Sống Giữa Thế Gian Tăm Tối – 6/9/2024

7211

 

Phi-líp 2:14-16

“Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm và lưỡng lự” (câu 14).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô dùng những từ ngữ nào để nói về thế gian? Thái độ tiêu cực nào cần tránh để có thể chiếu sáng giữa thế gian? Làm sao chúng ta tránh được những thái độ này?

Khi nói về thế gian, Sứ đồ Phao-lô dùng cụm từ “dòng dõi hung ác ngang nghịch”. Tại đây, ông không nói về thế giới thiên nhiên và những tạo vật tốt đẹp Chúa đã dựng nên. Cũng không chỉ về thế giới con người vì chính Chúa Giê-xu đã chịu chết vì cớ con người. Nhưng ông đang nói đến một “dòng dõi” hay một hệ thống tà linh vô hình do Sa-tan điều khiển để chống nghịch Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài (Ê-phê-sô 2:2). Thế gian này là một dòng dõi “hung ác”, nghĩa là gian ác, xảo quyệt; và “ngang nghịch”, nghĩa là băng hoại, hư hỏng. Thời gian có qua đi, nhiều việc đã thay đổi, nhưng sự chống nghịch Đức Chúa Trời của thế gian này vẫn y nguyên, và sự thù ghét Tin Lành cùng những người thuộc về Chúa Giê-xu ngày càng gia tăng (Giăng 15:18-20). Sống giữa một thế gian như vậy, Cơ Đốc nhân cần tránh những thái độ tiêu cực là lằm bằm và lưỡng lự. “Lằm bằm” diễn tả âm thanh như tiếng gầm gừ, thì thầm trong cuống họng khi không hài lòng một điều gì đó, và lưỡng lự” cũng có nghĩa là cãi cọ. Khi một người cứ “lằm bằm” chống lại Đức Chúa Trời thì người đó sẽ thật sự tranh cãi với Ngài.

Khi đưa ra mạng lệnh Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm và lưỡng lự, Sứ đồ Phao-lô cho thấy đây là một thực tế trong Hội Thánh. Lý do thái độ tiêu cực này vẫn có trong đời sống Cơ Đốc nhân vì chúng ta vẫn còn đang trong tiến trình thánh hóa, do đó những yếu đuối, thất bại trên tiến trình này hoàn toàn có thể xảy ra. Mỗi ngày chúng ta vẫn phải đối diện với những thực tế đau buồn như sự chết của người thân yêu, tai họa, đau khổ, bất công… Mỗi ngày chúng ta bị cả thế giới này tấn công, đả kích niềm tin của mình qua truyền thông, âm nhạc, triết lý, giáo dục… Và mỗi ngày chúng ta vẫn còn đang sống trong thân thể tội lỗi cùng thế giới tội lỗi này, cho dù chúng ta không còn bị tội lỗi cai trị nữa thì thân thể này vẫn còn đó những thói quen, ham muốn sai trật, và tự cao.

Để tránh được sự “lằm bằm”“lưỡng lự” chúng ta phải thực sự “được nên con cái Đức Chúa Trời” (câu 15). Qua kinh nghiệm cứu rỗi, chúng ta cần nhận biết sự tốt lành và tình yêu của Đức Chúa Trời, quyền năng tối cao của Chúa, giới hạn của chúng ta, và mục đích của Đức Chúa Trời trên đời sống chúng ta (Gia-cơ 1:2-4). Bởi đó, chúng ta có thể bước đi trong hành trình thuộc linh với sự bình an, tin cậy, phó thác mọi sự trong tay Chúa, sẵn sàng vượt qua mọi thách thức khi đối diện với sự tấn công của người đời.

Bạn thường làm gì khi đối diện với sự tấn công niềm tin từ người đời?

Lạy Chúa, con biết Ngài có mục đích tốt lành cho con khi đặt con giữa thế gian tăm tối này. Xin cho con sống một cuộc đời tích cực, thỏa lòng, và vâng phục Ngài để vượt qua thách thức khi niềm tin bị đả kích. Nhân Danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giăng 7

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcHdĭp Ti Krah Lăn Ala Mmăt Tĭt – 6/9/2024
Bài tiếp theoUB. CĐGD: Giới Thiệu Bài Học Kinh Thánh Hằng Ngày Quý IV/2024