UB.TTN – Giới Trẻ Thắc Mắc Về Sự Thờ Phượng

12189
Giới Trẻ Thắc Mắc Về Sự Thờ Phượng

Xã hội ngày nay thay đổi một cách nhanh chóng về mọi phương diện, dường như lấn lướt những cái xưa cũ để thay đổi những cái mới lạ vì cho là những cái cũ không còn hợp thời. Nhiều bạn trẻ ngày nay muốn cái gì cũng mới, hay, và độc đáo mới là phong cách hiện đại. Các bạn trẻ Cơ Đốc trong Hội Thánh cũng muốn đem cái mới lạ, độc đáo bên ngoài vào và cho là như thế mới theo kịp thời đại của giới trẻ bên ngoài xã hội và như thế mới thu hút các bạn đến trong giờ nhóm. Vì họ cho rằng giờ thờ phượng Chúa theo phong cách truyền thống của Hội Thánh đã không còn hợp thời trong thời đại ngày nay, với lý do “Giờ thờ phượng nhàm chán, không thu hút, quá gò bó, khuôn khổ…” và họ thắc mắc “Có nên đưa những hình thức như giới trẻ bên ngoài vào trong giờ thờ phượng Chúa hay không, tại sao?”; “Có chấp nhận ý kiến của một số người muốn đưa những “điều lạ” vào trong Hội Thánh với hy vọng tạo nên sự sôi nổi trong giờ thờ phượng?” đây là những lý do tưởng chừng hợp lý khiến tỉ lệ giới trẻ rời khỏi Hội Thánh ngày càng gia tăng. Vậy, đâu là câu trả lời đúng cho những lý do này? Và sự thờ phượng đúng theo Kinh Thánh là thế nào? Những lời giải đáp này chắc chắn sẽ giúp các em có những quyết định và hành động đúng đắn trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết.

1/“Em nghĩ giờ thờ phượng quá nhàm chán, nên không đi nhóm nữa…”. Quyết định không đi nhóm vì sự thờ phượng quá nhàm chán có đúng không? Câu trả lời cho câu hỏi này là: KHÔNG! Vì:

+Thứ nhất: Ý nghĩa của sự thờ phượng Đức Chúa Trời là ca tụng thân vị, bản tánh, thuộc tánh, mỹ đức và sự trọn vẹn của Ngài. Chúa của chúng ta là Đấng Thánh, chân thần không như các giáo chủ khác ở đời này. Chúng ta tôn vinh Chúa vì chúng ta được Ngài tạo nên theo hình ảnh Ngài, được Ngài cứu chuộc khỏi xiềng xích của tội lỗi, chúng ta tôn vinh Chúa vì biết ơn Ngài bởi Ngài đã ban cho chúng ta nhiều ơn phước thiêng liêng ở các nơi trên trời. “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài;” (Thi Thiên 29:2a). Cho nên, thái độ nhàm chán trong sự thờ phượng là chúng ta đang nghĩ cho cảm xúc, sở thích của mình hơn mục đích ngợi khen Chúa. Nghĩa là cái tôi xác thịt đặt cao hơn sự vinh hiển của Chúa.

+Thứ hai: Sự thờ phượng là mệnh lệnh mà Chúa đòi hỏi Cơ Đốc Nhân phải thực hiện. Hầu hết các câu Kinh Thánh đề cập đến sự thờ phượng đều bắt đầu bằng từ: “Hãy ngợi khen, hãy thờ phượng…”. Khi đáp ứng mệnh lệnh thờ phượng Chúa nghĩa là đang dâng cho Chúa của tế lễ tốt nhất “sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (I Sa-mu-ên 15:22b). Trong sự thờ phượng, cũng cần phải trả giá vì “ta không muốn dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta những của lễ thiêu không đáng giá chi” (II Sa-mu-ên 24:24b), Chúa muốn chúng ta dâng của lễ không tì vít, một tinh thần thờ phượng tự nguyện. Vô tình, thái độ nhàm chán, mệt mỏi, muốn bỏ qua sự nhóm lại trở thành của lễ không đẹp lòng Chúa. Hơn nữa, sự thờ phượng còn là hành động của đức tin “vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 11:6). Mục đích của sự thờ phượng là tôn vinh Chúa, nên để bước vào sự thờ phượng thật thì chúng ta phải làm chết bản ngã xác thịt và phải dâng lên Ngài mọi điều với tinh thần cảm tạ “Kẻ nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh Ta” (Thi Thiên 50:23a).

+Thứ ba: Sự nhàm chán khi thờ phượng cũng có thể bắt đầu từ chính cá nhân các bạn thanh thiếu niên. Đó là những sự ngăn trở, điều đầu tiên là tội lỗi vì “nếu lòng tôi có chú về tội ác, Ắt Chúa chẳng nghe tôi” (Thi Thiên 66:18). Chính tội lỗi vương vấn là bức tường vô hình ngăn trở các bạn đến với Chúa ngọt ngào trong sự thờ phượng “nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa” (Ê-sai 59:2). Hoặc thái độ mặc cảm với tội lỗi khiến các bạn cũng không dám mạnh dạn đến gần Chúa, nên thay vì nhìn vào bản thân, tra xét quá nhiều về những yếu đuối của mình thì hãy “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin” (Hê-bơ-rơ 12:2). Ngược lại, có bạn quan tâm nhiều đến thế gian trong sự thờ phượng, nghĩa là luôn nghĩ đến sự tôn trọng và đúng đắn, quá quan tâm đến việc người ta sẽ nghĩ gì về mình, chú ý đến sự phản ứng của người khác, luôn cố gắng tìm thấy lỗi và những thiếu sót trong chương trình thờ phượng. Để chiến thắng sự ngăn trở này thì “hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên” (Gia-cơ 4:10). Sự ngăn trở lớn hơn hết, là sự áp chế của sa-tan, sa-tan thèm muốn sự thờ phượng, điều đó được minh chứng trong giai đoạn đầu chức vụ “Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy” (Ma-thi-ơ 3:8-9), nên chúng tìm đủ mọi cách len lỏi vào tâm trí của người thờ phượng, hay chính trong các tiết mục thờ phượng tạo nên sự mất tập trung và những sai sót. Bởi vậy, tất cả các bạn thanh thiếu niên cần cầu nguyện khẩn thiết với Chúa để chính Ngài hiện diện trong giờ thờ phượng, xin huyết Đức Chúa Giê-xu thanh tẩy và bao phủ mọi điều, mọi người đang thờ phượng “vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh” (Hê-bơ-rơ 10:19).

2/ Em nghĩ mình nên đưa những hình thức bên ngoài (đèn sân khấu, đèn theo nhạc, khói, trang phục sân khấu, những điệu nhảy, nhạc cụ dân tộc…) vào trong sự thờ phượng thì sẽ hấp dẫn và sôi động hơn. Tại sao nhiều người lại ngăn cấm?”

Một số em cho rằng lý do khiến giờ thờ phượng trở nên nhàm chán, không hấp dẫn vì ba điều: người hướng dẫn, âm nhạc và sự hưởng ứng của người thờ phượng.

a/ Người hướng dẫn buổi nhóm: Trong những buổi thờ phượng của cả Hội Thánh và của giới trẻ, dường như người hướng dẫn ít khi có sự chuẩn bị kỹ càng về cả thuộc linh lẫn thuộc thể. Đây là điều sai sót nghiêm trọng mà chúng ta cần phải chỉnh lại. Người hướng dẫn cần phải nhuần nhuyễn và thông thạo trong sự thờ phượng, hơn nữa, họ phải là người trưởng thành thuộc linh, có sự nhạy bén thuộc linh để nghe tiếng của Thánh Linh. Về phẩm tính: họ phải là người khiêm tốn, thật thà, và kỹ tính. Vì họ cần phải dành đủ thời gian (trước đó ít nhất 1 tuần) cầu nguyện và chuẩn bị cả thân thể và tâm linh cho sự hướng dẫn. Người hướng dẫn phải có đức tin thật trong sự thờ phượng, vì đây không phải là một công việc của tổ chức, hình thức. Người hướng dẫn cũng phải nhận biết được mọi sự đang chuyển biến, nên tránh nhắm mắt và “bị lạc trong sự thờ phượng” dẫn đến không biết mình đang làm gì, và đến tiết mục nào.

b/ Âm nhạc: Âm nhạc trong sự thờ phượng lần đầu tiên được nói đến trong Xuất Ê-díp-tô Ký 15. Các hình thức âm nhạc trong sự thờ phượng có thể thay đổi theo thời gian, không gian nhưng không vượt qua nguyên tắc thờ phượng trong Kinh Thánh. Hiện nay, các bạn thanh thiếu niên cho rằng cần phải đưa các hình thức và thể loại âm nhạc sôi động bên ngoài vào trong sự thờ phượng và thay đổi sao cho phù hợp, để mạnh mẽ hơn và phù hợp với thị hiếu giới trẻ. Hay trang trí phòng nhóm bằng các loại đèn sân khấu, đèn theo nhạc, khói…

+ Nhưng một điều mà hầu hết các bạn thanh thiếu niên chưa biết đó là sa-tan cũng sử dụng âm nhạc. Trước khi sa ngã, Lu-ci-phe cũng là nhạc trưởng (Ê-xê-chi-ên 28:13). Âm nhạc cũng được sử dụng trong hình thức thờ thần tượng. Nhưng đó là âm nhạc của sự “lộn xộn”, Kinh Thánh đã ký thuật sự kiện tuyển dân thờ con bò vàng mà Giô-suê nghe cứ tưởng là tiếng của “chiến trận” (Xuất Ê-díp-tô ký 32:17-18). Ngược lại, âm nhạc thờ phượng Đức Chúa Trời là âm nhạc trật tự. Tiếng nhạc được xức dầu của Đavít đã khôi phục sức khỏe của Sau-lơ “khi Đức Chúa Trời khiến ác thần nhập vào Sau-lơ thì Đavít lấy đờn và gảy. Sau-lơ bèn được an ủi, lành mạnh và ác thần lìa khỏi người ” (I Sa-mu-ên 16:23). Âm nhạc của Đức Chúa Trời có thể khuấy động chúng ta nhưng không bao giờ làm chúng ta mất tự chủ về phương diện tình cảm. Âm nhạc đó làm chúng ta mạnh mẽ chứ không làm chúng ta kiệt sức.

+Trong sự kiện ba người bạn của Đa-ni-ên bị ném vào lò lửa hực, theo lệnh vua Nê-bu-cát-nết-sa “sứ giả rao lớn tiếng lên rằng: Các dân, các nước, các thứ tiếng, đây nầy, lệnh truyền cho các ngươi, Khi nào các ngươi nghe tiếng còi, kèn, đàn cầm, đàn sắt, quyển, sáo và các thứ nhạc khí, thì khá sấp mình xuống để thờ lạy tượng vàng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng” (Đa-ni-ên 3:5-6). Những thứ nhạc khí đó có nguồn gốc Hy-lạp để dùng với mục đích thờ phượng các thần. Cho nên, bất cứ thể loại âm nhạc, các loại nhạc khí… để tôn vinh một ai đó, thì không dùng trong thờ phượng, nhưng bản thân các loại nhạc cụ bình thường (trừ một số đặc biệt dùng trong cúng thờ tà thần như mõ, chuông, khánh…vì công dụng, cách và mục đích sử dụng) dùng trong âm nhạc thì có thể sử dụng, nhưng đòi hỏi người dùng phải đúng “phong cách thờ phượng” của Hội Thánh.

Vấn đề sử dụng âm nhạc trong thờ phượng Chúa liên quan đến người sử dụng nhạc cụ, giọng hát, ân tứ (tài năng) và mục đích sử dụng phương tiện của người đó hơn là các loại phương tiện.

c/ Sự hưởng ứng của người thờ phượng: Nhiều bạn trẻ cho rằng: khi thờ phượng ở bất kỳ nơi đâu, kể cả trong nhà thờ cũng không nên ngăn cấm việc người thờ phượng thể hiện cảm xúc (nhảy, hét lớn, vỗ tay,…).

Kinh Thánh có đề cập đến những biểu lộ trong sự ngợi khen và thờ phượng:

-Với môi miệng: hát (Thi Thiên 9:2); ngợi khen (Thi Thiên 103:1); reo vui (Thi Thiên 47:1b)

-Với đôi tay: giơ lên (Thi Thiên 63:4); các nhạc khí (Thi Thiên 150:1-5)

-Với thân thể: đứng (Thi Thiên 134:1); quì, sấp mình (Thi Thiên 95:5); nhảy múa vì vui mừng (Thi Thiên 30:11).

=> Tuy nhiên, “Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt” (I Cô-rinh-tô 10:3). Vì nhảy múa của bản tánh xác thịt đi đôi với sự sa ngã, thờ hình tượng, vô đạo đức và giống như thế gian (chẳng hạn xem Xuất Ê-díp-tô Ký 32:19 – nhảy múa quanh con bò vàng). Trong nhà thờ, tránh gây cớ vấp phạm cho những người khác, hoặc có thể tạo nên tiếng động quá lớn khiến người khác mất tập trung, nên chúng ta cần giữ một sự trang nghiêm, vui vẻ, mừng rỡ với tinh thần ngợi khen thờ phượng trong trật tự, kỷ luật. Bởi lẽ, có khi sự im lặng, ngợi khen Chúa một cách êm dịu nhẹ nhàng cũng là cách đến với Chúa rất ngọt ngào (Truyền Đạo 3:7). Nên các bạn thanh thiếu niên có thể vỗ tay, nhảy múa ngợi khen (phải có chuẩn bị trước, đừng quá phô diễn thân thể khêu gợi) trong các kỳ trại hè, các buổi sinh hoạt giới trẻ… Tránh trường hợp, nhảy múa, vỗ tay để ngợi khen một ai đó, hay để thể hiện chính mình…

3/ “Em và một số bạn cũng chưa hiểu rõ ích lợi của sự thờ phượng là những gì?”

Cũng có một số bạn trẻ vì không biết rõ lợi ích của sự thờ phượng nên luôn thấy nhàm chán, mệt mỏi và tìm đủ mọi ý do để bỏ qua sự nhóm lại. Thực ra, sự thờ phượng mang lại rất nhiều ích lợi cho người tin Chúa:

+ Chúa sẽ đổ cơn mưa phước hạnh (Ê-xê-chi-ên 34:26);

+ Sự ngợi khen và âm nhạc thờ phượng mang lại sự giải cứu và khuây khỏa…(I Sa-mu-ên 16:17,23);

+ Sự ngợi khen mang lại sự bình an và giải cứu từ sự thương xót của Chúa (Công vụ 16:25-26);

+ Ngợi khen Chúa mang lại sức mạnh (Nê-hê-mi 8:10b);

+ Ngợi khen cũng mang lại sức khỏe (Châm ngôn 17:22);

+ Sự thờ phượng, nhóm họp mang lại sự hiệp một thông công với Chúa và với anh em (Ma-thi-ơ 18:20);

+ Gặp Chúa trong sự thờ phượng ngợi khen với tinh thần tìm kiếm và yêu mến Ngài (Châm ngôn 8:17);

+ Nhiều người sẽ thấy, họ sẽ kính sợ và nhờ cậy Ngài (Thi Thiên 40:3);

+ Qua sự ngợi khen, thờ phượng chúng ta sẽ nghe được tiếng phán của Thánh Linh (Công vụ 13:2);

+ Sự ngợi khen, thờ phượng và cầu nguyện là chìa khóa để mở mọi nan đề (Giê-rê-mi 33:3).

+ Ngợi khen, thờ phượng Đức Chúa Trời còn là một đặc ân Chúa dành cho con cái Ngài, đó cũng là cơ hội để chúng ta kêu cầu cùng Ngài. Đây là đặc ân mà người chưa tin Chúa không thể có được (Rô-ma 10:14).

+ Trên hết mọi sự đó, thì sự thờ phượng là mạng lệnh mà Chúa muốn tất cả chúng ta kể cả các bạn thanh thiếu niên phải thực hiện “lại có tiếng từ ngôi đến rằng: Hết thảy các ngươi là tôi tớ Đức Chúa Trời chúng ta, vẫn kính sợ Ngài, nhỏ hay lớn, đều hãy ngợi khen Ngài!” (Khải huyền 19:5).

Những thắc mắc của giới trẻ Cơ Đốc trong sự thờ phượng Chúa không phải là điều sai trái, nhưng đừng nuôi những thắc mắc đó lớn lên từng ngày bằng thái độ ích kỷ, sự kiêu ngạo, tinh thần của thế gian. Thay cho tinh thần chán nản, thụ động trong các giờ thờ phượng bằng những hành động cụ thể. Chính các bạn thanh thiếu niên hãy làm mạnh dạn trong Chúa luôn luôn nhờ sức toàn năng của Ngài mà sẵn sàng góp phần trong sự hướng dẫn, trong lĩnh vực âm nhạc trên tinh thần cầu nguyện không thôi và chuẩn bị kỹ càng trước khi thực hiện. Hãy cùng nhau hiệp một lấp vào những chỗ thiếu sót mà mình thấy được. Hãy luôn nói như trước giả Thi Thiên “Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!” (Thi Thiên 103:1).

Ti-mô-thê Tạ

Bài trướcLời Chúa Dành Cho Các Bậc Phụ Huynh Đang Nản Lòng
Bài tiếp theoUB.TTN – Thiếu Niên Cơ Đốc Với Cách Giao Tiếp