NGƯỜI PHỤ NỮ “BẤT TỬ”

3696

HTTLVN.ORG – Nhân ngày Phụ nữ Tin Lành, chúng ta cùng nhớ về một người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác nhưng đã trở thành “bất tử” qua câu chuyện được ký thuật trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 26:6-13.

“Khi Đức Chúa Giê-xu ở làng Bê-tha-ni, tại nhà Si-môn là người phung, có một người đàn bà cầm cái chai bằng ngọc trắng đựng dầu thơm quý giá lắm, đến gần mà đổ trên đầu Ngài đương khi ngồi ăn. Môn đồ thấy vậy, giận mà trách rằng: Sao phí của như vậy? Dầu này có thể bán được nhiều tiền và lấy mà bố thí cho kẻ nghèo nàn. Đức Chúa Giê-xu biết điều đó, bèn phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi làm khó cho người đàn bà đó? Người đã làm việc tốt cho ta; vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình, song sẽ không có ta ở cùng luôn luôn. Người đổ dầu thơm trên mình ta là để sửa soạn chôn xác ta đó. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin Lành này được giảng ra, thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người.”

Tham khảo thêm các sách Phúc Âm Mác 14:3-9 và Giăng 12:1-8, chúng ta biết người phụ nữ trên là cô Ma-ri, em của La-xa-rơ và Ma-thê. Câu chuyện của người phụ nữ đặc biệt này luôn đem lại cho chúng ta nhiều điều tâm đắc, từ việc ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Lời Ngài đến việc đổ hết chai dầu quý giá để xức cho Ngài.

Cơ hội: Tận dụng hay quay lưng?

Chúa Giê-xu đã về đến Bê-tha-ni và đang ngồi ăn tại nhà ông Si-môn, đúng là một dịp tiện hiếm có, mọi người có thể nghĩ đến việc sẽ đến xin điều này điều nọ, nhưng cô Ma-ri quyết định thật nhanh, xức dầu cho Chúa ngay cơ hội này. Có thể cô nhiều lần nghe lời Chúa giảng dạy nên cũng phần nào hiểu rằng Chúa sẽ chịu chết và chôn, vì vậy cô muốn xức dầu cho Ngài thay vì xức xác sau khi Ngài chết. Dù phỏng đoán đó có đúng hay không thì chúng ta cũng thấy được một điều là cô Ma-ri đã biết tận dụng cơ hội để làm việc đáng phải làm và cô đã quyết định làm ngay.

Điều đáng sợ ngày nay là người ta nói quá nhiều, nói toàn điều hay điều tốt, nhưng làm thì quá ít; người ta hẹn quá nhiều thay vì phải làm ngay. Cơ hội đến với mỗi người từng ngày, nhưng cơ hội qua đi cũng không phải là ít. Nghe một bài giảng cảm động, nhiều người đã cầu nguyện và hứa trong nước mắt rằng con sẽ ra đi, rằng con sẽ đọc Kinh Thánh mỗi ngày, rằng con sẽ dâng mình cho Ngài, rằng con sẽ…, nhưng khi những giọt lệ khô đi, những hẹn hò cứ tiếp nối những lời hứa, mặc cho cơ hội trôi qua với những lý do vô cùng “chính đáng”.

Cô Ma-ri có thể nói tôi sẽ mua ít dầu khác vì bình dầu này nhiều quá, cần phải tiết kiệm. Cô cũng có thể nghĩ như ông Giu-đa rằng thôi đến với Chúa là đủ rồi, chai dầu này để dành mai mốt bán đi giúp cho người nghèo chắc là sẽ tốt hơn v.v…, nhưng không, cô đã quyết định vì cô biết nếu để cơ hội qua đi sẽ không bao giờ có lại được, và cô đã thành công.

Một cơ hội để học hỏi; một cơ hội để hiến dâng; một cơ hội để phục vụ; một cơ hội để nhận lãnh trách nhiệm; một cơ hội để hy sinh… chúng ta có noi gương cô Ma-ri thuở xưa hay ngoảnh mặt làm ngơ? Câu trả lời xin dành cho mỗi người suy ngẫm.

Nam hay nữ? Bên trọng bên khinh?

Trong bữa tiệc tại nhà ông Si-môn có khá nhiều người, có Chúa, có 12 sứ đồ, có ông La-xa-rơ, có ông Si-môn v.v…, gần như toàn là nam cả, trừ cô Ma-ri. Cũng có thể có chị Ma-thê, nhưng có lẽ với phong tục thời đó và với bản tính thích phục vụ, chị đã không có mặt cạnh bàn tiệc. Cô Ma-ri đơn thân độc mã đến bên Chúa, lấy chai dầu thơm quý giá đắt tiền đổ ra xức cho Ngài. Việc làm của cô, người phụ nữ duy nhất trong bữa tiệc, đã gây nên một sự xôn xao giữa những người đàn ông hiện diện tại đó. Các sứ đồ đều đứng về phía Giu-đa, giận cô Ma-ri đã làm một việc quá ư phí phạm! Và Giu-đa đã lên tiếng chỉ trích Ma-ri. Vốn là nữ chân yếu tay mềm, là thiểu số giữa một lực lượng áp đảo, lại ở giữa một xã hội trọng nam khinh nữ của thời ấy, cô Ma-ri nắm chắc phần thua. Nhưng trong mắt Chúa thì mọi sự hoàn toàn thay đổi. Chúa đã bênh vực cô Ma-ri, chẳng những bênh vực nhưng Ngài còn tôn vinh việc làm của cô đến mai sau nữa.

Xã hội ngày nay người nữ luôn phải đấu tranh đòi hỏi bình đẳng giới, tuy nhiên trên thực tế hiệu quả chẳng được là bao. Xã hội càng giàu có, chúng ta thấy càng có nhiều người nữ trở thành món đồ chơi hoặc mặt hàng cho một số người nam mua bán. Trong Hội Thánh Chúa nhiều nơi cũng còn phân biệt đối xử hoặc có tinh thần trọng nam khinh nữ, tuy không thể hiện rõ nét nhưng bàng bạc trong cách cư xử, cách nói năng, cách nhận định vấn đề. Nhiều gia đình vẫn coi trọng con trai hơn con gái, nhiều cặp vợ chồng vẫn đòi cho được con trai mặc dù có đã sinh hai con gái…

Cách xử sự của Chúa Giê-xu trong câu chuyện kể trên cho thấy trong mắt Chúa, nam cũng như nữ luôn được đối xử công bằng, Ngài quan tâm đến người nữ cũng như quan tâm đến người nam, vì trong Chúa tất cả đều là những con cái yêu dấu của Ngài như nhau. Xin đừng ai sống theo quan niệm của nền văn hóa đông phương lâu đời hoặc chạy theo nền văn hóa tây phương sa đọa ngày nay, nhưng hãy sống theo chân lý của Chúa. Cần nhớ Đức Chúa Trời đã tạo dựng người nam và người nữ, Ngài ban phước cho cả hai như nhau không phân biệt (Sáng Thế Ký 1:26-28), vậy thì ngày nay chúng ta là ai mà dám đi ngược lại ý định của Đức Chúa Trời?

Kết quả của câu chuyện

Khi mở nắp chai dầu thơm quý giá – hoặc đập bể, theo Phúc Âm Mác – để đổ lên người Chúa Giê-xu, cô Ma-ri đã làm một việc bởi đức tin và tình yêu, nên không cần tính toán, suy xét thiệt hơn. Cô chỉ biết chụp lấy cơ hội và hành động ngay do sự thúc giục của tấm lòng yêu Chúa, tin Ngài trọn vẹn. Khi bị chỉ trích, cô yên lặng nhưng Chúa đã lên tiếng. Trong lời bênh vực, Ngài đã nói: “Người đổ dầu thơm trên mình ta là để sửa soạn chôn xác ta đó”, lời nói ấy đã hé mở cho cô cùng mọi người biết về sự chết của Chúa đã gần kề. Đến với Chúa bởi đức tin và tình yêu giúp cho chính mình và nhiều người được hiểu biết thêm về Chúa.

Chúa Giê-xu cũng đã từng nói trong Giăng 14:21 rằng: “Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; ngươi nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta”. Đó là kết quả thấy được, tuy nhiên cũng có những kết quả mà chúng ta không thể thấy được ngay. Cô Ma-ri và mọi người phải chờ đến khi Chúa chịu chết và sống lại mới hiểu hết ý nghĩa lời nói của Chúa trong bữa ăn hôm ấy. Thật là một kết quả tuyệt vời, cô Ma-ri có lẽ đã sung sướng vô cùng khi nhớ lại chỉ có cô là người duy nhất được đặc ân xức dầu cho Chúa ngay khi Ngài còn sống. Sự hy sinh của cô đã được thấy kết quả, dù phải chờ đợi ít lâu. Chẳng những vậy, nhưng còn có những kết quả của việc làm cho Chúa chúng ta không bao giờ chứng kiến được mà phải chờ đến khi gặp Chúa mới biết. Hiện nay sau hơn 20 thế kỷ, chúng ta vẫn đang nhắc đến gương của người phụ nữ đặc biệt này y như Lời Chúa phán: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin Lành này được giảng ra, thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người.”

Người đời thường nói “Cứu vật, vật trả ơn; cứu nhơn, nhơn trả oán”, vì khi chúng ta làm một điều gì đó cho con người, có thể người ấy nhớ, cũng có thể họ quên không nhắc đến, có khi còn hiểu lầm hoặc trách móc này nọ nữa. Nhưng trong sự hầu việc Chúa chúng ta thấy được một chân lý, rằng con người có thể quên nhưng Chúa không bao giờ quên. Hãy nhìn gương của Cô Ma-ri với chai dầu để cứ nức lòng yêu Chúa và phục vụ Ngài.

Kết luận

Dù chai dầu thơm quý giá đến đâu thì giá trị của nó cũng không thể làm cho người phụ nữ tốt hơn khi mang chai dầu trên cổ. Cho dù cô Ma-ri có chai dầu cam tòng hương trị giá ba ngàn hay ba triệu đơ-ni-ê chăng nữa thì cô vẫn là cô Ma-ri tầm thường trong xã hội bấy giờ. Nhưng khi cô chụp lấy cơ hội, hành động bởi sự thúc giục của tình yêu, cô Ma-ri đã trở thành một phụ nữ bất tử, việc làm của cô, tên của cô sẽ tiếp tục được nhắc đến muôn đời. Giá trị của Cơ Đốc nhân không có được do những gì chúng ta có, nhưng có được do những gì chúng ta hiến dâng cho Chúa trong tình yêu và đức tin. Hãy là Ma-ri của thế kỷ 21, dù là nữ hay nam, dù trẻ hay già.

Ánh Dương

Bài trướcKhối Thiếu Niên: Thông Báo Chương Trình Thánh Kinh Hè và Trại Hè Cho Thiếu Niên
Bài tiếp theoThơ: Người Nữ Tài Đức