Thư gửi con: Phục Sinh Rạng Ngời

2032

Con yêu dấu,

Chiều nay mây đen vần vũ cả bầu trời; mẹ chợt nghĩ đến một số người vội vã với hy vọng về đến nhà trước khi cơn mưa trút xuống, số khác thì cứ từ từ, thủng thẳng như muốn nói: ‘Trời mưa thì mặc trời mưa, tôi không có nón trời chừa tôi ra.’ Những người bán hàng rong vội tìm chỗ trốn mưa, trên nét mặt đầy lo lắng làm sao hết số hàng còn lại mà về, ở nhà mấy đứa con đang dõi mắt trông mẹ từng phút, từng giây. Còn những đứa bé nhìn từng giọt mưa rơi với niềm ao ước được tung tăng, chạy nhảy trong làn nước mát từ trời. 

Cùng một cơn mưa, mỗi người có cái nhìn khác nhau từ lo lắng, hoảng sợ đến niềm mơ ước đơn sơ… Rồi mẹ nghĩ đến con virus nhỏ xíu, mắt trần mình không thấy được, vậy mà nó hiện diện, đem chết chóc, tàn phá, chia rẽ, hoảng sợ đến toàn cầu. Nó thay đổi mọi sinh hoạt từ cá nhân, gia đình, Hội Thánh, xã hội, quốc gia đến toàn thế giới. Nó khiến sự thành công, tiền tài, danh vọng, địa vị mới ngày nào là niềm hãnh diện, mới ngày nào còn khoe với nhau sự hiểu biết, khôn ngoan đã đến đỉnh điểm, con người sẽ không thèm ở trên trái đất tầm thường này, sẽ sống trên các vì sao… nó chỉ nhè nhẹ, len lén vào ngự nơi đỉnh điểm của sự kiêu ngạo, mọi sự rơi rụng tơi tả… Nó khiến những nhà tư tưởng, khoa học gia, nhà giáo dục, bác sĩ, những đầu óc chính trị, kinh tế, truyền thông lỗi lạc, đến những người giàu có, người dân bình thường, nghèo khó mọi mặt, đều mang chung nỗi lo âu, sợ hãi, tuyệt vọng khi nó hiện diện… Từ lúc thức dậy đến khi nhắm mắt đi vào giấc ngủ, nó được nhắc đến suốt ngày, nếu không nghe nhắc thì nhiều người cũng tìm xem ngày nay sự tàn phá hủy diệt của nó thế nào… và tầm nhắm của nó có đang hướng về mình chưa. 

Cả thế giới cứ hoảng sợ, trở lại bản chất Ê-va – đổ lỗi cho nhau; mà vẫn chưa biết cách nào, ngày nào tận diệt được con virus ấy. Mẹ gửi tất cả sự to lớn đó với lời nguyện cầu – xin Chúa cho những người lãnh đạo hạ mình trong sự khiêm nhường, tìm kiếm sự khôn ngoan từ Chúa để biết cách ứng phó với con virus gây kinh hoàng kia trong cơn đại dịch này.

Con yêu dấu,

Dù muốn hay không, xa hay gần chúng ta cũng sống trên trái đất này, cũng phải đối diện với virus tàn hại. Chúng ta không có khả năng địch lại nó. Nó như Gô-li-át hung hăng với gươm, với giáo, nhìn Đa-vít chỉ là cậu bé, chỉ là đứa trẻ mà không thấy Đức Chúa Trời Toàn năng đang ở cùng cậu bé ấy. Chúng ta cũng như cậu bé ấy, là con người yếu ớt mọi mặt, nhưng chúng ta có Chúa ở cùng. Có Chúa, chúng ta bình an, không phải thứ bình an mong manh của trần gian. Thời gian này là lúc chúng ta trở lại với bài học đơn sơ của trẻ con. 

Mẹ vui lắm khi nghe Phú Thùy bảo: Đây là lúc tốt nhất, vì sáng ngủ dậy không bị mẹ hối, phải đánh răng rửa mặt nhanh, ăn nhanh, thay đồ nhanh, ra xe nhanh… trễ rồi, trễ rồi…  Trong cái nhìn của đứa bé 4 tuổi, Hoàng Vy thấy đây là cuối tuần tốt nhất được ở gần ba mẹ suốt ngày, dài ngày; trước đó chỉ có thứ Bảy, Chúa nhật, mà ba mẹ không đi làm cũng có nhiều việc khác, ít có giờ chơi đùa với bé, cũng không được nhiều giờ nằm trong lòng mẹ để hưởng phút giây ấm áp của tình thương. Các cháu đúng, đây là lúc Chúa cho chúng ta chậm lại, rời những đòi hỏi của tiện nghi, tiến bộ… trở lại với căn bản xây dựng gia đình trong mối liên hệ gần gũi, thương yêu. 

Mẹ sinh ra trong thời đêm đêm tiếng đạn, tiếng bom rít lên trong không gian, nhưng mẹ yên bình trong giấc ngủ không mộng mị của tuổi thơ, trên chiếc chõng tre bên cạnh bà ngoại. Giờ đây, đêm không còn tiếng súng, trong căn phòng trang trí đầy bông hoa bên cạnh những chú chuột Mickey, vịt Donald, trên những chiếc giường nệm chăn êm ấm…, vậy mà đêm khuya các bé vẫn giựt mình khóc thét, hay bỏ chiếc giường tiện nghi, chạy qua phòng ngủ với ba mẹ…

Con yêu,

Đây là lúc chúng ta cần tìm sự khôn ngoan để sống trong thế giới muôn màu. Thánh Kinh dạy: Kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan. Nhưng, lắm khi chúng ta lấy sự khôn ngoan mà bỏ đi lòng kính sợ Chúa nên sự khôn ngoan đó sinh ra tham lam, ích kỷ, kiêu ngạo… để đến hậu quả thảm khốc trong xã hội ngày nay. Đây là thời điểm Chúa nhắc nhở chúng ta quay lại đúng thứ tự: Kính sợ Chúa, khởi đầu sự khôn ngoan. Từ nhỏ con đã được dạy và học: Yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết tâm trí và yêu người lân cận như mình; hãy kính sợ Chúa mà vâng phục nhau, phải biết tôn trọng người khác hơn mình, và hễ làm việc gì cũng phải như làm cho Chúa chứ không phải cho người v.v. Mình học nhiều, nói nhiều nhưng đây là lúc để các con, các cháu thực hiện điều mình học. 

Đồng ý là con cháu nhà mình chưa biết đói khổ là gì trong khi lớn lên trên quê hương nghèo đói. Mẹ mừng là các con hết lòng, hết sức lo từ vật chất, tinh thần và tâm linh cho các cháu, nhưng đó mới là nửa chặng đường dưỡng dục. Nửa còn lại, trong giờ hiệp nguyện từng đêm, con giúp các cháu cầu nguyện cho người khác ngoài gia đình, bà con hay trong Hội Thánh; tập các cháu chia sẻ tiền bạc, vật chất mà các cháu được hưởng, giới hạn những đòi hỏi lại trong nhu cầu sống còn thôi, giảm tiện nghi, sử dụng thì giờ thích hợp nhất là giai đoạn chưa trở lại trường học… mẹ tin là các con có nhiều sáng kiến giúp các cháu và cả những người trẻ quanh con.

Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, niềm hy vọng rạng rỡ của chúng ta vẫn luôn sáng ngời trong Chúa Giê-xu Phục sinh.

 Món quà mẹ tặng cho các con trong Mùa Phục Sinh này:

 “Cho dù cây vả sẽ không nứt lộc nữa,
Vườn nho ngưng ra trái,
Cây ô-liu bị thất mùa,
Ruộng đồng không sinh sản lương thực,
Bầy chiên bị dứt khỏi ràn,
Và không có bầy bò trong chuồng nữa,
Con vẫn vui mừng trong Đức Giê-hô-va;
Con vẫn hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi con.
Chúa Giê-hô-va là sức mạnh của con,
Ngài làm cho chân con giống như chân hươu,
Giúp con bước đi trên các đỉnh cao. (Ha-ba-cúc 3:17-19)

Xin Chúa giúp chúng ta vẫn luôn sống với niềm hy vọng rạng ngời trong Chúa Giê-xu Phục Sinh.

 Thương con vô cùng,

 Mẹ – Ái Tâm

Bài trướcUBYTXH – Thư Kêu Gọi Giúp Đỡ Các Tín Hữu Gặp Hoàn Cảnh Khó Khăn
Bài tiếp theoBan Đại Diện tỉnh Quảng Ngãi chung tay góp phần phòng chống dịch Covid-19