Tin Cậy Chúa Trong Mọi Sự – 7/4/2021

5026

 

Phi-líp 4:5-6

“Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời” (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đưa ra mạng lệnh nào cho Hội Thánh Phi-líp? Mạng lệnh này có ý nghĩa gì? Tại sao cần phải có nhận thức đúng về cầu nguyện? Bạn thể hiện lòng tin cậy Chúa trong mọi sự như thế nào?

Thư Phi-líp thường được gọi là “Thư Vui Mừng”, thế nhưng khi kết thúc thư, vị sứ đồ lại đưa ra một mạng lệnh: “chớ lo phiền chi hết”. Lý do vì Hội Thánh Phi-líp có quá nhiều điều để lo lắng: sự bắt bớ (chương 1), tà giáo (chương 3), và chia rẽ nội bộ (chương 4). Mạng lệnh không lo lắng “chi hết” bao hàm mọi lãnh vực trong đời sống. Sứ đồ Phao-lô không phủ nhận sự hiện hữu của lo lắng. Vấn đề ở đây chính là cách Cơ Đốc nhân đối diện với sự lo lắng và cách giải quyết để có thể đứng vững trong Chúa.

Trước hết, cần nhận thức đúng đắn về Đức Chúa Trời: “Chúa đã gần rồi”, nên chúng ta không “lo phiền chi hết”. Trong mọi hoàn cảnh của đời sống, cần nhận thức rằng Chúa vẫn đang hiện diện và tể trị trên mọi sự, Ngài luôn ở cùng và thấu hiểu mọi điều diễn ra trong đời sống chúng ta, và chắc chắn Ngài sẽ trở lại trong một ngày không xa. Sự lo lắng tràn ngập đời sống khi chúng ta cảm thấy mình cô đơn, bất lực và không có sự trợ giúp, cho nên nhận thức đúng về Đức Chúa Trời là điểm then chốt để kinh nghiệm sự bình an.

Tiếp theo, cũng cần nhận thức đúng về sự cầu nguyện. Sứ đồ Phao-lô nêu lên ba khía cạnh của sự cầu nguyện: cầu nguyện, nài xin, và tạ ơn. Cầu nguyện” mang ý nghĩa thờ phượng, và tôn thờ. Hãy luôn luôn nhớ Đức Chúa Trời trước hết phải là Đấng chúng ta thờ phượng và tôn thờ, không phải là Đấng đáp ứng mọi điều chúng ta mong muốn. Sự thờ phượng đem chúng ta vào sự nhận thức Đức Chúa Trời là Đấng tối cao, Ngài cũng là Đấng yêu thương, là trung tâm của đời sống chúng ta, ý muốn Ngài phải được thực hiện. Sự thờ phượng giúp chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời trong mọi câu trả lời của Ngài cho hoàn cảnh của chúng ta. Khi đến với Chúa chỉ cầu xin mà thiếu thờ phượng và tôn thờ thì chính chúng ta trở thành trung tâm trong lời cầu nguyện chớ không phải Đức Chúa Trời. Kế đến là “nài xin”, nghĩa là nhận thức rằng Chúa là Đấng duy nhất đáp ứng tốt nhất nhu cầu của chúng ta. Thiếu tinh thần nài xin thì sự cầu nguyện chỉ là một thủ tục tôn giáo cần hoàn tất. Và sau cùng là “tạ ơn”. Người thờ phượng Chúa phải tin cậy và biết ơn Chúa. Chúng ta không thể quỳ gối cầu xin mà trong lòng nghi ngờ chính Chúa và quyền năng Ngài, hoặc cay đắng, oán trách Chúa. Đó là bí quyết để chúng ta nhận được bình an.

Bạn có thật sự bình an khi tin cậy và trình dâng mọi nan đề lên cho Chúa không?

Lạy Chúa, xin giúp con gây dựng đời sống đức tin của mình để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đặt lòng tin cậy nơi sự tể trị tốt lành của Ngài và bình an đón nhận mọi câu trả lời từ Ngài.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lê-vi Ký 4:13-35

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcĐăo Knang Kơ Khua Yang Hlăm Djăp Mta Klei – 7/4/2021
Bài tiếp theoĐắk Lắk: Huấn Luyện “Tổ Chức Hội Thánh” Cho Các Hội Thánh Người H’Mông, Jrai, Dao Tại Ea Súp