Ngày 7/2/2017: Cơn Giận Của Đức Chúa Trời

1299

Rô-ma 1:18-23

18 Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật. 19 Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, 20 bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, 21 vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. 22 Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; 23 họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.
 

 

Câu gốc: “Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (câu 18).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Sứ đồ Phao-lô nói về “cơn giận của Đức Chúa Trời” khi mở đầu sứ điệp của ông? Câu Kinh Thánh này dạy gì về “cơn giận” của Đức Chúa Trời? Từ đây, bạn nhận ra động cơ nào cần phải có khi chia sẻ Tin Lành cho người khác?

 

Đối với nhiều người, khái niệm về một Đức Chúa Trời “giận” hoàn toàn xa lạ với một Đức Chúa Trời yêu thương, và thật khó chấp nhận để dùng khái niệm này mở đầu cho sứ điệp Tin Lành. Nhưng ít nhất có hai lý do để Sứ đồ Phao-lô đề cập đến cơn giận của Chúa: Thứ nhất, là do bản tánh thánh khiết của Đức Chúa Trời; và thứ hai, là sự cần yếu của Tin Lành.

 

Tin Lành không nhằm đưa ra cho con người thêm một lựa chọn để giúp họ có được một cuộc sống tốt hơn, đạo đức hơn, ý nghĩa hơn. Tin Lành đưa ra cho con người một giải pháp duy nhất để cứu họ khỏi sự hủy diệt. Sự hủy diệt đó chính là cơn giận của Đức Chúa Trời. Con người cần Tin Lành vì họ đang đối diện với cơn giận của Đức Chúa Trời, với sự đoán xét, với sự chết, và chỉ có Tin Lành mới đem họ ra khỏi cơn giận đó. Khi chúng ta tránh né nói về “cơn giận của Đức Chúa Trời,” người nghe sẽ không nhận ra sự cấp thiết của Tin Lành và sự nguy hiểm tột cùng nếu từ chối Tin Lành.

 

“Cơn giận” ở đây chỉ về sự phẫn nộ một cách kiên quyết, chín chắn, điềm tĩnh, không thay đổi của Đức Chúa Trời. Không phải là cơn giận bộc phát do cảm tính và không kiểm soát của con người.

 

Cơn giận của Chúa đã được “tỏ ra”, có nghĩa là “liên tục được tỏ ra”. Cơn giận của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua việc đuổi ông bà A-đam, Ê-va ra khỏi Vườn Địa Đàng (Sáng Thế Ký 3), tiêu diệt dòng dõi gian ác của loài người qua Cơn Lụt (Sáng Thế Ký 6), qua hệ thống tế lễ trong Cựu Ước, và qua việc ban Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá.

 

Cơn giận của Đức Chúa Trời tỏ ra trên “mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình”, chớ không phải trên tội nhân. Nói cách khác, Đức Chúa Trời ghét tội lỗi và yêu tội nhân. “Không tin kính” đề cập đến sự thiếu tôn kính, tận hiến, và thờ phượng Đức Chúa Trời chân thật, một sự thất bại tất yếu dẫn đến những dạng thờ phượng sai lầm. “Không công bình” bao hàm ý nghĩa của sự không tin kính nhưng tập trung vào hậu quả của nó, chủ yếu nói đến cách người ta sống với nhau. Sự không tin kính tất yếu sẽ dẫn đến sự không công bình.

 

Cơn giận của Chúa tỏ ra trên “mọi” điều không tin kính và không công bình, nghĩa là vấn đề không phải là không tin kính hoặc không công bình nhiều hay ít, mà là chỉ cần một điều không tin kính hoặc không công bình là sẽ đón nhận “cơn giận của Đức Chúa Trời”. “Vậy thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn, vì Ngài đã chỉ định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công bình đoán xét thế gian, bởi Người Ngài đã lập, và Đức Chúa Trời đã khiến Người từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về điều đó cho thiên hạ” (Công Vụ 17:30-31).

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận biết tội lỗi của mình, ăn năn quay lại với Ngài để được tha thứ và tránh được cơn giận của Ngài.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-mốt 9.

 

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ Bà TRẦN TRỌNG CẨN
Bài tiếp theoNgày 8/2/2017:Sự Bày Tỏ Của Đức Chúa Trời