Kỷ Luật Trong Yêu Thương – 21/9/2024

7005

 

 

II Tê-sa-lô-ni-ca 3:14-18

“Tuy vậy, chớ coi người đó như kẻ nghịch thù, nhưng hãy răn bảo người như anh em vậy” (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Hội Thánh cần có kỷ luật thế nào với những người không nghe theo những lời dạy trong Kinh Thánh? Thái độ và mục đích kỷ luật phải như thế nào? Sứ đồ Phao-lô nêu gương thế nào về tinh thần kỷ luật trong yêu thương?

Trước khi đưa ra những kỷ luật, Sứ đồ Phao-lô cũng đã dùng những lời “bảo và khuyên” vừa nghiêm khắc vừa yêu thương với những người “sống lười biếng, không chịu làm việc mà lại hay xen vào chuyện người khác” (câu 11 BTTHĐ). Nhưng nếu người ấy vẫn không vâng theo lời khuyên của thư này, nay là Kinh Thánh, thì Hội Thánh “hãy ghi lấy, chớ giao thông với họ, hầu cho họ nhân đó biết xấu hổ” (câu 14). Con dân Chúa nên hạn chế thân mật, “chớ giao thông” có nghĩa là nhất quyết không cùng thỏa hiệp với họ. Có thể sự cô đơn sẽ giúp họ hổ thẹn và nhận ra những thiếu sót, suy nghĩ sai trật cùng những hành động của mình ngăn trở công việc Chúa, mà ăn năn để trở nên những công cụ có ích cho nhà Chúa.

Tuy nhiên, kỷ luật không nhằm trừng phạt, khai trừ anh em mình khỏi Hội Thánh, “chớ coi người đó như kẻ nghịch thù, nhưng hãy răn bảo người như anh em vậy” (câu 15). Mỗi tín hữu cần hiệp lòng trong sự thánh khiết, công bình cùng tình yêu thương, để gây dựng Hội Thánh trở thành nơi hàn gắn những tấm lòng tan vỡ, những cuộc đời sai trật thay vì có tư tưởng loại trừ nhau.

Chúng ta cần nhận biết đây là một chiến trận thuộc linh, đằng sau là sự tấn công của Sa-tan cùng bản ngã xác thịt chứ không đơn thuần chỉ là hình thức kỷ luật giữa người với người. Cần phải có thái độ dứt khoát, không dung túng, không thỏa hiệp với sự lười biếng, ỷ lại, gây chia rẽ trong Hội Thánh. Nhưng chúng ta cũng hết lòng cầu nguyện cho nhau theo gương của Sứ đồ Phao-lô, “Nguyền xin chính Chúa bình an ban sự bình an cho anh em trong mọi khi, đủ mọi cách! Lại xin Chúa ở cùng anh em hết thảy!” (câu 16). Đừng quên anh em mình trong khi cầu nguyện để chính Chúa bình an ở cùng, nhắc nhở, dạy dỗ, khích lệ họ bằng nhiều phương cách khác nhau. Nếu không có Chúa bình an ở cùng, thì chính Sa-tan, cái tôi kiêu ngạo cùng sự bất an sẽ tấn công, cướp lấy hết thảy chúng ta khỏi Nhà của Đức Chúa Trời.

Trong lời cuối thư, Sứ đồ Phao-lô tha thiết cầu xin “ân sủng của Đức Chúa Giê-xu Christ ở cùng anh em hết thảy”, không phân biệt một ai, nói lên tấm lòng của vị sứ đồ đáng kính, ông dạy kỷ luật nhưng phải kỷ luật trong tình yêu thương, chứ không như người đời khi nói đến kỷ luật là nói đến loại trừ. Hãy sống yêu thương để kéo anh em mình quay trở lại với Chúa chứ không phải đẩy anh em ra khỏi cộng đồng.

Bạn có suy nghĩ gì qua lời dạy của Sứ đồ Phao-lô về tinh thần kỷ luật trong yêu thương?

Lạy Chúa của tình yêu, xin dạy con nhận biết những sai phạm của con để ăn năn. Xin Chúa cũng giúp con thêm lời cầu nguyện và có thái độ dứt khoát với tội lỗi, nhưng yêu thương với người phạm tội để giúp họ ăn năn quay về bên Chúa. Nhân Danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 1

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcKpĭ Mjuăt Hlăm Klei Khăp – 21/9/2024
Bài tiếp theoQuảng Ngãi: Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Xuân Quang