UB.TTN – Thiếu Niên Cơ Đốc Với Cách Giao Tiếp

6241

Giao tiếp là sự tương tác hai chiều bằng ngôn ngữ được hình thành rất sớm của một con người từ khi được sinh ra cho đến khi kết thúc đời tạm. Người Việt Nam quan tâm hàng đầu là đạo đức, vì vậy lễ giáo luôn được coi trọng. Câu ca dao tục ngữ dạy về sự giao tiếp được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Sảy chân gượng lại còn vừa, sảy miệng biết nói làm sao bây giờ” không những chứa đựng lời khuyên dạy, mà còn là kinh nghiệm sống quý báu qua lời ăn tiếng nói trong giao tiếp hàng ngày trong gia đình, hàng xóm, và các mối quan hệ cộng đồng.

Giao tiếp của con người gồm hai môi trường, giao tiếp trực tiếp còn gọi là giao tiếp thực, con người trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ, ánh mắt, nét mặt, giao tiếp gián tiếp qua các phương tiện truyền thông có thể tạm gọi là giao tiếp ảo, người giao tiếp đôi khi không biết nhau nhưng có thể chuyện trò hay luận về vấn đề nào đó.

Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh dạy về cách cư xử qua các mối giao tiếp giữa người với người rất sâu sắc “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn và nêm thêm muối …” (Cô-lô-se 4:6a), lời nói có ân hậu  là lời yêu thương, lời đúng mực, lời chân tình, lời đem đến sự gây dựng có sức lan tỏa tích cực đến người nghe, hầu con người hiểu nhau, cảm thông nhau và cùng làm việc với nhau. Song, yếu tố cần có phải là đúng lúc, đúng chỗ, hợp lý, hợp tình “Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát vàng có cẩn bạc” (Châm ngôn 25:11). Em là thiếu niên Cơ Đốc là rường cột của Hội Thánh ngày mai, chủ của đất nước trong tương lai em cần xây dựng giá trị sống đúng đắn theo Lời Chúa dạy trong cách giao tiếp.

Giao tiếp thực. Thứ nhất, với người lớn em phải kính trọng, vì Lời Chúa dạy (I Phi-e-rơ 2:17a) “Hãy kính mọi người” phải kính trọng, không khinh thường, không phê phán người lớn, không theo một đám đông nào nói về một người mà điều đó không đem đến sự gây dựng. Đến bất cứ nơi nào, em là người nhỏ phải cung kính thưa chào người lớn trước, nhường người lớn đi trước ngồi trước, không ngồi đầu bàn khi trong bàn có người lớn, không xen vô câu chuyện của người lớn đang nói, khi cần nói gì phải chờ người lớn nói hết câu, không đi ngang mặt khi người lớn đang nói chuyện, đưa vật gì cho người lớn phải đưa bằng hai tay dù vật đó rất nhẹ. Nói chuyện với ông bà, ba mẹ, thầy cô em phải lễ phép, thưa gửi đầu câu, nói lời cám ơn và xin lỗi đúng lúc. Gặp đầy tớ Chúa và người lớn, em nên lễ phép con thưa ông mục sư, con thưa bà mục sư, con thưa ông, con thưa bà, con thưa bác, con thưa cô,… em tuyệt đối không nên vừa đi vừa nói chào mục sư, chào bà, chào ông, chào cô,… từ chào chỉ dùng với bạn đồng trang lứa em.

Thứ hai, với bạn đồng trang lứa em phải “yêu anh em” (I Phi-e-rơ 2:17b), trong cách xưng hô không nên gọi bạn bằng mày xưng tao hãy gọi bằng bạn xưng tên, phải ôn hòa “coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3c), không khiêu khích, chê bai bạn không có cùng sở thích giống em. Quan hệ bạn bè phải bình đẳng không xem thường bạn dở hơn, luôn luôn nói thật với bạn, cảm thông chia sẻ, động viên giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn bằng tình yêu thương chân thật và luôn lắng nghe tôn trọng mọi ý kiến của bạn, không kể bí mật của bạn mà em biết cho bạn khác nghe, cũng không đem khuyết điểm của bạn làm trò vui, cám ơn và xin lỗi bạn đúng lúc, không áp đặt ý kiến, suy nghĩ của em lên bạn, tránh chỉ trích nhau khi có chuyện sai “…nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29b)

Thứ ba, với bạn nhỏ hơn, em phải “lấy lòng yêu thương chẳng phai”(Ê-phê-sô 6:24) mà giúp đỡ tận tình, không bắt nạt hay lớn tiếng, không chê cười, không nói mày tao và cư xử hết sức mềm mại. Em không chỉ xây dựng các mối quan hệ trên nền tảng kính trọng yêu thương theo Lời Chúa dạy ở trong nhà thờ, nhưng em cần bày tỏ cách cư xử ấy nơi trường học với thầy cô và bạn bè với người xung quanh nơi em đang sinh sống và qua đó người khác sẽ thấy Chúa Giê-xu qua cách cư xử phải lẽ của em

Giao tiếp qua phương tiện trung gian được nối kết rộng qua facebook, zalo, diễn đàn (forum) chữ viết là công cụ diễn đạt suy nghĩ lại bằng ngôn ngữ, phép lịch sự trong giao tiếp thực dễ dàng bỏ qua nhưng lại phổ biến về lối viết bỏ bớt ký tự của chữ, như “ngôn ngữ Tiếng Việt” viết thành “nGuN nGữ TiẾg VịT”…, viết nữa tiếng Anh nữa tiếng Việt như “hôm nay bạn có rảnh không?” viết thành “2day u co ranh o?”… để tiết kiệm thời gian và tạo nên sự lệch lạc ngôn từ, cặp theo chuẩn mực trong giao tiếp ngoài đời cũng không còn.

Người viết khích lệ, em giao tiếp thực như thế nào thì các mối giao tiếp qua phương tiện trung gian cũng thể ấy, đặc biệt trong cách diễn đạt suy nghĩ lại em không nên viết tắt bất hợp lý như trên. Tuy chỉ mang tính cá nhân nhưng lâu dần thành thói quen và sẽ ảnh hưởng không nhỏ khi em dùng ngôn ngữ chat hay chữ viết tắt trong các bài làm.

Trong cuộc sống biết bao điều phức tạp nảy sinh nên lời ăn tiếng nói có tầm quan trọng hàng đầu “lưỡi mềm dịu bẻ gãy các xương” (Châm ngôn 25:15b)“Lời lành giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn và khoẻ mạnh cho xương cốt” (Châm ngôn 16: 24) em được trang bị kiến thức để vào đời với sự tự tin và tư duy sáng tạo, thì điều em không thể thiếu đó là rèn luyện và nuôi dưỡng nhân cách sống kính trên nhường dưới, đó là đạo đức, là gốc rễ, là vẻ đẹp bên trong của một con người, dẫu tri thức sâu rộng nhưng đạo đức trao dồi chưa đủ thì cũng trở nên người sống thực dụng. Có niềm vui nào hơn hàng ngày luôn nghe những lời nói đẹp đem đến sự nâng đỡ, gây dựng “Vậy nên, …phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến” (II Phi-e-rơ 1:5-8)

Cầu Chúa thêm ơn trên em đã rèn luyện, nuôi dưỡng nhân cách qua các mối giao tiếp thì cứ tiếp tục cách bền chí, em chưa rèn luyện nhân cách qua các mối giao tiếp nên bắt đầu từ bây giờ hầu mỗi em đều “nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn” (Ê-phê-sô 4:13b), được như vậy Hội thánh Đức Chúa Trời ngày mai có những rường cột vững chắc, đất nước ngày mai có những con người tài đức vẹn toàn, ấy cũng “là một sự yên ủi lòng” (Cô-lô-se 4:11b) bật sanh thành đã nuôi dưỡng và anh chị hướng linh đã hướng dẫn em.

Salem

Bài trướcUB.TTN – Giới Trẻ Thắc Mắc Về Sự Thờ Phượng
Bài tiếp theoTruyện Ngắn: Đoạn Kết Có Hậu – BTMV 35