Bản HĐ) Thật vậy, một người tin Chúa Giê-xu, tội lỗi của người đó trong quá khứ được bôi xóa, người đó không còn mặt cảm tội lỗi nữa vì “Huyết của Giê-xu con Ngài làm sạch mọi tội chúng ta”.  Kinh Thánh cũng chép “Dầu tội các ngươi như hồng điều cũng sẽ trở nên trắng như tuyết, dầu đỏ như son cũng sẽ trở nên trắng như lông chiên” (Ê-sai 1:18)

 

     Bình an cho hiện tại

 

     Khi tiếp nhận Chúa bình an, con người sẽ kinh nghiệm sự bình an, phước hạnh của sự sống đời đời ngay trong đời sống hiện tại vì cuộc đời được đổi mới kỳ diệu.  Sự bình an ấy như dòng sống tuôn chảy vào tâm hồn, khiến cuộc sống trở nên phong phú, đầy ý nghĩa.  Chúa Giê-xu phán “Ta đến để nhân loại được sống và sống sung mãn” (Giăng 10:10)

 

     Bình an cho tương lai

     

     Sự bình an trong Chúa Giê-xu giúp con người nhìn về tương lai với hi vọng tươi sáng vì không còn sợ bị đoán phạt nơi hỏa ngục.  Ngay cả khi đối diện với sự chết, người tin Chúa cũng không sợ hãi vì biết Chúa sẽ tiếp rước linh hồn mình vào an nghỉ nơi vĩnh phước là thiên đàng.  Chính Chúa Giê-xu bảo đảm với chúng ta “Ai nghe lời ta và tin Đấng đã sai thì được sự sống đời, và không đến sự phán xét nhưng vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.” (Giăng 5:24)

 

 

TIẾP NHẬN NGUỒN BÌNH AN- “CHÚA BÌNH AN”

 

     Chúa sẵn sàng ban cho bạn sự bình an

     

     Chúa Giê-xu là Chúa Bình An; Ngài đến thế gian để ban sự bình an thiên thượng cho nhân loại.  Ngài phán “Ta ban cho các ngươi sự bình an”.  Chúa sẵn sàng ban cho bạn quà tặng quí giá là sự bình an, hạnh phúc cho tâm hồn.  Có phải bạn đang khao khát sự bình an cho tâm hồn mình hôm nay không? Ngài đang chờ đợi để ban cho bạn đấy.

Bạn có mở lòng đón nhận nguồn bình an không?

     

     Sự bình an là quà tặng quý giá sẽ được ban cho những ai đưa tay ra đón nhận bằng đức tin.  Chúa Giê-xu mời gọi “Hỡi những kẻ mệt mỏi và nặng gánh ưu tư, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các con được an nghỉ”.  Hãy đáp tiếng gọi của Chúa ngay hôm nay mà mở lòng tiếp nhận Chúa Bình An vào lòng, chắc chắn bạn sẽ kinh nghiệm sự bình an, hạnh phúc kỳ diệu từ nơi Ngài.  A-men.

     

     Bạn hãy cầu nguyện như sau:

 

     Lạy Chúa Cứu Thế Giê-xu, con biết con là một tội nhân, cần được Ngài tha thứ mọi tội lỗi.  Con tin rằng Ngài đã chết vì tôi lỗi của con.  Con muốn từ bỏ mọi điều tội lỗi.


     Bây giờ, con xin mời Ngài ngự vào tâm hồn con và đời sống con.


     Con muốn tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế và bước theo Ngài.  A-men!

 

 

Trịnh Phan

 

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.