“Phong Thủy” Nhìn Từ Góc Độ Kinh Thánh

5739

Khi nói đến Phong thủy, đa số mọi người thường hình dung ra một bản đồ bát quái, và “phụ kiện” đi kèm không thể thiếu là tuổi của gia chủ, của vợ hoặc chồng, mạng kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, âm khí, tử khí… và biết bao nhiêu điều huyền bí khác cặp theo, khiến cho nhiều người coi phong thủy như một huyền nhiệm mà chỉ có một số vị “sư” cao tay ấn mới có thể thông hiểu và giải mã được mà thôi. Chính vì thế mà hiện nay bước ra nhà sách là thấy vô vàn cuốn sách của biết bao tác giả, trong đó có không ít tác giả là kiến trúc sư, viết về thuật phong thủy trong kiến trúc. Truy cập trong Internet cũng gặp cả một “rừng phong thủy”, viết về chuyên môn có, tư vấn có, quảng cáo có, đủ thể loại. Tuy nhiên, từ sách vở đến Internet phần lớn đều có một điểm chung là mang tính huyền bí và không ít hơi hướm của mê tín dị đoan.

Rồi chúng ta cũng nghe ở nhiều nơi xây nhà mới hay cải tạo nhà cũ, thầy phong thủy tư vấn cho gia chủ rằng cái cổng cần phải đặt ở vị trí này mới thoát khỏi âm khí; cái phòng ngủ bố trí ở góc kia mới mang nhiều vận may cho gia chủ; còn phòng làm việc nếu đặt ở chỗ nọ lại gây ra lắm tai họa cho người sử dụng… Không những nhà ở, mà trụ sở cơ quan cũng vậy, vị trí đặt bàn làm việc của lãnh đạo cũng bị luật phong thủy chi phối, bàn làm việc không phải cần xoay hướng để thuận ánh sáng, hay tận dụng góc nhìn đẹp, hoặc đón làn gió Nam mát mẻ, nhưng là cái hướng bàn phải xoay về bên này, bố trí ở góc kia mới quyết định cho sự bền vững chức vụ của người ngồi nơi đó.

Đối với con dân Chúa thì sao? Một số tín hữu thì lại cho phong thủy là mê tín, không cần quan tâm đến làm chi cho mệt, lại cũng chẳng dám nói đến, coi như đó là một điều cấm kỵ đối với Cơ Đốc nhân chân chính.

Phong thủy hiện nay thật quá phức tạp, rối rắm và khó hiểu.

Bài viết này sẽ không đi sâu vào khía cạnh chuyên môn của ngành phong thủy. Chúng tôi chỉ muốn tản mạn đôi điều về quan điểm của một Cơ Đốc nhân về phong thủy dưới một góc nhìn khác trước những quan điểm mênh mông đa dạng của phong thủy hiện nay mà thôi. Đó là góc nhìn từ Kinh Thánh.

Chúng ta biết Kinh Thánh là cuốn sách cổ nhất và là kinh điển của Cơ Đốc giáo, trong đó có trình bày về sự sáng tạo. Khi đọc câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng Thế Ký, dù bạn là một người tuyên bố vô thần đi nữa, thì có một điều quan trọng về thứ tự sáng tạo bạn cần lưu ý, đó là Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên vũ trụ, thiên nhiên trước, rồi cuối cùng mới tạo dựng con người, đặt con người vào trong môi trường thiên nhiên đó để quản trị và thụ hưởng. Và có thể nói đây là “nền tảng của Phong thủy” ngay từ những ngày đầu tiên hình thành trời đất. Thiên nhiên được Đức Chúa Trời ban tặng cho con người và con người được đặt vào đó để thụ hưởng thiên nhiên. Tuy nhiên, khi thụ hưởng đặc ân của Ngài, con người phải biết cách để có thể tận dụng tối đa những lợi ích của môi trường, đồng thời cũng phải có trách nhiệm bảo tồn, quản trị thiên nhiên để cuộc sống được hạnh phúc. Thiên nhiên hòa quyện vào con người và con người hòa hợp với thiên nhiên. Nói một cách đơn giản, đó chính là Phong thủy.

Như vậy, Phong thủy đã có từ thuở ban sơ. Tuân theo những quy luật của trời đất, con người sẽ vui hưởng cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, còn nếu đi ngược với quy luật này, con người tự đánh mất quy luật Phong thủy, và dĩ nhiên sẽ có nhiều hệ lụy cặp theo trong cuộc sống.

Với cái nhìn ở một góc độ từ Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời như vậy, chúng ta có thể hiểu phong thủy không phải chỉ là khoa học về “gió và nước” (theo cách giải nghĩa từng chữ), nhưng là phương cách giúp cho con người hòa vào thiên nhiên, tận dụng thiên nhiên để phục vụ tối đa cho lợi ích của con người. Triết lý về sự hợp nhất THIÊN – ĐỊA – NHÂN, tức Trời, đất và con người, trong kiến trúc Phong thủy chính là tìm cách để công trình kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, đất trời. Có như vậy, con người là chủ của ngôi nhà, mới có thể sống một cách thoải mái, an khang trong công trình kiến trúc ấy được. Triết lý cân bằng ÂM – DƯƠNG hoặc tuân theo quy luật NGŨ HÀNH TƯƠNG SINH cũng đều là áp dụng nguyên lý HÀI HÒA và HÒA HỢP giữa thiên nhiên với kiến trúc. Phong thủy trong cái nhìn theo Kinh Thánh chính là nguyên tắc tổ chức không gian chủ yếu là lấy thiên nhiên làm nền tảng, dựa vào đặc điểm, điều kiện của tự nhiên để chọn địa điểm xây dựng, chọn hướng nắng, gió, mưa… và quy mô xây dựng công trình nhằm tạo sự hài hòa và hòa nhập của công trình kiến trúc với cảnh quan môi trường. Như vậy Phong thủy chính là món quà đã được Đấng Tạo Hóa ban tặng từ buổi ban đầu để cho con người là tạo vật của Ngài tận hưởng.

Thật ra, con người cũng đã tận dụng quà tặng này từ hàng nghìn năm nay, nhưng sau đó, tiếp tục thêm thắt vào những điều huyền hoặc, đem miếng mồi tài lộc ra để dễ dàng chiêu dụ những người nhẹ dạ, rồi từ đó làm cho Phong thủy biến hóa thành những quy luật huyền bí, phức tạp và khó hiểu như hiện nay.

Một vài ví dụ cho thấy Phong thủy thuở ban sơ được áp dụng một cách đơn giản nhưng hiệu quả. Đó là kinh thành Huế, một di sản kiến trúc đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đã tổ chức không gian trên cả phạm vi vùng của Phong thủy đã được ông Amadu Mata M’Bow, nguyên Tổng giám đốc UNESCO nhận xét như sau: “Những người đầu tiên xây dựng kinh thành Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và phá Cầu Hai và chính như thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi yếu tố đều bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi. Dãy núi Bạch Mã cách Huế gần trăm cây số chính là án sơn của kinh thành Huế.”

Rồi trong lãnh vực nhà ở, một căn nhà quay mặt về hướng Tây, chắc chắn phải nóng nực vì ánh mặt trời buổi chiều oi bức chiếu rọi trực tiếp vào mặt tiền ngôi nhà, cần phải thiết kế những cấu kiện che nắng hợp lý, hoặc nếu có đất rộng thì phải trồng cây, đào ao để ngăn chặn những tia nắng chiều gay gắt. Một phòng ngủ có cửa sổ ở hướng Bắc rất dễ bị cơn gió lạnh luồn vào làm cho sức khỏe bị ảnh hưởng, cho nên cần phải thiết kế những cấu kiện ngăn chặn gió trực tiếp hoặc phải chuyển hướng cửa ra vị trí khác. Một cái bàn làm việc kê ở một góc mà ánh sáng chiếu khá mạnh ở phía bên phải, là phía làm cho bóng của tay che khuất khi viết lách hoặc đọc sách, đó là bố trí sai hướng. Một khu vườn đẹp mà bức tường quay về hướng đó lại thiếu một cánh cửa nhìn ra, hoặc cửa có diện tích quá nhỏ thì thật uổng, phải thêm cửa vào hay cải tạo lại thôi. Những căn nhà phố cổ, ông cha ta ngày trước đã chia ra nhà trước nhà sau và luôn có một sân trong để có thể đón gió, nắng chiếu rọi vào các căn phòng trước và sau nhà… Tất cả những vấn đề đơn giản đó chính là Phong thủy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thế nhưng buồn thay, giới chuyên môn ngày nay thay vì khai thác và giúp cho nhận thức của mọi người biết khai thác thiên nhiên trong kiến trúc, thì lại cố tình thêm vào những điều huyền hoặc đầy mê tín; thay vì thiết kế cấu kiện che nắng, chắn gió thì lại cho rằng phải “ếm” thế này thế kia cho được phát tài phát lộc; thay vì phải sắp xếp giường, bàn, ghế cho phù hợp thì lại nói rằng theo tuổi này gia chủ phải chuyển hướng cho được đại cát đại lợi, cho hợp tuổi; rồi tiếp tục đi quá đà rằng chỉ có cái hướng này mới bảo đảm cho chức vụ được lâu bền, nếu quay qua hướng kia thì e rằng sớm mất chức. Rồi lại thêm vào chút nữa là phải làm đúng giờ này giờ nọ mới tốt… Thế nhưng đã không ít người đã tin theo!

Với cái nhìn về phong thủy từ góc độ Kinh Thánh như đã trình bày, chúng ta có thể nói khi có sự hiểu biết đúng đắn về Phong thủy qua sự ban tặng của Đấng Tạo Hóa, chúng ta sẽ không còn lo sợ, hay mê tín dị đoan khi muốn xây dựng hay cải tạo một ngôi nhà hoặc một công trình. Với góc nhìn như trên, Phong thủy trở nên quá đơn giản, ai cũng có thể áp dụng cho mình một cách dễ dàng, vì thiên nhiên, môi trường luôn ở quanh ta, chỉ cần biết tận dụng, bảo vệ và tính toán một chút là có thể thành công trong việc áp dụng Phong thủy cho chính mình.

Ngày nay, những khái niệm được coi là hiện đại như Đô thị sinh thái, Kiến trúc xanh, Kiến trúc tiết kiệm năng lượng, Kiến trúc bền vững… thật ra, nếu nhìn theo một góc độ của Kinh Thánh thì có thể nói những khái niệm ấy cũng chẳng có gì hiện đại cả, chẳng qua là vì lâu nay kiến trúc Phong thủy đã vô tình hay cố ý đi lạc lối ban đầu, nay quay trở lại với quy luật muôn thuở của Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời, đó chính là Phong thủy của thời nguyên thủy mà thôi. Có một điểm khác nhau ấy là sinh thái trong kiến trúc hiện đại bao gồm nhiều thiết bị và công nghệ của khoa học kỹ thuật, còn sinh thái trong Phong thủy thuở ban sơ thì hoàn toàn thuần khiết và tự nhiên.

Tuy nhiên, hiện nay trào lưu trở về với thiên nhiên thuần khiết cũng là một trào lưu được coi là mới. Giới kiến trúc sư hiện đại đang từng bước loại bớt những thiết bị gây ô nhiễm môi trường mà thay vào đó là tận dụng tối đa môi trường thiên nhiên vào công trình kiến trúc. Trước trào lưu như vậy, thử hỏi chúng ta vẫn còn tự mình chui mình vào mê hồn trận Phong thủy của các “thầy phù thủy” (“phù” chứ không phải là “phong”), thì thật là đáng tiếc, sao không quay về với Phong thủy nguyên sơ mà Đấng Tạo Hóa đã ban tặng, không phải dành riêng cho một số “chuyên gia”, nhưng là món quà cho toàn nhân loại, dành cho tất cả những ai biết tận dụng thiên nhiên tràn ngập quanh mình một cách hợp tình hợp lý.

Và một điều chúng ta cũng cần lưu ý, tuy là sự ban tặng của Đức Chúa Trời nhưng nếu chúng ta không biết bảo vệ và bảo tồn; nếu chúng ta quá thiên về mê tín dị đoan mà lại phá hủy thiên nhiên vô tội vạ, thì những lợi ích của Phong thủy sẽ dần dần bay xa, món quà Chúa ban sẽ không còn đến với chúng ta nữa.

Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường, hãy mở tầm nhìn rộng hơn ra khỏi ngôi nhà đến với môi trường quanh ta để tận hưởng những gì do thiên nhiên mang lại. Đó chính là Phong thủy nhìn từ góc độ Kinh Thánh.

Ánh Dương
(Góc nhìn của một Kiến trúc sư)

Bài trướcGia Lai: Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Bôn Phu
Bài tiếp theoĐức Giê-hô-va Nghịch Cùng… – 21/4/2021