Nê-hê-mi 6:10-14
10 Đoạn, tôi đi đến nhà của Sê-ma-gia, con trai của Đê-la-gia, cháu của Mê-hê-ta-bê-ên (người ấy đã rút ẩn ở đó); người nói rằng: Chúng ta hãy gặp nhau tại trong nhà của Đức Chúa Trời, chính giữa đền thờ, rồi chúng ta sẽ đóng các cửa đền thờ lại; vì chúng nó sẽ đến giết ông; ấy lúc ban đêm mà chúng nó toan đến giết ông. 11 Tôi nói: một người như tôi đây sẽ chạy trốn ư? Người nào như tôi đây vào trong đền thờ mà lại được sống sao? Tôi không vào đâu. 12 Tôi nhìn biết chẳng phải Đức Chúa Trời có sai người đến, vì người nói lời tiên tri đó nghịch với tôi. Tô-bi-gia và San-ba-lát đã mướn người vậy. 13 Vì tại đó, người được trả tiền công đặng khiến tôi sợ hãi, dụ tôi phạm tội, hầu cho chúng nó có cớ đồn tiếng xấu xa, và làm sỉ nhục tôi. 14 Đức Chúa Trời tôi ôi! xin hãy nhớ Tô-bi-gia và San-ba-lát, tùy theo các công việc nầy mà hai người đã làm; xin cũng nhớ đến Nô-a-đia, nữ tiên tri, và các tiên tri khác đã muốn làm cho tôi sợ hãi!
Câu gốc: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Xin hãy nhớ Tô-bi-gia và San-ba-lát, tùy theo các công việc này mà hai người đã làm; xin cũng nhớ đến Nô-a-đia, nữ tiên tri, và các tiên tri khác đã muốn làm cho tôi sợ hãi” (câu 14).
Câu hỏi suy ngẫm: Sau nhiều lần thất bại, lần này kẻ thù lại bày ra mưu kế gì để hòng hãm hại ông Nê-hê-mi? Ông Nê-hê-mi đã đối phó với âm mưu hiểm độc của kẻ thù như thế nào? Chúng ta học được gì từ sự vững lòng vượt qua nguy khốn của ông Nê-hê-mi?
Sau nhiều lần thất bại, kẻ thù vẫn không từ bỏ ý định làm hại ông Nê-hê-mi. Bằng mọi cách, họ muốn công trình xây sửa tường thành của dân Y-sơ-ra-ên phải đình trệ. Bởi đó, ông Nê-hê-mi trở thành mục tiêu họ cần phải tiêu diệt. Vì vậy lần này, kẻ thù thật hiểm độc khi mua chuộc chính ông Sê-ma-gia, là một tiên tri giả (câu 12) và có thể thuộc dòng dõi thầy tế lễ vì được phép vào trong Đền thờ, nói lời tiên tri dối trá hòng giăng bẫy hại ông Nê-hê-mi. Họ bảo ông Nê-hê-mi hãy gặp nhau tại bên trong Đền thờ của Đức Chúa Trời rồi đóng cửa lại, vì có người muốn giết hại ông. Lời tiên tri dối này có vẻ như xuất phát từ ý tốt muốn bảo vệ ông Nê-hê-mi, thế nhưng đây lại là cái bẫy chết người. Bởi theo luật pháp, ngoại trừ thầy tế lễ ra, bất cứ ai vào trong Đền thờ của Đức Chúa Trời sẽ mắc tội chết (Dân Số Ký 18:22). Ông Nê-hê-mi chắc chắn biết rõ luật lệ này, và dưới sự soi sáng và năng lực của Chúa (câu 9), ông Nê-hê-mi nhìn biết ngay đây là những lời dối trá không đến từ Đức Chúa Trời, nhằm bêu xấu, sỉ nhục và buộc tội ông (câu 12-13). Dù đối diện trước sự tấn công của thù ngoài lẫn thù trong, cả với nữ tiên tri Nô-a-đia và các tiên tri khác nữa, ông Nê-hê-mi không hề khóc thương cho số phận hay oán trách cớ sao Chúa lại cho phép những điều đó xảy ra. Điều duy nhất ông làm là trình dâng mọi nỗi oan ức lên cho Chúa, và cầu xin Ngài xét xử những người đã làm hại ông (câu 14). Có thể nói, sự tấn công dồn dập của kẻ thù chỉ càng làm ông Nê-hê-mi nương dựa nơi Chúa nhiều hơn, và ông cứ nhắm mục đích mà chạy, quyết tâm làm công việc Chúa giao phó cho đến cùng.
Lòng gian ác và xảo quyệt của ma quỷ ngày nay vẫn không thay đổi. Thế nên chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng sau một cơn cuồng phong thì sóng sẽ yên và biển sẽ lặng mãi mãi. Nên nhớ, ngày nào chúng ta còn làm công việc Chúa giao, thì ngày ấy ma quỷ vẫn còn giăng bẫy, tìm cách làm hại chúng ta. Vì thế, hãy học theo gương ông Nê-hê-mi, bám chắc lấy Chúa trong từng giây phút, trao phó mọi nỗi oan ức lên cho Ngài, và tiếp tục vững lòng đến cùng trong công việc Chúa giao.
Bạn có thường gặp sự tấn công của ma quỷ khi làm công việc Chúa không? Bạn đối phó bằng cách nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho mỗi phút trong đời con luôn gắn chặt với Ngài. Xin cho con càng gần Chúa hơn, càng vững lòng hơn trong công việc Chúa giao trước những sóng gió bủa vây con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 16.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện