Lê-vi Ký 19:9-10
9 Khi các ngươi gặt lúa trong xứ mình, chớ có gặt đến cuối đầu đồng, và chớ mót lại những bông còn sót; 10 các ngươi chớ cằn mót nho mình, đừng nhặt những trái rớt rồi, hãy để cho mấy người nghèo và kẻ khách: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi.
Câu gốc: “Đức Giê-hô-va bảo hộ khách lạ, nâng đỡ người mồ côi và người góa bụa; nhưng Ngài làm cong quẹo con đường kẻ ác” (Thi Thiên 146:9).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa dạy về cách gặt lúa và thu hoạch vườn nho có gì “khác thường”? Lý do gì Chúa dạy làm như vậy? Có bài học cụ thể nào cho chúng ta trong đời sống hiện tại?
Ông Môi-se sống cách chúng ta khoảng 3.500 năm trước. Nền kinh tế Do Thái thời đó phần lớn dựa vào chăn nuôi và nông nghiệp. Những người không có đất để canh tác hoặc chăn nuôi dễ bị thiếu thốn, nghèo đói. Thành phần tiêu biểu cho hạng người nghèo trong xã hội Do Thái thời đó là ngoại kiều (không có đất canh tác), trẻ mồ côi và người góa phụ (không đủ sức lực để lao động). Chúa công khai bênh vực những hạng người này. Ngài cảnh cáo những người ức hiếp hoặc khinh khi họ và ban phước cho những ai thương xót, giúp đỡ họ (Châm Ngôn 14:31; 17:5; 19:17).
Hơn thế nữa Chúa còn phán bảo ông Môi-se làm luật để giúp đỡ người nghèo. Cứ mỗi ba năm, tiền thuế một phần mười của dân chúng được dành riêng để giúp đỡ người Lê-vi (họ chuyên lo việc thờ tự và không có đất canh tác) và ba hạng người nghèo nêu trên (Phục Truyền 14:28-29; 26:12). Đặc biệt Chúa còn ra luật để người nghèo có quyền đi mót hoa màu trong mùa thu hoạch. Vì thế, Chúa bảo các con gặt chừa phần cuối bờ ruộng và đừng mót những bông lúa còn sót (Lê-vi Ký 19:9), và nếu có bỏ quên một bó lúa ngoài ruộng thì đừng trở lại lấy, hãy dành cho người nghèo (Phục Truyền 24:19). Sách Ru-tơ chương 2 mô tả công việc mót lúa của bà Ru-tơ để nuôi sống mẹ chồng và bản thân là dựa vào luật nhân đạo này. Tương tự như thế, Chúa bảo chủ vườn nho đừng hái sạch cây nho và đừng nhặt những trái rớt dưới đất, hãy chừa cho dân nghèo (Lê-vi Ký 19:10; Phục Truyền 24:21).
Có thể có một số người thắc mắc tại sao không gặt sạch ruộng lúa, hái sạch vườn nho rồi bố thí cho người nghèo một phần nông sản hoặc một phần tiền bán nông sản, phương cách này có vẻ tiện hơn? Nhưng cách này dễ bị một số người lười biếng lạm dụng (Châm Ngôn 6:6; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12). Trong vườn Ê-đen, Chúa giao cho tổ phụ loài người công việc “trồng và giữ vườn” chứ không chỉ ăn không ngồi rồi (Sáng Thế Ký 2:15). Cách tốt nhất để giúp người nghèo mà không làm tổn thương nhân phẩm họ là tạo cơ hội để họ làm việc. Thí dụ, để tránh tự ti mặc cảm nơi người nghèo, thay vì bố thí cho họ bữa ăn miễn phí, chúng ta bán cho họ với giá rẻ. Thay vì cho tiền bạc thì chúng ta tạo công ăn việc làm cho họ để họ tự kiếm tiền bằng sức lao động của mình.
Luật nhân đạo cho phép người nghèo mót nông sản vào mùa thu hoạch nhắc nhở chúng ta biết yêu thương, giúp đỡ những người thiếu thốn cách khôn ngoan và hiệu quả. Cách tốt nhất là tạo cơ hội, phương tiện để họ tự đứng trên chân mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con biết yêu thương giúp đỡ người nghèo cách hữu hiệu đồng thời không làm tổn thương nhân phẩm họ.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ca Thương 5.