Ngày 7/5/2017: Cảm Thông

799

Gióp 6:24-30     

24 Hãy dạy dỗ tôi, tôi sẽ nín lặng; 
 Xin chỉ cho tôi hiểu tôi đã lầm lỗi nơi nào. 
 25 Lời chánh trực có sức lực dường bao! 
 Còn lời trách móc của các bạn nào có trách được gì? 
 26 Các bạn muốn trách móc tiếng nói sao? 
 Song lời nói của một người ngã lòng chỉ như luồng gió. 
 27 Quả thật, các bạn xông hãm kẻ mồ côi, 
 Và đào hầm gài bạn hữu mình. 
 28 Vậy bây giờ, nếu các bạn muốn, hãy ngó tôi, 
 Tôi nào dám nói dối trước mặt các bạn đâu. 
 29 Xin khá xét lại; chớ có sự bất công; 
 Phải, hãy xét lại, vì duyên cớ tôi là công bình. 
 30 Có điều bất công nơi lưỡi tôi chăng? 
 Ổ gà tôi há chẳng phân biệt điều ác sao? 

 

Câu gốc: “Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy” (Lu-ca 10:37).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp xin các bạn ông điều gì? Ông khẳng định với họ rằng ông là người ra sao? Bạn áp dụng bài học này thế nào trong tình bạn bè?

 

            Sau khi chỉ trích gay gắt các bạn trong câu 14-23, ông Gióp đổi giọng mềm mại hơn để kêu gọi sự cảm thông của các bạn. Ông kêu gọi các bạn thay vì nhìn ông với sự xét đoán gay gắt, thì hãy nhìn ông với lòng nhân từ và công bằng. Ông Gióp khởi đầu với câu nói thật khiêm nhường, mềm mỏng: “Hãy dạy dỗ tôi, tôi sẽ nín lặng”. Ông không tranh giành hơn thua với bạn, nhưng mong bạn hiểu và cảm thông cho mình. Ông xin các bạn chỉ ra những lầm lỗi của ông (câu 24). Chữ “lầm lỗi” có ý nghĩa là sự phạm tội không cố ý; chỉ lỡ lầm mà thôi. Ông nói với các bạn, lời “trách móc” (câu 25-26) của các bạn không đem lại sự nâng đỡ hoặc lợi ích nào cho ông, mà lại đem ông đến chỗ thất vọng, buồn hơn. Các bạn đã dựa vào lời ông nói ra trong lúc hoạn nạn để kết tội ông, “đào hầm gài bạn hữu mình”, nhưng không cảm thông hoàn cảnh của ông.

 

            Sau khi xin các bạn cảm thông, ông Gióp muốn các bạn xét lại ông qua lăng kính cảm thông đó (câu 29). Cụm từ “vậy bây giờ” bày tỏ lòng mong muốn các bạn thay đổi quan điểm của họ. Ông xác định với các bạn là ông “công bình”; vì không phải tai họa khủng khiếp đến với ông như con cái bị chết, gia tài tàn lụi, cơ thể bệnh tật là do ông phạm tội với Đức Chúa Trời. Ông gọi bạn “hãy ngó tôi” không chỉ để thấy sự đau thương từ tâm hồn đến thể xác do tai họa đã đến với ông; mà ngó ông để thấy ông không nói dối. Ông nói “duyên cớ tôi là công bình”, và ông biết phân biệt điều thiện, điều ác (câu 29-30). Như vậy, các bạn ông Gióp cần xét lại cách xét đoán của họ cho công bằng trong sự cảm thông và chánh trực.

 

            Chúa Giê-xu kể câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành để hỏi ai là người lân cận (Lu-ca 10:30-37). Chuyện kể về một người khách qua đường bị cướp, rồi bị đánh đập nửa sống nửa chết. Một thầy tế lễ đi qua không cứu; rồi đến người Lê-vi lại gần, thấy cũng bỏ đi; nhưng một người Sa-ma-ri, là người bị dân Y-sơ-ra-ên khinh chê, đã băng bó vết thương, săn sóc, trả tiền cho chủ quán để chủ quán tiếp tục chăm sóc người bị nạn. Chúa đồng tình với kết luận, người lân cận là “người lấy lòng thương xót đãi người” (Lu-ca 10:37). Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta thấy các bạn của ông Gióp đã không băng bó vết thương cho ông, không cảm thông, thương xót ông, mà lại đoán xét ông.

 

            Bạn có thái độ như thế nào khi đến với một người bạn đang trong hoàn cảnh đau thương? Cảm thông hay kết án?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có tấm lòng cảm thông, thương xót với bạn bè con. Xin cho con cầu nguyện, khích lệ và giúp anh chị em con giữ vững đức tin dù trong hoàn cảnh nào.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 92-93.

Bài trướcLễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Sông Cầu – Tỉnh Phú Yên
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo Tỉnh Quảng Trị Tháng 05/2017