Quan Tổng Đốc Nhu Nhược – 17/7/2019

2755

 

Giăng 19:9-16

9 Người lại trở vào nơi trường án mà nói với Đức Chúa Jêsus rằng: Ngươi từ đâu? Nhưng Đức Chúa Jêsus không đáp gì hết. 10 Phi-lát hỏi Ngài rằng: Ngươi chẳng nói chi với ta hết sao? Ngươi há chẳng biết rằng ta có quyền buông tha ngươi và quyền đóng đinh ngươi sao? 11 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta; vậy nên, kẻ nộp ta cho ngươi là có tội trọng hơn nữa. 12 Từ lúc đó, Phi-lát kiếm cách để tha Ngài; nhưng dân Giu-đa kêu lên rằng: Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là trung thần của Sê-sa; vì hễ ai tự xưng là vua, ấy là xướng lên nghịch cùng Sê-sa vậy! 13 Phi-lát nghe lời đó, bèn dẫn Đức Chúa Jêsus ra ngoài, rồi ngồi trên tòa án, tại nơi gọi là Ba-vê, mà tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ga-ba-tha. 14 Vả, bấy giờ là ngày sắm sửa về lễ Vượt qua, độ chừng giờ thứ sáu. Phi-lát nói cùng dân Giu-đa rằng: Vua các ngươi kia kìa! 15 Những người đó bèn kêu lên rằng: Hãy trừ hắn đi, trừ hắn đi! Đóng đinh hắn trên cây thập tự đi! Phi-lát nói với chúng rằng: Ta sẽ đóng đinh Vua các ngươi lên thập tự giá hay sao? Các thầy tế lễ cả thưa rằng: Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi. 16 Người bèn giao Ngài cho chúng đặng đóng đinh trên thập tự giá.
Vậy, chúng bắt Ngài và dẫn đi. 

Câu gốc: “Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội” (Gia-cơ 4:17).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Tổng đốc Phi-lát biết Chúa vô tội nhưng không dám quyết định tha Chúa? Điều đó cho thấy ông Phi-lát là người như thế nào? Ông sẽ đối diện với những gì trong ngày cuối cùng? Chúa muốn chúng ta sống thế nào khi đối diện với khó khăn, nghịch cảnh?

Tổng đốc Phi-lát là một quan lớn của triều đình La Mã, lại là chánh án của phiên tòa xét xử Chúa Giê-xu, có quyền phán quyết trong tay như lời ông nói với Chúa: “Ngươi chẳng nói chi với ta hết sao? Ngươi há chẳng biết rằng ta có quyền buông tha ngươi và quyền đóng đinh ngươi sao?” (câu 10); thế nhưng dù rất nhiều lần ông khẳng định không tìm thấy nơi Chúa một tội lỗi nào cả, nhưng ông lại không dám quyết định thả Chúa ra. Tại sao? Thứ nhất, ông sợ áp lực của đám đông đang gây náo loạn bên ngoài ảnh hưởng đến chức vụ của ông; thứ hai, khi nghe nói Chúa là Con Đức Chúa Trời thì ông lo sợ Chúa là con của một vị thần nào đó; thứ ba, ông sợ đám đông tố cáo ông với Hoàng đế La Mã thì ông có nguy cơ mất hết cả danh, lợi, quyền. Vì thế, sau khi tìm mọi cách để tha Chúa Giê-xu vì biết Ngài vô tội, mà không được, cuối cùng, ông đã buông tay chiều theo ý muốn của đám đông, nhắm mắt giao Chúa Giê-xu cho các thầy tế lễ cả để họ bắt và dẫn Đấng vô tội đi đóng đinh.

Qua những diễn biến của cuộc xét xử Chúa, chúng ta thấy Tổng đốc Phi-lát là một người nhu nhược, hèn nhát, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình mà bất chấp lẽ thật, không dám đứng về phía chân lý. Dù ông có lấy nước rửa tay và tuyên bố “Ta không có tội về huyết của người này; điều đó mặc kệ các ngươi” (Ma-thi-ơ 27:24b), thì ông cũng không thể phủi tay trước tòa phán xét của Đức Chúa Trời được. Ông tự tuyên bố rằng mình không có tội về sự chết của Chúa Giê-xu trước công chúng, nhưng trước mặt Chúa, ông đã phạm tội với Ngài. Lời Chúa đã khẳng định, người biết điều lành, điều đúng mà không làm thì phạm tội (Gia-cơ 4:17).

Ngày nay, chúng ta có Lời Cha là Chân Lý (Giăng 17:17); có Chúa Giê-xu là Đường Đi, Chân Lý và Sự Sống (Giăng 14:6); có Đức Thánh Linh là Thần Chân Lý (Giăng 14:17). Đức Chúa Trời Ba Ngôi luôn ở cùng, dạy dỗ, soi sáng, và dẫn dắt chúng ta trên linh trình theo Chúa. Nhờ đó, chúng ta biết phân biệt điều lành điều dữ, điều đúng điều sai để sống với Chúa và với nhau theo Lời Chúa dạy. Chúa muốn chúng ta nhu mì mà không nhu nhược. Khi đối diện với khó khăn, nghịch cảnh, nếu chúng ta cứ nhu nhược; nhận biết Lời chân lý mà cứ cứng lòng không vâng theo, thì coi chừng, chúng ta cũng sẽ đi theo con đường Tổng đốc Phi-lát đã đi!

Bạn có mạnh mẽ sống đúng theo Lời Chúa dạy trong mọi hoàn cảnh không?

Kính lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn Ngài đã ban Lời Cha là Lời lẽ thật cho con. Xin cho con mạnh mẽ bước đi theo sự dạy dỗ của lẽ thật, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không vì nhu nhược mà bất tuân Lời Chúa dạy.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sử Ký 1-2.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcLâm Đồng: Chi Hội Phi Sar Có Quản Nhiệm Mới
Bài tiếp theoKiên Giang: Khai Giảng Thánh Kinh Căn Bản 2019