I Cô-rinh-tô 13:4-7
“Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận;… Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế, và mọi điều gian ác còn lại, đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em” (Gia-cơ 1:19, 21).
Câu hỏi suy ngẫm: Nóng giận thường biểu hiện như thế nào? Vì sao trong tình yêu thương chẳng nên có sự nóng giận? Tình yêu thương còn chất chứa sự nóng giận thì sẽ như thế nào? Làm thế nào để có thể kiềm chế sự nóng giận?
Nóng giận là trạng thái thường thấy của một người khi gặp chuyện không theo ý muốn. Có những cơn giận thánh khiết khi “chẳng vui về điều không công bình” (câu 6), như Chúa Giê-xu đã giận khi Ngài thanh tẩy Đền thờ, lật bàn của kẻ đổi bạc (Mác 11:15-17). Lãnh tụ Môi-se giận khi thấy dân sự thờ con bò vàng (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:19) v.v…
Sứ đồ Phao-lô dạy trong câu 5, tình yêu thương “chẳng nóng giận”. Động từ “nóng giận” trong tiếng Hy Lạp là “paroxuno” có nghĩa là cơn giận bộc phát, nổi giận đùng đùng không kiềm chế. Đó là cơn giận mà ông Gia-cơ đã nói trong Gia-cơ 1:20: “…vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” Sự nóng giận như vậy dễ dàng phá đổ mọi điều tốt lành mà con người đã thể hiện trước đó. Người nóng giận dễ có những lời nói hay hành động gây tổn thương cho người chung quanh mà khi nguôi giận thường rất khó có thể hàn gắn những tổn thương đó. Việc kiềm chế cảm xúc “chẳng nóng giận” là một việc khó, đòi hỏi chúng ta phải học tập, mà bài học trước nhất phải học là tôn trọng người đối diện, đối xử với nhau bằng lòng nhân từ, nhịn nhục, không lên mình kiêu ngạo, không kiếm tư lợi. Kinh Thánh không nói giận là tội lỗi nhưng Chúa dạy, hãy “chậm giận” tức phải tập kiềm chế cơn giận để từng bước có thể loại bỏ những cơn giận bùng phát. Ông Gia-cơ dạy: “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận;… Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế, và mọi điều gian ác còn lại, đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em.”
Trong cuộc sống nhiều người vẫn tự cho rằng: “Tính tôi là vậy đó” hay “Tính tôi nóng lắm, thấy vậy không chịu được” và vô tình chúng ta buộc người khác phải chấp nhận và chịu đựng cơn giận của chúng ta. Sứ đồ Phao-lô thật rất sâu sắc khi nhắc nhở rằng tình yêu thương cần phải “chẳng nóng giận”, bởi vì nếu vẫn còn chất chứa sự nóng giận trong tình yêu thương thì sự nóng giận sẽ dần phá hủy tất cả điều tốt đẹp mà tình yêu thương mang đến, sẽ khó lòng nhịn nhục, nhân từ, sẽ chẳng còn dung thứ hay vui mừng nhưng tình trạng chia rẽ xảy đến là điều tất yếu.
Bạn đáp ứng ra sao với lời khuyên dạy tình yêu thương chẳng nóng giận?
Kính lạy Đức Chúa Trời kính yêu! Con tạ ơn Chúa vì Ngài luôn bày tỏ tình yêu thương lớn lao cho con khi Chúa luôn chậm nóng giận mỗi khi con vi phạm, xin giúp con học được tinh thần khiêm nhu để thể hiện tình yêu thương chẳng nóng giận.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 24:15-44
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org