Đoàn Y Tế Lưu Động của Uỷ Ban YTXH-TLH Hội Thánh Tin Lành VN (MN) kết hợp cùng ban YTXH Tin Lành và Hội Từ Thiện tỉnh Quảng Nam, đã đi khám bệnh và phát thuốc cho ba xã miền núi của tỉnh Quảng Nam Trong ba ngày, 23 – 25.09.2010. Dưới đây là những ghi nhận sau chuyến đi của một tình nguyện viên.
Theo kế hoạch, UB YTXH TLH đã xin phép chính quyền địa phương cho đoàn y tế của tổ chức từ thiện World Hope đến khám và chữa bệnh chính trong lần này, nhưng vì công tác cứu trợ tại Pakistan trong trận lụt lớn tháng 7-8 vừa qua còn quá nhiều nên họ đã hủy chuyến đi Việt Nam. Tuy vậy Đoàn vẫn quyết định thực hiện đợt khám bệnh như đã cam kết với các địa phương. Đoàn khám bệnh từ thiện lần này cũng có khám và chữa răng, khám phụ khoa, đo và tặng kính đeo mắt như thường lệ. Đoàn gồm có 25 y bác sĩ và tình nguyện viên từ Quảng Nam và 9 y, bác sĩ, dược sĩ từ Sài Gòn ra.
Ngoài 3 địa điểm ghi nhận trong bài viết dưới đây, đoàn cũng khám thêm được một nơi cho đồng bào nghèo di cư và sống tạm bợ thuộc khu vực thành phố Đà Nẵng.
Kết quả khám như sau:
– Ngày 23/9: tại Hiệp Đức – Quảng Nam: 360 bệnh nhân;
– Ngày 24/9: tại Quế Sơn – Quảng Nam: 515 bệnh nhân
– Ngày 25/9: tại Nông Sơn – Quảng Nam: 597 bệnh nhân
– Ngày 27-29/9: tại Hoà Liên – Đà Nẵng: 409 bệnh nhân
Tổng cộng: 1.881 bệnh nhân. Chi phí tổng cộng: 99.141.000 VND.
Đoàn đã được chính quyền địa phương rất hoan nghênh tinh thần và thái độ làm việc của đoàn. Trước chuyến công tác trời mưa gió liên tục, nhưng trong suốt những ngày làm việc lại không có một hạt mưa. Sau khi hoàn thành công tác ra về thì mưa bão mới ập đến. Các anh em trong đoàn chỉ biết cảm tạ ơn Chúa vì sự tể trị của Ngài trên mọi sự. Vị Phó Chủ tịch Hội Từ thiện Quảng Nam nói rằng: "Tôi nghĩ các anh em ra sẽ không làm được vì trước đó mưa mỗi ngày, và chúng ta làm sẽ không thể đến được những vùng sâu. Chúa của các anh em thật là kỳ diệu!"
Ngày thứ nhất: xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức
Tia nắng ban mai yếu ớt của mùa thu vừa lóe lên, cũng là lúc chúng tôi tập kết hành lý, thuốc men, mì tôm và nước uống để chuẩn bị lên đường. Sau lời cầu nguyện của BS Thanh trưởng đoàn, xe của chúng tôi bắt đầu chuyển bánh. Làm sao có thể tả hết được niềm vui của ngày hôm ấy nhỉ! Đã lần thứ ba được tham gia với đoàn khám bệnh như thế này rồi, nhưng sao lần nào cũng hân hoan như chưa từng được… Để tiết kiệm thời gian, BS trưởng đoàn đã chia việc cho từng người ngay trên xe còn đang bon bon trên đường. Mỗi người đều nhận trách nhiệm cho ngày làm việc của mình. Tôi phấn khởi nhận ngay công việc ở phòng khám phụ khoa, vì so với các em sinh viên cộng tác tôi thấy mình lớn hơn, có kinh nghiệm trong việc này và ít e ngại hơn.
(Nguồn: Nxb Bản đồ – www.bando.com.vn)
Vượt qua 100 km đường dài, đoàn chúng tôi đã đến xã miền núi Sông Trà thuộc huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi vội vàng xuống xe, người vác thùng, người khiêng bao, tất cả thuốc men và dụng cụ khám bệnh (phụ khoa và nha khoa) được tập kết vào một nơi để từ đó sẽ phân phối đến từng khoa tùy theo số lượng cần dùng. Người dân nghèo nơi đây cũng đã đến thật sớm với ước mong được khám và nhận những viên thuốc mà từ lâu họ không có đủ tiền để mua. Được biết đoàn khám bệnh lần này có cả các bác sĩ từ Sài Gòn ra nên ai cũng rất muốn được khám bệnh một lần.
Mở đầu buổi làm việc đầu tiên là lời phát biểu của cô Các, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh Quảng Nam (cùng đi với đoàn chúng tôi). Sau đó là vài phút gặp gỡ nói chuyện cùng bệnh nhân của BS trưởng đoàn. Bằng sự sắp xếp và những lời khuyên chân thành, BS trưởng đoàn đã giúp bà con ổn định chỗ ngồi và từng người lần lượt được mời đến khám bệnh. Mặc cho cái nắng oi nồng nóng bức của xứ núi, chúng tôi ai nấy vẫn hăng say với phần việc được giao của mình, không chút mệt mỏi, không chút nghỉ ngơi vì tất cả đều biết rằng mình đang mang tình yêu Thiên Chúa đến với bao nguời!
Tôi nhớ buổi trưa hôm ấy, các y bác sĩ đã làm việc hết mình đến 12 giờ trưa, cả đoàn gần như đói lả. Chúng tôi chia nhau mỗi người một tô mì tôm lót dạ, rồi lại tiếp tục công việc cho đến 15g30 chiều. Và kết cục cho ngày đầu tiên đó là gần 400 bệnh nhân được khám, chẩn đoán bệnh và nhận thuốc miễn phí. Sau lời phát biểu cám ơn đoàn của một vị đại diện chính quyền sở tại, chúng tôi lại vội vã lên đường trở về để tiếp tục cho cuộc hành trình ngày hôm sau.
Đoàn lên đường tới Sông Trà
Đoàn đến xã Sông Trà
Bác sĩ hỏi kỹ trước khi khám bệnh
Luôn đối chiếu thuốc để không sai xót
Thử kính đeo mắt
Quá nhiều răng sâu
Chụp hình Lưu niệm tại Sông Trà trước khi tiếp tục lên đường
Ngày thứ hai: xã Quế Minh, huyện Quế Sơn, nơi từng là xã nghèo nhất nước
Sáng sớm, chúng tôi quây quần bên nhau, mỗi người một tô mì và một tách cà phê uống vội, rồi tất tả lên đường. Đường về Quế Minh có thuận tiện hơn nên đoàn chúng tôi có mặt tại Trạm Y tế xã sớm hơn dự kiến. Vì đã có kinh nghiệm của ngày đầu nên hôm nay mọi việc nhanh chóng đi vào nề nếp.
Tại đây, tuy điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều nhưng cũng có đủ các phòng để đoàn thực hiện tốt công việc của mình, kể cả phòng hộ sinh để khám phụ khoa cho chị em. Được như vậy là đã quá tốt rồi, bởi vì Quế Minh đã từng là một trong những xã nghèo nhất nước. Sau đó Chủ tịch nước đã đến thăm và đề nghị nhiều công trình như thuỷ lợi, xây dựng trường học và các cơ sở y tế nên mới có được như ngày nay. Tôi nhận thấy chị em nơi đây rất mong muốn ngày càng có nhiều đoàn y tế về đây để được khám và được biết tình trạng sức khỏe của mình. Chỉ vì cái nghèo luôn song hành đã khiến họ không đẩy lùi được bệnh tật.
So với ngày đầu công tác, hôm nay phòng phát thuốc có vẻ bận rộn và vất vả hơn nhiều. Thật cảm động khi nhìn những cô gái tình nguyện, trẻ trung, vóc dáng be bé gầy gầy nhưng lại thật tận tình và đầy nhiệt huyết. Các bạn vừa kiểm tra đơn thuốc, gửi thuốc cho bệnh nhân lại vừa ân cần dặn dò cách uống. Trong ngày thứ hai này, cũng có các tình nguyện viên đang theo học tại trường Cao Đẳng và Trung Cấp y tế Tam Kỳ tham gia phụ giúp kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân. Đây là cơ hội để các bạn thực hành chuyên môn của mình và cũng để bày tỏ tình yêu thương bằng hành động phục vụ bệnh nhân nghèo mà trường học cũng như các nhóm học Kinh Thánh hay nhắc đến. Riêng BS trưởng đoàn có lẽ là người bận rộn hơn cả. Vì sau khi đi từng phòng kiểm tra đôn đốc anh em, thì lại tất bật quay về phòng để khám cho các cụ già. Tôi nhận thấy các y bác sĩ cùng các tình nguyện viên trong đoàn miệt mài hăng say như những chú ong chăm chỉ làm việc quên mình.
Cũng như ngày đầu, chúng tôi làm việc đến 12g15 mà vẫn chưa nghỉ ngơi, bà con đến khám gần như mỗi lúc một đông hơn. Để đảm bảo sức khỏe cho anh em trong đoàn, trưởng đoàn yêu cầu tất cả tạm ngừng để ăn trưa. Sau vài phút được hít thở dưới bóng mát của cây bàng trước sân, không để bà con phải đợi lâu hơn, đúng 13g15 chúng tôi lại tiếp tục bắt tay vào công việc. Cứ khoảng 5 đến 10 phút là tôi nghe có tiếng trẻ em khóc thét ở phòng bên cạnh. Ồ, thì ra là cái răng sâu của các bé vừa bị triệt phá! Thế mới biết các nha sĩ của đoàn cũng vất vả biết bao! Cô nha sĩ nhỏ nhắn nhưng không một chút mệt mỏi với công việc của mình.
Một lát sau, tôi lại nghe có tiếng khóc thật to của một phụ nữ chắc cũng khoảng trên 60 tuổi phát ra từ phòng kế bên. Tôi chợt nhận ra đó không phải là phòng khám răng mà là phòng khám và cấp kính mắt. Tôi liền chạy sang mà băn khoăn tự hỏi vì sao bà lại khóc nức nở như thế nhỉ? Tôi nhìn anh kỹ thuật viên mắt kính và thấy anh cũng đang ngơ ngác giống như tôi. Anh chẳng hiểu tại sao bà lại khóc như vậy khi được đeo thử cặp mắt kính. Sau vài phút, chúng tôi được nghe bà kể lý do vì sao bà lại khóc. Từ lâu lắm, khi tuổi đã cao, bà không còn nhìn thấy rõ nữa, nhưng vì nhà quá nghèo, bà không đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Bà nghĩ mình bị một bệnh mắt rất nặng làm mờ mắt và bà dần phải chấp nhận cảnh nhìn mọi vật xung quanh đều lờ mờ cho đến cuối đời. Nhưng thật ra bà chỉ bị một tật của mắt, tật viễn thị! Vì vậy khi vừa đeo cặp kính đúng với độ viễn của mình vào, bà nhìn thấy mọi thứ rõ mồn một giống như thời còn trẻ. Quá xúc động, bà đã òa lên khóc như một em bé. Tôi thấy bà mừng vui như vừa tìm lại một vật gì quý giá đã đánh mất từ lâu. Bà chào và ra về thật nhanh, tôi đọc được trong ánh mắt bà sự biết ơn mà bà không diễn tả hết bằng lời được.
Thấy đây là nhu cầu cần thiết cho các tín hữu lớn tuổi muốn đọc Kinh Thánh, nhóm Y tế Lưu động đã mời hai vợ chồng anh Tế chị Dung, vốn đã nhiều năm trong nghề kính mắt nay đã nghỉ hưu, dự phần vào công việc này và anh chị đã nhận lời. Vậy là từ hơn một năm qua, đoàn khám bệnh của UB YTXH TLH có thêm bộ phận đo và tặng kính mắt miễn phí cho người lớn tuổi bị viễn thị. Lúc đầu, UB YTXH TLH không hình dung được nhu cầu lớn đến như vậy. Khi đến với những vùng quê nghèo các anh chị mới biết được có rất nhiều người cần kính mắt nhưng vì ăn còn bữa đói bữa no làm sao có thể nghĩ đến một cặp kính mắt, mặc dù đó không phải là thứ gì đắt đỏ lắm. Hai anh chị đã tiết kiệm tiền cho Chúa bằng cách mua vật liệu về và gia công tại nhà. Vì vậy kính mắt mà đoàn tặng là kính mới 100%, rất có giá trị nhưng lại không quá đắt tiền. Cuối mỗi chuyến khám bệnh, anh chị là người thu dọn nơi làm việc của mình sau cùng vì có quá nhiều người có nhu cầu đang ngồi chờ. Dù có đông đến mấy, anh chị cũng rất cẩn thận từ tốn xác định một cặp kính phù hợp nhất cho từng bệnh nhân. Được biết, đoàn cũng ao ước sắm được dụng cụ đo mắt điện tử loại xách tay (portable) để hai anh chị đỡ vất vả hơn cách đo mắt thủ công bằng cách lắp tròng như lâu nay.
Mãi đến 16g30 chúng tôi mới hoàn tất công việc khám bệnh và gửi tặng thuốc tại đây. Còn biết bao người nghe tin cũng vượt đường xa đến để mong được khám. So với số phiếu đã phát ra là 400, chúng tôi đã nỗ lực khám lên đến 485 người rồi. Tôi cũng không quên được buổi chiều hôm ấy, khi chúng tôi được các anh chị trong UB xã mời ngồi lại ít phút để trò chuyện trước khi chia tay. Các vị chủ tịch UBND xã, chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc huyện, cùng Trưởng ban Tôn giáo Huyện gửi lời cám ơn chân tình đến đoàn của chúng tôi. Một đại diện chính quyền đã phát biểu trước đoàn rằng: “Mảnh đất Quế Sơn còn nghèo vì thế người dân nơi đây còn lắm bệnh tật. Nhưng có lẽ Chúa ban phước thật nhiều cho người dân nơi đây và cho đoàn các anh chị nữa. Nếu vẫn mưa dầm dề như những ngày trước, chắc có lẽ đoàn khó lòng mà vượt dốc núi cheo leo để đến với bà con nơi đây được. Và như vậy bà con sẽ mất đi cơ hội được khám bệnh, nhận thuốc…” Được biết trước đó mưa gió liên tục nhiều ngày liền, nhưng bỗng dưng ngưng lại kể từ hôm đoàn chúng tôi đến làm việc. Lời phát biểu ấy cứ làm tôi nhớ mãi và thấy quá đỗi tự hào. Tự hào rằng Đấng mà tôi đang tin được cả những người chưa tin cũng tin kính và tôn trọng. Tôi thấy mình có lỗi với Chúa, vì ơn phước Chúa cho chúng ta quá nhiều, ngay cả khi chúng ta không cầu xin vì không lường trước, nhưng Chúa luôn lo liệu cho chúng ta mà chúng ta thường ít khi thấy được. Chính người chưa biết Chúa cũng cảm nhận được điều này!
Chúng tôi cũng được nghe cô Các, Phó Chủ tịch hội Từ Thiện tỉnh kể lại lời của một bà cụ bệnh nhân nói với cô: “Nếu các y bác sĩ trong bệnh viện của nhà nước làm việc tận tình và niềm nở như các y bác sĩ ở đây thì tui đi khám hoài chứ đâu phải nằm ở nhà chịu đau đớn như thế này. Các y bác sĩ ở đây làm việc hết mình, nói năng nhẹ nhàng và niềm nở sao dễ thương quá…” Chúng tôi như được một luồng gió mát ào đến giữa mùa hè nóng oi bức. Đó là điều quý nhất mà đoàn y tế chúng tôi cần có trong lúc này. Bác sĩ, thuốc men, quà tặng cho bệnh nhân dù có đắt tiền bao nhiêu cũng có thể có hay mua được, nhưng tinh thần làm việc nhiệt thành thì khó có thể có nếu như việc làm của chúng tôi không xuất phát từ tình yêu Chúa. Hết thảy chúng ta là con của Chúa hãy cầu nguyện cho đồng bào của mình, tôi tin tình yêu của Chúa đã lan rộng, đã thấm sâu trong mỗi người đây đó gần xa, qua công tác y tế từ thiện mà Chúa dạy chúng ta làm. Tôi tin một ngày không xa Tin Lành cứu rỗi của Chúa sẽ đến với tất cả cộng đồng.
Chia tay với bà con nơi đây chúng tôi thấy lòng bịn rịn bồi hồi. Mong một ngày không xa đoàn chúng tôi lại đến, mang theo những viên thuốc tình thương để xẻ chia và an ủi đồng bào nơi núi rừng hoang vu này.
Vài lời cùng đồng bào trước khi đoàn bắt đầu làm việc
Giờ khám bệnh
Phát Thuốc
Họp Tổng kết
Hai thế hệ cùng cộng tác
Chụp hình lưu niệm trước khi tiếp tục lên đường
Ngày thứ ba: xã Quế Ninh, Nông Sơn
Vẫn bắt đầu từ 5g30 sáng, nhưng hôm nay không khí có vẻ nhộn nhịp hơn hẳn. MS Võ Đình Đán vừa trở về sau chuyến công tác từ TpHCM, không phút nghỉ ngơi, cũng lên đường cùng với đoàn. Có lẽ vì thế mà anh em chúng tôi cũng được khích lệ rất nhiều. Xe chuẩn bị chuyển bánh cũng là lúc MS dâng lời cầu nguyện lên Đức Chúa Trời để Ngài dẫn dắt đoàn đi trong sự bình an của Ngài. Điểm lại danh sách đoàn, hôm nay có ít hơn hai ngày qua. Hôm nay là ngày thứ 3 liên tiếp, một số anh chị em vừa có phần mệt mỏi, vừa bận công việc làm ăn và công việc gia đình nên đành vắng mặt. Nhưng không sao! Chúa đã tiếp trợ cho đoàn có thêm bác sĩ Thành, là tín hữu từ Đà Nẵng vào và 7 anh chị em tình nguyện viên gồm MS và các tín hữu của HT Phước Bình (Quảng Nam). Tuy điểm khám bệnh thuộc khu vực của HT Khánh Bình nhưng vì HT đang tất bật chuẩn bị cho hôm sau là ngày chia tay MS quản nhiệm cũ và đón MS quản nhiệm mới về, nên không dự phần với chúng tôi được. HT Phước Bình tuy ở xa hơn, nhưng đã hỗ trợ nhân lực cho chúng tôi. Các anh chị đã làm việc quên mình và rất vui vẻ vì cùng đồng công với chúng tôi phục vụ đồng bào nghèo.
Vượt hơn 150 km đường núi ngoằn ngoèo, cheo leo, đi qua ngọn đèo “Le” cao chót vót, rồi băng qua chiếc cầu Nông Sơn, nơi trước đây là bến phà Cà Tang. Năm 2004, đã có 18 em học sinh chết đuối vì chìm đò tại đây và từ đó một phong trào vận động quần chúng rộng lớn dẫn đến việc hình thành chiếc cầu Nông Sơn này. Qua cầu, xe chúng tôi đến xã Quế Ninh thuộc huyện Nông Sơn. Bà con nơi đây đã tập trung từ rất sớm, không khí thật náo nhiệt. Khác với hai điểm trước, chính quyền địa phương giao cho đoàn y tế chúng tôi sử dụng hội trường của xã. Thật khó khăn và vất vả, vì bệnh nhân thì đông, lại nhiều bệnh, nhiều chuyên khoa khác nhau mà chỉ trong một hội trường trống trải, không vách ngăn, thiếu ghế bàn. Tuy nhiên, càng gặp khó khăn thì anh em lại càng quyết tâm hơn.
MS Đán cùng BS trưởng đoàn vừa lo ổn định tổ chức vừa động viên tinh thần anh em. Sau khi mượn được mấy chiếc bàn cũ kỹ và mấy chiếc phông màn trắng từ một bưu điện kế bên hội trường, chúng tôi che chắn ngang dọc và cuối cùng cũng có được một phòng khám phụ khoa kín đáo để bệnh nhân nữ có thể yên tâm không ngại ngần mà bước vào kiểm tra sức khỏe sinh sản của mình. Chúng tôi bố trí hội trường chỉ để khám bệnh nội khoa và phát tặng thuốc, còn Nha khoa và kính mắt phải chuyển sang một căn nhà khác nằm gần hội trường. Cũng nhờ nằm cách nhau như vậy nên bệnh nhân không tập trung lại một chỗ, và chúng tôi làm việc nhanh hơn. Theo lẽ thường chỉ ở vùng sông nước mới có nhiều chị em phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa do làm việc dầm mình trong nước ô nhiễm, nhưng chúng tôi nhận thấy tại vùng núi rừng như ở đây lại cũng có rất nhiều chị em phụ nữ mắc bệnh phụ khoa. Họ thường ít đến y tế vì nghèo mà cũng vì e ngại nên không được tư vấn về vệ sinh phòng ngừa làm cho bệnh kéo dài nhiều năm. Ngoài việc khám bệnh và điều trị, đoàn chúng tôi còn tư vấn và gửi tặng chị em một cuốn sách nhỏ hướng dẫn cách vệ sinh phòng bệnh cho mình.
Đến 12g30 trưa, ai nấy đều thấm mệt và đói lả. HT Khánh Bình mặc dù tất bật việc chuẩn bị cho ngày lễ hôm sau, cũng đã chuẩn bị cho chúng tôi một bữa trưa thật ngon miệng. Dù chỉ đơn giản là mì Quảng và xôi nếp – đậu xanh, nhưng thật sự ngon làm sao! Ngon vì đường đi xa xôi, vì làm việc cực nhọc cả buổi sáng, ngon vì đói bụng mà cũng ngon vì tình cảm ấm áp từ HT địa phương cùng dự phần với chúng tôi, dù chỉ là để lo công việc hậu cần.
Trong đoàn chúng tôi có một nữ hộ sinh là người từ Sài Gòn. Chị đảm trách phòng khám phụ khoa tại một bệnh viện Huyện thuộc Tp.HCM. Tôi nhận thấy chị quá đỗi nhiệt tình, làm việc hết lòng, không than phiền, không nhăn nhó dù bệnh nhân bao quanh đông đúc và nóng nực. Cứ ngỡ chị là tín hũu từ Sài Gòn ra, nhưng khi cùng làm việc tâm sự với nhau, tôi mới biết chị là người ngoại đạo! Vì cùng làm việc, cùng giúp đỡ nhau và chia sẻ niềm tin cho nhau, dần dần chị như cảm nhận được tình yêu của Chúa. Ban đầu chị làm việc nhiệt tình vì thấy chúng tôi nhiệt tình, sau đó chị thấy rõ động cơ chúng tôi làm việc là không gì khác ngoài tình yêu Chúa và yêu tha nhân. Cuối cùng chị đã quyết định cầu nguyện tiếp nhận Chúa để làm con của cùng một Cha với anh em trong đoàn. Đêm ấy mỗi chúng tôi ai nấy đều cầu nguyện cảm tạ ơn Chúa, thật nhiều!
Vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người, dù là tại một nơi thiếu điều kiện phòng ốc như thế, nhưng đoàn chúng tôi đã có một kết quả đáng kinh ngạc: tổng số 610 bệnh nhân! Trong đó: 55 người được khám và tặng kính đeo mắt; 56 bệnh nhân được nhổ răng; 112 chị em được khám phụ khoa, nhận thuốc, dụng cụ vệ sinh; và có đến 387 bệnh nhân được khám nội khoa nhận thuốc miễn phí.
Chúng tôi kết thúc hành trình 3 ngày khám bệnh cho đồng bào nghèo bằng một buổi tối trò chuyện với Hội Từ Thiện tỉnh Quảng Nam. Các anh chị và cô chú ở đây đa số đã về hưu và muốn đóng góp phần đời còn lại giúp bà con nghèo. Ông Chủ tịch Hội đã nêu lời bày tỏ lòng cảm ơn và cam kết sẽ hợp tác lâu dài với HT tại Quảng Nam cũng như UB YTXH. Rời Quảng Nam, chúng tôi luôn nhớ về những hoàn cảnh nghèo khó mà suốt 3 ngày qua chúng tôi đã gặp. Tôi tin chắc một điều, chúng tôi chỉ là công cụ trong tay Chúa. Ngài sẽ là Đấng mang đến cho họ sự chữa lành để rồi quyền năng của Ngài được bày tỏ cách rõ ràng. Và rồi không chỉ phần thể xác mà cả phần linh hồn của họ cũng thuộc về Chúa nữa. Phao-lô cũng đã bởi quyền năng của Ngài mang Tin Lành đến cho người ngoại đạo theo cách như vậy: “Vì tôi chẳng dám nói những sự khác hơn sự mà Đấng Christ cậy tôi làm ra để khiến dân ngoại vâng phục Ngài, bởi lời nói và bởi việc làm, bởi quyền phép của dấu kỳ phép lạ, bởi quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Ấy là từ thành Giê-ru-sa-lem và các miền xung quanh cho đến xứ I-ly-ri, tôi đã đem đạo Tin Lành của Đấng Christ đi khắp chốn.” (Rô-ma 15:18-19).
Muốn thật hết lòng!
Đông đảo bà con chờ đợi
Bắt đầu triển khai
Toàn cảnh nơi khám bệnh
Khám bệnh tỉ mỉ
Hỏi kỹ bệnh nhân
Hỏi bệnh một bà cụ
Khám cẩn thận
Kê đơn thuốc
Khám bệnh cho trẻ em
Khu khám phụ khoa
Phát tặng thuốc
Đo và tặng kiếng đeo mắt
Khám chữa răng
Tình nguyện viên giúp
Họp tổng kết
Xuân Ái, một tình nguyện viên tại Tam Kỳ