E. QUAN ĐIỂM CỦA KINH THÁNH
22. Thánh Kinh có đề cập gì đến rối loạn giới tính không?
Dường như Thánh Kinh chỉ có nói đến đồng tính luyến ái mà không đề cập đến lưỡng tính. Thánh Kinh Cựu ước cho biết đồng tính luyến ái là “thói tục” thường gặp của dân ngoại sống tại đất hứa trước khi dân Do Thái đến đó và dùng nhiều từ ngữ để gọi, qua đó cho thấy Cựu ước xếp người đồng tính luyến ái vào diện tệ nạn xã hội. Có lẽ vì lúc đó có quá nhiều người đồng tính luyến ái trở thành hạng người như vậy. Cựu ước có thuật lại một số trường hợp những người đồng tính luyến ái gây rối trật tự xã hội và kể lại chi tiết một số câu chuyện bi thảm do hậu quả của đồng tính luyến ái (Sáng thế ký 19; Các quan xét 19; v.v… tham khảo mục Từ ngữ và các địa chỉ tương ứng). Đức Chúa Trời gọi đó là điều “quái gớm, gớm ghiếc”, hành động của người đồng tính luyến ái tự làm ô uế mình và làm ô uế cả dân tộc và vì đó mà đất bị ô uế và dân ngoại bị phạt mất đất đai.
Đức Chúa Trời cấm dân Do Thái bắt chước và biện pháp xử lý dành cho người Do Thái đồng tính luyến ái là án phạt “bị truất khỏi dân sự mình” (Lêvi ký 18:22-29 – bị mất đi địa vị cao quí của dân tộc “thầy tế lễ”, Xuất Êdíptô ký 19:6) và bị “xử tử” (Lêviký 20:13). Nghĩa là phải bị loại bỏ khỏi dân Thánh cả về mặt thể xác lẫn về mặt tinh thần và quan hệ xã hội (địa vị).
Thánh Kinh Tân ước gọi người đồng tính luyến ái là kẻ “làm dáng yểu điệu” và loạn dâm nam là “kẻ đắm nam sắc” (I Côrintô 6:10). Theo Phao-lô, luật pháp của con người đặt ra là vì có những người như người loạn dâm nam (ITimôthê 1:10). Đức Chúa Trời gọi người đồng tính luyến ái là người “tự dối mình” (I Côrintô 6:10); “tự làm nhục mình”, “xấu hổ”, “lầm lỗi”, “không xứng đáng”, “không có tình nghĩa tự nhiên”, sống “nghịch với tánh tự nhiên”, người “hư xấu”. Người đồng tính luyến ái “chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa” (Rôma 1: 32).
Nguyên nhân cội rễ của đồng tính luyến ái là do “theo lòng ham muốn mình”, “không lo nhìn biết Đức Chúa Trời” (Rôma 1:24-32, tham khảo các địa chỉ trong mục Từ ngữ).
Người đồng tính luyến ái “không được hưởng nước Đức Chúa Trời” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhưng khác với Cựu ước, biện pháp xử lý của Thánh Kinh Tân ước dành cho người đồng tính luyến ái là giáo dục thay vì loại trừ. Chúa đã dùng Phao-lô giải thích tầm quan trọng của thân thể con người: Thân thể con người được Chúa dựng nên vì Chúa, để làm đền thờ của Thánh Linh, nghĩa là nơi Đấng Tạo hóa ngự trị và thể hiện (I Côrintô 6:9-20). Một trong những mục đích Tin Lành được rao giảng bởi Phao-lô là để cho những người như người đồng tính luyến ái được cứu rỗi (I Timôthê 1:11). Điều đó có nghĩa là Tân ước giải quyết vấn đề bằng biện pháp giáo dục để sống một cách có hiểu biết. Bởi vì sự hiểu biết đúng dẫn đến thái độ đúng và hành động đúng – nhìn nhận tội, từ bỏ tội và quay trở về thờ kính Đấng tạo dựng nên mình. Đó là thể hiện của tình yêu thương (I Timôthê 1:5-11).
Người đồng tính luyến ái cũng là một con người do Chúa dựng nên, thân thể của họ cũng được tạo dựng với mục đích để làm đền thờ của Thánh Linh như bao nhiêu người khác, nhưng bản thân người đó đã có những sai trật trong cuộc sống tinh thần và mối quan hệ xã hội. Không được có thái độ loại bỏ họ mà phải giúp họ quay lại con đường đúng.
23. Đấng Tạo hóa tạo dựng nên con người để làm gì?
Một trong những mục đích của Đấng Tạo hóa khi dựng nên con người là “làm cho đất phục tùng” (Sáng thế ký 1:26,28). Con người đã được dựng nên để quản trị thế giới vô cùng đẹp đẽ mà Ngài đã tạo dựng. Quản trị trong tư thế của một con người tự do với một số hạn chế (Sáng thế ký 2:16,17; Galati 5:1). Con người khi có đủ khả năng trồng, giữ và đặt tên cho mọi vật chung quanh là người đã trưởng thành (Sáng 2:15,19,20).
24. Có phải người đồng tính luyến ái cũng trưởng thành như mọi người?
Như đã nêu, về mặt y – xã hội học, một con người được gọi là trưởng thành phải về cả 3 mặt: cơ thể, tinh thần và xã hội (câu hỏi 5). Theo tinh thần của Thánh Kinh, một con người trưởng thành, trước hết, là người có khả năng quản trị chính mình, kế đến, có khả năng quản trị thế giới xung quanh và còn phải là người có khả năng tạo ra những con người tiếp tay quản trị thế giới đó.
Người đồng tính luyến ái chỉ trưởng thành đúng nghĩa về mặt cơ thể nhưng bị lệch lạc trong sự trưởng thành về mặt tinh thần và quan hệ xã hội.
25. Tại sao lại có giới tính và tình dục?
Theo dạy dỗ của Thánh Kinh, có hai lý do hình thành gia đình:
Thứ nhất, thế giới xung quanh chúng ta – trong đó có con người – thật vô cùng kỳ diệu và rộng lớn đến mức chính Đấng Tạo hóa cũng lấy làm hài lòng (Sáng thế ký 1). Nhưng chính Đấng Tạo hóa lẫn bản thân A-đam – con người đầu tiên – đều nhận thấy một con người không đảm đương nổi công việc quản trị thế giới đó, con người “ở một mình thì không tốt” mà phải có “người giúp đỡ” (Sáng thế ký 2:18,20), vì vậy mà Ê-va – con người thứ hai – được tạo thành và gia đình đầu tiên ra đời. Như vậy, gia đình là một tập thể nhỏ gồm 2 người khác giới tính – Nam và Nữ, được Đấng Tạo hóa gắn kết nhau với mục đích đầu tiên là để giúp nhau làm công việc quản trị thế giới vô cùng tuyệt vời mà mình đang sống chứ không phải chỉ để thỏa mãn sự vui thú của nhau. Hai người đồng tính luyến ái có khi tiến đến việc lập gia đình với nhau và dù cũng giúp được nhau trong công việc quản trị, nhưng mục đích lập gia đình của họ lại chủ yếu là để thoả mãn dục vọng của nhau hơn là để thực hiện mục đích của Tạo hóa trong việc tạo dựng giới tính. Nói cách khác, việc đồng tính luyến ái là sai nguyên tắc của Chúa tạo dựng gia đình một nam một nữ. Đồng thời, mối quan hệ tình dục của họ là một hình thức bị Chúa xem là điều quái gở và gớm ghiếc.
Thứ hai, cần phải duy trì loài người trên đất và có người quản trị tiếp nối, nên Đấng Tạo hóa đã trao cho gia đình nhiệm vụ thứ hai: “sinh sản, thêm nhiều” để “làm cho đầy dẫy đất” (làm cho có sự hiện diện của bàn tay, khối óc con người khắp đất), và “làm cho đất phục tùng” (Sáng thế ký 1:22,26,28; 9:1,7). Nói cách khác, Đấng Tạo hóa tạo dựng nên gia đình với mục đích thứ hai là để duy trì loài người trên đất và đào tạo ra những “nhà quản trị” tiếp nối, bằng ba công việc cụ thể là sinh đẻ, nuôi nấng và dạy dỗ. Để có sự sinh sản phải có sự tham gia của hai người khác giới. Đó là lý do Đấng Tạo hóa tạo dựng nên giới tính. Như vậy, mối quan hệ tình dục được tạo nên là để phục vụ cho sự sinh sản (Mathiơ 19:4; Mác 10:6-8).
Có người cho rằng gia đình do hai người đồng giới kết hiệp vẫn có thể giúp nhau trong công việc quản trị (nhiệm vụ thứ nhất) và dù họ không thể sinh con nhưng họ vẫn có thể nuôi dạy trẻ con người khác thành người trưởng thành (nhiệm vụ thứ hai). Nhưng điều phải lưu ý là gia đình đồng giới không thể nuôi dạy con trở thành con người trưởng thành bình thường đúng nghĩa. Hôn nhân đồng giới gây ảnh hưởng nặng nề nhất lên trẻ con. Không thể nào dạy dỗ trẻ con về luyến ái khi bản thân mình không bình thường về mặt luyến ái. Một đứa trẻ đầu óc còn non nớt, tâm hồn còn trong trắng nếu lớn lên trong một môi trường bệnh hoạn sẽ trở thành con người bệnh hoạn; không phải bệnh hoạn về cơ thể mà là về tinh thần và quan hệ xã hội. Kinh Thánh đã dạy: “Phàm người hay dùng tục ngữ, sẽ lấy câu tục ngữ nầy mà nói về mầy: Mẹ thế nào, con gái thế ấy!” (Êxêchiên 16:44). Tục ngữ Việt Nam cũng xác quyết rằng: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”!
Giới tính và tình dục được tạo dựng không chỉ để sinh sản mà còn để nuôi và dạy con cái. “Đức Chúa Trời đã định cho tình dục phải được thực hiện trong bối cảnh hôn nhân gia đình” (Dick Woodward).
26. Đấng Tạo hóa tạo dựng nên tình yêu để làm gì?
Tình yêu (ở đây là tình yêu nam nữ) được tạo dựng không chỉ để thoả mãn tình dục hay thú vui thể xác. Tình yêu là thứ lôi kéo hai con người lại với nhau để kết hợp lại thành gia đình và giúp cho gia đình trở nên bền vững trong việc hoàn thành 2 nhiệm vụ của gia đình.
Vì để sinh sản ra những nhà quản trị nên hai con người đó không thể đồng giới. Vì để đào tạo ra những nhà quản trị hoàn chỉnh nên hai con người đó phải là nhà quản trị gương mẫu. Cặp đôi đồng tính luyến ái không thể là gương mẫu cho trẻ con. Tình yêu giữa hai người đồng giới không phải là tình yêu đến từ Đấng Tạo hóa. Cũng vậy, không thể có người thứ ba trong tình yêu nam nữ. Tình yêu dành cho người thứ ba không phải là tình yêu từ Đấng Tạo hóa.
Tình yêu giữa hai người đồng giới thường chỉ để thỏa mãn thú vui thể xác và không phải là tình yêu đúng nghĩa cũng như không phải là tình yêu đến từ Đấng Tạo hóa. Tình yêu đồng giới không dẫn đến hôn nhân đích thực mà Tạo Hóa muốn.
27. Nhưng … vẫn có hai người đồng tính luyến ái kết hôn?
Hôn nhân không phải chỉ là đám cưới, càng không phải chỉ đơn giản là thoả thuận với nhau sống chung. Hôn nhân là khởi đầu của một gia đình, đó là một sự kết hợp hài hòa giữa tình yêu (tinh thần), đám cưới (quan hệ xã hội) và tình dục (thể xác). Không thể gọi là hôn nhân đúng nghĩa và gia đình đúng nghĩa nếu thiếu một trong ba khía cạnh đó. Cả ba mặt kết hợp nhau để giúp hai con người khác phái làm tròn nhiệm vụ của gia đình. Theo Sáng thế ký 2:24 (Mathiơ 19:5; Mác 1:7-9; Êphêsô 5:31), tình yêu giúp cả hai “dính díu” (nguyên nghĩa: dán dính vào nhau, không thể tách rời); tình dục chính là sự “nên một thịt”; còn đám cưới, đó là sự “lìa cha mẹ”, là khía cạnh pháp lý, là sự kết ước công khai trước mọi người. Tình yêu đảm bảo cho sự bền chặt của gia đình. Đám cưới đảm bảo cho sự công khai công nhận và hỗ trợ của xã hội đối với gia đình. Còn tình dục đảm bảo cho sự an ninh và phát triển của gia đình giữa xã hội. Trong hôn nhân đúng nghĩa không có chỗ cho sự hổ thẹn (Sáng thế ký 2:25). Một số nước phương Tây ngày nay đang tìm cách dẹp bỏ nỗi hổ thẹn của đồng tính luyến ái bằng nhiều cách khác nhau, như lập câu lạc bộ, các Hội đồng tính luyến ái, công nhận hôn nhân đồng giới, v.v… nhưng hôn nhân giữa hai người đồng giới vẫn không được người đời chấp nhận, ngay cả dân tộc bán khai nhất cũng không chấp nhận. Hôn nhân giữa hai người đồng giới là một điều trái với tự nhiên và luôn là “sự hổ thẹn”.
F. NHỮNG VẤN NẠN TRONG THỰC TIỄN
28. Người lưỡng tính có phải là người xấu không?
Thánh Kinh không đề cập gì đến lưỡng tính. Lưỡng tính là tình trạng bình thường ở nhiều loài động vật không xương sống, nhưng lại là bất thường và hiếm thấy ở người. Nguyên nhân do sai lệch nhiễm sắc thể. Còn tại sao lại sai lệch nhiễm sắc thể vẫn còn là điều mà y học chưa biết rõ. Người lưỡng tính chỉ có khuyết tật về cơ thể (cụ thể là hệ nội tiết – sinh dục) và do đó có thể có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm tính, tình cảm (mặc cảm, buồn, …) cũng như mối quan hệ xã hội (khó lập gia đình, khó sinh sản, trở ngại trong giao tiếp, …), tuy nhiên tinh thần, trí tuệ của người lưỡng tính hoàn toàn bình thường như mọi người. Những khuyết tật tự nhiên hay bẩm sinh của một con người không phải do chính người đó tạo ra mà là điều Đấng Tạo hóa cho phép xảy đến. Như vậy, bản thân hiện tượng lưỡng tính không phải là xấu và người lưỡng tính không phải là người xấu. Lưỡng tính không phải là một bất thường do chủ ý của người đó, vì vậy, không nên đặt ra vấn đề đạo đức hay tội lỗi đối với tình trạng lưỡng tính. Chúng ta không nên có thái độ kết án người lưỡng tính, mà trái lại, nên luôn gần gũi, thương yêu, hỗ trợ họ, đối xử với họ như mọi người bình thường khác để họ có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Đó cũng là lời kêu gọi của giới khoa học hiện nay. Tuy nhiên, nếu người lưỡng tính lợi dụng tình trạng của mình để làm điều xấu thì sẽ là người xấu như những người xấu khác.
29. Làm cách nào nhận diện được một người đồng tính luyến ái?
Không có cách nào để biết hay để chứng minh một người là đồng tính luyến ái. Tất cả họ đều giống như bất kỳ một người bình thường nào khác, cả đồng tính luyến ái nữ cũng như nam. Họ có thể thuộc mọi tầng lớp xã hội. Một số trong họ giấu biệt khuynh hướng tình dục của mình vì sợ sự chống đối của gia đình hay xã hội. Nhiều người trong họ tiến đến hôn nhân chính thức với người khác giới là để được an toàn về mặt xã hội hay để che giấu tình trạng đồng tính luyến ái của mình và cố gắng sống đời sống hôn nhân hạnh phúc.
30. Nếu hai người trẻ cùng giới cặp đôi đi chơi, đùa giỡn với nhau thì họ có phải là đồng tính luyến ái không?
Đồng tính luyến ái có nghĩa là có những cảm xúc, ý nghĩ, sự tưởng tượng và có hành động về tình dục (như hôn hít, ôm ấp, thủ dâm, loạn dâm miệng hay hậu môn,…) đối với một người cùng giới. Họ luôn yêu nhau, tưởng nhớ nhau và có hành động hướng đến tình dục. Như vậy, nếu đơn thuần chỉ là đi chơi, tiếp xúc đùa giỡn với người cùng giới không phải là đồng tính luyến ái. Lưu ý, mọi sự mình có thể làm nhưng không phải mọi sự đều có ích, mọi sự mình có thể làm nhưng không phải mọi sự đều làm gương tốt (I Côrintô 10:23-24). Sống vì mình là điều Thánh Kinh không cổ vũ.
31. Say mê một người cùng phái có phải là đồng tính luyến ái không?
Điều này không nhất thiết là đúng. Sự say mê là một phần của sự trưởng thành. Sự say mê có thể có cả ở nam lẫn nữ. Nỗi lo sợ đồng tính luyến ái đã gây nhiều lo lắng nơi tuổi thanh niên. Nhiều cô cậu say mê thầy hay cô giáo, ngôi sao điện ảnh sân khấu, hay một người lớn nào đó, v.v… Sự say mê có thể giúp con người khám phá được mình thích trở thành như thế nào hay mình có thể giống về đặc điểm và tính cách nào. Say mê một người cùng giới không hẳn là đồng tính luyến ái, nhưng phải rất thận trọng, sự say mê thái quá có thể dẫn đến lệch lạc về nhân cách. Say mê thái quá một thứ gì cũng là một hình thức thờ thần tượng.
32. Cảm hứng tình dục và cảm giác tình dục có phải là điều bình thường không? Có phải tội lỗi không?
Cảm giác tình dục và cảm hứng tình dục là những từng trải tự nhiên mà Đấng Tạo hóa ban cho. Con người không sáng tạo ra chúng mà cũng không cần mang mặc cảm tội lỗi về chúng. Đấng Tạo hóa ban cho con người cảm giác và cảm hứng đó là để kéo hai con người khác giới đến với nhau, gắn bó với nhau, bình an chăm sóc nhau, tất cả để hình thành gia đình và sinh con đẻ cái. Cảm hứng tình dục và cảm giác tình dục phải được đặt trong bối cảnh hôn nhân gia đình vì đó là mục đích của Đấng Tạo hóa. Vì vậy, cảm hứng và cảm giác tình dục giữa vợ chồng không phải là tội lỗi. Nhưng nếu con người dùng nó chỉ để thỏa mãn sự ham muốn của riêng mình, không phải để bảo đảm cho gia đình, thì đó là tội lỗi. Chúng ta phải chịu trách nhiệm những gì mình làm có liên quan đến cảm giác và cảm hứng đó.
33. Làm cách nào có thể tránh được mặc cảm tội lỗi về tình dục?
Sự hiểu biết. Chúng ta thường có thành kiến tình dục là tội lỗi bởi vì chúng ta đã được dạy dỗ tình dục là xấu và là điều nên giữ kín nhiệm. Vì vậy chúng ta thường kết luận rằng tình dục là cái gì đó bí ẩn, xấu xa, khó giải thích. Chỉ khi chúng ta có được sự hiểu biết về tình dục và lập gia đình rồi mới thoát được các mặc cảm đó.
Tính dục hiện diện trong chúng ta từ lúc lọt lòng mẹ cho đến nhắm mắt lìa đời. Tính dục bao gồm: tình yêu, hoạt động tình dục, cách chúng ta “trình diễn” mình và cơ thể của mình, các hoạt động, các mối quan hệ, những ưa thích và ghét bỏ của mình. Tình yêu là sự thân tình tâm lý, sự hòa trộn hai tâm hồn, sự gần gũi giữa hai con người. Còn tình dục là sự cảm thụ về thể xác, tình cảm. Như vậy, khái niệm tính dục bao hàm cả khái niệm về tình dục và tình yêu.
Mỗi người có một tính dục khác nhau và có thể có một định nghĩa riêng về tính dục. Khi chúng ta lớn lên, định nghĩa đó có thể thay đổi. Tính dục của từng người luôn hướng mình đến việc khẳng định nó, vui thú với nó và làm phong phú nó lên. Tính dục, trong đó có tình yêu và tình dục, là phương tiện để hình thành gia đình. Tình yêu giúp gia đình hình thành và gắn kết chặt chẽ với nhau, tình dục giúp cho sự nối tiếp dòng dõi.
34. Như thế nào là tình dục đúng đắn?
Chúng ta cần phải xác định thái độ, quan điểm của mình về giới tính cũng như hành vi tình dục và chịu trách nhiệm về những hành động của chính mình.
Bao lâu chúng ta còn biết rõ mình đang làm gì, chúng ta sẽ không bị thúc đẩy làm những điều ngược lại ý chí của mình và cảm thấy điều đó là tốt lành. Lúc đó sẽ không buông thả thái quá và hành động của chúng ta sẽ không làm gì tổn hại cho bản thân mình lẫn người khác, kể cả hành động tình dục đúng đắn hay bình thường. Nghĩa là mỗi người phải tự xác định giới hạn của mình.
Tình dục đúng đắn được đề cập trong Châm ngôn 5:15-23, và toàn bộ sách Nhã Ca.
35. Làm cách nào để nâng cao chất lượng, làm phong phú, thánh hóa đời sống tình dục của mình?
Chúng ta cần hiểu biết toàn bộ về tính dục của con người. Thêm vào đó, chúng ta có trách nhiệm phải hiểu biết tất cả sự thật về hành động tình dục và am tường về tính dục của con người giống như một người sắp trưởng thành, đã trưởng thành hay giống như bậc cha mẹ. Đó là những tiền đề cần có để làm phong phú, thánh hóa đời sống tình dục của mình.
36. Có phải luôn luôn đồng tính luyến ái là sai quấy không?
Người ta có nhiều quan niệm khác nhau về sự đúng sai. Tùy theo hệ thống giá trị của họ, dựa vào sự dạy dỗ của gia đình, văn hóa và tôn giáo của họ. Nhiều người cho rằng đồng tính luyến ái là một vấn đề riêng tư, cá nhân và vì vậy không việc gì phải lo buồn về nó. Các chuyên gia tâm thần cho là bệnh trong khi đó nhiều nhà khoa học khác lại phán quyết đồng tính luyến ái không phải là bệnh. Các nước phương Tây hiện nay có khuynh hướng cho là không sai quấy.
Quan điểm của chúng ta, tín hữu Cơ-đốc, đồng tính luyến ái khởi đầu có liên quan đến sai quấy của những người đã sinh thành và nuôi dạy đối tượng đồng tính luyến ái vì không họ đi theo khuôn phép Đức Chúa Trời dạy dỗ (Rôma 1.24-32). Đồng tính luyến ái xuất phát từ nguyên nhân tâm lý và ý dục thì sai quấy của chính bản thân người đó hay của người xung quanh con người đó. Một người bình thường mà giả làm lưỡng tính hay sống theo xu hướng đồng tính luyến ái thì đó là tội lỗi mà Thánh Kinh lên án.
37. Tôi phải làm gì nếu đã chắc chắn mình là người đồng tính luyến ái?
Nếu một người đồng tính luyến ái nhận biết tình trạng của mình, người đó cần có thời gian và dũng khí tỏ bày cho gia đình và bạn bè, chuẩn bị tinh thần đón nhận các phản ứng do hành động đó. Đồng thời, người đó cần tìm sự hỗ trợ giúp đỡ từ người khác. Vì vậy, nên hướng đến sự giúp đỡ chuyên khoa để khắc phục hoặc ít ra cũng để tiến đến chỗ chấp nhận nó. Các nhà chuyên môn có thể hỗ trợ là: các thầy thuốc Tâm thần học, thầy thuốc Tình dục học và các nhà tư vấn tâm lý.
38. Một người đồng tính luyến ái có thể thay đổi hành vi của mình không?
Nếu được điều trị sớm và đúng cách, 25-70% số người có thể chuyển đổi trở về bình thường (tùy tác giả). Tuy nhiên một số khá nhiều người lại trở lại tình trạng cũ. Trong phương diện tâm linh, một người rơi vào tình trạng đồng tính luyến ái, khi nhận biết mình sai trật, phạm tội với Chúa, ăn năn và cầu nguyện với Ngài, thì Đức Chúa Jesus Christ sẽ sẵn sàng tha thứ mọi điều vi phạm của họ và chữa lành cả thể xác lẫn tâm linh (Châm 28:13, Êsai 1:18-20, I Giăng 1:9).
39. Cha mẹ đối xử và cho con nhỏ của mình ăn mặc như một đứa trẻ khác với giới của nó là điều sai hay đúng?
Thực ra, cha mẹ hành xử như vậy là để thỏa mãn ý thích và mong muốn con trai con gái của mình chứ không phải vì ích lợi của con. Đây là tình trạng “gây áp lực” về giới tính cho con cái. Cần thận trọng, có một số nguy cơ cho đời sống tinh thần và mối quan hệ xã hội của bé khi lớn lên sau này. Bé sẽ mang theo cho đến lớn dấu ấn của thời thơ ấu và rối loạn nhân cách là điều có khả năng xảy ra. Bé sẽ có thể khó có một cái nhìn đúng đắn về giới tính khi lớn lên. Chúa ban cho chúng ta con cái không phải là để thoả mãn lòng ham muốn của mình. Cần tôn trọng con cái mà Chúa ban cho, đặc biệt là trong lĩnh vực giới tính. “Mọi sự đều có thể làm nhưng không phải mọi sự đều có ích”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. V. Atputharajah (1988). Questions on Sex and Sexuality, A Doctor Answers. PG Publishing, Singapore.
2. W.C. Cadman (1958). Thánh Kinh từ điển, quyển Thượng và quyển Hạ. Nhà in Tin Lành, Sàigòn.
3. Thiều Chửu (1993). Hán Việt tự điển. Nxb TpHCM, tái bản.
4. William F. Gannon (1963). Review of Medical Physiology. Lange Medical Publication, CA.
5. Võ Thị Nho (1999). Tâm lý học Phát triển. Nxb Đại học Quốc gia, Hà nội.
6. Lê Hoàng Phu (1971). Thánh Kinh phù dẫn, quyển Thượng và quyển Hạ. Phòng sách Tin Lành, Sàigòn.
7. Clarence Wilbur Taber (1963). Taber’s Cyclopedic Medical Dictionary. 9th edition. F.A. Davis Company, Philadelphia.
8. Bùi Khánh Thuần (1988). Từ điển Y học Anh – Việt. Nxb Ngoại văn, Nxb Y học, Tp.HCM.
9. Trần Minh Tùng (1972). Tâm lý học Con người Phát triển. Giáo trình Đại học Y khoa Minh Đức, Sàigòn (lưu hành nội bộ).
10. Trần Đình Xiêm (1983). Tâm thần học. Trường Đại học Y Dược Tp. HCM, Hội Y học Tp.HCM, BV Tâm thần Tp.HCM hợp tác xuất bản, tr. 29-36; 66-67; 233-234; 237-239.
11. Dick Woodward. Hôn nhân và gia đình. Trường Cao đẳng Thánh Kinh, Hội Truyền giáo Quốc tế xb.
12. Kinh Thánh. Các bản dịch:
Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, Bản truyền thống, 1926.
Kinh Thánh Tân ước. Hiệu đính Bản truyền thống – 2003 của Thánh Kinh Hội. Nxb. Tôn Giáo, Hà-nội, 2004.
Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước. Bản dịch mới – 2002 của Tổng hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc). Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà nội, 2003.
Kinh Thánh. Bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn. Dòng Chúa Cứu thế, 1976.
Kinh Thánh trọn bộ Cựu ước và Tân ước. Bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ, Toà Tổng Giám mục Tp.HCM – 1999. Nhà xuất bản TpHCM, 2002.
Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước. Bản diễn ý. Thánh Kinh hội Quốc Tế xuất bản, 1994.
Niềm Hi vọng. Tân ước Bản Phổ thông. Bản quyền của Cơ quan Phiên dịch Kinh Thánh Thế giới. Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) thực hiện. Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà nội, 2002.
Klei Aê Diê Blŭ. United Bible Society.
Holy Bible. King James Version.