Ê-phê-sô 6:1-4
1 Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. 2 Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), 3 hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.
4 Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.
Câu gốc: “…hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4b).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời dạy đúng đắn nào cho cha mẹ trong Ê-phê-sô 6:4b? Kỷ luật đóng vai trò nào trong việc giúp con trưởng thành hài hòa cả về thể chất, tinh thần, lẫn tâm linh? Lời dạy này quan trọng thế nào trong việc nuôi dạy con cái?
Về phương diện tiêu cực, cha mẹ không nên “chọc cho con cái mình giận dữ”, nhưng tích cực hơn, họ cần “nuôi nấng” con cái mình bằng “sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa”. Kỷ luật đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của một đứa trẻ. Nhiều người nói rằng hãy để cho con cái tự do bộc lộ mình, vì nếu cha mẹ sửa phạt con cái, họ có thể làm cho tính cách của chúng sai lệch đi. Nhưng tính cách của một đứa trẻ không bị sai lệch vì kỷ luật, mà sai lệch từ trong bản chất hư hoại của nó. Vua Đa-vít đã nhận biết bản chất hư hoại của con người khi nói rằng: “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi” (Thi Thiên 51:5). Và Sứ đồ Phao-lô cũng khẳng định, “Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không” (Rô-ma 3:12). Ngay cả khi một người đã tin nhận Chúa, nhưng nếu không bởi quyền năng của Đức Thánh Linh thì họ vẫn “không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Rô-ma 7:19). Nếu vậy, liệu việc để cho một đứa trẻ được “tự do” phát triển và sống theo ý nó muốn, mà thiếu đi sự dạy bảo và kỷ luật thích hợp có phải là việc làm khôn ngoan của cha mẹ không?
Thật ra, chính sự sửa phạt đem lại ích lợi cho con cái và bày tỏ tình yêu của cha mẹ đối với con cái. “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó” (Châm Ngôn 13:24). Nhưng cha mẹ nên nhớ kỷ luật phải là kỷ luật “của Chúa,” có nghĩa là kỷ luật của tình yêu và sự gây dựng (Hê-bơ-rơ 12:6-7). Con cái phải nhìn thấy tình yêu thương của cha mẹ khi kỷ luật chúng thay vì giận dữ, chúng cũng phải nhận ra kỷ luật mà cha mẹ đem đến cho chúng không nhằm mục đích chứng tỏ uy quyền hay bẻ gãy ý chí của chúng nhưng là phương cách mà cha mẹ muốn “nuôi nấng” chúng, muốn chúng phát triển hài hòa cả về thể chất, tinh thần, lẫn tâm linh.
Trách nhiệm của cha mẹ không phải là nuôi nấng con cái để chúng thực hiện những uớc mơ, hoài bão của cha mẹ, nhưng hãy bày tỏ tình yêu đối với con bằng việc hướng dẫn con đến với Chúa, dạy dỗ con theo đường lối Chúa, và giúp con hoàn thành ý muốn của Chúa trên cuộc đời chúng. Yêu con chính là giúp con trưởng thành và sống cuộc đời hữu ích thông qua sự kỷ luật bằng tình yêu của Chúa.
Bạn có yêu con cái bằng sự tôn trọng con đúng cách và giúp chúng theo đúng kỷ luật của Chúa không?
Lạy Chúa, xin cho con có ơn và sự khôn ngoan để nuôi dạy con cái mình trở nên những người biết Chúa, thờ phượng, phục vụ Chúa, và làm vinh hiển Danh Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 16.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org