SHALOM – AN KHANG, THỊNH VƯỢNG

4343

Trong văn hóa người Do Thái, lời chào hỏi và tạm biệt thường ngày là từ Shalom. Mở đầu cuộc gặp gỡ, họ chào nhau “Shalom!” Kết thúc cuộc gặp gỡ, họ cũng chào nhau “Shalom!” Shalom là phiên âm của từ Hy-bá-lai, שָׁלוֹם, có nghĩa là bình an, trọn vẹn, khỏe mạnh, đủ đầy cả về thể chất, vật chất, tinh thần và tâm linh.[1] Từ ngữ Hy Lạp tương đương là εἰρήνη, có nghĩa là hòa bình, an ninh.[2] Lời chào này của người Do Thái làm cho chúng ta nhớ lại câu đối chúc Tết quen thuộc của người Việt Nam trong ngày đầu xuân:

Xuân An Khang Đức Tài Như Ý
Niên Thịnh Vượng Phúc Thọ Vô Biên

Quả thật, một năm mới đến, chúng ta ai cũng mong ước cho chính mình và cho người khác luôn được an khang, thịnh vượng, được trọn vẹn và đủ đầy về mọi mặt. Thế nhưng, ý niệm về sự thịnh vượng của người Việt ngày nay có hoàn toàn giống với khái niệm của Shalom trong Kinh Thánh? Và người Cơ Đốc Việt Nam sẽ được soi sáng thêm điều gì khi đối chiếu với ý nghĩa của Shalom Thánh Kinh? Một vài cách dùng của Shalom trong Cựu Ước sẽ hé mở cho chúng ta đôi điều.

Trước hết, Shalom trong Cựu Ước tập trung vào sự toàn vẹn và đúng đắn trong lối sống, trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, và sự bao gồm trong mối liên hệ với người khác. Mặc dù người ta thường hiểu Shalom là bình an, nhưng trong Cựu Ước, ý nghĩa căn bản của danh từ Shalom là sự trọn vẹn, sự nguyên vẹn và sự bình an chỉ là một phần trong nghĩa mở rộng của Shalom mà thôi. Tính từ gốc của Shalom là shalem, một từ mô tả những tảng đá nguyên khối được dùng để xây bàn thánh trong Giô-suê 8:31.[3] Nó cũng được dùng để chỉ về những viên đá dùng làm trái cân thật và đúng chứ không phải đá bị cắt xén, như trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:15. Một tấm lòng shalem nói đến tấm lòng toàn vẹn, không bị phân chia, như trong II Các Vua 20:3. Đây chính là ý niệm về sự trọn vẹn mà Chúa Giê-xu khuyên dạy các môn đồ của Ngài trong Ma-thi-ơ 5:48: “hãy nên toàn thiện như Cha các con ở trên trời là toàn thiện” (TTHĐ).[4] Từ “toàn thiện” trong câu Kinh Thánh này là nghĩa của tính từ Hy Lạp, teleios, một từ trong Bản Bảy Mươi tương đương với từ shalem và tamim trong bản Hy-bá-lai.[5] Trong Kinh Thánh Hy-bá-lai, các từ shalem và tamim thường được dùng kèm với một động từ và với giới từ “với”, chẳng hạn như, “ở trọn vẹn với Giê-hô-va” (Phục Truyền Luật lệ Ký 18:13), “lập hòa bình với Đa-vít” (I Sử Ký 19:19) (TT). Cách dùng này cho thấy shalem nhấn mạnh một mối liên hệ bao gồm, không loại trừ. Vậy, nói đến Shalom là nói đến sự chính trực trong nhân cách, là sự toàn vẹn trong mối liên hệ với Đấng Tạo Hóa, là sự bao dung đối với người khác. Nơi nào có Shalom là nơi đó có sự công chính, sự đa dạng, sự bao gồm, sự hòa bình – nơi mà công lý, tình yêu thương và sự chấp nhận được tỏ bày. Không một sự khác biệt nào về màu da, chủng tộc, tiếng nói, giới tính, giai cấp, xuất thân, v.v… có thể bị kỳ thị hay bị đối xử bất công. Vì vậy, điểm lưu ý đầu tiên từ cách dùng của Shalom trong Cựu Ước cho chúng ta thấy rằng Shalom chỉ có được khi một người sống chính trực và trọn vẹn với Đức Chúa Trời và sống trong mối liên hệ không phân biệt đối xử với người khác.

Kế đến, nghĩa mở rộng của Shalom trong Cựu Ước là bình an, hạnh phúc, lành mạnh, phục hồi, và thịnh vượng. Nghĩa này không chỉ dừng lại ở ý niệm “hòa bình và không có chiến tranh” thông thường mà còn mang tính tích cực, chủ động hơn: đó là sự phát triển, sự hưng thịnh, sự sinh sôi nẩy nở và chan chứa niềm vui.[6] Tuy nhiên, sự hưng thịnh này không chỉ thuộc về một cá nhân nhưng của toàn bộ cộng đồng; hơn nữa, người tìm kiếm Shalom không phải hướng về một tương lai thịnh vượng nào đó trong mơ mộng mà phải xây dựng nó ngay trong chính thực tại, giữa hoàn cảnh khó khăn hiện tại cho cộng đồng nơi mình đang cư ngụ. Giê-rê-mi 29 cho thấy rõ điều này. Khi dân tộc Y-sơ-ra-ên bị lưu đày qua Ba-by-lôn, có tiên tri giả Ha-na-nia nói tiên tri về sự giải phóng trong tương lai gần (Giê-rê-mi 28), tạo cho dân Chúa ảo vọng về sự phục hồi nhanh chóng trong khi họ chưa kịp nhận ra tội lỗi của mình mà ăn năn. Chẳng bao lâu sau, Ha-na-nia chết vì đã nói tiên tri giả về shalom giả (28:17). Thay vào đó, Lời Chúa đến với người Y-sơ-ra-ên qua tiên tri Giê-rê-mi rằng: ngay tại mảnh đất lưu đày, giữa cảnh khốn cùng, tan lạc, bất ổn, đừng mộng tưởng đến một miền đất hứa xa xôi, đừng ảo vọng đến sự phục hưng chóng vánh, nhưng:

Hãy xây nhà mà ở; hãy trồng vườn cây mà ăn trái. Hãy cưới vợ và sinh con trai con gái. Hãy cưới vợ cho con trai, gả chồng cho con gái để chúng sinh con đẻ cái. Hãy gia tăng dân số tại đó chứ đừng giảm đi. Hãy tìm cầu sự thịnh vượng cho thành mà Ta đày các con đến. Hãy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va cho thành ấy, vì sự thịnh vượng của nó là sự thịnh vượng của các con… Đừng để cho bọn tiên tri, bọn thầy bói ở giữa các con lừa dối các con; cũng đừng nghe những kẻ bàn mộng mà mơ mộng hão huyền (Giê-rê-mi 29:5-8, TTHĐ).

Để có thể ở một nơi tạm bợ mà xây được nhà, cưới được vợ, sinh được con, gả chồng cưới vợ được cho con gái, con trai, có được cháu ẵm bồng, trồng được cây, và cây ra được trái để tận hưởng quả ngọt thì phải mất cả một đời người. Một đời người ở một nơi lưu đày, một nơi mình vốn không thuộc về, một nơi bất ổn, một nơi không nhìn thấy tương lai tươi sáng thì liệu có phí hoài cuộc đời ấy đi chăng? Liệu Shalom thật, hưng thịnh thật có được bảo đảm? Nếu có, Shalom ấy đến từ đâu? Đến với những ai? Có thể đó là những câu hỏi mà dân Chúa hoài nghi trong lòng khi nghe mạng lệnh kỳ lạ này của Giê-hô-va. Do đó, Đức Giê-hô-va bảo đảm rằng Shalom thật đó đến từ nơi chính Ngài, từ kế hoạch và sự tể trị của Ngài: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai hoạ, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng (Giê-rê-mi 29:11)”. Có Chúa rồi, nắm giữ lấy lời hứa của Chúa rồi, thì dù ở bất cứ nơi nào, con dân Chúa cũng có thể kinh nghiệm được Shalom. Không những vậy, Chúa còn dùng dân Chúa để đem Shalom đến cho chính nơi họ ở lưu đày, là đất Ba-by-lôn. Từ chỗ địa vị của một dân lưu đày, nếu vâng lời Chúa, dân Y-sơ-ra-ên sẽ là nguồn phước cho dân áp bức họ. Họ có sứ mạng cầu nguyện và tìm kiếm Shalom cho chính dân ngoại bang, gia tăng dân số, phát triển kinh tế, đeo đuổi sự công chính, ổn định cả cuộc đời tại đó, bởi Shalom của Ba-by-lôn cũng chính là Shalom của họ. Shalom này được bảo đảm vì nó đến từ chính Chúa, từ đặc ân Chúa ban cho, từ lời hứa về sự tể trị cao cả của Ngài vượt mọi sự hiểu biết của con người. Shalom này đến cho cả con dân Chúa lẫn cho kẻ thù nghịch dân Chúa. Shalom này không tách rời một số cá nhân riêng lẻ ra khỏi cộng đồng nhưng đến với từng cá nhân qua chính cộng đồng, thậm chí đó không phải là cộng đồng mà dân Chúa thuộc về. Shalom này giúp họ phân định đâu là Lời Chúa, đâu là những lời giải mộng viễn vông. Shalom này kéo họ về với thực tại để đối diện và bắt đầu với thực tại chứ không mộng mơ hão huyền và chạy trốn thực tại. Do vậy, một cuộc đời được bảo đảm Shalom và mang lấy sứ mạng tìm kiếm Shalom chẳng hề hoang phí mà có ý nghĩa thật lớn lao: trở nên hiện thân của Shalom của Đức Giê-hô-va.

Vậy, Shalom trong cách dùng của Cựu Ước cho thấy một sự hưng thịnh toàn diện về số lượng lẫn chất lượng, về tâm linh lẫn thể chất, về mối liên hệ hoà hợp giữa Trời và người, giữa  cá nhân và cộng đồng, về niềm hi vọng cho tương lai lẫn sự bảo đảm trong hiện tại: đó chính là một nền tảng vững chắc từ Đức Giê-hô-va, Đấng Shalom. Sứ mạng này liên hệ thế giới thực tại của chúng ta với sự toàn hảo của thế giới ban đầu trong buổi sáng thế trước khi loài người sa ngã (Sáng Thế Ký 1-2). Từ ban đầu, Đức Chúa Trời tạo dựng nên vũ trụ trong sự toàn hảo, tốt đẹp và hài hoà từ trật tự, các mối liên hệ, sự quản trị, vẻ đẹp, cho đến nhịp điệu của trời đất và vạn vật.[7] Do vậy, theo đuổi một cuộc sống thịnh vượng là đặt mình vào trong kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời để phục hồi Shalom của sáng thế và hiện thực hoá niềm hi vọng của Shalom lai thế ngay trong hiện tại. Ý nghĩa của Shalom trong Cựu Ước có thể được tóm tắt bằng nhận định sau đây của thần học gia người Mỹ Cornelius Plantinga:

Sự hoà quyện lẫn nhau của Đức Chúa Trời, con người, và toàn cõi tạo vật trong công lý, trọn vẹn, và vui mừng là những gì mà các tiên tri Cựu Ước gọi là shalom. Chúng ta gọi nó là “bình an,” nhưng nó có nghĩa hơn cả bình an của tâm trí hay sự ngưng chiến giữa các kẻ thù địch. (Thật ra, những vùng ngưng chiến của hai bên quân đội thường là những vùng hoang tàn, đổ nát). Shalom Thánh Kinh có nghĩa là sự hưng thịnh, sự toàn vẹn, và niềm vui mừng của cả hoàn vũ – một trạng thái phong phú mà trong đó những nhu cầu tự nhiên được đáp ứng và những ân tứ tự nhiên được sử dụng cách kết quả, tất cả được bao bọc trong tình yêu của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, Shalom là trạng thái xứng đáng của mọi vật.[8]

Shalom này giúp chúng ta tránh những ảo tưởng về sự thịnh vượng mà thường được cổ xuý bởi một thuyết gọi là Phúc Âm Thịnh Vượng. Theo US Gospel Coalition, Phúc Âm Thịnh Vượng bắt nguồn từ Phái Ngũ Tuần ở nước Mỹ thời hậu Thế Chiến II. Thông điệp căn bản của thuyết này là “Đức Chúa Trời mong muốn mọi người được khoẻ mạnh và giàu có. Thần học này khẳng định rằng nếu cuộc đời của những người tin Chúa không có sự thịnh vượng thì phước lành của Đức Chúa Trời không ở với họ.”[9] Đây là một “Phúc Âm” giả vì nó dạy những điều sai trật với Kinh Thánh. Năm điểm sai trật cơ bản là: (1) Giao ước Áp-ra-ham là một phương tiện để đạt được những quyền lợi vật chất (trong khi thực chất, giao ước Áp-ra-ham là giao ước thuộc linh, vô điều kiện, hoàn toàn dựa trên ân sủng); (2) sự đền tội của Chúa Giê-xu cũng dành luôn cho cả “tội” nghèo nàn vật chất (kỳ thực, sự tham tiền của, vật chất mới là “cội rễ của mọi điều ác”, còn vật chất chỉ là phương tiện Chúa ban cho Cơ Đốc nhân làm quản gia, tuỳ ý Ngài), (3) Cơ Đốc nhân dâng hiến là để nhận lại được sự bù đắp về vật chất từ Đức Chúa Trời (trong khi lẽ ra Cơ Đốc nhân dâng hiến bởi lòng biết ơn Chúa) (4) đức tin là một nguồn lực tâm linh tự sinh dẫn đến sự thịnh vượng (sai trật vì đối tượng của đức tin, Đức Chúa Trời, mới có quyền năng); (5) sự cầu nguyện là một công cụ để buộc Đức Chúa Trời ban cho sự thịnh vượng (sai trật, vì Đức Chúa Trời có toàn quyền thực thi ý muốn của Ngài).[10] Rõ ràng, ý niệm về sự thịnh vượng này đã sai trật vì tập trung vào con người, giải nghĩa Kinh thánh qua lăng kính mong muốn giàu có của con người nên đã bẻ cong các lẽ đạo Đấng Christ học, Cứu thục học, thần học tâm linh theo ý con người, “ép” Đức Chúa Trời phục vụ cho mong muốn của mình. Ý niệm thịnh vượng này đã đi quá xa trọng tâm của Shalom – sự hưng thịnh theo Kinh Thánh.

Shalom cũng giúp chúng ta hiểu sự thịnh vượng không chỉ ở phương diện vật chất mà còn tâm linh và tinh thần, không chỉ ở phương diện cá nhân mà còn ở sự quan tâm đến cộng đồng, đến tạo vật mà Chúa đã sáng tạo nên, không chỉ ở thời điểm tương lai mơ hồ mà ngay trong hiện tại dù với bất kỳ hoàn cảnh nào. Người tìm kiếm Shalom không chạy trốn thực tại nhưng đối diện và biến đổi thực tại; không chỉ tìm kiếm sự hưng thịnh cho riêng mình, nhưng quan tâm đến sự an nguy của xã hội, phồn vinh của cộng đồng, lành mạnh của môi trường thiên nhiên và cõi tạo vật.

Vậy, năm mới Tết đến, mỗi khi Cơ Đốc nhân Việt Nam chúng ta chúc nhau An Khang Thịnh Vượng, chúng ta không chỉ mong ước cho sự khoẻ mạnh, thành công và phát đạt của mình, của người thân. Chúng ta ao ước mang ảnh hưởng của Shalom đến với gia đình, Hội Thánh, và xã hội qua đời sống công chính và yêu thương, được đặt trong mối liên hệ mật thiết với Chúa. Chúng ta ao ước mình can đảm đối diện với cuộc sống trên đất, nơi tạm bợ và còn nhiều bất ổn, và nhờ Shalom Chúa để biến đổi hoàn cảnh ấy. Chúng ta ao ước đóng góp năng lực, trí tuệ, sức khoẻ và thời gian vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, kinh tế, nghệ thuật, môi trường, v.v… để lan toả Shalom của chính Chúa. Chúng ta ao ước đồng bào chưa nhận biết Shalom của Đức Giê-hô-va sẽ kinh nghiệm được nó cách đích thực qua Phúc Âm của Chúa Cứu Thế. Đó chính là thịnh vượng và thịnh vượng mọi bề.

Karis Đỗ
(trích Bản Tin Mục Vụ)

[1] Brown, F., Driver, S. R., & Briggs, C. A. (2000). Enhanced Brown-Driver-Briggs Hebrew and English Lexicon. Oak Harbor, WA: Logos Research Systems. Tất cả các tham chiếu đến  các tài liệu tiếng Anh trong bài này đều được dịch bởi người viết.

[2] Arndt, W., Gingrich, F. W., Danker, F. W., & Bauer, W. (1996). A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature: a translation and adaption of the fourth revised and augmented edition of Walter Bauer’s Griechisch-deutsches Worterbuch zu den Schrift en des Neuen Testaments und der ubrigen urchristlichen Literatur. Chicago: University of Chicago Press.

[3] Nguyên bản Kinh Thánh bản Truyền Thống đề là “bàn thờ” nhưng người viết muốn dùng “bàn thánh” để tránh nhầm lẫn với các kiểu bàn thờ hiện tại của các gia đình Việt Nam trong văn hóa thờ cúng tổ tiên.

[4] Leslie Allen, “Shalom as Wholeness: Embracing the Biblical Message,” Fuller Studio, https://fullerstudio.fuller.edu/Shalom-as-wholeness-embracing-the-broad-biblical-message/ truy cập 16 tháng 12 năm 2019.

[5] Bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp, công trình của 70 học giả Do Thái, dành cho những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp sống tại Ai Cập vào thế kỷ thứ III và thứ II TCN.

[6] Nicholas Volterstoff, “The Gospel and Shalom: A Better Translation,” The Table Video, Biola University, Center For Christian Thought,  https://cct.biola.edu/gospel-Shalom-better-translation/, truy cập 16 tháng 12 năm 2019.

[7] Terry McGonigal, “If You Only Knew What Would Bring Peace”: Shalom Theology as the Biblical for Diversity, Whitworth University, United Kingdom, http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.486.658&rep=rep1&type=pdf, truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2019.

[8] Cornelius Plantinga, Engaging God’s World (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 2002), 14-15.

[9] J. S. Sexton, “Prosperity Theology,” New Dictionary of Theology: Historical and Systematic, 2nd Ed. (London: IVP, 2016), 710.

[10] Joe Carter, “What You Should Know About the Prosperity Gospel,” May 3, 2017, The Gospel Coalition, U.S. Edition, https://www.thegospelcoalition.org/article/what-you-should-know-about-the-prosperity-gospel/, truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2019.

Bài trướcCà Mau: Hội Đồng Bồi Linh
Bài tiếp theoBài hát: LINH TRÌNH MỚI