Sáng Thế Ký 32:22-32
22 Ban đêm, người thức dậy, dẫn hai vợ, hai tên đòi và mười một đứa con mình đi qua rạch Gia-bốc. 23 Người đem họ qua rạch, và hết thảy của cải mình qua nữa.24 Vả, một mình Gia-cốp ở lại; thì có một người vật lộn với mình đến rạng đông. 25 Khi người đó thấy mình không thắng nổi, bèn đánh vào xương hông Gia-cốp; xương hông liền trặc trong khi vật lộn. 26 Người đó bèn nói: Trời đã rạng đông rồi; thôi, để cho ta đi; nhưng Gia-cốp đáp rằng: Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi. 27 Người đó hỏi: Tên ngươi là chi? Đáp rằng: Tên tôi là Gia-cốp. 28 Người lại nói: Tên ngươi sẽ chẳng là Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng. 29 Gia-cốp hỏi: Xin cho tôi biết tên người. Đáp rằng: Làm sao ngươi hỏi tên ta? Rồi người nầy ban phước cho Gia-cốp tại đó. 30 Gia-cốp đặt tên chỗ đó là Phê-ni-ên, vì nói rằng: Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu. 31 Khi qua nơi Phê-ni-ên, thấy mặt trời mọc rồi; và người đi giẹo cẳng. 32 Bởi cớ đó, cho đến ngày nay dân Y-sơ-ra-ên chẳng bao giờ ăn gân bắp vế của lối xương hông; vì người đó có đánh vào xương hông Gia-cốp, nơi gân của bắp vế.
Câu gốc: “Người lại nói: Tên ngươi sẽ chẳng là Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng” (câu 28).
Câu hỏi suy ngẫm: Việc gì xảy ra khi ông Gia-cốp ở lại một mình trong đêm? Tại sao Chúa hỏi tên của Gia-cốp? Việc đổi tên từ Gia-cốp qua Y-sơ-ra-ên mang ý nghĩa gì? Câu chuyện cho thấy Chúa là Đấng chủ động như thế nào trên cuộc đời ông Gia-cốp? Chúng ta học được điều gì cho mình?
Ông Gia-cốp đã gieo quá nhiều điều sai trật với anh mình. Khi ra đời đã nắm gót anh vì vậy mới mang tên Gia-cốp nghĩa là nắm gót chân, còn nghĩa bóng là chiếm vị, lừa đảo. Sau đó ông gạ anh bán quyền trưởng nam với chỉ một tô canh phạn đậu; rồi thông đồng với mẹ giả dạng Ê-sau để lừa cha chúc phước cho mình. Giờ đây, trên đường dẫn vợ con và bầy gia súc trở về, ông Gia-cốp sợ anh mình trả thù. Do vậy, ban đêm ông âm thầm đưa vợ con qua rạch Gia-bốc, còn ông ở lại một mình. Tại đây, có một người vật lộn với ông cho đến rạng đông bất phân thắng bại, đến khi người ấy đánh trặc xương hông của ông, thì ông mới chịu thua. Nhưng khi người đó đòi đi thì ông Gia-cốp không chịu và đòi người phải ban phước cho ông mới được. Vị này hỏi tên ông là gì mục đích để ông Gia-cốp phải xưng nhận rằng mình là kẻ nắm gót, kẻ xấu xa lừa đảo. Khi được vị này đổi tên ông thành Y-sơ-ra-ên, nghĩa là người tranh đấu với Đức Chúa Trời, và Ngài ban phước cho ông thì ông nhận biết vị ấy không phải là người phàm nhưng chính là Đức Chúa Trời, ông nói: “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu” (câu 30). Qua câu chuyện, chúng ta thấy rõ không phải ông Gia-cốp chủ động mà Đức Chúa Trời là Đấng chủ động trong mọi sự. Ngài chủ động gặp ông Gia-cốp, chủ động vật lộn với ông suốt đêm, khi nói ông Gia-cốp thắng có nghĩa là ông đã nhận được sự ban phước của Chúa. Ngài chủ động bắt phục ông Gia-cốp bằng cách đánh trặc xương hông, chủ động bắt ông phải xưng ra bản tính xấu xa, lừa đảo của mình bằng cái tên Gia-cốp, chủ động ban phước cho ông khi ông cầu xin. Đặc biệt là Ngài đã chủ động đổi tên ông Gia-cốp, kẻ nắm gót, thành Y-sơ-ra-ên, người vật lộn với Đức Chúa Trời. Sau khi được Đức Chúa Trời đào luyện và ban phước, cuộc đời ông Gia-cốp hoàn toàn thay đổi theo đúng kế hoạch Chúa đã định sẵn cho cuộc đời ông.
Trong bước đường theo Chúa, chúng ta thường nghĩ rằng mình chủ động làm điều này, việc nọ cho Chúa, nhưng không phải vậy, Chúa vẫn luôn chủ động bẻ trách, sửa trị, dạy dỗ chúng ta, và đặc biệt là ban cho chúng ta đủ mọi thứ phước thiêng liêng để chúng ta trở thành người hữu dụng cho Chúa. Hãy đầu phục Chúa trọn vẹn để nhận được phước hạnh thuộc linh Chúa ban.
Bạn có thường nghĩ mình chủ động hầu việc Chúa không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết đầu phục Chúa để được Ngài ban phước, biển đổi cuộc đời con và sử dụng con trong chương trình và kế hoạch của Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 144-145.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.