Kinh Thánh: I Côr 7:1-40
Dẫn nhập:
Hội Thánh Cô-rinh-tô được Phao-lô thành lập trong chuyến truyền giáo lần thứ hai (50-53SC) và tiếp tục được chăm sóc trong chuyến truyền giáo lần thứ ba (54-55SC).
Hội Thánh Cô-rinh-tô có rất nhiều nan đề, nên Phao-lô đã viết cho các tín hữu tại đây hai lá thư sau chuyến truyền giáo lần thứ ba (khoảng 57SC) là thư I và II Cô-rinh-tô nhằm giải thích và đưa ra cách giải quyết các nan đề đó.
Một trong những nan đề của Hội thánh Chúa tại đây là vấn đề hôn nhân-gia đình với những quan điểm rất khác biệt khiến cho ông dành nguyên một đoạn Kinh Thánh để giải luận về vấn đề nầy, đó là I Cô-rinh-tô 7.
Những lời dạy của Phao-lô về hôn nhân-gia đình có vẻ hơi khác với những lời dạy của ông cũng về vấn đề nầy trong các thư tín về sau như Ê-phê-sô, Cô-lô-se… khiến cho chúng ta khó hiểu. Khi luận giải về hôn nhân-gia đình trong thư I Cô-rinh-tô, dường như ông xem nhẹ hay đánh giá thấp đời sống hôn nhân so với sự đề cao hôn nhân-gia đình trong các thư tín khác.
Một số nhà phê bình tự do nghi ngờ tính thần cảm trong I Côr 7, cho rằng có ý riêng của Phao-lô. Chúng ta biết rằng nguyên tắc giải kinh không nhằm đoạn chương thủ nghĩa nhưng sự dạy dỗ của Kinh Thánh về một vấn đề nào đó phải phù hợp với tất cả các phần của Kinh Thánh. Căn bản là chúng ta phải tin vào sự linh cảm toàn phần của Chúa cho Phao-lô khi viết ra lời của Ngài, có tính nhất quán và không mâu thuẩn, vì cả Kinh Thánh đều là bởi ĐCT soi dẫn… Nếu có những điều khó hiểu, chúng ta không vội vàng kết luận một cách hồ đồ mà xem xét lại cẩn thận, có thể chúng ta chưa có được sự soi sáng của Chúa để hiểu thấu đáo vấn đề chăng? Hãy đặt đoạn Kinh Thánh trong bối cảnh lịch sử của nó, xem xét nó trong ngữ cảnh văn hóa, xã hội để tìm sự giải thích phù hợp với phong tục, tập quán, quan điểm của xã hội đương thời và cũng hãy so sánh với các phân đoạn Kinh Thánh khác, các bản dịch Kinh Thánh khác nhau để tìm ra sự dạy dỗ chính xác Chúa muốn nói với chúng ta ngày hôm nay.
I Côr 7 là một đoạn như thế. Sự lý giải sẽ đem cho chúng ta từ chổ thắc mắc khó chịu đến chổ hiểu biết chính xác để rồi cảm thấy hấp dẫn và vui thích trong sự dạy dỗ của Lời Chúa.
Đề tài của bài suy gẫm Kinh Thánh nầy là: Sự Dạy Dỗ của Phao-Lô Về Hôn Nhân-Gia Đình (KT: ICôr 7:1-40).
(Xin độc giả lưu ý những điều viết ra đây là tổng hợp các ý kiến của các nhà giải kinh được viết lại cho dễ hiểu và ý kiến riêng của người viết, nên chỉ có tính tham khảo…)
1. Lời dạy về sự cần thiết phải lập gia đình(c.1-2):
-Câu1: Khi đọc lên ta có cảm nghĩ rằng đó là quan điểm của Phao-lô vì thấy ông binh vực quan điểm nầy trong suốt sự giải luận của đoạn 7. Chúng ta bắt đầu khó chịu không hiểu tại sao Phao-lô lại có tư tưởng cực đoan như thế. Thế nhưng khi đọc các bản dịch khác, cụ thể là bản Kinh Thánh Hiệu đính 2010 thì quan điểm trong câu 1 là quan điểm của những người viết thư chứ không phải của ông: “Còn những vấn đề anh em đã viết trong thư như: Đàn ông không lấy vợ là hay hơn”
Vậy tại sao họ lại có quan điểm như thế? Tư tưởng triết học Hy-lạp cho rằng thân thể là xấu nên không cần phải tôn trọng mà cứ để cho dục vọng và bản năng xui khiến nó, không cần cầm giữ để sống trụy lạc, thác loạn, cho thân thể bị đày đọa. Lại nẩy sinh một quan điểm thứ hai trái ngược, bởi vì thân thể là xấu cho nên chúng ta phải chế phục nó, chối bỏ bản năng tham dục tự nhiên của thân thể để sống độc thân, khắc kỷ mới đúng. Một số Cơ Đốc nhân ngoại bang mới tin Chúa tại Cô-rinh-tô bị ảnh hưởng tư tưởng triết học Hi-lạp theo quan điểm thứ hai nầy nên chủ trương độc thân, cho rằng tình dục trong hôn nhân là xấu, cố gắng tránh được chừng nào tốt chừng ấy.
-Câu 2: Phao-lô không để cho anh em hiểu sai như thế và ông khuyên giục họ phải lập gia đình để tránh những vấn đề về tình dục ngoài hôn nhân vì xã hội Cô-rinh-tô lúc bấy giờ được đánh giá là xã hội vô luân nhất thế giới, khi những người nữ tế tự trong đền thờ hình tượng ngoại bang làm tình với tín hữu của họ và xem đây là nghi thức của sự thờ phượng. Ông hướng dẫn họ phải tuân thủ mạng lịnh của Chúa về hôn nhân, đừng chạy theo tư tưởng thế gian, trái với tánh tự nhiên mà thực chất mình cũng không thực hiện được. Bằng cách nầy ông cũng dạy về chế độ một vợ, một chồng đúng như Kinh Thánh dạy để chống lại chủ trương đa thê của xã hội Cô-rinh-tô.
2. Lời dạy về đời sống tính dục trong hôn nhân (c.3-6):
Phao-lô dường như có kinh nghiệm khi dạy về vấn đề nầy. Một số nhà giải kinh cho rằng ông độc thân nhưng ông viết ra được điều nầy là bởi sự linh cảm của Chúa. Một số nhà giải kinh khác đông hơn cho rằng ông từng lập gia đình… và hiện nay đang ở trong tình trạng góa vợ nên có kinh nghiệm để chia sẻ điều nầy. Chúng ta không biết chắc điều nào đúng nhưng tin rằng những điều ông viết ra đều có sự soi dẫn của Chúa.
-Câu 3-5: Ở đây, Phao-lô không có ý nói đến những bổn phận tinh thần nhưng ông muốn nói đến bổn phận phải đáp ứng nhu cầu tính dục của nhau trong đời sống vợ chồng, vì có những quan điểm trong thư của tín hữu gửi đến cho ông rất nguy hiểm khi cho rằng vợ chồng chỉ sống với nhau với những nghĩa vụ tinh thần mà phải từ chối đời sống tình dục. Họ xem tình dục như là một điều xấu, phải kiêng cử để cho thân thể được thánh khiết… mà thực chất, chỉ làm đổ vỡ hôn nhân và nâng cao khả năng ngoại tình mà thôi.
Phao-lô dạy, vợ chồng đã kết hôn thì thuộc về nhau vì không còn là sở hữu riêng nữa nên đừng dùng quyền tự do cá nhân mà từ chối nhu cầu tình dục của vợ hoặc chồng. Mọi nhu cầu là chính đáng và phải ban cho nhau cách tự nguyện và vui lòng. Đừng từ chối ăn ở với nhau trừ khi cả hai người thỏa thuận dành ra một thời gian ngắn để chuyên về cầu nguyện cho một nan đề nào đó rồi thì chấm dứt và lại tiếp tục quan hệ vợ chồng. Nếu từ chối nó là mở cửa cho Sa-tan xen vào để cám dỗ nhằm thỏa mãn tình dục ngoài hôn nhân, là điều tệ hại hơn hết.
Tình dục là quà tặng Chúa ban cho hôn nhân để duy trì hạnh phúc vợ chồng. Sự hòa hợp trong đời sống tính dục của vợ chồng là điều quan trọng. Nhưng nếu vì sự khiếm khuyết nào đó mà không thể hòa hợp được thì cũng phải chấp nhận lẫn nhau mà không được chia lìa. Tìm một sự đáp ứng tính dục ngoài hôn nhân là phạm tội với Chúa và phá hỏng tính bền vững của hôn nhân.
-Câu 6: Câu nầy dễ gây hiểu lầm khi cho rằng ở đây là ý riêng của Phao-lô chứ không phải mạng lịnh của Chúa. Cần xem lại câu 6 trong bản hiệu đính sẽ hiểu rằng: Câu nầy không có ý nói đến cả vấn đề hôn nhân gia đình nhưng chỉ nói riêng vấn đề kiêng cử trong quan hệ vợ chồng chỉ được thông cảm, chấp nhận khi dành để cầu nguyện chứ không phải là một mạng lịnh mà các gia đình phải tuân giữ (tùy theo hoàn cảnh mà áp dụng, không ép buộc và cũng đừng lạm dụng).
3. Lời dạy về sự độc thân và góa phụ(c.7-9)
-Câu 7: Tại sao Phao-lô muốn mọi người đều giống như ông, nghĩa là sống độc thân? Ông cho rằng sống trong một môi trường và hoàn cảnh xã hội như ở Cô-rinh-tô thì nghiêm khắc giữ mình tốt hơn là sống buông thả. Ông cũng nghĩ rằng không có nhiều thời gian để vướng bận gia đình, nên tập trung thời gian đầu tư hầu việc Chúa. Đó là quan điểm riêng của Phao-lô: một nhà truyền giáo đi xa nhà, sống rày đây mai đó, có thể bị đánh đập, tù tội và trả giá bằng sự chết bất cứ lúc nào thì theo ông không có những ràng buộc gia đình vẫn hơn. Nhưng nếu độc thân mà chỉ ở vậy nhưng không hầu việc Chúa chi cả thì điều đó hoàn toàn vô nghĩa. Đây cũng là sự soi dẫn của Chúa, hợp lý cho trường hợp của ông, ông không hề coi nhẹ hôn nhân vì sau đó ông nói tiếp theo rằng mỗi người đều nhận ơn của Chúa khác nhau nên hãy sống theo ơn Chúa cho mà không được ép buộc người khác phải sống giống như mình.
-Câu 8-9: Với ý tưởng đó, ông khuyên những người chưa cưới gả (bao gồm những người lớn tuổi mà chưa có gia đình) và những góa phụ (hoặc góa vợ) thì ở độc thân như ông là tốt. Tuy nhiên, nếu họ có những ham muốn về tình dục tự nhiên thì tốt hơn hết là nên lập gia đình vì lập gia đình còn tốt hơn để bị những cám dỗ của tình dục sai khiến làm những điều sai quấy thì còn tệ hại hơn nhiều.
Điều nầy chống lại quan điểm của giới trẻ ngày nay, họ không thích kết hôn nhưng thích sống chung chạ với mọi người để thỏa mãn sự ham muốn tình dục, sống buông thả mà không bị ràng buộc bởi hôn nhân. Một đời sống trác táng như thế không phù hợp với sự dạy dỗ của Lời Chúa, vì họ không sử dụng tình dục như là một quà tặng trong hôn nhân Chúa cho mà sử dụng theo ý riêng mình để rồi trả giá bằng bịnh tật, sự suy kiệt thân thể, đánh mất danh dự và nhân cách của mình. Tình dục ngày nay đã được nâng lên hàng kỹ nghệ để đáp ứng nhu cầu ăn chơi của con người và họ phải trả giá đắt do những hậu quả mà mình gây ra.
4. Lời dạy về ly thân, li-dị (c.10-16)
-Câu 10-11: Có những người nghĩ rằng phải li thân li dị nhau (ảnh hưởng triết học Hy-lạp) thì đối với gia đình là Cơ Đốc nhân hoàn toàn, Phao-lô dạy không nên li dị nhau vì đó là mạng lịnh của Chúa (Sáng 2:24; Mal 2:16; Lu 16:18). Nếu đã li thân hay li dị (trước khi tin Chúa) thì ở vậy, không lập gia đình nữa hoặc trở lại hiệp một với người phối ngẫu của mình.
-Câu 12-16: Đối với gia đình mà vợ hay chồng chưa tin Chúa, thì cũng không được phép bỏ nhau vì cớ niềm tin của mình. Nếu họ bằng lòng không đòi li dị thì nên tiếp tục chung sống với nhau, có thể qua đời sống tin kính của vợ hoặc chồng thì người kia sẽ cảm động trở lại tin Chúa. Nếu người không tin buộc phải li dị thì trong hoàn cảnh đó đành phải chấp nhận để bảo vệ niềm tin của mình hơn là bỏ Chúa để giữ hạnh phúc gia đình.
– Câu 12 dễ gây hiểu lầm, nhất là trong các bản dịch khác: Đối với những người khác, tôi có lời khuyên (không phải mạng lệnh của Chúa)…(BDM 2005)- Còn những người khác, tôi khuyên, chứ không phải Chúa…(BDM 2002)- Còn với những người khác, thì tôi, không phải là Chúa, nói rằng…(BHĐ 2010). Điều nầy không có nghĩa là đây là ý riêng của Phao-lô mà không phải sự dạy dỗ của Chúa nhưng vấn đề là Chúa Jesus chưa có đề cập đến trong các sách Phúc âm về hôn nhân với người ngoại, và Phao-lô trong sự soi dẫn của Chúa, ông bổ sung mà thôi. Cho nên đừng hiểu sai câu nầy mà tự ý li thân, li dị rồi bảo rằng Lời Chúa không có dạy…
5. Lời dạy sống theo ơn kêu gọi của Chúa (c.17-24):
– Sống theo ơn Chúa gọi cho mình (độc thân hay lập gia đình; cắt bì hay không cắt bì; nô lệ hay tự do; địa vị nào ở địa vị nấy…)
– Đừng lên án nhau vì mỗi người có sự kêu gọi riêng và ơn ban cho khác nhau, nên không áp đặt ý riêng mình trên người khác.
6. Lời dạy về sự phục vụ Chúa vì thì giờ ngắn ngủi và Chúa sắp tái lâm (c.25-35):
-Câu 25: Kẻ đồng thân (chưa lập gia đình, còn đồng trinh, trinh nữ hoặc đã lập gia đình nhưng chưa có quan hệ xác thịt…).
Câu nầy cũng dễ gây hiểu lầm: Tôi không có mệnh lệnh của Chúa…(BDM 2002-BHĐ 2010), Tôi không nhận được mệnh lệnh Chúa truyền dạy (BDM 2005). Câu nầy cũng không có nghĩa là quan điểm riêng của Phao-lô mà không có sự soi sáng, linh cảm của Chúa mà là những điều Chúa dạy dỗ qua Phao-lô theo nguyên tắc chung về những vấn đề có tính chi tiết mà trước đó chưa được đề cập tới trong các sách Phúc Âm.
-Câu 26-27: Phao-lô nhìn thấy hoàn cảnh xã hội và tôn giáo tại Cô-rinh-tô cũng như những hệ lụy mà người có gia đình phải đối diện, ông khuyên các tín hữu nên độc thân để tránh những khó khăn có thể xảy ra. Điều nầy không có nghĩa là không ai có thể lập gia đình được nhưng những người đã lập gia đình phải vững vàng để đối diện sự khó khăn đó.
-Câu 28: Tại sao ông lại đề cập đến tội lỗi ở đây? Vì cớ quan điểm của những người viết thư cho ông đề cao sự độc thân cho là thánh thiện còn lập gia đình là tội lỗi…
-Câu 29-35: Ông dạy thì giờ ngắn ngủi vì đời người không có bao nhiêu thời gian trên đất và ngày Chúa gần đến nên hãy gạt bỏ sự vướng bận gia đình để ưu tiên cho sự phục vụ Chúa.
Câu 33 là hệ quả tự nhiên mà ông thấy chứ không nhằm đề cao người độc thân thì hầu việc Chúa mà người có gia đình thì chỉ biết lo vợ con mà có khi ngược lại, có những người độc thân không hầu việc Chúa còn những người có gia đình thì lại hầu việc Chúa rất tốt …
7. Lời dạy về gái đồng trinh (c.36-38):
Theo quan điểm ngày xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nên cha mẹ có quyền giữ con gái mình độc thân hay lập gia đình. Tùy theo điều kiện gia đình và nhu cầu tình cảm của cô gái, hoặc sự kêu gọi của Chúa, cha mẹ sẽ có quyết định đúng đắn cho con gái mình có nên lập gia đình hay không vì thà không lập gia đình còn hơn lập gia đình với người không tin kính Chúa, hậu quả là nhiều nan đề xảy ra…Cha mẹ cũng không nên ép buộc con gái mình lập gia đình theo ý mình mà không theo ý Chúa, chỉ đem lại bất hạnh cho con cái mình mà thôi.
Nhóm từ “không phạm tội gì” cách giải thích như trên.
Nhưng trong các bản dịch mới có sự khác biệt một chút, không dịch cha mẹ có con gái đồng trinh mà là người nam có vợ đã hứa hôn (đọc câu 36-38 BHĐ 2010).
Theo ý nghĩa nầy thì Phao-lô hoan nghinh sự hòa hoãn hay trì hưỡn để tiến đến hôn nhân. Thực tế cho thấy rằng nếu một người nam để cho người yêu mình chờ đợi quá lâu và không đề cập gì đến hôn nhân sẽ bị nghi ngờ tình yêu chân thật của chàng và bị chê trách…Nhưng nếu vì lý do lớn tuổi hoặc để thay đổi hoàn cảnh mà có một hôn nhân vội vã, chớp nhoáng thì điều đó lại càng nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, có những cặp đôi thỏa thuận với nhau chậm đi đến hôn nhân để chờ đợi hoàn tất sự học hành hoặc để công việc làm ổn định đủ điều kiện lập gia đình và sinh con thì điều đó là hợp lý. Hôn nhân là việc hệ trọng liên quan cả cuộc đời mình và hậu tự tiếp theo sau nên sự thận trọng và chín chắn là điều cần thiết.
8. Lời dạy về sự tái giá, tái hôn (c.39-40):
Sự bền chặt trong mối quan hệ vợ chồng là sự gắn bó suốt đời, bất luận khi yếu đau, hoạn nạn, thử thách cũng không được bỏ nhau (như lời hứa nguyện trong hôn lễ…). Chỉ có sự qua đời mới giải phóng một trong hai người ra khỏi sự ràng buộc đó. Tuy ở đây, Phao-lô chỉ nói về người vợ có chồng qua đời nhưng trong nguyên tắc chung, chúng ta hiểu cả trường hợp người chồng có vợ qua đời nữa, nếu có nhu cầu tái giá hay tái hôn thì được phép nhưng phải là ở trong Chúa (các bản dịch mới), và theo ý Chúa (BTT). Nhưng theo ý ông nếu ở vậy thì có phước hơn.
Câu “tôi tưởng rằng” dường như không chắc chắn cho sự phát biểu của ông nhưng nên hiểu đó là câu nói khiêm nhường để hiểu rằng ông đang nói trong sự soi dẫn của Chúa.
Kết luận:
Chuyên gia giải nghĩa Kinh Thánh William Barclay cho rằng trong thư I Cô-rinh-tô Phao-lô tưởng rằng ngày Chúa đến rất gần nên ông xem hôn nhân ở thứ hạng hai để khuyến khích sự phục vụ Chúa lên hàng đầu. Thế nhưng, trong thư Ê-phê-sô, khi thấy Chúa chưa đến ông lại đề cao hôn nhân lên tuyệt đỉnh khi so sánh mối quan hệ vợ chồng giống như mối quan hệ giữa Chúa và Hội thánh.
Giải thích nầy dường như có vẻ hợp lý trên phương diện lý trí nhưng nếu trên phương diện thuộc linh, khi cả Kinh Thánh đều bởi Chúa soi dẫn và những gì Phao-lô viết ra là sự linh cảm thì không thể giải thích rằng dường như ông lầm tưởng về sự tái lâm của Chúa rồi thay đổi quan điểm của mình. Tôi tin rằng, I Cô-rinh-tô 7 ông viết riêng cho tín hữu Cô-rinh-tô trong bối cảnh Cô-rinh-tô lúc bấy giờ.
Cần nhắc lại điều nầy: Chúng ta học Kinh Thánh với nguyên tắc giải thích không đoạn chương thủ nghĩa và ý nghĩa của nó phải phù hợp với sự dạy dỗ chung của cả Kinh Thánh. Ví dụ như, khi luận về giáo sư giả trong I Ti-mô-thê 4:1-5, Phao-lô nói rằng việc dạy cấm cưới gã là đạo lý của quỷ dữ, của các thần lừa dối mà các giáo sư dối đã dạy dỗ sai lạc. Như thế, không phải Phao-lô bài bác hôn nhân nhưng ông luận giải theo bối cảnh lịch sử mà thôi.
Tuy sự dạy dỗ về hôn nhân của Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 7 rất riêng nhưng chúng ta cũng tìm thấy sự dạy dỗ cho hôn nhân và gia đình của mình. Đặt I Cô-rinh-tô 7 trong ánh sáng của văn hóa, xã hội và lịch sử ngày nay chúng ta vẫn tìm thấy một giá trị nhất định của nó trong việc hướng dẫn hôn nhân và gia đình Cơ-đốc lành mạnh và hiệu quả.
Nguyện Chúa giúp ơn cho chúng ta tìm thấy sự dạy dỗ đúng đắn trong lời của Chúa để được ích lợi cho đời sống tin kính Chúa của mình. A-men!
CÁC SÁCH THAM KHẢO
1. Kinh Thánh chú giải Tân Ước – William Macdonald.
2. Giải nghĩa KT: I,II Cô-rinh-tô – Warren W. Wiersbe.
3. Giải nghĩa KT: Thư Cô-rinh-tô – William Barclay
4. Giải nghĩa KT: Thư Tín 1 (Ấn bản Thế Kỷ 21)
Các bản dịch Kinh Thánh…
TĐ Đinh Thuận