Tiếng Kèn Từ Người Canh Gác – 21/10/2017

2395

 

Giê-rê-mi 6:16-17

16 Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hãy đứng trên các đường cái và nhìn xem; tra xét những đường lối cũ, xem thử đường tốt ở đâu: Hãy đi đường ấy, thì các ngươi sẽ được sự an nghỉ cho linh hồn mình. Nhưng chúng nó đáp rằng: Chúng tôi không khứng đi đường ấy. 17 Ta đã lập vọng canh kề các ngươi; hãy chăm chỉ nghe tiếng kèn. Nhưng chúng nó đáp rằng: Chúng tôi không khứng nghe. 

Câu gốc: “Ta đã lập vọng canh kề các ngươi; hãy chăm chỉ nghe tiếng kèn. Nhưng chúng nó đáp rằng: Chúng tôi không khứng nghe” (câu 17).

Câu hỏi suy ngẫm: “Vọng canh” và “tiếng kèn” (câu 17) chỉ về điều gì? Đức Chúa Trời lập những điều này với mục đích gì? Đáp ứng của dân Y-sơ-ra-ên ra sao? Những “tiếng kèn” nào Chúa đang dùng để cảnh báo chúng ta ngày nay?

Từ “vọng canh” trong câu 17 còn có nghĩa là “người canh gác”. Ngày trước, những vọng canh, tháp canh là những nơi được xây dựng với mục đích canh gác, bảo vệ tài sản, các thành, và đường phố. Vọng canh chính là nơi phát hiện và loan báo tin tức để mọi người cảnh giác đề phòng, cũng như tránh được những nguy hiểm từ sự tấn công bất ngờ của kẻ thù. Tuy nhiên, “vọng canh” hay “người canh gác” được nhắc đến ở đây không phải là những cái tháp được xây dựng có cấu trúc bằng gỗ, đá… nhưng chỉ về những tiên tri thật. Những vị tiên tri này được chính Đức Chúa Trời lập nên để rao báo, công bố những sự nguy hiểm mà dân của Ngài đang phải đối diện. Một điều đặc biệt nữa là những “vọng canh” này được đặt rất gần kề với dân chúng, để họ dễ dàng nghe thấy những tín hiệu cảnh báo từ người canh gác. “Người canh gác” đang thổi lên “những tiếng kèn” báo nguy về tình trạng tội lỗi của dân Chúa đang chọc giận Đức Chúa Trời, về sự hình phạt mà họ sắp phải đối diện. Song dân Chúa vẫn thản nhiên như không.

Ngày trước, Đức Chúa Trời cũng đã đặt những “tiếng kèn,” đó là một luồng ánh sáng Sứ đồ Phao-lô đã được nhìn thấy; tiếng gà gáy mà Sứ đồ Phi-e-rơ đã được nghe, một câu hỏi thâm tình với ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt “…Bạn ơi! Vậy thì vì việc này mà ngươi đến đây sao?…” (Ma-thi-ơ 26:50)…; và ngày nay Ngài cũng đặt những “vọng canh” không xa để chúng ta có thể dễ dàng nghe thấy những “tiếng kèn” cảnh báo trong cuộc sống theo Chúa của mình. “Tiếng kèn” đó có thể là một câu Kinh Thánh, một bài giảng, một tình huống đặc biệt, một lời góp ý chân tình…, để chúng ta nhận ra mình đang sai đường và kịp thời ăn năn quay trở lại. Điều quan trọng là chúng ta có chịu chú ý lắng nghe “tiếng kèn” cảnh báo đó mà ăn năn hay không mà thôi. Sứ đồ Phi-e-rơ đã khóc lóc đắng cay và quay lại để bắt đầu lại mọi sự với chính Chúa. Nhưng ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt thì lại khước từ, không nghe “tiếng kèn cảnh báo” của Chúa để rồi lầm lũi đi vào sự hư mất. Còn mỗi chúng ta thì sao? Chúa yêu chúng ta, Ngài luôn muốn chúng ta “chăm chỉ nghe tiếng kèn” để tránh xa những nguy hiểm và ăn năn quay trở lại bước đi trên con đường của Chúa đã vạch ra cho chúng ta.

Bạn có nhận ra “vọng canh”“tiếng kèn” mà Chúa đặt kề bên bạn là gì không?

Cầu nguyện: Kính lạy Đức Chúa Trời! Con cảm nhận tình yêu sâu sắc của Ngài khi Ngài đặt bên cạnh con những sự cảnh báo giúp con điều chỉnh suy nghĩ, lời nói, hành vi cho đúng như điều Ngài dạy. Xin giúp con luôn “chăm chỉ nghe tiếng kèn” cảnh báo của Chúa để tránh được những nguy hiểm cận kề.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 20.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện

Bài trướcHội Đồng Bồi Linh Giáo Phẩm, Chấp Sự Và Nhân Sự Tỉnh Tiền Giang
Bài tiếp theoẨn Mình Khỏi Chúa – 22/10/2017