Sợ!

1879

Mác 4:35-41

“Sợ” hay “sợ hãi” là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. “Không sợ” thì lại đồng nghĩa với chai lì, khinh lờn hoặc bị mất ý thức, lý trí. Có nhiều người biết rằng ma tuý là chất gây nghiện, đem đến bệnh tật và cuối cùng là cái chết thê thảm,… nhưng vẫn có quá nhiều người khinh lờn, xem thường và thử nghiệm… để rồi thân tàn ma dại, tiền hết tật mang, những tệ nạn, tội lỗi xuất hiện, cái kết là tù tội, bệnh tật, sự chết.

Từ khi loài người phạm tội, bất tuân sự dạy dỗ của Chúa mà nghe theo Sa-tan để chống nghịch Ngài, họ đã ăn trái cây “biết điều thiện, điều ác”, loại cây mà Chúa cấm không được ăn. Sau đó, cảm xúc “sợ” đã xuất hiện, họ tìm mọi cách trốn tránh Chúa! (Sáng 2:8-10). Nỗi “sợ” đã đánh mất niềm vui khi A-đam nhận biết Ê-va là người nữ của mình – người “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Trước đó, họ sống rất hạnh phúc nhưng rồi khi họ phạm tội, “sợ” xuất hiện đã làm cuộc sống của họ không còn được bình an, mà chỉ là những tháng ngày lo lắng, mỏi mệt, chán chường…
Ngày nay, con người vẫn tiếp tục ở trong trạng thái sợ. Khi sợ, con người không những mất niềm vui, mà còn lo lắng, bất an, họ tìm kiếm nơi có thể trú ẩn, tìm kiếm ai đó có thể bảo vệ che chở, giải cứu họ ra khỏi nỗi sợ hãi đang vây bọc chung quanh họ!
Câu chuyện trong Mác 4:35-41, môn đồ ‘sợ hãi” vì biển dậy sóng, cơn bão lớn nổi lên, nước tràn vào thuyền. Họ kêu cứu với Chúa và hỏi Chúa: “Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?” Họ sợ vì cho rằng bão tố sẽ nhấn chìm họ trong biển và chắc sẽ chết! Tất nhiên, không ai có thể nói rằng, mình không sợ chết trước những hoạn nạn, những hiểm nguy quá, quá khả năng chống chọi của chúng ta.

Gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự chết dẫy đầy trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 quá khủng khiếp xảy ra, có nhiều người đã phải lìa đời này mà chính họ chưa đoán được, chưa biết được chính mình có trong số lây nhiễm và có vượt qua được không? Nhìn lại thời điểm đó, ai ai cũng phải thốt lên rằng: “Sợ thật!”. Tiếp theo là những tháng đầu năm, những trận động đất, sóng thần, lũ quét, và gần nhất là tiểu bang Mississippi của Hoa Kỳ lại đối diện với lốc xoáy (17/03/2023), tàn phá nguyên một thành phố. Cứ tưởng khi ở trong những đại nạn như vậy, chúng ta có sợ không? Chỉ những ai vô tư, những ai mất giác quan cảm xúc “sợ”, thì mới “không sợ”!
Không ai có thể hiểu biết thiên nhiên một cách tường tận, dẫu là nhà khoa học vẫn có một giới hạn nhất định, bởi sự vận hành, điều khiển tối cao là thuộc về Đấng Sáng tạo và Bảo tồn vũ trụ! Những sự kiện thiên nhiên như: sóng thần, động đất, núi lửa,… con người có thể cầm giữ được chăng? Chỉ duy Chúa Giê-xu, Ngài chỉ cần phán với gió: “Êm đi, lặng đi! Gió biển dứt và đều yên lặng!”

Khi chúng ta biết có Chúa đang ở với mình, thì đừng lo lắng, vì Ngài là Đức Chúa Trời bình an, Ngài là cội nguồn của sự bình an! Trong ba năm thi hành chức vụ trên đất của Ngài, cụm từ “Đừng sợ!” “Đừng sợ chi”, đã được Chúa dùng nhiều lần để an ủi, khích lệ các môn đồ trong mọi hoàn cảnh (Giăng 6:20; Lu 8:50). Chúng ta chỉ thật sự , khi Chúa không còn hiện diện với chúng ta, đó mới thật là điều tệ hại nhất! Khi không có Chúa ở với chúng ta, chắc chắn cơn giông tố cuộc đời sẽ nhận chìm con người yếu đuối chúng ta, ma quỷ thắng hơn chúng ta. Như câu chuyện về cây gậy, khi ở trong tay Môi-se thì đầy quyền năng, nhưng khi ra khỏi tay Môi-se thì trở thành con rắn, trở thành công cụ của ma quỷ. Đời sống chúng ta khi ra khỏi tay Chúa hay không có sự hiện diện của Chúa cũng như thế. Như Sau-lơ, vua dân Y-sơ-ra-ên, khi Chúa không còn ở với ông thì ông lo sợ đến nỗi phải đi cầu bà bóng (I Sa-mu-ên 28), một hành động thể hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu đức tin và kinh hãi của ông.
Đức tin là sự biết chắc, tin chắc điều mình tin, đặt để lòng trông cậy vào Đấng đáng tin cậy (Sáng 18:14; Hê-bơ-rơ 11:1; Lu-ca 1:37). Đức tin có thể đánh tan mọi điều nghi ngờ và sợ hãi. Đức tin là một yếu tố quan trọng để quyết định mọi sự! Vì đức tin và sợ hãi không có điểm nào chung, hay nói khác hơn là chúng không có điểm nào giống nhau cả! Khi sợ là không tin, và khi tin thì không còn sợ! Chúa muốn chúng ta bước đi trong đức tin chứ không phải trong sự lo sợ. Đấng Christ đã hứa với chúng ta rằng: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi, ta ban sự bình an ta cho các ngươi, ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các người chớ bối rối và đừng sợ hãi”.
Lý do khác nữa khiến chúng ta “sợ”, là vì chưa nhận biết Chúa Giê-xu là ai, câu 41: “môn đồ kinh hãi lắm, nói với nhau rằng: vậy thì, người này là ai mà gió và biển cũng đều vâng lệnh người?”. Khi biển nổi cơn bão thì môn đồ lo sợ (câu 40), nhưng khi thấy bão tố ngưng rồi thì lòng họ nổi sóng, họ “kinh hãi” hơn là lúc có bão, vì họ chưa biết Chúa là ai. Điều này thật mâu thuẫn, vì chính các môn đồ đã từng theo Chúa, đã từng ăn với Chúa, học với Chúa, từng chứng kiến những phép lạ Chúa làm, vậy mà đến giờ phút này họ vẫn còn ngạc nhiên mà nói rằng: “Người này là ai?”. Họ không biết Chúa là ai nên họ sợ, họ kinh hãi!
Ngày nay, cũng có nhiều tín hữu đi nhà thờ lâu ngày, nhưng không chịu học biết Chúa, không nhận biết Chúa cách cá nhân,… thì khi đối diện với nan đề, với thử thách thì “sợ”, bởi họ chưa thực sự kinh nghiệm Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống, Đấng yêu thương và đầy quyền năng! Ngài yêu kẻ kính sợ Ngài. Một người nhận biết Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn giữ mình thì “dầu tôi đi trong trũng bóng chết, tôi chẳng sợ tai hoạ nào. Vì Chúa ở cùng tôi!
Nếu không biết Chúa rõ ràng, chúng ta dễ lắm rơi vào thái độ của đoàn dân đông từng theo Chúa (Giăng 6:66), họ sẽ lui đi trong đức tin, không còn theo Chúa nữa khi các quyền lợi vật chất của họ không được đáp ứng hoặc không còn thấy phép lạ Ngài thi thố trên đời sống họ.

“Sợ” là cảm xúc tự nhiên Chúa ban cho chúng ta để mỗi khi đối diện với thách thức, với nan đề, nếu chúng ta sợ hãi, chúng ta sẽ được nghe tiếng Ngài: “Sao con sợ? Không có đức tin sao?”. Lời Chúa sẽ giúp chúng ta nhìn lại chính mình: Vâng, con sợ và con rất sợ nếu Chúa không hiện diện với con trong cơn giông bão mà con đang gặp! Hãy xác quyết với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Ngài là Em-ma-nu-ên. Ngài ở cùng con. Đấng ban bình an và nguồn bình an dành cho con! Ngài luôn yêu con bằng tình yêu đời đời và là Đấng giải cứu con! Còn tội lỗi nào trong đời sống con khiến Chúa buồn và rời khỏi con, xin Ngài thương xót, tha thứ vì con nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ. Mọi cảm xúc sợ hãi ấy, con xin trao trọn trong tay Ngài và xin cho con luôn núp dưới cánh bóng Ngài.”

Thánh ca 277 là bài hát có những ca từ đem đến sự bình an, khích lệ mỗi khi những sóng gió cuộc đời nổi lên, mỗi khi những lo âu, khó khăn ập đến,… nó đem đến sự an vui, bình tịnh trong sự hiện diện của Chúa! Hãy luôn nương cậy trong Chúa yêu thương và hát vang tiếng ca: “Tâm linh tôi, an ninh thay! Lòng tôi nay bình an thay, bình an thay!” trong từng phút giây cuộc đời theo Chúa của mình.

Đầy tớ gái,

Bài trướcLễ Công Bố Thành Lập Chi Hội Ba Se và Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội
Bài tiếp theoHội Thao Và Hướng Nghiệp Cơ Đốc Thiếu Niên