Trung Thu Trăng Khuyết – Trăng Tròn.

884

HTTLVN.ORG – Nhân dịp trung thu năm nay, một số tín hữu thuộc Hội Thánh Tam Kỳ đã đến thăm các em tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh.

 

 

Ban đầu chỉ là một ít người, không ngờ khi vừa vận động thì anh em tham gia khá đông với số tiền lên đến trên 4 triệu đồng (đợt trước chúng tôi chỉ vận động được trên 2 triệu). Có một vài thân hữu, là phụ huynh học sinh của tôi cũng rất tích cực tham gia, không những thế, họ lại vận động thêm bạn bè để nguồn kinh phí gom góp được tăng lên đáng kể. Đoàn chúng tôi đến thăm không chỉ tặng quà cho các em, nhưng còn tận dụng thời gian thăm viếng để trò chuyện với các em, chính vì vậy các em xem chúng tôi như những người thân.

 

Đêm thứ bảy, trung thu. Dĩ nhiên là trung thu tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh thì không thể nhộn nhịp bằng những nơi khác; ở đó có đầu lân lớn nhỏ đủ loại, có đông người xem và có rất nhiều lồng đèn, bánh trung thu cho các cháu thiếu nhi. Năm nay, lần đầu tiên Trung tâm tổ chức một đêm trung thu “hoành tráng” như vậy, theo lời kể của cô Hồng Hạnh, giám đốc Trung tâm. Một tấm phông “Vui Trung Thu” được treo lên, in bạt hẳn hoi chứ không như mấy năm trước, các mẹ tại Trung tâm phải cặm cụi cắt giấy màu để dán lên tấm màn xanh làm phông nền cho các con vui chơi trong ngày trung thu. Năm nay, nhờ một ân nhân, Trung tâm mạnh dạn thuê một dàn âm thanh nhỏ khoảng mấy trăm nghìn để các cháu có thể tham gia các tiết mục văn nghệ cho sôi nổi, một ân nhân khác giúp cho một đầu lân, các đơn vị khác thì cho lồng đèn, và nhiều nhất có lẽ là các phần bánh kẹo…

 

Chương trình sinh hoạt khá sôi nổi, và vui tươi, ít nhất là đối với các em. Từ người dẫn chương trình đến các tiết mục hát múa đều không chuyên cho nên có nhiều “sự cố” xảy ra, nhưng không vì thế mà chương trình kém hấp dẫn. Các em vẫn vô tư, hồn nhiên thưởng thức với vẻ say mê, điều mà tôi chắc chắn không thể có với những em thiếu nhi gia đình đầy đủ hơn. Cái nét trẻ thơ ấy có lẽ sẽ là nét chấm phá nổi bật nhất trong đêm trung thu này, nó khiến cho những người diễn viên không chuyên, dù có hát quên lời, sai nhạc, múa rớt nhịp… vẫn thấy vui vì đã được các khán giả ủng hộ, cổ vũ một cách chân thành, nhiệt tình.

 

Tìm mãi tôi mới gặp được bé Th., cô bé tôi làm quen trong lần đầu tiên tới thăm Trung tâm, hiện nay đã là người chị lớn của các em nhỏ tại đây. Có lẽ cái tuổi 16 dù không lớn lắm, nhưng với những trải nghiệm của cuộc sống bao năm đã làm cho bé khác hẳn các bạn, bao giờ cũng trầm tư, và ngay chính những lúc Th. cười, hình như nụ cười vẫn mang một nổi buồn của cả quá khứ lẫn hiện tại. Buồn quá chứ, gia đình Th. ngày xưa là một gia đình êm ấm: cha mẹ, bà nội và bốn chị em, Th. là chị thứ hai. Không hiểu số phận trớ trêu thế nào mà một ngày kia cha Th. bỗng phát bệnh, một căn bệnh nan y – ung thư gan. Thế là gia đình bắt đầu đi vào hoàn cảnh túng thiếu, tất cả những gì quí giá có được đều dành cho việc chữa bệnh cho cha.

 

Những lần chữa chạy, chăm sóc chồng con vất vả, cực khổ, đã làm người phụ nữ duy nhất trong gia đình ấy quên hẳn đi cái thiên chức làm mẹ, làm vợ và cả làm con. Mẹ Th. đã bỏ nhà ra đi không một lời từ biệt để lại cho chồng và người mẹ già bốn đứa con thơ, lúc đó em út Th. chỉ mới một tuổi. Thiếu bàn tay của người phụ nữ một thời tảo tần, cha Th. suy sụp hẳn tinh thần, thế rồi ông đột ngột ra đi mà không thể biết được tương lai của các con mình ra sao. Chị Hồng Hạnh đã khóc khi kể với tôi về chuyến lên thăm nhà Th. của Trung tâm để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em, trước khi tiếp nhận các em về nuôi dưỡng. Một căn nhà như một cái chái bếp, không chút đồ vật đáng giá và năm bà cháu, đứa lớn mới 6-7 tuổi, cùng nhau lội suối, mò cua bắt ốc đem ra chợ bán để sống qua ngày. Hình ảnh như câu chuyện cổ tích ngàn xưa vậy mà lại xuất hiện trong một thời buổi hiện đại, tôi không hiểu nếu không có những bàn tay nhân ái đưa ra thì cuộc đời các em sẽ ra sao. Vậy là Th. và hai em được đưa về nuôi tại Trung tâm, chị lớn ở nhà chăm sóc bà nội sống qua ngày.

 

Đã mười năm rồi, một khoảng thời gian tươi đẹp của lứa tuổi thiếu niên nhưng lại rất u buồn đối với những đứa trẻ không cha không mẹ đó, Th. và các em xem Trung tâm như một gia đình thứ hai. Ở đây, trong tình thương của những người “mẹ”, Th. và các em vẫn được đi học, được ăn, được mặc, tuy rằng không thể nói là “ăn no, mặc ấm” chứ chưa nói đến “ăn sang, mặc đẹp”. Tuy nhiên cái hơi ấm của người mẹ, một lần chịu khó chịu thương, ấp ủ đêm ngày để sinh ra một đứa con bé bỏng mãi mãi không thể có được với các em, cái tình thương máu mủ đó như một món quà xa xỉ mà cuộc đời đầy khắc nghiệt đã cướp đi của các em một cách vô tâm. Có lần tôi hỏi Th., con ở đây bao năm, mẹ đã lần nào đến thăm chưa. Cái lắc đầu buồn bả và đôi mắt ướt lệ, tôi cũng không cầm được lòng, muốn ôm bé vào lòng, nếu thế giới ngoài kia bao hơi ấm tràn trề thì ở nơi đây, cái lạnh lẽo thiếu thốn của tình yêu cha mẹ có lẽ không bao giờ vơi đi…

 

Cô bé em Th. thì vẫn vô tư hát múa hồn nhiên, đúng là tuổi thơ có khác. Rất may cho bé vì những ngày tháng không vui ấy chưa đủ làm cho trái tim khờ dại ấy u buồn, nhưng tôi biết rằng một khi lớn lên, bé sẽ hiểu, sẽ thấy được những mất mát vô cùng lớn lao mà mình phải nhận, lúc đó thật tội cho bé. Th. vẫn ngồi im lặng, cái nhìn sâu thẳm vào một khoảng trống xa xôi, tôi biết khó có thể làm vơi đi những gì còn nặng trĩu trong lòng em. Vy, một người mẹ tại Trung tâm nói với tôi, Th. hình như bị trầm cảm. Có lẽ là vậy, chỉ mong rằng rồi đây dòng sông cuộc sống cũng sẽ cuốn trôi đi những nỗi buồn, những nỗi buồn không đáng có của một thời thơ ấu, và cũng hy vọng cuộc sống với bao điều tươi đẹp lại hé mở cho các em một tương lai tươi sáng hơn trong những bàn tay nâng đỡ của các mẹ, các ân nhân, những người quan tâm đến các em.

 

Tôi ra về mà lòng trĩu nặng. H., người bạn cùng đường say sưa chia sẻ những suy nghĩ về các em, về các chuyến đi của chúng tôi, nhưng có lẽ H. cũng không thể hiểu được tôi thương Th. và các em như thế nào vì chỉ có ngồi với em, nghe em nói, thấy được ánh mắt, nỗi lòng của em, chúng ta mới cảm nhận được sự thiếu thốn tình thương của các em là thế nào, mới thấy hình ảnh một gia đình dù nghèo khổ, lam lũ đến đâu cũng vẫn là một gia đình hạnh phúc, êm ấm khi còn đủ cha, mẹ và các con.

 

Vầng trăng trung thu vẫn mãi khuyết khi niềm vui đến với các em chưa trọn vẹn, ờ mà sao trọn vẹn được khi quá khứ là cả những tháng ngày đau buồn. Những gì chúng ta làm cho các em cũng chỉ giúp cho đêm trăng trung thu sáng hơn, tròn hơn một chút xíu, những nỗ lực dù lớn, dù nhỏ, nếu đem lại cho em những niềm vui đã là một điều đáng quý, hãy biết trân trọng nó.

 

Đến đây, tôi lại nhớ đến lời Chúa trong Thi Thiên 68:5 “Đức Chúa Trời ở nơi thánh Ngài, Là cha kẻ mồ côi, và quan xét của người góa bụa.”. Sao chúng ta không đem đến cho các em một tình yêu thật sự từ Chúa Giê-xu, chỉ có tình yêu thánh khiết của Ngài mới xua tan đi những mặc cảm, những u buồn mà cuộc đời ngang trái đã đem đến cho các em. Và chúng ta, mỗi người con Chúa, xin hãy góp một bàn tay đỡ nâng, vỗ về, chăm sóc các em, để những niềm vui êm ấm gia đình ngày trước tưởng đã tan biến mất thì nay lại có thể trở về với các em dù không ấm cúng bằng bàn tay mẹ hiền, cha yêu nhưng cũng đủ mềm mại để đem lại cho các em một chút an bình, vui thỏa. Mong rằng khi đó vầng trăng sẽ tròn, sáng trong và đầy niềm vui, phước hạnh.

 

Xin hãy đến với các em, và tôi, tự hứa không xa rời các em đâu. Ngày trước tôi cũng đã từng như các em mà, Th. ơi!…

 

TTV. Vũ Hướng Dương

 

·       Khi viết xong bài viết này, chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch sẽ tổ chức cho các em tại Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ mồ côi sơ sinh một chương trình “Vui Giáng sinh”, với hy vọng giới thiệu cho các em về Chúa Giê-xu, Đấng đã lìa bỏ Thiên cung vinh hiển để giáng thế làm người, cứu vớt nhân loại. Xin quí con dân Chúa khắp nơi thêm lời cầu nguyện cho chúng tôi để ý Chúa được nên và các em mồ côi đón nhận được Tình Yêu thương từ Cha Thiên thượng trong mùa Giáng sinh này. Amen.

 

 

Bài trướcHiệp Nguyện Bồi Linh Cho Mục sư, Truyền Đạo, Chấp Sự Thuộc Khu Vực TP. HCM.
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ Bà VÕ THỊ QUÝ.