Tình Yêu Thương Hay Nhân Từ – 25/11/2020

3876

 

I Cô-rinh-tô 13:4

“Người nào tìm cầu sự công bình và sự nhân từ. Sẽ tìm được sự sống, sự công bình, và tôn trọng” (Châm Ngôn 21:21).

Câu hỏi suy ngẫm: Nhân từ có nghĩa là gì? Sự nhân từ được bày tỏ qua những hành động nào? Vì sao Cơ Đốc nhân phải đối xử nhân từ với người khác? Lòng nhân từ của bạn thường được thể hiện khi nào và đối với ai?

Sứ đồ Phao-lô mô tả biểu hiện thứ hai của tình yêu thương là: “Tình yêu thương hay nhân từ” (câu 4b). Nhân từ có nghĩa là đối xử tốt, tử tế, hòa nhã, hiền lành với người khác. Ngược lại với nhân từ là vô tâm. Người có lòng nhân từ là người có lòng quảng đại và sẵn lòng phục vụ mọi người cách tử tế, kể cả người đó là kẻ thù. Nếu “tình yêu thương hay nhịn nhục” giúp chúng ta không hơn thua, dằn lòng không phản ứng lại đối với những người làm cho mình bị tổn thương, thì “tình yêu thương hay nhân từ” lại là một biểu hiện tích cực, chủ động làm điều tốt lành đối với người lân cận. Thật khó để có thể bày tỏ lòng nhân từ với người khác cách vô điều kiện. Chỉ khi chúng ta có tình yêu thương của Chúa thì mới có được động lực để có thể chủ động làm điều tốt lành đối với người chung quanh mình một cách chân thành trong tình yêu. Như vậy, hành động nhân từ là bằng chứng hữu hiệu nhất cho thấy người ấy đang sở hữu tình yêu thương thật.

Người ta có thể dễ dàng nói yêu thương, nhưng nếu không bày tỏ bằng hành động nhân từ thì những lời nói ấy là vô ích, chỉ làm tổn thương cho người nghe mà thôi. Khi Chúa Giê-xu dạy về Điều răn yêu người lân cận như mình, Ngài đã kể câu chuyện người Sa-ma-ri hết lòng cứu giúp người Do Thái bị nạn trên đường (Lu-ca 10:29-31). Trong câu chuyện, Chúa đưa ra hình ảnh tương phản của những người chuyên dạy và nói về luật pháp của tình yêu nhưng không thể hiện được tình yêu. Trong lúc người Sa-ma-ri không phải là người chuyên nói về tình yêu nhưng đã động lòng thương xót và bày tỏ lòng nhân từ hết mực với người bị nạn, đặc biệt đó là người đã coi ông như kẻ thù. Và Chúa phán với thầy dạy luật, “Hãy đi, làm theo như vậy.”

Giữa một xã hội luôn xu hướng về cái tôi, Cơ Đốc nhân phải bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời qua nếp sống nhân từ, để nhờ đó mọi người nhìn thấy tình yêu của Chúa qua chúng ta. Thông thường, chúng ta dễ bày tỏ lòng nhân từ với người đối xử tốt với mình hoặc với người thân của mình, nhưng tình yêu thương của Chúa dạy chúng ta sống nhịn nhục, nhân từ với những người xung quanh là những người chúng ta tiếp xúc hằng ngày. Một ly nước lạnh, một chiếc áo lành, một chén cơm ngon… dành cho “người rất hèn mọn này của anh em ta”, những lúc ấy Đức Chúa Trời kể chúng ta đang làm cho chính mình Ngài vậy (Ma-thi-ơ 25:34-40).

Điều gì đang ngăn trở bạn sống nhân từ để bày tỏ tình yêu thương với người lân cận?

Kính lạy Đức Chúa Trời Nhân Từ! Con tạ ơn Chúa vì mỗi ngày con còn được sống động là nhờ lòng nhân từ và thương xót của Ngài. Xin giúp con sẵn lòng bày tỏ lòng nhân từ trong đời sống để nhiều người biết Chúa qua con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Tê-sa-lô-ni-ca 3

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcThông Báo: Tổ Chức Chương Trình Thánh Nhạc Giáng Sinh Năm 2020
Bài tiếp theoThông Báo Và Thư Mời: Lễ Khánh Thành Và Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành Cuôr Dăng (Đắk Lắk)