Nương Cậy Nơi Chúa – 25/3/2018

2910

 

Gióp 19:13-20

13 Ngài khiến các anh em tôi lìa xa tôi,
Và những người quen biết tôi trở nên kẻ lạ.
14 Các thân thích đều lìa bỏ tôi,
Các mật hữu tôi đã quên tôi.
15 Những kẻ ở trong nhà tôi, và các tớ gái tôi đãi tôi như một khách lạ,
Trước mặt chúng, tôi đã trở thành một người ngoài.
16 Tôi gọi kẻ tôi tớ tôi, mà nó không thưa,
Dẫu tôi lấy miệng mình nài xin nó cũng vậy.
17 Hơi thở tôi làm gớm ghiếc cho vợ tôi,
Và con trai của mẹ tôi ghét lời cầu khẩn tôi.
18 Đến đỗi những đứa trẻ cũng khinh tôi;
Nếu tôi chỗi dậy, chúng nó nhạo báng tôi.
19 Các bạn thân thiết đều gớm ghét tôi,
Những người tôi thương mến đã trở nghịch tôi.
20 Xương cốt tôi sát vào da và thịt tôi,
Tôi đã thoát được chỉ còn da bọc răng tôi mà thôi

Câu gốc: Thà nương náu mình nơi Đức Giê-hô-va, còn hơn tin cậy loài người” (Thi Thiên 118:8).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp than thở con người cư xử với ông bi thảm, đáng thương ra sao? Chúa Giê-xu đã đối xử thế nào với những người bị xã hội ruồng bỏ? Bí quyết nào giúp chúng ta có thể phục hồi khi bị người thân đối xử tệ bạc?

Trong vỏn vẹn chỉ 8 câu 13-20, ông Gióp đã phác họa một hoàn cảnh bi thảm, đáng thương khi những người ông trông cậy đều quay lưng lại với ông. Đối tượng đầu tiên ông đề cập là những người anh em, bạn hữu thân thiết, người quen, thân bằng quyến thuộc. Họ đều xem ông như người dưng nước lã, xa lánh, không quan tâm gì đến hoàn cảnh của ông. Đối tượng thứ hai là những tôi trai, tớ gái trong nhà. Họ là người làm trong gia đình ông, xưa kia luôn vâng lời làm theo ý ông, thì giờ đây dù ông có “nài xin” họ cũng không thưa, xem ông như người ngoài. Kế đến, là những người thân nhất trong gia đình. Vợ ông thì “gớm ghiếc” hơi thở ông, còn anh em ông thì ghét khi nghe đến lời cầu khẩn của ông. Hơi thở ông còn bị ghê tởm, lời cầu khẩn còn bị ghét thì làm sao họ có thể chấp nhận những điều cầu xin nơi ông. Ngay cả những trẻ con còn bé, thiếu sự khôn ngoan, là thành phần chưa có địa vị trong xã hội cũng “khinh” ông thì còn ai tôn trọng ông. Đối tượng cuối cùng ông nhắc tới là “bạn thân thiết”“người tôi thương mến,” là những người tâm giao cũng trở mặt với ông. Hoàn cảnh bi thảm của ông được biểu hiện qua sự suy tàn của cơ thể (câu 20). Ông Gióp đã đau khổ vì nỗi mất con, mất của, cơ thể bệnh tật. Mà giờ đây nỗi đau ông càng gia tăng khi mọi người xem ông như tội nhân đáng phải nhận hình phạt từ Đức Chúa Trời. Họ kinh tởm, ruồng rẫy, lánh xa ông. Ông cô đơn trong nỗi đau tột cùng từ thể xác đến tinh thần.

Chúa Giê-xu là Đấng thương xót ở cùng những người bị xã hội ruồng bỏ, cô đơn. Chúa đến với người thu thuế và tội nhân (Ma-thi-ơ 9:9-13), đặt tay chữa lành cho người phong hủi (Ma-thi-ơ 8:1-4), trò chuyện với người đàn bà tội lỗi (Lu-ca 7:36-50). Chúa sinh ra trong cảnh khó nghèo và chết chung với kẻ trộm cướp… Tiên tri Ê-sai viết về Chúa: “Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì” (Ê-sai 53:3). Biết bao người trong chúng ta nương cậy vào con người để rồi gánh lấy sự khinh chê, thất vọng. Khả năng con người có hạn, tình cảm con người cũng dễ nhạt phai, nhưng Chúa là Đấng Quyền Năng, Đấng Yêu Thương sẽ giúp chúng ta đắc thắng thử thách và rịt lành vết thương của thể xác lẫn tâm linh chúng ta. Hãy nương cậy nơi Chúa.

Bạn có thật sự nương cậy và phó thác cuộc đời mình cho Ngài chưa?

Kính lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài luôn thương xót, bảo vệ, và cho con sự bình an trong cơn hoạn nạn; tạ ơn Chúa vì trong Ngài con có sự nương cậy đời đời.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Xuất Ê-díp-tô Ký 31.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Bài trướcLễ Cảm Tạ Chúa Và Ra Mắt Điểm Nhóm Miệt Cũ, Cu-vơ
Bài tiếp theoHuấn Luyện Mục Vụ Thể Thao Căn Bản Tại Phú Yên