Suy Niệm Ân Điển Chúa Trong Cơn Đại Dịch

2675

“Vả, ân điển Đức Chúa Trời hay cứu mọi người, đã được bày tỏ ra rồi.” (Tít 2:11) 

Còn 5 phút nữa, vợ chồng tôi và hai cháu ngoại đã nghiêm chỉnh ngồi trước màn hình để thờ phượng Chúa trực tuyến. Đây là đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 và cũng là lây lan phức tạp, nguy hiểm nhất trong cộng đồng tính tới thời điểm này! 

Trong khoảnh khắc chờ đợi, lòng tôi ngập tràn nhiều cảm xúc khác nhau. Tôi cảm tạ Chúa cho mình còn có cơ hội thờ phượng Chúa dầu bằng hình thức nào. Nhưng khi hình ảnh màn hình hiện ra với khung cảnh của nhà thờ, lòng tôi thật xót xa với những hàng ghế trống trải, vắng lặng. Dầu vậy, tôi tin Chúa đang hiện diện tại nơi thánh Ngài và tại mỗi nhà riêng của con dân Chúa đang hướng lòng về Ngài trong sự thờ phượng. Lời Chúa phán: “Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20).

Dù có trở ngại, khó khăn nhưng cảm tạ Chúa vì chương trình thờ phượng trực tuyến tại các Hội Thánh vẫn được thực hiện đều đặn. Chẳng những vậy, sinh hoạt của các ban ngành vẫn được duy trì bình thường. Ngay cả lớp Trường Chúa Nhật cũng được tổ chức trực tuyến. Dù theo hình thức nào đi nữa thì con dân Chúa cũng không bỏ qua sự nhóm lại như Lời Chúa dạy, “chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:25).  

Ân điển Chúa dành cho chúng ta luôn đủ đầy trong mọi hoàn cảnh

Tôi có hai cháu ngoại đang ở cùng trong mùa dịch. Vốn dĩ thói quen của các cháu là đi thờ phượng Chúa vào ngày Chúa nhật. Vậy nên sau bữa điểm tâm, khi áo quần đã sẵn sàng, chỉnh tề cho giờ thờ phượng Chúa, cháu tôi hỏi: “Mình ‘đi nhà thờ’ ở nhà hả bà? Covid không cho mình đến nhà thờ được hả bà?” Những câu hỏi của trẻ thơ làm tôi thêm nhớ Hội Thánh, nhớ các mối thông công giữa vòng con cái Chúa.

Cảm xúc ùa về vì những thói quen đến nhà Chúa bị hạn chế! Tôi nghĩ rằng chắc chắn cũng nhiều con cái Chúa có tâm trạng như tôi. Khi có cơ hội tự do đến nhà Chúa thì chúng ta không cảm nhận giá trị của nó; nhưng khi bị giãn cách, mất đi cơ hội để thông công trong sự thờ phượng với anh chị em trong Hội Thánh thì mới thấy hụt hẫng, thấy trống vắng! Ước mong chúng ta sớm tìm lại được sự thờ phượng Chúa chung với nhau và ai nấy sẽ hân hoan hát khúc ca khen Chúa: “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi rằng: Ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va.” (Thi Thiên 122:1)

Trong mùa dịch bệnh, tôi càng có cơ hội để chiêm nghiệm sự tốt lành của Chúa dành cho chúng ta. Vào năm 2004, con trai tôi định cư ở nước ngoài, thỉnh thoảng đi đến Bưu điện để gọi điện thăm hỏi, lúc đó gọi bằng “card điện thoại”! Thời ấy gọi điện thoại chưa có hình ảnh, chỉ nghe qua tiếng nói, mà lòng tôi luôn háo hức, nôn nao để mua được ”card” để gọi cho con trai. Đến lúc công nghệ phát triển, chúng tôi nói chuyện và thấy hình ảnh động trên màn hình của hai phía. Nhờ vậy, nỗi nhớ con cũng được vơi đi, dầu trong lòng vẫn luôn ước ao được gặp con mình trực tiếp.

Khi con trai tôi vào trường Thần học, cháu nội tôi còn bé, mỗi ngày đều được bố gọi về để thăm hỏi, khích lệ, an ủi và trò chuyện… Nhưng thằng bé chẳng thích nói chuyện qua điện thoại, nó chỉ nhìn qua màn hình và không nói gì cả! Lúc bố có dịp về thăm nhà, hỏi sao con không nói chuyện điện thoại mỗi khi bố gọi về, thằng bé đáp “Con chỉ thích nói chuyện và rờ chạm được bố như thế này”. Nó sung sướng ôm cánh tay bố, rồi lại quàng hai tay quanh cổ bố và hôn liên tục trên trán bố! Mối thông công, gần gũi, chạm tay, vỗ vai hoặc cái ôm khích lệ là niềm vui, hạnh phúc của con người. Các cử chỉ bày tỏ bằng hành động, biểu cảm tình yêu thương. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, chúng ta không có cơ hội để làm được điều đó. Tất cả chỉ còn giới hạn lại trong ánh mắt nhìn qua màn hình mà thôi. 

Nhờ công nghệ mà những người ở khắp nơi xa xôi có thể hiện ra ngay trước mặt. Điều này cũng nhắc tôi về sự kiện Chúa Giê-xu tái lâm, là lúc mọi mắt sẽ nhìn thấy Chúa, dù họ ở bất cứ nơi nào, xa xôi hẻo lánh, đông nam tây bắc… Tất cả sẽ nghe tiếng kèn thổi, tất cả sẽ nhìn thấy Chúa Giê-xu hồi lai.

Bất chợt trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ, nếu dịch bệnh như thế này xảy ra trên toàn cầu khoảng vài chục năm trước thì chúng ta phải thờ phượng Chúa như thế nào, vì lúc đó chưa có trực tuyến như bây giờ? Tôi lại nhớ đến những lúc công tác truyền giáo khó khăn, sự đi lại đến nhà Chúa thờ phượng hằng tuần cũng bị giới hạn nhiều mặt. Hội Thánh Cà Mau nơi chúng tôi thờ phượng Chúa đã có chương trình thu lại các bài giảng, các chương trình thờ phượng Chúa trong băng cassette, rồi sang ra cho nhiều gia đình con cái Chúa. Nhờ vậy, đời sống con dân Chúa ở vùng sâu xa được nuôi dưỡng! Thỉnh thoảng đến thăm lại những Điểm Nhóm, các băng cassette ấy vẫn còn phát lại để con cái Chúa nghe. Thật phước hạnh biết bao!

Ân điển Chúa có mọi cách để cứu mọi người! Trong từng giai đoạn thử thách, khó khăn xảy đến, ân điển Chúa hằng luôn ban ra đủ đầy để chúng ta nhìn thấy sự hành động và quyền năng Chúa. Ngài cũng ban cho các Hội Thánh sự khôn ngoan để sử dụng mọi phương cách để gìn giữ đời sống đức tin dân sự Ngài.  

Hãy nhìn vào mỗi hoàn cảnh trong đời bằng con mắt của đức tin để thấy ân điển tốt lành của Đức Chúa Trời vẫn hằng ban cho cách đủ đầy để đức tin chúng ta được gây dựng trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là “cội rễ và cuối cùng của đức tin”. Cảm tạ Chúa vì ân điển Ngài luôn dành cho mọi người!             

Đầy tớ gái 

 

Bài trướcTìm Kiếm Chúa Trước Tiên – 24/6/2021    
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Bà Nguyễn Duy Tuynh