Sống Hiến Dâng

2237

SỐNG HIẾN DÂNG

 

Mỗi khi nói đến đời sống tận hiến cho Chúa Cứu Thế, chúng tôi nhớ đến những lời thật đẹp mà nhà truyền giáo lão thành, Sứ đồ Phao-lô đã viết về ông Ê-pháp-ra: "Ê-pháp-ra, người đồng hương với anh em, một đầy tớ của Đấng Christ Giê-xu chào thăm anh em; anh ấy còn vì anh em chiến đấu trong sự cầu nguyện, để anh em trở nên trọn vẹn và hoàn thành mọi ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì tôi làm chứng cho anh ấy rằng, anh ấy đã làm việc khó nhọc vì anh em và vì những người ở Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-pô-li" (Cô-lô-se 4:12-13, BTTHĐ).

 

Ông Ê-pháp-ra được nghe biết về Chúa Giê-xu và tin nhận Ngài làm Chúa Cứu Thế của đời sống khi ông đến Ê-phê-sô, trong giai đoạn Sứ đồ Phao-lô thành lập Hội Thánh Chúa tại đó. Sau khi được Sứ đồ Phao-lô môn đệ hóa, huấn luyện, và tuyển mộ; ông Ê-pháp-ra trở về Cô-lô-se giới thiệu Chúa và thành lập Hội Thánh tại quê hương. Dường như ông cũng thành lập và làm mục sư luôn cho Hội Thánh Chúa tại Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-pô-li theo phần kinh văn 4:13 trên. Sứ đồ Phao-lô đã hết lời ca ngợi người chăn bầy này: "Anh em đã học điều đó nơi Ê-pháp-ra, bạn đồng lao quý mến của chúng tôi. Anh ấy là người thay mặt anh em làm người phục vụ trung thành của Đấng Christ và là người đã tỏ cho chúng tôi biết lòng yêu thương của anh em trong Thánh Linh" (Cô-lô-se 1:7-8 BTTHĐ).

 

Một câu hỏi quan trọng đến với mỗi chúng ta ngày nay: Bí quyết nào giúp ông Ê-pháp-ra trở nên người sống tận hiến cho Chúa và cho Hội Thánh Ngài? Mấy câu Kinh Thánh ngắn ngủi vừa đọc, hé mở cho chúng ta những gương sáng cụ thể mà chúng tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể nhờ ơn Chúa học và làm theo trong đời sống thực tế hằng ngày.

 

Thứ nhất, ông Ê-pháp-ra là người cầu nguyện thường xuyên (4:12). Đây là một trong những bí quyết thành công trong chức vụ và đời sống của ông Ê-pháp-ra. Sứ đồ Phao-lô biết rõ điều này vì ở chung một phòng với ông trong thời gian dài. Chúng ta có thể nhìn thấy một số đặc điểm trong đời sống cầu nguyện của ông.

 

1. Ông Ê-pháp-ra đã học và luôn luôn thực hành những gì Sứ đồ Phao-lô huấn luyện, khuyên dạy: "Hãy thành tâm cầu nguyện, phải tỉnh thức trong lúc cầu nguyện và tạ ơn" (4:2 BTTHĐ). Ông là tấm gương tốt cho chúng ta trong việc học, làm và sống theo Lời Chúa cũng như những người dẫn dắt, lãnh đạo chúng ta. Ông Ê-pháp-ra không chỉ cầu nguyện khi nào ông cảm thấy thích như nhiều người trong chúng ta vẫn làm. Ông không chỉ cầu nguyện khi có người bảo hoặc nhắc nhở hay khi các tôi con Chúa khác cầu nguyện. Ông luôn cầu nguyện, cầu nguyện không thôi, cầu nguyện kiên trì, không mệt mỏi vì ý thức đó là mối liên hệ ý nghĩa, thực tế, bí quyết sống còn của một tôi con Chúa để nhận sức mạnh tâm linh trong từng giây phút.

 

2. Ông Ê-pháp-ra cầu nguyện nhiệt tình. Sứ đồ Phao-lô nói rõ: "Anh ấy còn vì anh em chiến đấu trong sự cầu nguyện" (4:12b BTTHĐ). Nhà truyền giáo lão thành muốn nhấn mạnh sự cảm phục của ông đối với người bạn trẻ trong chức vụ đã luôn tuôn đổ tâm can, hết sức lực để cầu nguyện, chẳng khác nào Chúa Giê-xu đã cầu nguyện thống thiết trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Lu-ca 22:44). Ông dốc đổ, cố gắng hết sức, tập trung toàn lực để cầu nguyện, như một lực sĩ điền kinh dồn sức chạy cho đến đích. Nếu mỗi tôi con Chúa đều toàn tâm, toàn lực, dốc đổ trong sự cầu nguyện; quan tâm và đem hết nhiệt tình, chiến đấu trong sự cầu nguyện, giống như các lực sĩ tranh tài thể thao thì chắc chắn Hội Thánh địa phương và Hội Thánh chung của chúng ta đã kinh nghiệm nhiều cuộc phục hưng lớn.

 

3. Ông Ê-pháp-ra cầu nguyện cho đối tượng rõ ràng. Sứ đồ Phao-lô khẳng định: "Vì tôi làm chứng cho anh ấy rằng, anh ấy đã làm việc khó nhọc vì anh em và vì những người ở Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-pô-li" (4:13 BTTHĐ). Ông Ê-pháp-ra không cầu nguyện chung chung cho mọi người ở khắp nơi, nhưng tập trung vào ba chi hội mà ông đảm trách. Chắc chắn ông đã nêu đích danh, trình dâng lên Cha Thiên Thượng từng tín hữu mà ông chăm sóc, gây dựng. Đọc đi, đọc lại phần này, tôi hiểu tại sao tôi thất bại trong công tác Chúa giao, Hội Thánh ủy thác. Tôi chưa thật sự sống chết và hết lòng cầu nguyện, chiến đấu trong sự cầu nguyện cho những con người mà Chúa tin yêu, giao thác cho tôi. Tôi khám phá ra bí quyết thành công: Ông Ê-pháp-ra dâng lời cầu nguyện lên Cha Từ Ái với từng hình ảnh sống động của mỗi người lớn, của từng bạn thanh thiếu niên năng động, của mỗi em thiếu nhi thật dễ thương lẫn khó thương. Ông có những đối tượng thật rõ ràng, những công tác cần thực hiện, những nan đề mà cả chi hội đang nặng lòng khi tâm sự, khi dốc lòng thưa với Chúa Chí Ái.

 

4. Ông Ê-pháp-ra cầu nguyện cho mục đích cụ thể. Sứ đồ Phao-lô đã sống bên cạnh, đã nghe rõ, đã chứng kiến đời sống cầu nguyện của người bạn trẻ, và chắc chắn đã nhìn thấy những giọt nước mắt đổ ra cho bầy chiên, cho từng con dân Chúa mà ông Ê-pháp-ra được Chúa ủy thác, và mạnh dạn minh định: "anh ấy còn vì anh em chiến đấu trong sự cầu nguyện, để anh em trở nên trọn vẹn và hoàn thành mọi ý muốn của Đức Chúa Trời" (4:12c BTTHĐ). Tôi nhớ có lần được một người hỏi: "Anh muốn chúng tôi cầu nguyện thế nào cho nhóm Kinh Thánh mà anh đảm trách?" Tôi trả lời ngay: "Anh biết rồi đó, anh cứ cầu nguyện cho những gì anh cảm động, qua kinh nghiệm làm việc và phục vụ lâu năm của anh." Bây giờ tôi mới khám phá ra sai lầm lớn của tôi: Tôi không có mục đích cụ thể, hướng đến rõ ràng nào cho nhóm học Kinh Thánh mà Chúa giao phó và cũng không nặng lòng về những anh chị em mà Chúa thương yêu ủy thác để tôi chăm sóc, gây dựng. Thảo nào, công việc tôi đảm trách trong chi hội và những người trong bầy chiên nhỏ mà tôi được ủy thác cứ tà tà, bình bình sống qua ngày vì tôi đâu có thật sự nặng lòng, quan tâm đến nhu cầu tâm linh sâu kín của họ. Trong khi đó, tôi lại hay chỉ trích vị quản nhiệm hoặc những người khác không có khải tượng cho chi hội, không nặng lòng cho nhà Chúa nói chung. Ông Ê-pháp-ra dạy tôi qua đời sống cầu nguyện "Anh ấy luôn luôn chiến đấu trong sự cầu nguyện vì anh chị em, để anh chị em được vững mạnh, trưởng thành và hoàn toàn vững tin trong mọi ý muốn của Đức Chúa Trời" (4:12 NIV-VPNS). Ông Ê-pháp-ra thấy rõ nhu cầu thực tiễn của từng con dân Chúa, những nan đề họ đối diện, và cái đích họ phải tới. Họ cần lớn lên trong niềm tin, phải trưởng thành trong Chúa, phải học biết ý muốn Chúa, và quyết tâm tin cậy, sống cho ý Chúa muốn đó. Ông đã thành thật biết giới hạn của mình nên đã dốc đổ tâm can để trình dâng lên Chúa trong sự cầu nguyện thống thiết đó. Chắc chắn đó là bí quyết giúp ông thành công. Ông Ê-pháp-ra không những thành lập và gây dựng bầy chiên tại Cô-lô-se lớn mạnh mà con mở mang thêm, thành lập Hội Thánh Chúa tại Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-pô-li (4:13).

 

Thứ hai, ông Ê-pháp-ra là người có khải tượng, có kế hoạch phát triển, có quyết tâm sống và thực hiện cho mục đích đó (4:12-13). Những năm tháng sống gần gũi Sứ đồ Phao-lô, ông Ê-pháp-ra đã học được đời sống tận hiến cho Chúa Cứu Thế của nhà truyền giáo lão thành. Ông thấy rõ khải tượng của một Hội Thánh vững mạnh: từng con dân Chúa trưởng thành, vững tin và quyết tâm hoàn thành mục đích Chúa cho đời sống "để anh em trở nên trọn vẹn và hoàn thành mọi ý muốn của Đức Chúa Trời" (4:12c). Điểm son mà chúng ta học được nơi ông Ê-pháp-ra đã được Sứ đồ Phao-lô minh định: "Vì tôi làm chứng cho anh ấy rằng, anh ấy đã làm việc khó nhọc vì anh em và vì những người ở Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-pô-li" (4:13, BTTHĐ). Ông Ê-pháp-ra muốn con dân Chúa biết rõ và làm theo ý muốn Chúa. Điểm cần nhấn mạnh là ông muốn họ tích cực tham gia, trở nên trọn vẹn, và hoàn thành mọi ý muốn của Chúa, chứ không chỉ tham gia một phần nào đó thôi. Từ "mọi" hoặc "tất cả" là chữ chìa khóa trong thư Cô-lô-se, được dùng trên 30 lần.

 

Muốn con dân Chúa trưởng thành, đứng vững, và quyết tâm làm theo ý muốn Chúa; ông Ê-pháp-ra không chỉ cầu nguyện theo mục tiêu Sứ đồ Phao-lô nêu ra trong câu 2:2 mà phải sống, phải quyết tâm thực hiện. Sứ đồ Phao-lô nói rõ ông Ê-pháp-ra "đã làm việc khó nhọc vì anh em" (4:13b). Sứ đồ Phao-lô đã chiến đấu cam go cho con dân Chúa tại Cô-lô-se (2:1). Ông Ê-pháp-ra đã kinh nghiệm sự khó nhọc đó, đã đổ lòng, đổ sức để làm và sống thực hiện khải tượng và kế hoạch Chúa bày tỏ. Chính cam kết và quyết tâm đó đã giúp chức vụ của ông Ê-pháp-ra thành công, con dân Chúa vững mạnh, Hội Thánh Chúa phát triển từ Cô-lô-se, tiến đến thành lập và tại Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-pô-li (4:13).

 

Tạ ơn Chúa cho Hội Thánh Chúa chung trên đất nước chúng ta đã tiến triển nhiều trong thời gian qua, nhiều người tin Chúa, nhiều con dân Chúa lớn lên, vững mạnh trong Ngài. Chúng ta biết ơn Chúa cho các nhà lãnh đạo Hội Thánh trong Ban Trị sự Tổng Liên Hội có khải tượng, các Ủy ban có kế hoạch và quyết tâm thực hiện. Cầu xin Chúa cho từng vị quản nhiệm, mỗi người chăn, các Ban Trị sự Chấp sự và từng con dân Chúa chịu khó học hỏi, cam kết đứng chung và quyết tâm: (1) kiên trì và hết lòng cầu nguyện cho từng vị lãnh đạo trong Ban Trị sự Tổng Liên Hội, quý vị đại diện trong các tỉnh thành, và tại mỗi chi hội trong việc thực hiện các chủ trương, đường hướng, và kế hoạch đã nêu ra; (2) dâng hiến rộng rãi thì giờ, phương tiện, tài chánh và dự phần tích cực trong việc thực hiện tại mỗi chi hội, từng gia đình, và mỗi cá nhân.

 

Tháng Chín, các con cháu chúng ta đến trường trong mọi cấp. Tháng Chín hằng năm, Hội Thánh chung cầu nguyện và ủng hộ cho các chương trình của Ủy Ban Cơ Đốc Giáo Dục. Tháng Mười, chúng ta cầu nguyện cho Ủy Ban Thanh Thiếu Nhi. Cầu xin Chúa cho khải tượng nuôi dạy con cháu cho Chúa Hằng Hữu được triển khai, có kế hoạch tốt, và thực hiện chu đáo. Chúng ta cần cầu nguyện, vận động, và khích lệ để mỗi con dân Chúa nhận trách nhiệm lo cho hai thế hệ: Thế hệ con và thế hệ cháu quyết tâm sống và thực hiện năm điều: Thứ nhất, mỗi con cháu biết rõ Chúa Giê-xu là ai. Thứ hai, tin Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế của đời sống cá nhân. Thứ ba, hết lòng yêu mến Chúa. Thứ tư, hết lòng kính sợ Chúa. Và thứ năm, quyết tâm làm đẹp lòng Chúa, làm rạng Danh Ngài qua tích cực phụng vụ Chúa trong từng khía cạnh của đời sống cá nhân, trong gia đình, tại trường học, nơi chi hội, và vào xã hội.

 

Một thực tế khác trong sống hiến dâng cho Chúa mà chúng ta cũng cần nói đến, cổ động, và khích lệ. Chúng ta cần động viên nhiều người hưởng ứng dành thì giờ đọc Bản Tin Mục Vụ phát hành mỗi tháng lẻ trong năm, đọc trang thông tin của Hội Thánh trên httlvn.org mỗi tuần để mọi con dân Chúa đều biết những tin tức, sinh hoạt của Hội Thánh, được nhắc nhở về những công tác chung, và tích cực tham gia vào khải tượng của Hội Thánh Chúa chung và địa phương; từng chủ trương, sinh hoạt được quảng bá rộng rãi, hăng hái tham gia, và đóng góp tích cực. Có như thế, sống hiến dâng mới trở nên một kỷ luật tâm linh của từng tôi con Chúa, được cầu nguyện và nhắc nhau trong gia đình, trong Chi Hội, giúp Hội Thánh Chúa trên đất nước ta và khắp nơi phát triển hầu cho bài học và gương sáng sống hiến dâng của ông Ê-pháp-ra được kết quả tốt đẹp ngay trong thế kỷ 21 này mà mỗi chúng ta đều trải nghiệm.

 

Đan Ái Nhân

 

Bài trướcHiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo Tỉnh Khánh Hòa Tại Chi Hội Nha Trang
Bài tiếp theoNgày 16/10/2015: Tôn Kính Chúa Giê-xu