Vui Mừng Trong Chúa

6269

Trong những cảm xúc của con người, thường được chia làm 2 trạng thái: tiêu cực và tích cực. Những cảm xúc tiêu cực thường đem lại những điều không hay: Buồn chán, Thù ghét, Tức giận, Sợ hãi …Ngược lại, những cảm xúc tích cực, tất nhiên đem lại cho con người nhiều niềm vui: Thích thú, Yêu thương, Hưng phấn, Tự tin…

Chính vì vậy, nói đến “Vui mừng trong Chúa”, chính là chúng ta nói đến những cảm xúc tích cực như trên.

Nhiều người nói, “Vui mừng trong Chúa” là điều dĩ nhiên đối với mọi Cơ Đốc nhân, bởi một khi đã bước vào Nhà của Chúa, họ đã trở nên là con của Ngài, được Chúa làm chủ đời sống mình, nhận được sự phước hạnh từ Chúa ban cho. Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại, con dân Chúa hiện nay có thực sự hoàn toàn “Vui mừng trong Chúa” không? Nếu họ có một đời sống thỏa vui trong Chúa với những niềm vui bất tận, thì có lẽ sẽ không có tình trạng số tín hữu thì đông, mà đi nhóm thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa nhật thường chỉ khoảng một phần ba; hoặc những hiện tượng vẫn diễn ra thường xuyên vào mỗi mùa Giáng sinh: tín đồ Noel…

1/ “Vui mừng trong Chúa” là vui mừng mãi mãi.

Một bài nhạc vui tươi, sinh động, không phải là bài nhạc luôn chỉ có những giai điệu rộn ràng, tiết tấu nhanh, nhưng cũng cần có thêm những dấu lặng, nốt trầm, đảo phách… để tạo ra một sự đối nghịch nào đó, nhằm làm nổi bậc chủ để chính mà tác phẩm âm nhạc muốn thể hiện. Một cuộc đời “Vui mừng trong Chúa” của một con dân Chúa không chỉ là những niềm vui, mà cần phải có những giây phút đối diện và vượt qua những thử thách, những thăng trầm trong cuộc sống, và chính những điều đó làm cho cuộc đời của họ thêm giá trị, tình yêu Chúa càng thêm vững vàng.

Thơ Hê 12:11 đã phán: “Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy”.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta được thử thách, để qua đó, chúng ta sẽ hưởng được bông trái của sự công bình và bình an, đây là điều rất cần thiết cho đời sống mỗi người con Chúa.

Chính Chúa Giêxu cũng đã từng phán: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.” (Mat 16:24). Thập tự giá ở đây không chỉ là một cái giá bằng gỗ đóng theo hình chữ thập mà chính là những sự sỉ nhục, đau đớn mà Chúa đã phải gánh chịu khi hạ thế làm người, chịu tội thay cho nhân loại.

“Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.” (Gia-cơ 1:2-4)

Đời sống “Vui mừng trong Chúa” cần phải có sự thể hiện bền bỉ về mặt thời gian và không gian. Không phải chỉ vui mừng vào Chúa nhật, trong nhà thờ, mà còn phải nhận được và thể hiện sự vui mừng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Hiện nay có nhiều tín hữu rất sốt sắng trong giờ thờ phượng Chúa, cầu nguyện đầy cảm xúc. Họ hát Thánh ca thật sôi nổi, thăm hỏi động viên tất cả những người gặp gỡ trong nhà thờ. Đó chỉ là Chúa nhật, và chỉ giới hạn trong nhà thờ. Khi bước ra khỏi nhà thờ, họ đã là một con người khác. Những lời cầu thay cho các anh chị em ốm đau, sa sút đức tin, gặp hoạn nạn… hầu như không còn trong tâm trí của họ, bởi họ cũng chẳng biết và nhiều khi cũng không cần để ý đến ông A, bà B nào đó mà họ vừa mới cầu nguyện là ai. Một người con Chúa, có đời sống “Vui mừng trong Chúa” thì chắc chắn sự vui mừng ấy phải được thể hiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời điểm nào và bất kỳ nơi đâu. Đó mới là sự vui mừng thật mà Chúa mong muốn.

2/ “Vui mừng trong Chúa” là vui mừng thật sự.

Có người hỏi, vậy không lẽ có sự vui mừng giả à! Phải chân thành mà nói là có, cho dù bản thân tôi muốn nói rằng, không. Chúng ta hiện đã sống thật với những gì có trong lòng chưa, điều đó chỉ có Chúa biết và bản thân mình biết. Nhiều người gặp nhau chào hỏi vui vẻ, nhưng trong lòng luôn có sự dè chừng, sự cay đắng, không thích nhau. Ai cũng biết điều này, nhưng không dám thể hiện cảm xúc thật của mình, vì như thế là “không thiêng liêng”, “không có tình yêu thương”. Chính điều này dẫn đến một lối sống giả hình, khiến đôi khi chúng ta không còn nhận biết được lời nói của anh em mình là thật hay là giả.

Chúng ta nói yêu thương anh em mình, cần phải yêu thương thật sự. Chúng ta không thích anh em mình một điều nào, cần phải lấy tình yêu thương mà giúp đỡ nhau, bất cứ ai cũng có những nhược điểm của mình, đừng bao giờ chủ quan cho rằng mình đúng hoàn toàn, để rồi đổ lỗi cho người khác. Chúng ta nói yêu thương anh em mình, thì những lời cầu nguyện không chỉ đọng lại trong tấm lòng khi còn ở nhà thờ, mà còn cần mang nó đi theo chúng ta trong suốt thời gian còn lại, để với tinh thần “cầu nguyện không thôi” chúng ta luôn nhớ đến họ, và dĩ nhiên cũng cần làm một việc gì đó cho anh em mình chứ không thể nói suông.

Nhiều người, vì sợ mất lòng người khác nên không dám “chê” một lời nào, mà chỉ toàn lời khen.

Lời Chúa trong sách Châm Ngôn đã dạy:

– “Lò thử bạc, dót thử vàng; Còn sự khen ngợi thử loài người.” (Châm Ngôn 27:21)

– “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, Và tánh tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16:18)

Người nhận lời khen nhiều dễ sinh lòng kiêu ngạo, kiêu ngạo dẫn đến sự bại hoại, đó là điều tất nhiên.

Hãy sống chân thật, vui mừng chân thật thì điều đó mới có ý nghĩa thật sự, như lời Chúa đã dạy: “… Tôi sẽ quên sự than phiền tôi, Bỏ bộ mặt buồn thảm tôi và lấy làm vui mừng.” (Gióp 9:27)

3/ “Vui mừng trong Chúa” là vui mừng được thể hiện.

Trong đêm Chúa giáng sinh, những gã chăn chiên, dù là những người thấp hèn trong xã hội lúc bấy giờ, họ đã thể hiện sự vui mừng bằng những hành động cụ thể:

“Bọn chăn chiên trở về, làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi điều mình đã nghe và thấy y như lời đã bảo trước cùng mình.” (Lu-ca 2:20)

Một người có đời sống “Vui mừng trong Chúa” sẽ luôn bình thản trước mọi thử thách, biết dâng lên Chúa lời cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, sống thật lòng với những gì mình có, và dĩ nhiên cũng phải biết nhờ sức Chúa để thăng tiến trên con đường thuộc linh. Không những vậy, họ còn giúp cho những người khác cùng “Vui mừng trong Chúa”, bằng cách truyền bá Tin Lành.

Sự “Vui mừng trong Chúa” phải được thể hiện trong lời nói, việc làm của chúng ta hằng ngày như Chúa Giê-xu đã dạy: “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra.” (Lu-ca 6:45).

Thể hiện việc làm của bạn trong niềm vui đến từ Chúa sẽ giúp cho những trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn… có thêm một nguồn an ủi, động viên. Việc làm của bạn sẽ giúp cho anh em mình, những người sa sút về đức tin, có thêm cơ hội để trở lại cùng Chúa, những người đau ốm trên giường bệnh có thêm tinh thần để chiến đấu cùng bệnh tật, những người đang có gánh nặng lo toan vơi đi nỗi buồn và thấu hiểu tình yêu thương trong Chúa hơn.

Hãy “Vui mừng trong Chúa” cho dù hiện nay bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, đấy chính là cách thể hiện lòng biết ơn Chúa cụ thể nhất. Tất cả mọi người, cho dù bạn là tân Tín hữu, là Chấp sự, là người hầu việc Chúa, đều có chung một bài ca: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi”, và khi bài ca ấy được thể hiện đều khắp, ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi người con Chúa, tôi tin chắc rằng, danh Chúa sẽ được rất nhiều người biết đến, Hội Thánh Chúa vô cùng vững mạnh và phước hạnh Chúa ban cho mỗi người con Chúa ngày càng thêm dư dật.

“Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi.” (Phi-líp 4:4a)

Vũ Hướng Dương

Bài trướcLễ Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành Bửu Hòa – Tỉnh Đồng Nai
Bài tiếp theoLễ Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành Phước Bình – Tỉnh Quảng Nam