Phi-lê-môn 8-12
8 Vậy nên, dầu trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm, 9 song vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, hiện nay lại vì Đức Chúa Jêsus Christ chịu tù nữa, 10 tôi vì con tôi đã sanh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh; 11 ngày trước người không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ ích lắm, và cũng ích cho tôi nữa: tôi sai người về cùng anh, 12 người như lòng dạ tôi vậy.
Câu gốc: “Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh hiển” (Rô-ma 15:7).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đã dùng điều gì để kêu gọi ông Phi-lê-môn tiếp nhận nô lệ Ô-nê-sim? Tại sao Sứ đồ Phao-lô gọi nô lệ Ô-nê-sim là “con tôi” (câu 10) giống như ông đã từng gọi Mục sư trẻ Ti-mô-thê (I Ti-mô-thê 1:18)? Nền tảng để bạn yêu thương, chấp nhận, và tha thứ nhau là gì?
Chắc chắn Sứ đồ Phao-lô ý thức được thẩm quyền của mình trên ông Phi-lê-môn (câu 8), nhưng tại đây ông từ chối sử dụng thẩm quyền đó. Ông muốn dùng tình yêu để thuyết phục ông Phi-lê-môn (câu 9), và đó cũng là điều Sứ đồ Phao-lô muốn ông Phi-lê-môn dùng để đối đãi với ông Ô-nê-sim. Chỉ có tình yêu thương mới khiến cho một vị sứ đồ cao trọng, cao tuổi, lại đang trong cảnh tù đày, quên đi lòng tự trọng, hạ mình xuống để “nài xin” đặc ân của một tín hữu rất bình thường. Vì sao Sứ đồ Phao-lô lại hạ mình nài xin cho ông Ô-nê-sim là một nô lệ phạm tội như vậy? Vì đó là người đã được ông “sinh trong vòng xiềng xích” (câu 10), nghĩa là đã tin nhận Chúa Giê-xu.
Sứ đồ Phao-lô không hề chối bỏ những sai phạm của nô lệ Ô-nê-sim trong quá khứ, người đã “làm hại anh hoặc mắc nợ” (câu 18), và “ngày trước người không ích gì cho anh” (câu 11). Nhưng nếu Chúa Giê-xu đã chấp nhận con người xấu xa đó, tha thứ cho ông Ô-nê-sim, sinh ông ra trong một đời sống mới, khiến cho ông “bây giờ sẽ ích lắm” (câu 11), thì có lý do gì để Sứ đồ Phao-lô không yêu thương ông, và ông Phi-lê-môn không tha thứ cho ông Ô-nê-sim. Ngày nay, chúng ta trở nên khó chấp nhận và tha thứ cho anh chị em khác vì mãi chú tâm vào quá khứ thất bại và lỗi lầm họ đã phạm với chúng ta mà không nhìn thấy họ cũng là những anh chị em trong Chúa với chúng ta và sự sống của Chúa cũng đang hành động trong họ cũng như đang hành động trong chúng ta.
Quá khứ xấu xa của ông Ô-nê-sim không ngăn trở Sứ đồ Phao-lô gọi ông là “con tôi” (câu 10), là từ ngữ ông vẫn thường dùng để gọi Mục sư trẻ Ti-mô-thê. Không có gì phân biệt giữa một người phục vụ Chúa và một nô lệ thấp kém cả. Dù chúng ta là ai, khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu, chúng ta đều là “kẻ tù” của Ngài, là những người nhận “ân điển và sự bình an” của Ngài. Mỗi người trong chúng ta đều đã từng làm nô lệ cho tội lỗi, chống nghịch Đức Chúa Trời, “nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8). Nhận biết Chúa và ân sủng của Ngài sẽ giúp chúng ta yêu thương, chấp nhận, và tha thứ cho anh chị em mình.
Bạn có bày tỏ tình yêu qua sự tha thứ nhau như Lời Chúa dạy chưa?
Lạy Chúa, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu mà Chúa dành cho con khi đổ huyết cứu con. Xin Chúa cho con khiêm nhường khi đối diện với anh chị em con, yêu thương, sống cuộc đời bao dung và tha thứ anh chị em con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 33.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org