Phải làm sao khi người phối ngẫu ngoại tình?

4834

Không chung thủy gây ra tình huống khó khăn và nhiều đau đớn, và với Cơ Đốc nhân, nó có thể khiến đức tin bị chao đảo. Điều tốt nhất cần làm là “trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em” (I Phi-e-rơ 5:7). Nếu bạn là người bị phản bội, thì mỗi ngày hãy đến với Chúa để tìm kiếm sự an ủi, sự khôn ngoan và chỉ dẫn. Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta vượt qua thử thách cam go nhất.

Ngoại tình không bao giờ là đúng. “Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ gian dâm cùng kẻ phạm tội ngoại tình” (Hê-bơ-rơ 13:4). Người bị phản bội cần tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng báo thù, mà không cần phải lo nghĩ đến việc trả đũa. Đức Chúa Trời sẽ báo thù cho chúng ta cách hiệu quả hơn nhiều. Khi bị phản bội, chúng ta cần trình dâng nỗi đau lên cho Đấng biết mọi chi tiết và sẽ giải quyết cách thích đáng.

CẦU NGUYỆN: Hãy tìm kiếm sự khôn ngoan, sự chữa lành và chỉ dẫn từ Đức Giê-hô-va. Hãy cầu nguyện cho chính mình, cho người có lỗi, và cho những người có liên quan. Hãy cầu xin Chúa dẫn dắt từng suy nghĩ, lời nói, hành động và quyết định của bạn.

HÃY THÀNH THẬT: Người phối ngẫu bị phản bội sẽ chịu đựng tổn thương sâu sắc. Sự phản bội sẽ khiến người đó tức giận và đau đớn. Việc trao những cảm xúc này cho Chúa có thể là bước đầu tiên để nhận được sự chữa lành thật sự (xem Thi 77:1-2). Giao phó cảm xúc và nhu cầu cho Chúa là để cho Ngài đụng chạm đến tấm lòng chúng ta, nhằm giúp chúng ta bỏ qua lỗi lầm của người phối ngẫu đã phạm với mình. Sự tư vấn theo lời Chúa của nhà tư vấn Cơ Đốc hay mục sư sẽ rất hữu ích.

SẴN SÀNG THA THỨ: Chúng ta phải tha thứ cho người khác vì chúng ta đã được Chúa tha thứ (Ê-phê-sô 4:32). Chúng ta nên vui lòng và sẵn sàng tha thứ cho bất kỳ ai, kể cả người phối ngẫu ngoại tình mà biết ăn năn, xưng tội (Ma-thi-ơ 6:14-15; 18:23-25; Ê-phê-sô 4:31-32). Có thể chúng ta không thể hoàn toàn tha thứ ngay, nhưng phải luôn luôn có tấm lòng sẵn sàng tha thứ. Nuôi dưỡng sự cay đắng là có tội và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những quyết định chúng ta phải thực hiện mỗi ngày.

HÃY KHÔN NGOAN: Chúng ta cần xét đến khả năng người phối ngẫu ngoại tình không ăn năn. Chúng ta có phải tha thứ cho người không xưng tội và không ăn năn không? Để trả lời, chúng ta cần biết tha thứ không phải là gì:

  • Tha thứ không phải là quên. Không ai bảo chúng ta phải quên chuyện đã xảy ra, mà phải đối diện với nó và bước tiếp.
  • Tha thứ không phải là lờ đi hậu quả. Tội lỗi tất nhiên để lại hậu quả, và ngay cả những người được tha thứ có thể vẫn phải gánh chịu hậu quả từ những lựa chọn trong quá khứ: “Há có ai đi trên than lửa hực, mà chân mình lại chẳng bị phồng chăng? Kẻ nào đi tới cùng vợ người lân cận mình cũng vậy; phàm ai đụng đến nàng ắt chẳng được khỏi bị phạt” (Châm Ngôn 6:28-29).
  • Tha thứ không phải cảm xúc. Đó là cam kết tha lỗi cho người có lỗi. Đó là một “giao dịch” giữa người bị xúc phạm và người có lỗi. Cảm xúc có thể hoặc không đi chung với sự tha thứ.
  • Tha thứ không phải chuyện riêng tư, bí mật trong lòng mỗi cá nhân. Tha thứ đòi hỏi phải có ít nhất hai người. Đó là lý do cần phải có sự xưng tội và ăn năn.
  • Tha thứ không tự động phục hồi lòng tin. Thật sai lầm khi nghĩ rằng tha thứ người phối ngẫu ngoại tình hôm nay nghĩa là ngày mai mọi chuyện sẽ trở lại bình thường. Kinh Thánh cho chúng ta nhiều lý do để nghi ngờ những người tỏ ra không đáng tin cậy (xem Lu-ca 16:10-12). Xây dựng lại lòng tin chỉ có thể bắt đầu sau tiến trình giải hòa đòi hỏi sự tha thứ thật. Dĩ nhiên đó là tiến trình đòi hỏi sự xưng tội và ăn năn.

Ngoài ra, điều quan trọng nữa là sự tha thứ được cung ứng không giống với sự tha thứ được tiếp nhận. Thái độ tha thứ – sẵn lòng tha thứ- khác với hành động tha thứ thật sự. Chúng ta không nên bỏ qua tiến trình xưng tội và ăn năn cũng như xây dựng lại lòng tin.

Người phối ngẫu bị phản bội có thể tha thứ, nhưng để sự tha thứ được hoàn tất thì đòi hỏi người phối ngẫu phạm tội ngoại tình phải thừa nhận mình cần được tha thứ và đón nhận sự tha thứ. Có như thế mối quan hệ giữa hai người mới được giải hòa.

HÃY THA THỨ: “Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín, công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1:9). Khi hôn nhân rơi vào khủng hoảng, cả hai bên đều cần cầu xin Chúa giúp nhận ra mỗi người đã góp phần gây ra tình trạng đó như thế nào, và để được giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi trước mặt Chúa. Từ đó trở đi, sẽ có sự tự do tìm kiếm ý muốn Chúa và sự chỉ dẫn của Ngài. Đức Thánh Linh sẽ giúp họ làm điều họ không thể làm bởi sức riêng. “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13).

Khi Đức Chúa Trời dẫn dắt, sự tha thứ thật và sự giải hòa là điều hoàn toàn khả thi. Cho dù mất bao lâu, thì cũng phải cố gắng tha thứ và giải hòa (xem Ma-thi-ơ 5:23-24). Về vấn đề có nên tiếp tục sống chung hay đường ai nấy đi thì Kinh Thánh chép “hễ người nào không vì lý do gian dâm mà ly dị vợ và đi cưới người khác thì phạm tội ngoại tình” (Ma-thi-ơ 19:9). Mặc dù bên vô tội có thể có lý do để ly hôn, nhưng Đức Chúa Trời vẫn mong muốn sự tha thứ và giải hòa hơn.

Tóm lại, khi người phối ngẫu của Cơ Đốc nhân ngoại tình, thì bên bị phản bội phải giữ cho mình không cay đắng (Hê-bơ-rơ 12:15) và cẩn thận không lấy ác trả ác (I Phi-e-rơ 3:9). Chúng ta phải sẵn lòng tha thứ và thực sự mong muốn được giải hòa. Đồng thời, chúng ta cũng không cần tha thứ cho người không biết ăn năn. Trong mọi sự, chúng ta phải tìm kiếm Chúa và tìm kiếm sự trọn vẹn cùng sự chữa lành ở trong Ngài.

Khuê Trần dịch
Nguồn: gotquestions.org

Bài trướcKhi Sự Kiêu Ngạo Là Động Lực – 28/7/2020
Bài tiếp theoĐắk Lắk: Bồi Linh – Huấn Luyện Cho Hơn 1500 Chấp Sự Toàn Tỉnh